Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ước mơ của ông lão đìa tôm

 (Truyện ngắn này mình viết năm 2002, năm đầu tiên thực hiện thi Đại học 3 chung. Khi đăng nó trên tờ Văn Nghệ, vài người bảo: ông Việt Hòa viết nịnh Bộ Giáo dục. Mình chỉ cười không cãi. Nhưng hơn bao giờ hết: mình cầm bút chỉ muốn khắc vào trang giấy những tình đời và tình người…)

Mới nắng chói chang và gió lộng thốc vậy mà bầu trời chợt ắng. Không gian tưởng hẹp lại. Mây giông vần vũ. Trời đất này thì mưa to đây! Lão Bính vừa nghĩ vừa cắm nốt bụi chà cuối cùng. Sình non rừng Sác thum thủm tanh, lúng rúng lùng nhùng quanh cặp giò nâu bóng nom ông lão cứ như thể sắp sa lầy đến nơi.

.

Cuối cùng thì Lão Bính đu người rút chân khỏi đám bùn lún và bước lên bờ. Cái nhìn vẫn sắc lẹm trên khuôn mặt lem nhem lấm. Uốn tay vòng ra sau gãi sồn sột cái lưng trần đã hơi còng, lão dặn con trai mà như quát vào không gian:” Vôi khử phèn tám mươi ký, mô tưa cào nước đủ hai bốn giờ cho lô E. Đám thủy sản ghé cân tôm nhớ ghi kỹ từng đợt lên vách ván cho tao. Đêm nước cường phải nhớ canh cho đúng cữ. Tiền bán tôm chi trả giống, vốn những nơi nào thì biết rồi đấy. Có điều ai nhận bao nhiêu cũng bảo họ ký cho một chữ. Chiều thứ bảy, mùng hai dương mang về cho tao ít trăm. Làm gì à? Mày có ở trên trời rơi xuống hay không mà không biết mồng bốn tháng bảy con Hiền nó đi thi đại học hả! Lão chuyển giọng: Ta bận rồi! con làm mọi việc cho quen đi…. Câu nói cuối cùng chìm trong cơn giông, không vượt khỏi cái dáng đi hơi khòng lao nghiêng của lão. Mặc! Ánh mắt sắc lẻm của lão lia nhanh vẫn bao quát cả tràn rừng, khu đìa tôm cùng anh con trai chắc chãi như cây cột lim bên lều lá.

Đối với Rừng Sác, lão Bính như thổ công dẫu quê gốc gác tận miền ngoài. Xuất thân bộ đội thủy từ ngày đầu thành lập chiến khu, lão đã bám trụ chiến đấu. Chiến công, thành tích đánh giặc thì khỏi nói và chuyện xưa, chuyện ta, chuyện địch một thời cũng khỏi nói vì nói không dưới cuốn sách vài trăm trang. Chỉ biết mỗi lần có đơn vị bộ đội nào gặp mặt mừng công hạ cố mời thì ngực lão Bính xếp nặng hàng dãy cuống huân chương với huy hiệu dũng sĩ. Ấy vậy nhưng triền trên, mé dưới vùng này cấm ai nghe nói lão công thần hay ỷ thế quen biết nhiều ông lớn trên thành phố rồi lợi dụng này nọ. Lão mê rừng vì thuộc nằm lòng cả vùng rừng nước mặn mênh mông. Lão mê con tôm sú không chỉ vì nó sinh lợi mà cả vì cái cách con tôm xám sắt uốn mình búng rất nghệ sĩ và cả cách đổi màu xoăn xeo rất lãng mạn của món tôm tươi gặp nước chanh trong mỗi bữa rượu nếp gừng. Mỗi ngày, lão lụi cụi, lăn lộn, trần trũi lụi hụi ngoài những tràn, đìa tôm có dễ tới hai chục tiếng đồng hồ.

Thế mà đến kỳ thi đại học năm nay lão Bính đổi khác. Ban đầu, lão cạy cục nhờ đám thanh niên kéo cho bằng được cái máy điện thoại ra lều. Khiếp! nhìn dây nhợ là xà trên những cái cột tầm vông liêu xiêu ai cũng bảo cái ông già này hâm tỉ độ. Điện thoại di động hay vô tuyến bây giờ rẻ rề sao không sắm một cái mà nhiễu nhương như thế? Đến khi lão cho khuân cái giàn máy vi tính mua thanh lý trên huyện ra lều thì vài người chợt à hiểu ngay nơi đây có khoản truy cập intenet.

Thế nhưng mười người thì chín vị bảo dứt khoát kiểu này là ông lão dở chứng. A! dám già mà sinh tật lắm nghen! Lão trúng hai vụ tôm, tiền rủng rỉnh định kiếm đường Chat (tán gẫu trên mạng) hay tìm bạn bốn phương? Có cậu Thanh niên còn qủa quyết rằng thấy lão đang rê chuột (con trỏ) vào mấy cái website thiếu lành mạnh ngắm bọn con gái nhà nghèo!

Lão Bính nghe đàm tiếu chỉ cười tủm. Chỉ tới khi bé Hiền cùng cha chúi vào màn hình với những đề luyện thi, qui chế, tỉ lệ chọi, điểm chuẩn, vùng ưu tiên... hiện ra thì ai cũng lại... À ra thế. Chê lập tức thành khen: mấy cái dư luận rõ thật là. Dám đặt điều cho ông già bảy mươi nhưng chuyện tầm phào. Cái sự khen này đã đến mức: có vị còn cả quyết rằng cái ông lão nuôi tôm này biết sửa cả phần cứng, gỡ rối cả phần mềm vi tính và nghe đâu còn quen biết, giao du với cả vài vị chức sắc ngoài bộ nữa.

Lão Bính quyết định tạm xa những vạt rừng và những đìa tôm thế kia chắc là hệ trọng lắm. Không hệ trọng sao được khi một lần, ngồi trong căn nhà một trệt, một lầu thơm phúc mùi sơn nước trên phố lão nhìn di ảnh vợ, nhìn con, nhìn cháu, nhìn cái ti vi, nhìn cái dim Tàu, nhìn giàn vi tính… rồi chép miệng: “Nhà này chỉ còn thiếu mỗi cái bằng đại học?? “. Nghe lão lẩm bẩm thế, ngần ấy đứa con xịu mặt lảng đi một nước. Lảng đi vì phần lớn học dở và lười học. Đàn con lão ngày trước đứa ngồi học một tai nghe cô giảng bài, tai kia nghe cá với rùa rắn quẫy cựa ngoài đìa, đứa sách giắt cạp quần chạy đuổi con còng, con cáy đều bỏ ngang hay trầy trật mới hết cấp 2. Đã có lúc, lão hối hận vì đã không chuyển ngành về thành phố để có điều kiện cho con ăn học nên người. Nhưng rồi, nhìn những đứa cháu nội, ngoại chăm chỉ và khoẻ mạnh lão lại hy vọng…

Ngày bé Hy Hiền ra đời. Ai cũng bảo đấy là cái tội, cái nợ cho lão. Có người còn bảo đó là một sự qủa báo nhỡn tiền gì gì đó nữa. Chả là cái ngày ấy, lão Bính bây giờ còn đang công tác trên Thành đội. Thành tích, chiến công nhiều, uy tín lớn và kinh nghiệm đầy người như thế tưởng vị trí vững còn hơn kiềng vậy mà chỉ vì vỡ kế hoạch, cố sinh đẻ thêm mụn con gái rượu mà nay kiểm điểm, mai phê phán. Cho đến khi bà vợ lão qua đời sau ca mổ vì không đủ sức sinh đẻ bình thường thì lão Bính sốc thực sự. Dẫu còn vài năm nữa mới tới hưu nhưng lão quyết xin về một cục. Mà dời biên chế như lão Bính cũng là lạ. Cứ nhẹ như không. Bao nhiêu chiến công, bằng khen, huân huy chương quên đi bằng hết. Cởi áo quân phục ra, lão như đột biến thành một ông già khắc khổ. Và, hàng ngày, cái ông già da đen như sừng kia ôm đứa con đỏ hỏn khi quì, khi đứng hàng giờ bên mộ vợ, khi thậm thụt trước cửa nhà ai đó xin cho con bú chực đã trở thành cảnh quen mắt.

Bé Hiền lớn lên trên trên tấm lưng bóng lưỡng của cha. Đôi tay nó như hai dải bẹ môn thục vắt vẻo quàng ôm cổ bố, mắt lim dim, miệng thì ghép vần a bờ cờ cực kỳ điệu nghệ và tính nhẩm thật nhanh nhao. Con hay cháu đấy ông? Đôi khi có người hỏi kháy lão Bính. Lão không tỏ vẻ gì mà chỉ nói: Nó là người. Mà người bình thường!

Bé Hy Hiền bình thường thật, nếu không nói là rất giỏi và ngoan. Mới lớp bốn, nó đã lấy gọn hết các bài toán trong đầu bố. Mười hai năm học là mười hai năm khá, giỏi. Lão còn nhớ, nhà xa, đò phà cách trở như thế mà hình như con lão chỉ nghỉ có ½ buổi học vì trúng gió mà thôi. Kìa, hình như con lão nó biết, nó hiểu thấu tâm trạng của lão mà quyết tâm theo học và học không chỉ cho mình, cho cha mà còn cho cả dòng họ và bà con vất vả và tảo tần bên những cánh rừng ngập mặn vùng Duyên Hải này.

Ngay từ tết Nguyên đán, Hy Hiền đã lo ôn luyện. Cơ thể con bé sụt hơn ba ký lô. Nhìn con ngồi căm cụi dưới cả một thư viện sách và có lúc nó gục xuống mặc cả bầy muỗi rừng đói mồi lập bập bu vào người, lão Bính lén nhẹ như con mèo bò đến ngồi cạnh rồi với tàu lá sả, lão phe phẩy đuổi đàn muỗi quỉ sứ. Chậc! tiên sư cha cái giống muỗi rừng sình, đuổi nó mà cứ phải dùng mẹo như năn nỉ vì chỉ cần đập vài con, mùi máu và nhớt muỗi sẽ kích thích đàn muỗi tụ về. Lão bảo con:” Đừng cố nữa. Nếu thấy học căng thẳng quá thì cứ dừng lại. Bố cho phép thế mà !”. Con bé ráo hoảnh như chưa hề ngủ gục: “Bố thông cảm cho con. Con không biết dừng nữa!”. Đến ngày nộp hồ sơ thi đại học, lão Bính ôm máy vi tính lục lọi tất cả mọi ngóc ngách những trang web nói về tuyển sinh. Bao nhiêu thứ thu lượm được, lão đưa cho con gái. Con bé cặm cụi rồi đưa cho bố túi hồ sơ:” Xin phép bố cho con thi sư phạm“. Thế còn nguyện vọng 2? Con ghi kinh tế ! Nguyện vọng 3? Cao đẳng sư phạm! rồi con bé nói thêm:” Con nghĩ kỹ từ năm lớp 10 rồi! nhà mình nghèo lại đông anh em, con mà vào sư phạm vừa đỡ học phí mà ra trường về dạy ngay gần nhà, có điều kiện để mắt đến các cháu con anh Hai, anh Ba, anh Tư.... Còn nguyện vọng 2 con ghi kinh tế thì chắc bố cũng muốn thế !”. Lão Bính nhìn con: ơ kìa, guơng mặt rắn rỏi của vợ thấp thoáng rồi như hiển hiện trước mắt. Lão rưng rưng: bà nó ơi! bà về đây mà chứng kiến con mình. Nó sắp thi đại học rồi đây này...

Trái ngược với khung cảnh nhà lão Bính - bên cái quán cà phê Rừng Duyên bao la vườn và bề thế kia, vợ chồng, cha con nhà Tư Mèo cũng đang xoáy quanh chuyện thi cử. Lão Tư Mèo xốc xốc cái quần soọc có dải treo, vuốt hờ lọn tóc thưa mà đen nhức bởi thuốc nhuộm loại xịn, bĩu cái môi thâm trên khuôn mặt mập mẩy ưng ửng màu cà chua dặn thằng con trai:

- Con ạ! Mày phải thi! Mày phải làm đúng theo ý đồ của bố mày. Không phải ngẫu nhiên mà tao từ Thành phố chuyển về đây nhập khẩu cho mày, mua đất, mở quán xá. Chưa hiểu hả? Thứ nhất: để tách mày khỏi đám bạn đua đòi hút hít. Thứ hai, có hộ khẩu vùng này khi thi đại học mày được cộng thêm khoảng 4 điểm. Mẹ kiếp! dân thành phố, thành thị mà ghép vào sê ri miền núi, hải đảo thì làm gì mày không đỗ? Tao với mẹ mày đây bảo thi sư phạm là có hoạch định cả. Chỉ mươi năm nữa cả vùng này sẽ trù phú, ngần này héc ta đất nhà mình một nửa xây khu trường dân lập cho mày làm hiệu trưởng, một nửa xây cái chùa vợ chồng tao kinh doanh. Cả gia đình mình nhặt tiền của người già, thu tiền của con trẻ...

Thằng con trai Tư Mèo cố thu mình trên cái ghế bành. Những ngón tay xương xẩu của nó vừa xoa, vừa bẩy những cái mụ trứng cá to xù, nữa thâm xịt, nửa đỏ hỏn trên gò má hóp heo:

-         Mặc kệ bố! con không thi sư phạm. Con không thi đại học. Con muốn đi du học, con muốn đi...

- Tiên sư mày con ạ! mày không qua nổi mắt bố mày đâu. Mày nhìn vào bố mày đây này chứ đừng dõi mắt ra cái đìa tôm chết tiệt kia nữa. Con Hy Hiền nhà lão Bính không là cái gì! Hay hớm lắm cũng chỉ hoa khôi xó rừng ấy mà. Tao nói cho mà biết, nếu mày muốn trụ thì con Hường nhà Hai Hương ngon hơn. Nó cũng xinh, học giỏi nhà có quán nhậu mênh mông và nhất là cha mẹ là Việt Kiều đúng điệu. Con ơi!

Việt gian , Việt Cộng , Việt kiều,

Trong ba Việt ấy em yêu Việt nào....

Đến lúc này, vợ Tư Mèo mới dừng tay khoắng túi cà phê:

-Mày thi xong đi. Tao với bố mày sẽ đánh tiếng rồi sang gặp lão Bính.

Mắt thằng con trai sáng lên. Thế nhưng nó đâu có ngờ bên kia đìa tôm, lão Bính từng rủa thành lời chi họ nhà Tư Mèo như thế này:” Tiên sư cái đồ âm binh. Tao lạ gì cái kiểu mượn mỡ rán bánh. Tao biết tỏng âm mưu của các người khi dọn về ở xứ này từ vài năm trước kia. Hừ ưu tiên vùng? Chưa vào cuộc ta đã biết các người rồi sẽ vô ơn với vùng đất này cho mà coi. Nhưng mà hãy coi chừng! mảnh đất này không dung thứ những con người hời hợt“.

Lão Bính phủi tay, đủng đỉnh tản bộ sang quán Hương, đó là cái quán nhậu gần như duy nhất của vùng này. Hôm nay lão không đi nhậu mà có việc.

Bà Hai Hương chủ quán đang băm thịt một cách chăm chú. Những lọn tóc uốn sì tôn như muốn đổ ập ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh có đôi gò má hây hẩy đa tình. Làn môi cắn chỉ uốn điều điệu kia đã hơn một lần khiến ngực trái lão Bính đây nhoi nhói nghẹt. Kìa, bà chủ dạo này như đẫy đà ra. Chậc! cặp ngực ác nhơn cứ rúng rẩy theo mỗi nhát dao băm khiến lão Bính nửa muốn e hèm đánh tiếng, nửa muốn đứng ngó nuốt khan vài hớp cho bõ công nhìn.

-Ơ kìa! bác... à... anh Bính! Vào đây đã! gớm hôm nay rồng mới lại đến nhà tôm! Dùng gì đây anh? Cửu xà, thất xà, nếp cẩm hay hương cây Nhội mới ra lò?

Lão Bính khoát tay:

- Dẹp nhậu đi thiếm Hai. Tui sang đây vì chuyện thi cử của con Huờng.

Bà Hương à lên một tiếng. Cặp mắt đẹp chợt ánh vui rồi chợt ánh buồn. Trầm ngâm một hồi lâu, người phụ nữ như đổi giọng trở về thời xa xưa:” Em cảm ơn anh“.

Bốn chữ em cảm ơn anh như đưa lão Bính trở về chuyện cũ.

Ngày ấy cách nay mấy chục năm. Bà Hương vốn xuất thân từ thành viên của đội Phượng Hoàng. Đội này được quân đội Sài Gòn tung vào chiến khu Rừng Sác để lung lạc tinh thần chiến sĩ, làm sa ngã cán bộ và thu thập tin tức tình báo. Với cái vỏ bọc chạy giặc vào chiến khu và sẵn nhan sắc, Hương chiếm được cảm tình của nhiều người trong đó có trung đội trưởng đặc công Lê Bính. Thế nhưng, Hương lại cảm phục và yêu Nguyễn Quyền– người trung đội phó tài hoa, cấp dưới của Lê Bính. Từ cảm phục đến tình yêu thực sự đã khiến Hương thú nhận hết với Quyền. Cô nguyện từ bỏ vai trò nội gián để yêu và mong được sống với anh. Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản thế. Quyền được cấp trên khuyến cáo phải tách rời khỏi Hương. Đó là mệnh lệnh, là chỉ thị. Quyền đau khổ chấp hành. Người hiểu bạn nhất vẫn là Lê Bính. Chính anh từng bao che, dung túng, chống chế cho Quyền mỗi khi họ lén lút gặp nhau. Chuyện phải đến đã đến: Hương có thai. Thương bạn, Lê Bính đứng ra đảm bảo và cam đoan rằng Nguyễn Quyền không có liên quan gì đến cái thai kia. Nghĩa cử ấy đã giúp Quyền và Hương tránh nhiều phiền toái.

Quyền hy sinh.

Rồi đất nước giải phóng.

Hương trở thành dân ngụ cư và thành chủ quán. Đứa con gái của nàng lớn lên không cha và thiệt thòi quyền lợi lại là nỗi ám ảnh, day dứt nhất đối với Lê Bính. Hơn ai hết, lão Bính biết rõ rằng nó là con Nguyễn Quyền – con liệt sĩ. Thế nhưng, lão không thể thay đổi vị thế ấy vì chót cam đoan với Tổ chức năm xưa. Mặc cảm khiến lão e ngại gặp nó, cho tới ngày con bé lấy chồng sinh con. Đến khi hai vợ chồng con bé vượt biên để lại cho Hương đứa con gái nhỏ dại thì lão Bính mới rõ chuyện. Lão không bao giờ quên được những đêm trời đen sệt, lão ôm con đi trước, Hương bế cháu ngoại theo sau, lần lũi băng đìa gõ cửa nhà người ta xin cho hai đứa trẻ bú nhờ. Đã mấy lần, lão định liều nói cùng Hương khi cứ nghe ai đó nhủ rằng: Kìa con con cháu cháu sao không bấu chắc vào nhau!

Khổ! từ thâm tâm. lão sợ rằng khi mà lão ngỏ lời (thậm chí hành động) thì Hương sẽ vĩnh viễn dời khỏi lão vì nàng là típ người yêu ai, chấp nhận ai phải là sự nể phục và cảm phục. Mà lão thì... hình như ông thầy tử vi trên thị trấn nói đúng: Đời lão rồi khổ về đàn bà, chết vì gái. Lão nghiệm: khổ vì đàn bà thì đúng rồi! nhưng chết vì gái thì... sao cà?

Chà! nom cái mông diêu diêu của bà chủ quán sàng qua sàng lại khung cửa hẹp trước ánh lửa bập bùng kia, tuổi sắp bảy mươi của lão còn phừng phừng những mê tơi đắm đuối bởi những ý nghĩ tội lỗi hành hạ thì cái nhận định chết vì gái đâu có quá đáng bao nhiêu.

Giọng bà Hương kéo lão Bính về với thực tại:

- Thôi thì trăm sự em nhờ anh. Cháu mà đỗ đại học nhà em ở lại đất này, mẹ nó sẽ gửi tiền về. Còn không thì bà cháu em sẽ đi Mỹ theo bảo lãnh.

Nghe thế, lão Bính thoáng giật mình tưởng như mình sắp rơi mất cái gì Không được! phải đỗ! Lão đập tay thùm thùm xuống cái bàn gỗ khiến ly rượu hương nhội nhảy choi choi muốn ngã...

 

Ngày thi đến. Lão Bính trở lại cái tháo vát đầy uy lực và quyết đoán vốn dĩ. Lão phân công con cháu đứa lo bơm xe, đứa nắm cơm, đứa chuẩn bị phụ tùng phòng hờ sự cố trên đường. Thằng con lão Tư Mèo bả lả:” Bác cứ giao hai em cho con. Con thuê bao nguyên chiếc taxi. Đảm bảo đi hai về hai “. Lão Bính trợn mắt:” Mày biến đi. Chim Hồng Hạc có chơi chung với Chim Cú bao giờ!’.

Lão Bính săm soi lại cái thùng xe lôi mới sơn ra chiều đắc ý lắm. Chà! hai đứa trẻ sẽ ngồi đâu lưng vào nhau. Thắt dây an toàn xong là mỗi đứa một cuốn sách có thể tranh thủ học thêm bài. Lão đã thực hành đến lần thứ một trăm cách mắc 3 chiếc võng chỉ với chiếc xe lôi với một gốc cây. Để giữ vững liên lạc giữa hậu phương (nhà) và tiền tuyến (thành phố) lão mượn thêm mấy chú kiểm lâm cái Điện thoại di dộng.

Chiều hôm trước. lão thành tâm thắp hương khấn vái rồi ra vườn chọn lựa trong đàn gà tre lai một cặp trống giò chuẩn nhất cắt tiết thịt rồi cúng ông bà rồi mời thiếm Hai Hương sang khấn. Bữa cơm liên hoan thật vui và lão Bính thấy hình như Hương cởi mở hơn ngày thường. Chiếc áo cánh nõn mỡ gà như cứ muốn bung ra. Rượu nếp gừng ủ lâu ngày thơm ngột mũi. Đôi gò má hây hây kia cứ chao qua chao lại cùng nụ cười chúm chím. Phà ơi! nhìn bộ dạng của bả, lão Bính đồ rằng bà ngoại đang vì tương lai đứa cháu mà chấp chới chứ qua cơ hội này là lại “chảnh gấp đôi cho mà xem”. Một ý định dung tục phớt qua: sao không nhân cơ hội này mà đụng vào lưng, ôm bờ vai nàng? Tức thì lão toan vả vào mặt mình: Ơ hay! cái ngày trọng đại và những giờ khắc thiêng linh thế này mà lại để cái ý nghĩ vớ vẩn ấy lòi ra ư?

Thế nhưng, bà chủ quán Hương như không thèm xét đến thái độ ấy của lão. Tấm thân còn nõn nà chợt xích lại muốn ép cái cơ thể bắt đầu vụng về của lão Bính vào vách lá dừa nước:

-         Em ra kèo đây: cháu nó mà đỗ thì em chiêu đãi bác. Muốn gì, chiều nấy!

-         Ý thiếm nói...

- Thì bác cứ thoải mái: ba ba tần thuốc bắc, rắn hổ đất xào hành xả, trứng rùa om ngải cứu, se sẻ chiên dòn, le le hầm măng khô... món gì thì món!

Như nhận thấy ánh mắt chưng hửng của lão, lần đầu tiên sau hơn ba mươi năm, Bà Hương dùng tay vỗ đánh đét vào khoảng đùi trần đen lưỡng của người bạn già rồi bả lả cho lão đủ nghe:

- Hay là em chiêu đãi anh theo phương án 2? Chiêu đãi ngay tại quán nhà em. Anh chỉ cần mang rượu nếp gừng. Bên em mồi có sẵn, tiếp viên có sẵn mà không đòi tiền bo!!

Nhìn đôi mắt liếc mướt đuôi, vành tai ưng ửng của tuổi hồi xuân kia, lão Bính thấy mình lâng lâng rạo rực. Quái! đã mệnh danh là sâu rượu của Trung đoàn đặc công xưa vậy mà hôm nay mới dăm tợp dông dài đã đổ say, đổ xỉn ra rồi?

 

Lão Bính soạn hành trang. Lâu lắm mới có dịp đóng bộ mà phải đóng cho oách. Đợt thi đại học này dứt điểm là một trận tranh đấu thư hùng không thua gì Wơn cớp. Cái tỉ lệ chọi một trên ba mươi lăm kia còn trần ai hơn vô địch bóng đá ấy chứ. Con thi nhưng cân não cha mẹ cũng thi luôn chứ bộ giỡn chơi? Vậy nên lão quyết định xuất hành với mũ cối Trung Quốc, giày da chiến sĩ Liên Xô và xanh tuya rông đặc công chính hiệu - Những món đồ mà chỉ những chiến binh lâu năm và trân trọng kỷ niệm mới có thể giữ gìn được đến bây giờ. Thiếm Hai Hương ngắm lão từ đầu đến chân khen nắc nỏm. Thiếm bảo chỉ thiếu cái xà cột da trung cấp khoen khoá mạ kền ngày xưa nữa là đúng kiểu cán bộ đi họp Miền.

 

Lâu lắm lão Bính mới về thành phố. Xà! mình chả khác gì con cua bò lên mặt ruộng. Chỗ nào cũng thấy lạ, thấy mới. Khiếp! người đông cứ như thể cái thành phố này không ăn, không ngủ để suốt ngày rong rẩy ngoài phố hay sao ấy. Lão còn có cảm tưởng như tất tật mọi người đều nhìn vào cái xe lôi kèm hai chỗ ngồi có thắt dây bảo hiểm của gia đình lão. Cứng tay lái như lão mà đôi khi cũng chờn chợn vì những pha thanh niên phóng xe sát sạt như muốn đâm sầm vào xe mình. Qua kính chiếu hậu, lão thấy vững lòng vì hai đứa trẻ vẫn ôm sách đọc cắm cúi và phớt lờ hết thảy những tia nhìn tò mò. Được - lão thầm khen hai đứa: làm người đôi khi cũng phải biết phớt đời như thế...

Dẫu rằng phớt đời đến mấy thì Lão Bính cũng bị chặn lại. Anh cảnh sát giao thông lia còi cái roét. Ai cũng tưởng phen này lão già da chì này thua chắc. Vậy mà không dè, thay vì rút bằng lái thì lão chìa cái bản potocopy giấy báo thi đại học. Người cảnh sát dịu mặt, phẩy dùi cui:” Mời cụ đi cho cẩn thận!”. Lão Bính cười chúm chím: cuộc đời bây giờ thoáng thật!

Trường đại học đây ư? Ô kìa, sao đột nhiên lòng lão lại bồi hồi? À! như thế là cuộc đời lão có lý do chính đáng để chững chạc bước chân vào khuôn viên trường đại học quốc gia. Cái hạnh phúc, chỗ hơn người có lẽ là những phút giây như thế này đây. Ghìm cảm xúc để nhìn ngang: lão thấy rất nhiều những ông bố, bà mẹ cũng dẫn con đi thi như lão. Ban đầu, lão Bính e ngại mấy anh chàng tre trẻ cứ xáp vô hỏi han. Sau rồi, khi biết họ là những sinh viên tình nguyện thì lão yên tâm ra mặt. Khỉ ạ! vậy mà mấy người dưới nhà quê cứ đồn trên thành phố là thế này, thế nọ. Thành phố mà cứ cười tươi như cô nàng trên pano quảng cáo và mặt mũi sáng sủa, nói năng tử tế như mấy cậu sinh viên kia thì thành phố muôn năm!

Phải nói với bọn trẻ câu gì đó trước khi chúng vào phòng thi chứ nhỉ. Dà! bao nhiêu câu nói văn hoa, bao nhiêu lời động viên khích lệ lão tích cóp thu nạp dự trữ cả một đời, lúc này bỗng chốc bay đâu hết. Khi tiếng chuông báo giờ vang lên, lão đứng nghiêm. cầm tay hai đứa trẻ giọng thẳng đuột:

- Cố gắng nghe tụi bây. Đằng sau bức tường của phòng thi là có bố!

Nhìn bước chân hơi xiêu xiêu của Hy Hiền lên từng bậc cầu thang giảng đường Đại học, lão hiểu con lão cũng đang hồi hộp lắm.

Bất chợt, chiếc điện thoại di động nơi túi quần rung bần bật. Lão bật máy. Đầu dây bên kia, giọng thiếm Hai Hương kề màng tai:” Chúc cha con, ông cháu nhà anh vạn sự như ý !” . Giời ạ! cái bà ngoại nầy học đâu được cái cách uốn éo khách khí nhanh như thế. Chỉ tổ tốn tiền! nghĩ thì vậy nhưng lão lại nói như quát vào cái bao diêm trong tay:” Hê lô! Được! bạn mình hãy đợi đấy!!

 

Có ngồi nghe lỏm chuyện các ông bố, bà mẹ kia tâm sự cùng nhau, lão Bính mới biết mình khờ dại. Lão phục lăn như bi khi một ông bố vọt khoe:” Cháu nhà tôi tập trung ôn luyện thi khối B. Thế nhưng tôi vẫn cho cháu đăng ký thi khối A này trươc. Đỗ hay trượt khối A không thành vấn đề. Chủ yếu cho cháu làm quen với phòng thi, với giám thị, giấy, phách, số báo danh... “. Rồi cái khoản ăn, chu đáo như lão lại là lạc hậu. Một bà mẹ nâng cao cái cạp lồng thức ăn nói như khoe:” Tôi chuẩn bị cho con bé món thức ăn nó khoái khẩu. Còn khoản cơm thì cứ ghé quán nào nóng nhất, dẻo nhất mà triển khai !”. Bất giác, lão nhìn hai đùm cơm nắm mang theo rồi tự trách mình già rồi không thể theo kịp tình hình.

Thế nhưng với lão Bính thì nhiêu khê nhất của sự chờ đợi này lại là... đầu ra. Khiếp! trà đá, nước lọc vào cơ thể rồi đâm ra bí bích. Tuổi già vật vã giữa phố phường xem ra hơi bị nguy. Nghĩ mãi, lão liều tạt sang cái quán vỉa hè. May sao, ông chủ quán cũng nguyên là cựu chiến binh. ông này cười móm mém rồi chuyển cho lão chiếc bô xanh:” Ông anh vào cái bếp dã chiến kia xả đỡ rồi pha nước đổ xuống cống ngoài kia. Nhân thể xem có vị nào cần qúa giang thì duyệt luôn!”. Cánh phụ huynh bắt tay hoan nghênh lão quá thể. Thế mới biết, tình đồng đội thật bao la !!

Cuối cùng thì đám thí sinh cũng lần lượt rời phòng thi. Mặc ai lo săn đón thăm chừng con cái, lão Bính không lạ gì tính nết con mình: có cạy răng chưa chắc con bé đã nói những điều gì chưa chắc chắn. Vả lại, với món thi đại học thế này thì hỏi cũng như không bởi lẽ đề thi dễ thì cười tươi chưa chắc đã đỗ nhưng đề khó thì mếu đấy nhưng có khi lại đậu. Lão lại tặc lưỡi nhủ mình:’ Thôi thì cứ làm hết nhiệm vụ của người bố rồi chờ đợi“.

 

Mà thật! cái người sốt ruột chờ đợi kết qủa thi mãnh liệt nhất của vùng tôm này vẫn là Lê Bính. Sau hai ngày lều chõng đi thi thật bão táp là hơn một tháng trời chờ đợi và hy vọng. Lão trở về với đìa tôm nhưng tâm trạng còn bỏ cả trên thành phố và ở vài nơi khác. Rồi lần đầu tiên, lão phá lệ đời mình. Lão gửi đi một loạt e-mail nhờ mấy người bạn ngoài bộ. Một anh bạn thương tình bỏ công làm cho lão mấy phép tính xác suất. Như vậy, trong tay lão có điểm của đám trẻ dẫu chỉ là tương đối. Nhưng mà khổ! có điểm rồi nhưng lão càng hoang mang không biết trường nào điểm chuẩn bao nhiêu mà hy vọng. Duy có mỗi điều lão được an ủi là cái thằng đua xe con nhà Tư Mèo điểm rất kém! chậc! Cái đồ nằm ngửa ăn sẵn, đồ cò trắng và đồ mánh mung bẩn vụn rồi đời cũng lòi ra. Tiên sư lão Tư béo chứ! cái sân chơi này còn đang công bằng và vô tư lắm chứ đồng tiền chả mua gọn được đâu. Gì chứ đề thi năm nay mà mướn thầy dạy tủ như cha con lão thì chỉ có ôm tủ mà khóc. Coi, phao là cái gì? luyện thi đảm bảo đậu là cái gì? Phét lác hết!

VĨ THANH

Tới ngày công bố điểm thi đại học, cả đêm lão Bính thức trắng để vào intenet. Khi xác định đúng điểm bọn trẻ rồi thì lão thở phào. Với số điểm như thế, lão tin rằng chúng không đậu nguyện vọng 1 cũng rơi vào nguyện vọng 2, 3. Mà đúng thật cái bữa báo đăng tên thí sinh trúng tuyển, thiếm Hai Hương ôm tờ Tuổi trẻ ào vào như một cơn lốc:” Đỗ rồi! Con bé cháu nhà em đỗ rồi! “. Và , cả tấm thân nần nẫn kia ôm chầm lấy lão Bính khiến lão suýt ngạt thở. Dùng hết sức, lão đẩy Hai Hương sang một bên, với tấm áo bà ba khoác vào người lui cui bước ra ngoài đìa tôm. Ơ! sao thế này! Mỡ đem đến miệng mèo mà chê a? Tới khi bé Hy Hiền thoắt chạy ra theo cha thì bà Hai Hương chợt hiểu: Hy Hiền không có tên trong danh sách trúng tuyển trường Sư Phạm.

Lão Bính mở computer rồi vào intenet. Bàn tay lão gõ trên bàn phím như múa. Lão gửi thư điện tử. Lão gọi điện thoại đường dài. Lão chả cần giữ kẽ gì nữa. Cứ hỏi và hỏi và dẫu có ai đánh giá thế nào lão cũng chấp nhận vì lão hơi hoang mang và sốt ruột thực sự. Chỉ đến khi không dưới ba người bạn khẳng định như đinh đóng cột rằng với số điểm như thế của bé Hy Hiền thì chắc chắn đậu vào Đại học kinh tế Quốc dân lão mới yên tâm.

Khi lão buông bàn phím thì mặt trời Rừng Sác vừa tròn đúng Ngọ. Ơ, trời không gió mà sao lão thấy mát rượi thế này. Quay qua phải, lão bồi hồi nhận ra thiếm Hai Hương đang phe phẩy quạt mát cho lão tự khi nào không hay. Bất giác, lão nắm tay người phụ nữ mà lão từng toan nắm tay từ mười bảy năm trước. Mặt Hai Hương chín rần cả màng tang. Bà vội giằng tay rút về, mắt ngước lên nóc lều tôm nói bâng quơ:” Kìa anh, có lẽ phãi dọi lại cái lều chứ để vầy mưa xuống thì ướt hết “. Phía bên ngoài đìa, bé Hy Hiền đành nép vào sườn cây bình bát chịu trận. Nó không dám lên tiếng dù chỉ là húng hắng ho. Không dám không phải vì sợ mà vì thương cha già từng cô đơn thui thủi đến vô cùng; lúc này là cơ hội hiếm hoi của cha…

 

Thế rồi, ngày nhập học cũng tới kề. Hường, cháu ngoại của bà Hai Hương cứ dặn đi dặn lại rằng sau khi cô lên thành phố trọ học rồi thì bà ngoại không được một mình bươn chải bán quán nữa. Tốt nhất là bà ngoại dọn về phụ ông Bính làm đìa tôm. Tiên sư bay! ta không cần mi mai mối! Bà Hai Hương chửi cháu như thế nhưng câu chửi vừa buông thì vành tai bà cũng nẫu nhừ.

Trước hôm bọn trẻ nhập trường, cả nhà ra nghĩa trang. Trước ngôi mộ Nguyễn Quyền, bà Hai Hương quì xuống vái lạy rồi tựa lưng vào bia đá. Nước mắt người đàn bà lã chã rơi. Ừ phải! bốn chục năm trời Hai Hương mới được khóc chồng trước sự chứng kiến của tất cả những đồng đội của ông đang nằm đây và những người còn sống đang đứng bên. Giọng Hai Hương nghẹn ngào“ Quyền ơi! em coi hôm nay như ngày cưới ra mắt công khai của chúng mình đây! Anh ơi! con Hường cháu ngoại chúng ta ngày mai bước chân vào giảng đường trường đại học rồi. Cái giảng đường mà bốn mươi năm trước anh vẫn kể cùng em rằng anh mơ thấy mình sau chiến tranh trở về thành sinh viên đại học Tổng hợp Văn. Cầu mong anh sống khôn, chết thiêng phù hộ cho con, cho cháu. Em cũng xin lỗi anh đã không sao vượt được khó khăn để dìu dắt con gái của chúng ta được học hành theo ý nguyện. Vâng! ngay cả chuyện giữ chân con ở lại đất này em cũng không làm được. Thế nhưng, em tin rằng con mình sẽ trở về. Hãy tha lỗi cho em và hãy tha lỗi cho em... từ ngày mai em... và... và anh Bính và... đìa tôm...” .

Lời khấn của Lê Bính như tan hòa cùng gió và nắng Rừng sác:” Quyền ơ ! ơn trời và nhờ ông phù hộ , nay các cháu thi đậu cả rồi. Hôm nay, nhân ngày ý nghĩa này, tôi muốn trải lòng cùng ông, cùng trời đất. Cuộc đời này ...mọi sự… dẫu sao thì… tôi và Hương…“.

Lời khấn, lời tâm sự lúc nghe rõ, lúc thầm thì, lúc chan chứa tự hào, lúc ngượng ngùng như có lỗi của Lê Bính và Hai Hương có thể bọn trẻ chưa hiểu hết thế nhưng những người nằm dưới mộ kia đều hiểu hết.

Gió vẫn rì rào .Rừng Sác trời thật trong phía trên và màu xanh của Rừng vẫn ầm ập bung dày phía dưới.

Rừng Sác Tháng 10 năm 2002

Việt Hòa

Tác giả những năm Bảy Mươi (ảnh trên)

Còn bây giờ (ảnh dưới) không biết thời gian? rượu? hay điều gì tàn phá!

 

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất