Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Minh Đức Triều Tâm Ảnh là ai?

Khi bạn đọc nhìn cái tựa đề trên chắc không ít người cười mỉm chi bởi vì ông từng rất nổi tiếng. Nhưng nổi tiểng đến cỡ nào, đối với một số người ngoại đạo hay khách thập phương, xa ngái với Huế như tác giả bài viết này thì vẫn còn là câu hỏi.

Bởi thế gian rộng quá! Người nổi tiếng trong xã hội nhiều quá! Thời gian của con người mỗi ngày là có hạn. Tôi chỉ nghe tiếng ông là một nhà văn và làm nhiều thơ…

Việc “không biết nhiều về ông” không là lạ!

Thế nhưng khi tôi tìm hiểu để viết về một Đại ca phục thiện rồi tu thành Đại Đức, rồi anh đem đến cho đời những nghĩa cử và việc làm nhân bản, thiện nguyện, hữu ích…đem đến cho học trò nghèo những kiến thức và điều kiện học hành – trùng hợp với tôn chỉ của Uocmonho- thì như bao nhiêu người cầm bút khác, tôi muốn đi tìm những căn nguyên vì đâu mà con người lại có thể thay đổi hoàn toàn như vậy? Và, cái tên của vị sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh được nhắc đến nhiều trong cuộc đời vị Đại Đức và trong nhiều phật tử…

Vậy là tôi tìm đường lên Huyền Không Sơn Thượng. Từ Trung tâm Huế, tôi ngược lên Kim Long, đi ngang chùa Thiên Mụ theo con đường gập ghềnh lên núi Chằm. Chùa Huyền Không Sơn Thượng cách TP Huế chừng 10km theo đường này. Trên đường đi, Bưởi Thanh Trà phô diễn vẻ ngộ nghĩnh và gần gũi. Qua một cây cầu, Bác tài xế bảo: trước đây làm gì có cầu. Cầu này là công sức của sư thầy Minh Đức vận động mà làm đó…

Huyền Không Sơn Thượng mở ra và phong cảnh lập tức khiến tôi tràn ngập cảm tình. Núi không cao mà sao như bảng lảnh chút sương sớm mờ ảo. Một Rừng Thiền bên cạnh một vùng thông. Những lối mòn vắt vẻo như dải lụa vàng len giữa màu xanh. Hương cỏ và hương lan rừng cứ luyến quện, phảng phất. Những hang hốc rêu phong, những tảng hòn kỳ thạch, những khóm tre già lớp sần sùi, lớp óng ả bên những thảm cỏ mượt mà được chăm tỉa công phu…

Việc đầu tiên, Tôi và ông Đặng Thọ Dũng cùng nhà báo Hoàng Thành tiến về Am Mây Tía để kính chào chủ nhân của ngôi chùa. Thật may mắn, nhà sư vẫn còn đang ngồi thiền trước Am. Lần đầu tiên tôi được diện kiến vị tiến sĩ văn chương mà có dạo những truyện ngắn của ông làm cho bác Hữu Thỉnh (Tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ) khen nắc nỏm. Ông ngồi đó, tươi vui và hào sảng; thần thái thật lẫm liệt. Tất nhiên, người viết gặp người viết thật dễ gần. Thầy Minh Đức bảo bữa nay phá lệ ngồi tiếp các anh lâu một chút. Chúng tôi say mê với những tác phẩm của ông. Những tập thơ, tập sách được chính tay ông thiết kế, trình bày trên gấy đẹp. Những dòng thư pháp chữ Việt có một không hai. Khi tôi hỏi làm sao? Làm sao mà thầy có thể xử lý những dòng chữ thư pháp mảnh hơn một nét tóc thế kia thì ông cười! Cái cười của Thiền nhưng mang dáng dấp đầy lãng tử. Ông bảo:” Tay tôi bây giờ run lắm rồi không thể hiện được nữa!!!”. Tôi và Hoàng Thành nhìn nhau: vậy là chúng tôi chỉ mới chạm được vào lòng hiếu khách của ông  mà thôi. (khi ông ký tặng các tập thơ và sách cho chúng tôi). Đành vậy! Câu chốt hạ của vị Đại sư như cánh của đóng sập các ý định khai thác của Hoàng Thanh:” 4 năm nay rồi, tôi không đọc báo!”. Vẫn là cái cười rộng lượng của Đại sư. Tôi mở tập thơ thầy vừa ký tặng, thật vô tình, bài thơ tâm trạng của Đại sư hiện ra như bói Kiều:

Mây rất cũ mà màu chiều rất mới

Ta bước đi lững thững giữa thời gian

Xuân-Hạ-Thu –Đông, lịch sử xéo hàng

Khói sương mênh mông

Dật dờ nửa hư, nửa thực.

Nhặt chút hương, lơ thơ màu hoen đục

Phảng phất nỗi niềm, xác lá rụng vườn không…

(Trích: từ mùa xuân khổ đế- tập thơ Giun dế hư vô và hạt lửa xanh của Đại sư)

 

Đặng Thọ Dũng kéo tay hai chúng tôi: Cơ duyên chỉ đến đó thôi các vị ơi!

Đại sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh cho chúng tôi thăm thư viện của ông và nhất là bộ sưu tập tượng phật thật hoành tráng. Khi hỏi đến Tỳ Khưu Chơn Hữu, Đại sư nói thật nhẹ nhàng: Từ Huyền Không Sơn Thượng này, nhiều người đã phục thiện…

Tìm hiểu thêm từ những vị Đại Đức trong chùa, trường hợp của anh chàng họa sĩ nghiện ngập người Hà Nội  phục thiện về có ích với đời là một điển hình tương tự như Đại ca Chơn Hữu:

Hà Minh Tuấn người Hà Nội, là con trai một, chọn con đường nghệ thuật. Tuổi trẻ vốn ngông cuồng và khờ dại, Tuấn lao vào ma túy với ý nghĩ để tìm cảm giác và hứng thú sáng tạo. Là sinh viên nhưng đã hút và sau đó là chích.

Rồi anh theo đám con nghiện dặt dẹo tụm năm tụm ba ở vỉa hè nhà Tuấn đã lôi tuột đời Tuấn đi. Ra trường, Tuấn vào Huế thực hiện những bức tượng tốt nghiệp. Nhưng để làm được, trước tiên phải cai nghiện. Tuấn lên chùa Huyền Không Sơn Thượng gặp thầy Minh Đức và nói nguyện vọng, quyết tâm muốn tự mình làm một hòn đảo để chính mình nương náu.

Nhờ sự động viên của Sư Thầy, Tuấn ở trong một cái am trong chùa cùng với một nhà sư trẻ. Trên kèo đã buộc sẵn sợi thòng lọng, nếu cơn nghiện hành hạ bắt anh phải đi tìm thuốc thì tốt nhất cho cổ vào đó. Những ngày đầu khi cơn nghiện đến, xương cốt Tuấn như có dòi bọ đục, chiều đến người lại lạnh như trong tủ đá nhưng anh cố cắn răng chịu đựng. Rồi anh có pháp danh Chơn Mỹ. Cuộc sống nhà chùa ngày mọi người tu tập chỉ dùng một bữa chính, sáng thì ăn cháo. Sáng phải dậy từ 3g30 để tụng kinh, 4g vào bếp nấu bữa sáng. Ngày đi làm củi, trồng rừng... Cứ thế thời gian qua đi, cơn nghiện bắt đầu mất dần; cho đến khi cảm thấy sức khỏe, tâm trạng hoàn toàn bình ổn Hà Minh Tuấn mới gọi điện về nhà báo tin cho cha mẹ. Đầu dây kia mẹ anh bật khóc, không tin nổi con mình đã vào chùa và đã cai nghiện được.

Mãi ba năm sau Tuấn mới về thăm nhà, đi cùng anh là bốn nhà sư trẻ. Nhìn thấy năm ông sư áo vàng đi một hàng, cả phố ai cũng ngạc nhiên, nhất là vị tăng trẻ đi đầu lại chính là một con nghiện nổi tiếng khu phố đó ngày xưa. Cả gia đình Tuấn nghẹn ngào trong hạnh phúc!

Năm 2006, Chơn Mỹ rời cửa thiền. Trong lễ xả giới, Tuấn thưa với thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh: “Thưa thầy, đã đến lúc con xin được trở lại đường đời tiếp tục làm những gì còn dang dở”. Sư phụ bảo: “Con đến minh bạch và con đi cũng minh bạch. Thầy rất hài lòng vì con”.

Và bây giờ, ở Huế, giới làm nghệ thuật không xa lạ gì với họa sĩ Hà Minh Tuấn!

Viết đến đây, tôi như đã trả lời được sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh là ai! Tất nhiên, ngược dòng lịch sử, còn thấy ông là sinh viên Văn Khoa Huế! Ông là Tiến sĩ văn chương và nhất là ông có đến vài chục đầu sách đồ sộ. Ông xuất tu và đi qua nhiều chùa tại Huế, Đà nẵng, Vũng tàu…, là một trong những người sáng lập ra  chùa Huyền Không (Huế). Ông là một nhà sư giỏi thơ văn, am tường hội hoạ và trang trí mỹ thuật và là một cao thủ cờ tướng từng đánh bại một số kì thủ quốc gia. Đồng thời ông cũng là một trong những người nổi tiếng về Nghệ thuật Thư pháp tại Việt Nam. Ông tên khai sinh là Nguyễn Duy Kha, Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bút hiệu của tỳ kheo Giới Đức. Năm nay ông khoảng 70 tuổi.

Với chúng tôi, những người của Uocmonho, vẫn biết ông đã gần như xa lánh trần tục, không muốn ai nhắc đến bản thân. Nhưng Uocmonho xin ông cho nhắc tới bởi tư tưởng, việc làm, thiện nguyện…của ông thật gần gũi với uocmonho…

Không phải ngẫu nhiên mà hai cháu trai gái con của ông Đặng Thọ Dũng thần tượng Huyền Không Sơn Thượng đến nỗi sẵn sàng dùng cả kỳ nghỉ hè đến với Chùa và học phật pháp, niệm phật đường…

những hinh ảnh...

Am Mây Tím

 

 

 

 

 

Nhà thư pháp

Rừng Thiền

Kỳ Thạch

Một chuyên gia thiết kế đại tài

Vùng Thông

 

Bộ sưu tập tượng phật đặc sắc

Tác Phẩm của Đại sư tặng tác giả bài viết

Bài và ảnh: Việt Phương

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất