Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Anh Hùng A Lưới: Anh Hùng Kan Đơm

   LTS  Tháng 11/ 2011 Tổng Công ty Xăng dầu, dầu khí Việt Nam (PV OIL Việt Nam) tài trợ khởi công xây dựng Trường tiểu học xã Hồng Thượng (A Lưới), nhân dịp này, Quĩ Uocmonho nhận phụng dưỡng suốt đời 5 người anh hùng LLVT của huyện A lưới là Kan Đơm, Ku Tríp, Hồ Vai, Kal Lịch, A Nul.

.

Để giúp cho các nhà hảo tâm, các thành viên và bạn đọc thêm rõ hơn về những người Anh Hùng của A Lưới trong kháng chiến, trong đời thường hôm nay; Phóng viên UMN lần lượt giới thiệu các Anh Hùng trong chuyến đi khảo sát và trao quà phụng dưỡng dịp cuối năm 2011

Xin bắt đầu từ anh Hùng Kan Đơm…

Từ Kinh thành Huế, chúng tôi vượt cầu Tuần qua Hương Thọ và nhấn ga trườn lên đường số 49 (Đường 12 cũ). Thích thật với muôn trạng màu xanh cứ nghiêng ngả, lúc thì lả lướt, lúc thì trầm mặc. Màu xanh của Trường Sơn!

Những địa danh Bình Lợi, Hồng Tiến, Hồng Hạ…được con đường 49 mềm mại ôm lấy. Thi thoảng, chúng tôi gặp một chiếc xe khách phong trần chạy ngược. Đường khá vắng sau những trận mưa nguồn.

Càng dấn sâu vào Rừng, con đường càng quanh co và đèo dốc. Thi thoảng chúng tôi lại gặp những quả đồi đang sạt lở. Đất vàng sậm tuôn xuống vực sâu tạo thành những vệt màu khổng lồ sâu hun hút…

Sau gần 2 giờ, chúng tôi tớ ngã ba Bốt đỏ. Lần giở gấp một tấm ảnh xưa: khác nhiều quá. Ngày hôm nay, ngã ba nối vào đường Hồ Chí Minh phẳng lỳ, thông thoáng. Con đường 2 chiều mở ra, thẳng tưng chạy đến thị trấn A Lưới đang bộn bề đổi mới.

Chúng tôi rẽ phải, con xe lấm lem đỗ xịch trước một quán cà phê lịch sự. Trọng Đạt, Lan Hương, Nguyễn Hùng và tôi cùng bác Nguyễn Tiến Đời –Thổ công của A Lưới lên ngay kế hoạch gặp gỡ các Anh Hùng.

Chúng tôi tìm đến nhà Anh Hùng Kan Đơm. Những người dân tốt bụng nhiệt tình dẫn đường cho chúng tôi đi sâu vào con hẻm. Một bà mẹ tóc bạc, da sạm sắt nhưng ánh mắt thật kiên cường, nghiêm nghị đón chúng tôi:” Mình là Kan Đơm”! Giọng bà nhỏ nhẹ.

Trong nhà đông người nhưng thật buồn vì con trai bà mới qua đời vì bệnh tiểu đường. CHúng tôi nhìn nhau, nhủ nhau rằng ngồi thăm mẹ một chút rồi đi. Nhưng người Anh Hùng như đọc thấy hết sự e ngại của mọi người, bà bảo:” Không hề chi; các cháu cứ hỏi, cứ trò chuyện. Mọi chuyện đau buồn rồi cũng sẽ qua..”.

Mẹ  Kan Đơm kể rằng: năm nay mẹ 71 tuổi, tham gia Cách mạng năm 1959. Năm 1961, nũ du kích Kan Đơm là xã đội phó xã Hồng Hạ. Năm 1966, bà nhập ngũ với chúc danh Trợ lý tác chiến Tiểu đoàn. Bà bị thương nhiều lần, nặng nhất là gãy 2 tay; cơ thể bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Bà có 10 người con…

Câu chuyện trở về những ngày xưa…

Giai đoạn 1950 - 1960, tại A Lưới, quân Mỹ tiến hành xây dựng nhiều đồn bốt, hệ thống kìm kẹp tại các vị trí xung yếu trên suốt chiều dài của huyện, cùng các sân bay A So, A Co , A Lưới nhằm ngăn chặn tuyến đường tiếp tế của ta từ  Bắc vào chiến trường miền Nam đi qua địa phận A Lưới.

Địch mở những chiến dịch vây ráp, càn quét, dồn dân vào các ấp chiến lược, xung quanh các đồn A So, A Co, A Lưới. Địch huy động người dân địa phương đi làm đường 12 (tức đường 49 hiện nay)  từ Huế lên A Lưới. Năm 1959, địch còn ra sức củng cố bộ máy kìm kẹp ở tổng, xã, làng, tăng cường bọn mật vụ, dân vệ bí mật, bắt người dân vào các ấp chiến lược A So, A Lưới…

Trước sự đàn áp và kìm kẹp của địch, cô gái Kan Đờm (tức Anh hùng Hồ Thị Đơm hiện nay) đã gia nhập du kích, chiến đấu cho quê hương.

Năm 1960, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trương phát động xây dựng căn cứ địa cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc.

Đồn A So, sân bay A So, nơi được xem là vị trí yết hầu trên con đường huyết mạch Hồ Chí Minh, đồng thời còn là địa điểm tập kết các loại chất độc hóa học của Mỹ (để phun rải trên chiến trường tây Trị Thiên) và là nơi đỗ các loại máy bay C123, C130… nhằm tăng cường tiềm lực quân sự để chống lại các hoạt động vũ trang của quân và dân ta, tổ chức đánh phá vào các kho tàng, tuyến đường hành lang, vây bắt đồng bào vào khu tập trung A So, A Lưới với hàng trăm cuộc càn quét có quy mô lớn vào các bản làng. Tội ác của chúng gây căm phẫn sâu sắc trong đồng bào các dân tộc.

Người nữ anh Hùng Kan Đơm đã cùng đồng đội chiến đấu nhiều trận ác liệt. Không chỉ chiến đấu dũng cảm, Bà còn tham gia ủng hộ nhiều của cải vật chất cho Cách mạng.

Dù bà chưa có dịp được ra thăm Bác Hồ (vì trên đường ra Bắc bà bị bệnh nặng phải quay trở lại), nhưng niềm tin tưởng vào Đảng, Bác của người anh hùng bình dị Kan Đơm vô cùng sắt đá và vững vàng.

Phát biểu với Ước Mơ nhỏ, giọng người Anh Hùng thật bình dị:” Cuộc đời của mẹ là như vậy. Trong cuộc sống đời thường, Mẹ bao giò cũng cố gắng làm gương cho con cháu. Chỉ ngặt nỗi gia đình mẹ mấy năm nay cái buồn dồn dập quá. Chồng mẹ mất vì ung thư, con mẹ mất bởi tiểu đường. Chỉ mong sao các cháu ráng thu xếp cho thằng thứ 9 của mẹ chút công việc làm. Nó có bằng cấp vừa học xong…”.

Anh Trọng Đạt cảm động nắm tay mẹ:” Vâng! Chúng con sẽ về báo cáo lại với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công ty Dầu và Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế, chắc chắn chúng con sẽ liên hệ với mẹ sớm..”

Chia tay bà mẹ Kan Đơm, dù chúng tôi chưa trò chuyện được nhiều. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ trở lại.

Đường 12 cũ (49) hôm nay

Nghệ sĩ Tấn Đời và nhà làm phim Trọng Đạt

Anh Hùng Kan Đơm trò chuyện với Phóng viên Năng Lượng Mới và UMN

Đôi mắt Trường Sơn

Huế tháng 11/2011

Bài Việt Phương; ảnh Việt Phuong, Trọng Đạt

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất