Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ông Địa - Truyện Ngắn

    Còi tầm của nhà máy dầu hụ lần thứ nhất, ông lão Vị trần xì cái tà lỏn lươi bươi bước vô quán phở Năm Sùi. Vừa đi, ông vừa lắc lư cái cần cổ ngắn rụt nung núc thịt. Chả thèm nhìn ai, ông ngồi vào chiếc ghế xúp trước cái bàn nhỏ góc quán.
.

Đã thành lệ, ông lão ngồi xuống, đập hai chân bồm bộp rồi co một chân lên khiến cái bụng tổ chảng lệch về một phía. Bàn tay có những ngón bè ra, móng tay viền cáu ghét bắt đầu gãi sồn sột vào đùi và bọng chân nần nẫn thịt màu thiết bì. Nhìn kỹ, dưới nắng mai chiếu xiên, vết gãi tở ra thứ bụi mốc trắng của da khô lười tắm nom gai cả người. Thi thoảng cái bàn tay ấy ngừng gãi vỗ tam tám phía sau lưng hoặc trước bụng đuổi muỗi.

Bát phở cô nhân viên chạy bàn bưng đến đặt kịch. Lão xoay nó vào đúng vị trí. Đôi mắt như đạn lên nòng xói vào khay rau thơm, chai tương ớt, hũ nước mắm, dĩa chanh tươi... Đôi tay thoăn thoắt, chăm chút chúng đến độ bát phở được chất đầy um rau và gia vị. Sau khi dùng đũa khoắng trộn lộn xà ngầu tất cả, ông lão khoanh đũa một vòng đưa lên miệng nếm thử mặn nhạt, gõ đũa cạch vào thành tô rồi bắt đầu bữa sáng. Nhìn lão Vị ăn nhồm nhoàm, bầy hầy, chướng mắt thì đã rõ nhưng chả ai lạ. Kệ! cả cái thị trấn này có ai không biết lão đâu. Người ta còn biết cả cái bàn góc kẹt trong cái mặt bằng quán phở rộng thênh thang là chỗ vợ chồng Năm Sùi chủ quán dành riêng cho lão nữa. Có người đùa nơi ấy là … bàn ông Địa. Dân thị trấn huyện lẻ cũng dông dài, ít người chấp nhặt cái cung cách ăn phở thiếu mỹ quan của ông lão. Còn khách lạ? Mấy ai ở thành phố cất công chạy tới đây để ăn sáng mà lo.

Người ta gọi lão là ông Địa cũng có ý cả đấy. Chả phải suy diễn từ cái kiểu ngồi xếp chõm chệ nơi đỉnh cầu Phú Niên câu tôm giống nghệt dáng ông Địa mà nó còn cả một bề dày sâu xa. Xin cứ giở ngược lịch sử về hơn hai chục năm là thấy ngay: Cái thời mà rừng ngập mặn còn gần xệu mé bên kia kinh ngang. Có tới hai thời, lão Vị từng là bùa hộ mệnh (thậm chí bảo kê), từng là ân nhân của khối người trong đó có vợ chồng Năm Sùi.

Lão Vị xuất thân dân dạt Rừng Sác. Thời xưa, nhắc đến Rừng Sác là ghê lắm. Nơi ấy ban đầu tụ tập toàn các thành phần bất hảo không thèm coi thể chế, luật lá, chính quyền ra cái gì. Ở đó, người ta thích thì làm, không thì thôi. Mãi sau này những người họat động bí mật bị khủng bố mới lánh về rồi thu phục nhân tâm dân thảo khấu, giang hồ và sau nữa mới lập chiến khu Cách mạng.

Lơ xe mãi không khá, Vị đi ở cho điền chủ. Trong một lần dạy võ cho con chủ nhà, lỡ tay đuy-rếch quá mạnh, thằng con ông chủ dập hòn cà chết tươi! Hoảng quá, Vị lủi tuốt vô Rừng Sác trốn kỹ. Cách mạng đến, Vị là đối tượng tuyên truyền, thuyết phục của họ. Thế nhưng, Vị xưa nay thích tự do, vô tổ chức thành bản tính, dòm mấy anh Cách Mạng thì nể phục có nể nhưng theo hẳn thì… cho em xin! Vị tìm cách ra hương lộ đánh xe thổ mộ.

Nom khá bảnh trai, lại nén lòng cưa sừng thành nghé bởi cái píc bị nhà đương cục tầm nã nên Vị được lòng mọi người. Ngay mấy người lạ leo xe kiếm đường về Rừng Sác kể như khỏi tiền bạc. “Qua đỡ mấy người một độ đường“. Tử tế thì hẳn rồi nhưng phải cái Vị có máu… ba lăm! Cứ cô nào leo xe tướng tá dày cơm là Vị khoái. Gã chờ khi ghé bến, cầm tay khách đỡ xuống mà nghe tay nong nóng, mạch hơi giật nhẹ là kiếm chuyện. Cái miệng gã nịnh leo lẻo và bàn tay to bè cứ mông người ta mà vuốt ẩu. Chửi: cười! đánh mạnh: cười! đánh nhẹ: càng cười! cứ nhăn nhăn nhở nhở như “đồ mắc dịch“ vậy mà một mình lượm hai bà vợ, đặt hai dinh cơ ở hai chặng đường xe thổ mộ. Hai bà, bà nào cũng sắc sảo, cơm cùi đúng gu to khỏe béo bền và cách làm ăn cũng thớ lợ chát chao chả kém gì dân buôn nhà nòi. Từ ngày có hai vợ, Vị ta có đứng đắn hơn trước. Lịch trình sum họp rạch ròi: thứ ba, năm, bảy về bà Nhứt, thứ hai, tư, sáu ghé bà Nhì còn chúa nhựt dứt khoát nhong nhong ếp ếp tùy nghi… ghé đâu thì ghé kiểu” ai nuôi cơm tôi hông?”

***

Mãi sau này, mọi người mới biết lão Vị khôn quật giời. Hai bà vợ đẻ hơn chục đứa. Lớn lên lão lựa một nửa con trai cho đi lính, nửa còn lại gửi gấm mấy anh, mấy chú trong chiến khu. Bốn cô con gái lấy ai thì tùy nhưng bay cử một lượm cho tau thằng chồng cảnh sát gộc để dựa hơi đỡ khoản mã-tà, phú-lít với bọn âm binh kiếm chuyện.

Cái ngày giải phóng về, ai cũng cuống lên chuyện di tản, chuyện trốn tránh thì lão Vị tỉnh rụi: Nhà này đứa nào thích thì di tản. Thích chết kiểu đêm không ai hay, ngày không ai biết ở xứ người thì cứ đi. Đứa nào không đi, ở lại tao bảo đảm không ai làm gì tụi bay. Sao á? Tao là bố một đàn con: thằng lên xanh, thằng nhảy núi, thằng vác tôm xông cho ngụy. Chế độ Ngụy hay chế độ Cộng Sản tao đây cũng có con đóng tới cấp tá. Không lẽ thằng anh bắn bỏ thằng em trước mặt ông già nó hay sao? Ấy là nói khiêm tốn vậy chớ thực ra ông lão bảnh hơn nhiều. Người ta còn thống kê được từng chuyến ông dùng xe thổ mộ chuyên chở cán bộ Cách Mạng chuyển vùng họat động, từng tấn vũ khí, truyền đơn, thuốc men… chuyển vào chiến khu. Bảo ông làm báo cáo, khai thành tích, ông cười hềnh hệch: ”Chuyện nhỏ vầy mà công cán thành tích cái chi. Tui hay ai chạy xe thổ mộ cũng làm vậy cả. Cùng người Việt máu đỏ da vàng với nhau mờ!”

Xe thổ mộ không còn, ông xoay chạy xe bồn. Ông mua đất lập cái ga-ra ven đường. Công việc làm ăn cứ thế mà tấn tới. Bên cạnh cái ga-ra của ông xuât hiện thêm vài cái chòi bơm xe, vá vỏ, bán xôi, bắp với bún riêu.

Vợ chồng Năm Sùi phiêu bạt từ Miền Trung đến và bắt đầu lập nghiệp bằng vợ mẹt xôi, chồng ôm cần rê và cắm câu. Nói về vợ Năm Sùi trước: Khi mẹt xôi của y thị xuất hiện thì những ma cũ trong khu vực trợn mắt: "A, dân dạt ở đâu dám tới giành khách? Cô bé bán xôi cũ đã sắp cho “con mẻ mập” biết thế nào là lễ độ...", thì ông Vị đi ngang: ”Tụi bây đúng là … thân cò khác gì thân chim mà gây nhau. Ta bảo ngưng đập lộn là dẹp à nha!“. Nhờ một câu nói mà “ma mới” yên tâm gói xôi. Nhìn vợ Năm, lão Vị nuốt khan. Mẹ khỉ! thằng chồng mặt rỗ nhằng rỗ nhịt rắc cả đầu vừng không kín rỗ thế mà kiếm được con vợ dày cơm, thơm cùi. Chà! cái mông, cái eo thế kia cứ gọi là… là đẻ đến phá bầy. Chỉ tội cái mặt hơi cằn. Nhưng mà…chậc! gặp thằng Năm Sùi típ người yêu đương kiểu ưu tiên mé dưới thì bản mặt cằn cỗi mà ăn nhằm gì. Hôm trước có ai đã bảo cứ lấy cái khăn mù soa rắc dầu thơm che lên mặt vẫn đủ mệt bằng vác cày leo núi cơ mà!

Vợ Năm Sùi leo lẻo: ”Con mời bác xơi xôi!”. Ông ừ hữ. Hay ông chê xôi con? Vẫn ừ hữ: ”Hừ … ăn xôi nóng họng thấy mẹ. Sao mầy không cháo hay hủ tíu?". Vợ Năm ỏn ẻn: ”Thưa bác, tụi con kẹt không có vốn! “ - "Hử? thế thằng chồng mầy đâu? Bảo nó kiếm qua!".

Trong khi đó thì Năm Sùi đang chú tâm với công nghệ chế biến mồi câu cá Ngát độc chiêu. Cá Ngát ở vùng này rất nhiều mà con nào con nấy chắc lẳn như cái chày vồ. Lạ! Năm Sùi đi đã nhiều nơi mà chưa thấy nơi nào con cá con tôm lại nhiều và ăn ngon như ở vùng này. Sao cà? Ừ! hình như có lần lão Vị bảo rằng đây là vùng nước chè hai nên hải sản ngon có tiếng. Chè hai là cái chi? A! tóm lại thì nó chỉ là sự trộn trạo của nước mặn, nước ngọt và nước lợ bằng bàn tay của ông Giời. Cá tôm thì nhiều nhưng Sùi mê nhất là bọn Ngát. Đây là giống cá phàm ăn. Mồi gì gặp chúng cũng tớp vào tận bao tử. Thế nhưng kiếm cách dụ chúng đi cả bầy tìm mồi thì chỉ Năm Sùi có bản quyền. Trong cái chòi con của Sùi, đi đâu thì chớ chứ về nhà là y phủ rèm giã ký cốc kỳ cạch suốt. Trong cái ngăn tối như hũ nút ấy bốc ra lúc thì mùi thơm lựng như mùi cua nướng, lúc thì khen khét như mật cháy, lúc thì hoi hoi oi khói của cơm khê …

Đôi lần, lão Vị nổi máu vác cần theo Năm Sùi câu cá Ngát. Mê thật! biết câu là sinh mê. Già đời người có lúc lão giật mình tự cười: Mê câu còn hơn cả ngày xưa mê gái! dẫu rằng Sùi câu ba con thì lão chỉ được một! nơi câu thường là kè đá. Cái hũ mồi do Sùi kỳ cạch chế biến dẻo quánh như bánh xào, vo viên vào đầu lưỡi câu rồi thả xuống, mắt chăm chú nhìn đầu cần khi nào nó nhấp chúi là phải lắc mạnh tắp lự và guồng cái cuộn dây gai cho nhanh kẻo con cá rút vô hang là hỏng cháo. Thường thì mỗi buổi câu, lão Vị chỉ lượm một con trồng trộng thảy cho vợ Năm Sùi làm nồi chua còn bao nhiêu để Sùi tùy biến. Cái cách vô tư của lão khiến Năm Sùi nể và nể đến nỗi có lần gã tuyên bố bật mí bí quyết làm mồi cá Ngát. Kìa! khi thằng Sùi đang thao thao với còng lửa nướng vàng giã nhỏ, trộn với cơm cháy nhuyễn rồi nghiền xôi nếp cho thật dẻo trộn vào sau đó… thì lão Vị trợn mắt cắt ngang đúng điệu dân giang hồ có mỏ neo: ”Thôi dẹp đi mầy! mỗi tuần vài chục con cá Ngát, đít ướt rền rệt, người tanh như rồ, vắt mũi không đủ đút mõm mà hay ho gì. Trò câu kéo không thể gọi là nghề! mịa kiếp! tao mê câu thật nhưng chỉ là mê một món chơi với mầy chứ đếch thèm biết mồi mè tanh tưởi. Phi thương bất phú! mày bỏ đồ nghề đi, về tao cho mượn vốn…"

***

Cho vợ chồng Năm Sùi mượn vốn rồi nhưng xem chừng cái quán phở Bò kia sập tiệm vì ế ẩm. Đến cả tháng sau khi hỏi thăm vẫn nghe vợ chồng Năm Sùi than phải ăn bánh phở thiu trừ bữa thì ông lo tợn. Kiểu này không khéo chúng nó bỏ đất này quỵt nợ mình luôn. A nó thua mình thua! nhưng đời lão đầu dễ thua lãng nhách vậy được? Phải giúp chúng! ông nhắn nhe, nhờ vả anh em tài xế quen biết, bạn bè xưa ghé quán phở ủng hộ. Chính ông là vị khách đầu tiên, bắt buộc theo kiểu: ngồi đấy, vừa ăn, vừa gật chào bạn bè vừa… cho nó hên và vừa cho giúp cho Năm Sùi đỡ ế. Ban đầu, ông Vị còn tà lỏn, sơ mi cộc tay, sau riết nóng bức quá quanh năm ông ở trần. Cái tướng ông vốn to béo lại thấp đậm nên cái biệt danh: Ông Địa bắt nguồn từ cái cách ngồi ăn phở. Chả biết có phải cố tình quảng cáo hay thật tình mà ông lão bảo đời mình đi khắp bàn dân thiên hạ chưa thấy phở ở đâu ngon như ở đây. Con mẹ Năm Sùi kỹ tính chịu thức đêm hớt bọt ninh xương, thằng chồng chịu khó bỏ sức ngồi đập xương heo lấy tủy hãm nước dùng. Phở ngọt, ăn gà có mùi gà, ăn bò có mùi bò xộc nồng khoang xoang mũi và nhất là cái khoản dấm tỏi kiểu miền Trung …

Đối với vợ chồng Năm Sùi, ông là ân nhân, là hàng xóm, là chỗ dựa mọi tình huống. Ngay mấy thằng ba gai hay mượn rượu xin đểu cũng từng ngấp nghé “đóng nắp” Năm Sùi nhưng ông Vị chỉ lừ mắt lập tức đi chỗ khác chơi. Thực ra, tụi nó đâu có chết nhát nhưng mọt làm sao dám nhằn cứt sắt? Giỡn mặt với bố của hai đặc công Rừng Sác với ông già vợ của thiếu tá quân đội nhân dân thì chỉ có mờ đời! mà bảo nhau bỏ nghề câu nhưng từ già chí trẻ có ai quên được cây cần câu. Lão Vị và Năm Sùi cũng vậy. Thỉnh thoảng, nổi hứng hai cần thủ này thuê luôn cả ghe gắn máy bươn ra gần cửa biển mà câu cá Bông Lau. Kinh! con Bông Lau tới mùa tháng Chạp là mon men ở cửa sông. Những ngày nước kém, bọn này cứ muốn chụm vào những giọt ròng, nơi xoáy hắm mà đón mồi. Những lúc căn đúng luồng, đúng nước như thế ngoài đầu Vàm cũng đã giật mỏi tay. Những con cá mùa xổ vừa to vừa mập như cái phướng cám heo. Chà! cái bát canh chua Bông Lau mùa cá xổ sao mà ngon trác tuyệt đến thế. Thịt cá thì trắng phau, mỡ cá thì hươm hươm vàng trên ấy đậu những lát ớt đỏ thắm. Nồi canh chua cứ chòng chành theo từng con sóng đánh vỗ mạn thuyền. Muôi nước canh lịm dịu màng me cho tay run run đưa lên húp vội và vội mấy cũng không nhanh bằng sóng gió chao đẩy cho nguyên cả muôi nước hẩy xộc vào mũi cho thân mình sặc khé. Trẻ, già lại nhìn nhau cười rỡ rượi. Ôi dà dà! câu nệ làm chi khi chỉ có ông, có con giữa trời mây non nước …

Rồi những chuyến đi cũng thưa dần khi Năm Sùi luôn bận bịu và hở ra là gã chuyển thể từ câu sang…cấu véo. Biết mấy lần, cái mặt rỗ kia xìu xịu, tồi tội như còn nước quì xuống xin lão Vị cảm thông mà nói hộ vài câu bảo lãnh tư cách với bà vợ tinh quái ra sách trắng. Ờ! vẫn biết thầy trò cùng típ 35 nhưng vợ Năm Sùi dẫu dữ rằn mấy thì khi có lời của lão Vị là cho qua cái tội đi câu cá 45 ký mà về dối cuội.

Lại nói về quán phở Năm Sùi, dù theo thời gian, tay nghề tinh thông, khách khứa nhiều lên, quán được cơi nới và có tiếng nhưng xem ra nơi ông ngồi, cái vị trí đắc địa kia trong quán vẫn vô cùng ý nghĩa với quán Năm Sùi. Vợ Năm vẫn bảo: "Với ông thì nhà con cứ là sống tết, chết giỗ. Đời con cha mẹ mất sớm, xin lấy ông làm ngoại cho cái Hĩm, thằng Bò …". Nghe con bé nói, lòng ông mềm nẫu vì nó đã nói trúng cái tình đời trong ông bởi ông vốn là người của đường đất, của những bươn chải nhốn nháo pha những bụi bặm và dăm câu chửi thề vô định. Đời ông, từ lúc lọt lòng mẹ đã đẻ rơi trên nền đất phèn nhiễm mặn. Tuổi thơ lê la với đọt chà là, nhánh đước vùng sâu. Lớn lên lạc thảo theo thầy làm lơ xe bươn bả khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Những tưởng quãng đời đi ở làm mướn cho chủ đất sẽ đổi đời và đôi chân sẽ trụ lại. Nhưng cái phần số của ông nó cứ buộc đời phải trải theo những cung đường nên mới xảy ra cái sự cố không chủ tâm đập mà lại chết người năm nọ. Buồng phổi nếu có ngăn cất giữ chắc thu lượm dễ đến hàng tấn bụi đường đời. Cuộc đời vốn dĩ thế nên mọi sự tù túng, định chế với ông lão đều như cực hình…

Cái số Năm Sùi đến kỳ gặp và phất lên. Nói cái số cho đúng bởi gã không buôn thuyền, bán bè, không đong đầy bán vơi, không thớ lợ, lươn lẹo mà chỉ có phở và phở! Với gã chỉ là tiếng dao ký cốc, lò lửa bập bùng cùng các thuật ngữ chín, tái, nạm gầu, xé phay… muôn thuở. Giống như nhiều ông hàng phở khác, trang phục của Năm Sùi là quần soóc lửng với cái áo blu-dông bó đít kiểu Đông Đức, đầu trần, chân đất, người to ngang như trâu nan nhưng di chuyển lanh lẹ như báo gấm.

Vẫn như vài ông chủ quán khác, Năm Sùi hay cười và có tật bông lơn. Cái mặt rỗ cả đấu mè không khắp vậy mà mỗi khi cười ra thớ ra vùng, cánh mũi hơi hỉnh lên thành thử đâm ra có duyên, rõ ra típ rỗ mà rỗ hoa, đen mà giòn. Cái khoản bông lơn thì Năm hơi ẩu. Gã bụm tay vỗ đít hết thảy chị em nhân viên bưng phở. Gã thanh minh rằng cái tay cầm hành, cầm hẹ nhiều hay sinh mỏi. Mà mấy con nhỏ bưng phở cứ túng tẩy, cái mông riêu lên nom mắc ghét nên không vỗ không được. Mỗi lần như vậy dòm cái tai cô giúp việc đỏ lựng và đôi tay nhuốm mỡ của họ ngượng ngùng sang số (sửa quần) là vợ Năm sôi máu. Mẹ kiếp! vẫn biết thằng cha mũi cụp nhọn sân thì gái nào moi nổi của nhưng mà ngứa mắt lắm. Chén bát quăng qua quật lại đã từng. Có thằng cha thầy bói vườn muốn kiếm tô phở chùa dúi cho vợ Năm cái bài bói: "Muốn phát tài thì hai mệnh ông bà vốn tương khắc phải chồng trên (nhà) vợ phận dưới (bếp)”. Cái kế ly gián đã trúng kênh duy tâm của vợ Năm Sùi. Thế nhưng duy tâm thì hẳn nhưng thị cũng rắp tâm kén thuê toàn các cô kém bề nhan sắc cho lão ấy bơn bớt đi...". Năm Sùi biết tỏng. Gã cười ruồi: "Quán quay hướng đông, buổi sáng, nắng mai chiếu xiên, chị em mình chấp chới qua lại, quần đồ bộ mỏng tang thế kia… Xà! cơn cớ này thì xấu đẹp mà ăn nhằm gì?!? Đời thằng Sùi này chỉ toàn nhìn…xuống chớ mấy khi được nhìn lên? Ơ hơ! đã bảo văn công nghệ thức khuya dậy sớm mà lại…"

Duy có điều hơi kẹt là ông lão Vị ngồi như ông Địa nơi góc nhà ngay cạnh chỗ khuất Năm Sùi hay bốc hốt chị em. Đành là chuyện đàn ông cả. Xem ra chuyện thả dê của Sùi còn thua ông cụ xưa hàng trăm bậc nhưng múa rìu qua mắt thợ hoài đâu được!

Như đã nói, số Năm Sùi có của. Chả là một số bà con thường cắm quán. Tô phở chả bao nhiêu nhưng cộng dồn cũng ra vấn đề. Thêm nữa, một số người thi thoảng xin vay, mượn đỡ. Ấy là cái ngày xưa bao cấp, đất đai còn hoang hóa nhiều rẻ như cho, đã có ai mua đi bán lại. Người ta mang cả bằng khoán đến cầm rồi gán đứt cho Năm Sùi. Ngày ấy nói là gã "bị" cầm ruộng, vườn cũng đúng bởi dân quê có còn gì thanh toán ngoài ruộng vườn. Chậc! thôi thì cứ sang tên cắm chà, gây dừa nước để đó ngó chơi chứ đất cát xứ này mà canh tác nỗi gì? Vậy mà chỉ vài năm, gã bán phở ngụ cư vụt trở thành ông…chúa đất!

Giàu lên, Năm Sùi không bưng phở nữa. Mọi việc nhất nhất có người làm công. Gã chỉ còn vai trò quản lý. Mà cũng không chỉ có Năm Sùi giàu lên, mọi người xung quanh ai cũng khá lên sau cái đận mở cửa bước vào kinh tế thị trường. Với phở, bên tai Năm nghe khá nhiều ý kiến. Từ chuyện sao không nâng cấp phở, sao không cơi nới quán cho bề thế, trương cái bảng hiệu chữ nghĩa vi tính hóa cho xứng danh… vân vân và vân vân. Ngay cái chuyện tại sao quán phở có ông lão ngồi mút mát suốt sáng cũng có người đặt vấn đề góp ý.

oOo

Khi nghe chồng nói lại những góp ý của khách, vợ Năm Sùi giãy nảy:

- Không được! ông cụ là phúc, là lộc của nhà mình. Không thể thay đổi! dù có bước vào thế kỷ 30 cũng mặc chứ đường nói là thị trường với thị đoản. Này bố nó! không có ông cụ liệu mình có chỗ mà đặt bàn thờ cúng ông bà chưa chứ đừng nói…

Năm Sùi đấu dịu:

- Mẹ nó đừng gắt như mắm thế. Tôi chỉ định bảo cụ dùng bữa nhanh nhanh lên thôi!

- Không được là không được. Một đời người già, hai đời con trẻ. Các cụ già hay tự ái lắm. Bố nó lại làm hỏng hết việc.

- Bà là đồ âm lịch! xã hội đi lên ầm ầm. Nhà mình cũng phải thế thời thời phải thế. Kệ xác tôi. Mà bà cũng phải thay đổi cách nghĩ cổ hủ mấy đời nay đi. Anh em thậm chí cha con là chuyện trong nhà; thương trường, làm ăn là chuyện xã hội. Cái gì ra cái nấy, đừng trộn vào nhau khó xử lý thấy mẹ. Tôi tin ông cụ hiểu điều này. Tôi bảo mai nói nhắc ông cụ là phải nói…

Mắt vợ Năm Sùi đã long lên:

- Ông mới là đồ có mới nới cũ. Này, tôi nói cho mà biết: chưa kể chuyện ơn nghĩa ân tình mà chỉ xét thuần túy: ông cụ là khách. Mà khách hàng thì… Này, tôi còn bảo cho anh biết ý đồ anh muốn cho ông cụ biến mà dễ ôm dễ vuốt mấy con âm binh kia chớ gì. Này! có động nấng thì cũng phải ra ngoài! ra ngoài cái quán, cái nhà này! xớ rới ở đây có ngày cả lũ ăn dao thái phở! hừ! con này nói mà không nghe cứ làlành làm gá o, vỡ làm muôi, lôi thôi đất cát

Chả biết Sùi nhường vợ hay câu chì chiết hăm dọa kia bắt đúng thóp mà gã im re. Cái mặt rỗ xị xuống nom phèn phẹt thêm. Nước này thì chỉ có phá bĩnh mà dẹp nghề phở. Xà! bất giác, Sùi cúi nhìn cái bụng hơi xề xệ của mình; ơ! mà dẹp phở thì mình làm gì nhỉ? Không lẽ lại trở về nghề cắm câu, bẫy cá? Điên? Điên! có bao nhiêu hồ, đầm, vũng, ao cùng những tràn ruộng người ta san lấp gần hết. Ngoài sông thì ô nhiễm, rác rến tràn lan. Con cá con tôm chạy biệt. Câu chơi cho có chứ xoay ra kiếm ăn xem ra không có cửa. Ơ! ờm! không lẽ cắt đất bán dần mà ăn, mà chơi? Không! cứ theo cái kiểu chơi đời mới, bo đời mới, ngủ đông đời mới này thì một công đất vài trăm triệu cũng chỉ vung vinh được vài tháng. Mà đời con người ta thì … thôi! mình sẽ …

Thế nhưng, chẳng chờ Năm Sùi phải đo đẳn hay lựa lời, tự nhiên ông lão Vị không đến quán phở nữa. Sáng sáng, người ta thấy ông lão ngồi mãi quán cà phê bên này đường, đôi mắt chậm chạp, u buồn ngó ngang sang quán phở. Mặt trời lên chừng con sào, ông đu người đứng dậy nặng nề quay lưng bỏ lại ly cà phê sữa đục lờ xám ngoét.

Rồi, ông lão cũng không ra quán cà phê nữa. Cả cái dáng ngồi lưỡn phưỡn trên cầu Phú Niên với cái cần câu tôm cũng vắng. Nghe đâu con cháu trên thành phố đã thuyết phục được ông đi đổi gió. Và, người ta quên phứt ông lão. Cái bàn gỗ ông thường ngồi được dẹp đi nhường chỗ cho những cái bàn ghế rộng, cái nào cái nấy vuông vắn, nhẵn bóng rồi quạt tường, đèn chùm, khăn giấy. Khách có vẻ đông hơn dù giá một tô phở có được đẩy lên chút đỉnh.

Mọi việc ở cái thị trấn ven đường cứ trôi đi êm ả. Quán quay hướng đông, nắng vẫn chiếu xiên bốn mùa cho đến một ngày kia, chiếc ô tô đời mới đỗ xịch trước quán phở. Người tài xế còn trẻ, ăn mặc lịch sự, tỏ ra nghiêm trang trước cung cách xun xoe quá đáng của Năm Sùi trước khách sộp.

- Ông là Năm Sùi?
- Đúng ạ!
- Ông bác tôi dặn là cụ Vị sắp… cụ muốn ăn một tô phở…

Năm Sùi cuống quýt:

- Phiền anh chờ cho. Tôi muốn mua biếu cụ thêm ít cam nho…
- Không cần dài dòng. Nhanh lên thưa ông. Cụ Vị nhà tôi …

Như hiểu hết vấn đề, vợ Năm Sùi lao vào kho xép. Chỉ trong giây lát, thị mang ra chiếc bàn độc mộc nhỏ bám đầy mạng nhện, cái ghế nửa xúp, nửa đẩu, giật cái cạp lồng nhiều ngăn giúi cho chồng, tay chỉ vào bếp phở. Năm Sùi cũng hiểu tắp lự. Gã thao tác như xiếc. Chỉ sau vài phút, cả hai vợ chồng đã lọt thỏm trong chiếc xe hơi. Chiếc xe xả còi trong vắt uốn điệu nghệ dời thị trấn trước vài anh mắt tò mò dõi theo.

Cả cái bệnh viện tư cao cấp này ngạc nhiên bởi cái sự xuất hiện đường đột của băng Năm Sùi. Vợ: áo quần vò vặn, lưng chữ cụ, miệng chữ ớ, mắt hết nhìn ngang lại nhìn dọc cái hành lang sạch láng, chân thị nhon nhón dẻo như múa. Chồng: soóc lửng khâu thêm dải treo, áo khuy trên lồng nhầm khuyết dưới, đầu đinh, tóc hai màu, mắt nhìn lơ lửng, cặp chân vòng kiềng của y bươn bả rõ ra nặng nề với chiếc bàn, cái ghế và giỏ đệm, cạp lồng, bình thủy… Nhìn hai vợ chồng gã hàng phở đi giữa những rèm bâu ngoại nhập, cửa kính đổi màu loang loáng, giữa tiếng sè sè của máy điều hòa, mùi long não, ê-te thoang thoảng thế kia có người liên tưởng đến đoạn đem diễn viên nghiệp dư lên cả sân khấu Hoàng gia biểu diễn.

Mặc!

Khi cánh cửa phòng bệnh mở ra. Dù trong phòng hơi tối nhưng vợ chồng Năm Sùi vẫn nhận ra ngay ông cụ Vị nằm giữa giường, trên người đeo gài đủ thứ dây rợ nối vào mấy cái ti-vi xung quanh. Đầu giường, đuôi giường, bên cạnh nào cam sành, táo tàu, nho Mỹ…ê hề. Mặc tất cả người nhà, khách khứa, vợ Năm Sùi hịt lên một cái, hai tay bưng mặt và giọng nói lạc khan, nước mắt ứa rề rề: Ông ơi! con đây, vợ Sùi đây, hu hu ...!

Thế nhưng hình như lão Vị đang mê man. Bác sĩ bảo đông quá. Có lẽ đàn ông nên ra ngoài bớt đi. Còn lại vợ Sùi cùng hai người con dâu. Nghe ông lão cựa mình rung vai thế kia dám là nằm lâu mỏi khớp. Vợ Năm nhào tới toan xếp bớt dây nhợ, lật giùm cụ tấm lưng, tiện tay vỗ táp mé thăn xuôi, cần thì bấm hai cái huyệt hõm vai, cà sơ nơi thái dương là khỏe liền. Nghĩ sao thì vợ Sùi toan làm vậy nhưng hai bà con dâu ông cụ cản gấp. Họ nhìn vợ Sùi đã như nhìn phạm nhan yêu quái lại còn nhăn mũi chảnh mặt. Vợ Sùi bị cản ngang hầm một, ngó hai khuôn mặt đang chảnh thì hầm mười. Mụ muốn chan như chan nước phở vào cái văn minh dở hơi của cái phường giàu sổi: ”Đây muốn nói cho mà biết: lúc đây chửa con so lão Vị này bị con ngựa trở chứng đá bong gân khớp. Lão từng nằm dưới nhờ đây leo lên lưng đạp ray làm phép tới ba lần mong mau khỏi. Nói cho mà biết: ổng nằm nghiêng bên dưới mà mắt lá cứ liếc xiên he hé". Hỏi đỡ chưa chú? Đáp rằng thế này thì đỡ lắm. Vợ Sùi này cúi mặt: ”Nếu chú thấy thế nào thì đỡ, con cho chú tự nhiên. Con chịu được!”. Câu nói ngày ấy đã giật lão Vị đây về với vị trí bề trên. Cái máu con dê trong lão lặn biến. Nhìn thẳng lại, lão đổi giọng e hèm: "Mi bầu bì con so mà xài đồ lót chật chội thế e không có lợi đâu vợ Năm à!". Ấy là nghĩ vậy, là vợ Sùi hồi tưởng vậy để cho rõ cái thử thách chú cháu rất chi thân tình mà đàng hoàng xưa nay chớ đem những chuyện ấy có xỉa xói nói hai vị dâu con này cũng phí công chụm môi chụm mỏ.

Vợ Sùi len lén bước ra phía chồng và vô tình, họ nghe hết những dự tính của đám con cháu ông lão. Từ phía ấy, cuộc giao ban nội tộc đang vào hồi gút lại:

- Theo như ý em, chúng ta tổ chức chuyển ông cụ sang Pháp. Bên ấy bệnh viện, thiết bị y tế đầy đủ …

- Pháp không bằng Nhật. Khoa học của Nhật thì khỏi nói. Hơn nữa họ cũng người Á đông, cùng máu đỏ da vàng.

- Hay là chúng mình tìm đón thầy thuốc cả Nhật, cả Pháp sang? Tiềm lực kinh tế anh em mình thừa sức lo cho bố cơ mà.

Công cuộc đi Tây, đi Nhật của ông lão chưa ngã ngũ thì kìa ông lão lại cựa mình tỉnh dậy và lên tiếng gọi. Mấy chục bước chân rầm rập chạy tới bên giường. Lão Vị mở mắt ngơ ngác một hồi. Lão nhìn khắp lượt các chân dung đang cúi xuống. Cái nhìn dừng lại ở khuôn mặt già chát có cặp môi dày:

- A, mẹ cái hĩm Sùi hả? Lại đây! lại đây! đừng khóc con…Mày lên…cho tao…tao muốn phở!

- Vâng, vâng! - Giọng thị đột gọn hơ: kìa bố nó dọn bàn nhanh lên! ông ơi! con mang cả cái bàn của ông vẫn ngồi ngày trước. Vâng! cả cái ghế. Dạ thưa… bữa nay ông dùng gì? Chín, tái, nạm, gầu, xí quách…?

- Ồ… Cảm ơn vợ chồng Sùi! Tuyệt! tuyệt …xí quách! Sao lại có thể thiếu xí quách được hỉ?? Sao lại có thể quên ly đế cất bằng than đước nồng nàn hở tụi bây??

Vừa biểu diễn phi dao xắt phở, vợ Năm Sùi nói với ông lão:

- Ông phải chịu khó ăn cho con. Từ nay bao nhiêu phở con cũng lo cho ông. Có rức mình rức mẩy mé nào ông cứ dạy. Ba cái vụ bấm huyệt với giác hơi con vẫn rành sáu câu. Ông nhỉ? ngày xưa ông chỉ chỗ nào đau, con chỉ đạp vài ba nhát làm phép là hết liền ấy mừ… Này ông ơi! chiều chiều, ông với nhà con ra cầu Cảng buông câu. Ối giời! cá Ngát còn khối ra đấy! con nào con nấy to cỡ cổ tay xắp lên. Thằng chồng nhà con mà đi với ông thì con khỏi lo nó câu cá đầu đen mỏ đỏ. Con thì con cứ nói thẳng: ” Đàn ông các người câu mà không câu! không câu lại bảo câu cứ rối nhằng như dây câu mắc gió! chán! đi câu có gió độc đâu mà về nhà ông nào cũng xức dầu cù là? Xạo quá ông nhỉ? Bọn họ xức dầu cho mất mùi són phân - Ấy con lại nhịu rồi! phấn son! vâng phấn son! con nói thật! con chỉ tin có mỗi ông! ông nhớ về sớm! con bảo lão ấy sắp sẵn cần câu cho ông…

Kìa! sao lại như thế? Sao lạ như thế? Sắc diện ông cụ tự nhiên hồng lên và mỗi tiếng, mỗi lời lộn xộn phát ra từ cái miệng tía lia kia thì trên trán ông, một nếp nhăn lại giãn ra. Bỗng nhiên, vợ Sùi ngừng phắt. Thị không khom người nữa mà đứng thẳng, mắt long lanh, má ửng hồng như mắc thẹn. Kìa tay thị lần theo cạp quần, xốc xốc khiến đám con cháu lão Vị hơi ngán không hiểu con mẻ quê mùa này biểu diễn tuồng gì. Mà đã có gì đâu khi vợ Sùi chỉ nói: ”Con có quà cho ông! con xin biểu diễn hầu ông vài vòng quay đặt biệt …”. Nói rồi thị kéo từ cạp quần bên này ra một gói tròn, cạp quần bên kia ra môt gói dẹp, lúi húi giở lần vải bọc rồi lắp, rồi xoáy. A! Năm Sùi nhận ra trước tiên: vợ gã lắp cái manivel vào cái máy câu tôm nhỏ hiệu Shimano vàng óng. Thị giương vòng galê, lắc manivel: một tiếng xách đanh mảnh rồi là tiếng quay ve ve he re..re…. Vừa quay, thị vừa kề mỏ tận tai ông lão:

- Cụ thấy sướng tai không? Con mang lên cho cụ đỡ cơn nghiền câu tôm. Máy này có trớn hơn cả Daiwa. Người ta bảo thằng Daiwa còn ục ịch kiểu anh Ford Escape chứ Shimano mà guồng có trớn không khác gì LanCuri đường trường…

- Ơ kìa, mẹ…mẹ cái Hĩm Sùi…mi cũng… cũng biết về …về câu kéo ư? Biết cả tư vấn về máy móc ư? Đưa! đưa cho… cho ông!

Đến nước này, những người thân của ông cụ không ai bảo ai đều đưa mắt nhìn nhau. Lạ chưa, bao nhiêu ngày vợ lớn, vợ nhỏ, con gái con trai, dâu rể, cháu chắt dỗ dành, năn nỉ với sơn hào, hải vị mà ông cụ có ăn, có cười cho đâu. Thậm chí con, cháu từ nước ngoài bay về vòng tay thưa gửi cung kính mà ông cũng chỉ ừ hữ. Thế mà vợ chồng cái ông mặt giỗ, mũi cụp, mỏ hô, môi dày, chân vòng kiềng này làm cứ như là ...là…ảo thuật!

Có lẽ, vợ Năm Sùi đã hiểu biết hết, thị cung kính vòng tay:

- Thưa bà Nhất! thưa bà Nhì và thưa toàn thể cơ quan đoàn thể. Ông cụ với nhà con xưa nay… Vâng, con nói khí không phải chứ dạo trước một ngày hai bốn tiếng, cụ ở bên con gần phân nửa, ngồi trên cầu Phú Niên một góc tư. Thương lắm! quí lắm. Xin các bác đừng bắt ông cụ sang Tây, sang Tàu làm gì. Cái bệnh ông là bệnh Á..a..ă…Ăn ...! Vâng! từ mai, gia đình cứ giao cụ sang bên con chứ cứ thế này thì…vâng! gia đình mình sẵn xe hơi, tiện điện thoại, cụ mà chê phở, em lấy cục gạch này bấm ẻn một cái. Chả có gì mà lo.

Những người thân của ông lão Vị lại đưa mắt nhìn nhau. Họ thấy lạ. Lạ bởi một vấn đề trọng đại như thế sao cái bà sồn sồn này phát biểu gọn hơ như thế? Phải bàn bạc! phải thỉnh thị ý kiến, rồi quyết nghị mức độ đóng góp, ai tiền trạm, ai vòng trong, vòng ngoài…chán ra chứ! rồi qùa tặng, người văn minh bây giờ phải bao gói phân miêng, thận chí còn phải sát trùng chống dịch Cúm A, dò chống bom thư A-que-đa chán ra chứ đâu có cái kiểu sang số từ cạp quần hết máy câu đến điện thọai di động ra thế kia …

Duy có Năm Sùi, gã phớn phở ra mặt! ghê chưa! đúng là đời giàu vì bạn, sang vì vợ. Hay! con mẹ tưởng âm lịch mút mùa mà nói được những lời khôn có ngạnh như thế. Gã vội kéo vợ ra một góc vọt khen:

- Mẹ nó suya lắm! mình xin nhận cụ về, vừa được tiếng vừa có thể được thêm miếng đất. Đất cụ bên cạnh quán mênh mông thế, biết đâu lúc sắp đi cụ lại di chúc cho mình chút đỉnh thì tuyệt. Tôi quyết rồi! đả thông cho bọn trẻ – tụi con Hĩm thằng Bò ấy từ nay đối xử phải đâu ra đó. Ông cụ thuộc hàng quí hiếm! quí hiếm!

- Này! ông bỏ ngay cái suy nghĩ con buôn đi! từ giờ phút này tôi là tôi cấm ông phát ngôn linh tinh, nếu không cứ là lành làm gáo, vỡ làm muôi, lôi thôi là đất cát…

Viết xong 2002; VietHoa (truyện đã đăng trên tuần báo Văn Nghệ Trẻ, phụ trương của Văn Nghệ HNV)

 

 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất