Thật ấn tượng khi xếp hàng lên cao ngó xuống BKK và ăn trưa tại đây. Người ta tuần tự chụp hình chúng tôi để in ra bán lại cho chính chúng tôi. Nhưng nếu không muốn chụp cũng chẳng thể chen ngang. Thôi thì chụp hình là phụ mà ăn mới là chính vì chị hướng dẫn hù dọa rằng: Nếu ta không kịp thời thì…không có chỗ ngồi.
Chúng tôi theo thang máy vọt lên tầng thứ 80 để ngắm BKK. Nhìn từ trên cao BKK đẹp hơn nhìn từ trên cao ở HCM. Hình như tòa nhà này có đến 3 tầng dùng cho nhà hàng tự chọn. Qua google, chúng tôi biết giá cả ăn uống ở đây không hề rẻ (700-800 bạt/xuất- tuỳ mức độ chém của các đại lý). Nhưng món ăn thì thật đa dạng và ngon. Chắc chắn là bên hướng dẫn đã đặt trước và mua được vé khuyến mãi trong dịp này.
Ngắm Bangkok trên cao rất lãng mạn. Chúng tôi được các bạn hướng dẫn phôn tới đăng ký trước nên được dành cho 3 dãy bàn để tác nghiệp. Họ nói đông quá và nếu không thu xếp khoa học thì chả còn chỗ ngồi. Thật vậy, sau khi ngắm phố xá Bangkok từ trên cao, chụp ít tấm hình kỷ niệm là đội quân mũ vàng như nghệ chúng tôi rầm rập xuống cầu thang để tiến vào ăn uống. Đúng như các bạn hướng dẫn nói: đông ơi là đông. Món ăn thì thật nhiều và món nào cũng ngon kinh khủng. Nhưng bực nhất có lẽ là phải ăn chung với các bạn du khách “người nước lạ”; ăn đã chen ngang mà còn nói rất to và âm vực cao như cãi nhao. Nhưng nhìn họ cũng xinh, cao ráo, trắng và nhất là không coi chúng tôi ra gì cả và ăn uống chả nể ai bao giờ. Mặc kệ, chúng tôi đắm chìm trong mùi thơm, cay, đậm đà của từng món thức ăn. Những con tôm tươi nguyên đỏ au. Những khúc lạp xưởng mịn màng; Những con sò, con ngao he hé hấp dẫn; Những xâu thịt nướng thơm nức; Những thớ mực biển tươi rói và cả những lát xoài Thái giòn rặm…
Ấn tượng nhì và cũng là điểm son trác tuyệt của chuyến đi có lẽ là chuyến hành trình chơi đảo Phataya. Phần này có lẽ tôi sẽ dành nhiều thời gian để viết về Đảo vì sự mến khách, sạch sẽ, ấn tượng và hấp dẫn của họ khi dùng Đảo làm nơi du lịch (trong bài viết sau)
Bây giờ, xin điểm qua vài chi tiết có thể nói còn “lăn tăn” của chuyến đi chơi:
Bài viết này là những nét chấm phá cảm nhận về cái “được” và “chưa được”của tất cả những ngày trong tua Thái. Nước bạn được cái gì, chưa được cái gì? Hướng dẫn viên? Du khách? Từ ăn- ngủ- ngủ lén và những nhu cầu cá nhân…
Trên xe mấy ngày, qua những câu chuyện, những lời hướng dẫn, dẫn dắt cùng với sự hỗ trợ của bác Google cùng mấy anh bạn mới quen trong các đoàn khác nhưng ở chung khách sạn và gặp nhau nơi điểm tham quan. Những chi tiết và những lời trao đổi cùng khả năng “sợt” trên mạng. Anh em chúng tôi nhanh chóng vẽ xong những chân dung của mấy người đang có chút “làm ăn” trên chính chúng tôi.
Phải dùng từ “làm ăn” mới xứng nghĩa. Và còn có thể sau từ “làm ăn” là từ “dã man” mới tải hết sự bức xức.
Trên xe, ông Hướng dẫn Du lịch người Việt luôn miệng nói về cái tôi của ổng. Thi thoảng, nếu có người trò chuyện riêng không nghe thì ổng gằn giọng nhắc thật vô duyên và rất láo: ”Quí vị nào không muốn tiếp nhận thông tin thì hạ bớt volume cho người khác tiếp nhận!”. Không lẽ anh em chửi đổng vì trên xe chí ít cũng săm sắp hơn chục vị về hưu và sẽ về hưu đáng tuổi cha chú, mẹ, dì… của ông Hướng dẫn. Có mỗi cái micro, hai vị Hướng dẫn Việt & Thái tranh nhau nói hết, huyên thuyên từ 13 vua triều Nguyễn đến những thói xấu của Bảo Đại và kể cả sự bất đồng trong hoàng gia Thái Lan. Có bao nhiêu thời gian ngồi trên xe ô tô là họ tranh nhau nói hết và ai nói chả muốn có người nghe? Nói thật lòng, nếu anh ta gọi đó là thông tin thì thật nực cười. Phải chi, chỉ cần mở một vài bản nhạc không lời nhè nhẹ cho bà con đi vào giấc ngủ có lẽ đã hay hơn. Phải chi họ dành không gian cho những cặp, những nhóm thoải mái trao đổi về hàng hóa, cảm nhận và nhận xét những gì mắt thấy, tai nghe...thì có phải du lịch đúng nghĩa không nhỉ? Không có nhẽ cứ phải nghe họ nói thì mới là...tiếp nhận thông tin???
Còn thông tin? Công bằng mà nói thì có. Chủ yếu là những thông tin hù dọa và cảnh báo cho khách là chính. Đôi lúc, thấy cái cách gã hướng dẫn du lịch Việt hướng dẫn bà con trên xe mà bật cười cho cái sự gã đang đinh ninh chăn “đàn bò” du khách. Ví dụ, mỗi khi vào điểm du lịch tham quan hay mua sắm nào đấy, gã và đồng nghiệp dán lên ngực cho mỗi người một cái vé hay cái đề can (sticker). Gã bảo đừng để đánh rơi vì người ta sẽ soát vé. Đa số mọi người tin. Nhưng nếu ai đã từng đi du lịch, từng theo đoàn vào những chỗ nhộn nhịp đông người thì đều biết rằng đó chỉ là cái mảnh ký hiệu giúp khi khách đi lạc sẽ được tìm ra nhanh chóng. Bởi vì, nếu thiếu ai đó, mọi người sẽ lên loa thông báo ký hiệu kia và sau 10 -15 phút, bảo vệ khu vực sẽ tìm ra …người lạc.
Đến đây, tôi cần phải kể cái khúc cuối cùng của chuyến đi để giải tỏa cái danh từ tại sao gọi hướng dẫn du lịch chuyến đi là “gã” một cách miệt thị.
Chả là trên xe, gã huyên thuyên về một mệnh đề “không ăn tiền của du khách mà sống bằng…buôn lậu và làm mánh!”. Nhưng tất nhiên ít người tin. Tôi thì cười mỉm chi bởi đã phải đóng 13 triệu 600 ngàn cho 2 xuất vé của người thân đi cùng. Trong khi tua du lịch 5 ngày, 4 đêm đi Thái được các tua Việt bán là 5.800.000 đ. Tiền vào đâu thì không biết nhưng gã đưa cho tôi cái biên nhận có đóng dấu vuông chính thị 6.800.000đ/xuất.
Khốn khổ nhất với tôi tại sân bay chuyến từ Thái về HCMC là lúc gửi hành lý. Cả đoàn đi thì gửi hành lý tất nhiên là theo đoàn. Khốn khổ cái chân cà nhắc của mình gã bắt chờ. Gã thừa biết cái chân của mình rất đau rồi nhưng chỉ vì lợi riêng gã không thèm quan tâm. Trong chuyến về, hàng buôn lậu của gã gồm gần 10 thùng phụ tùng hay máy móc gì đó đã được gã và đồng bọn sắp xếp ưu tiên gửi trước bằng tiêu chuẩn hành lý của cả đoàn (20 kg/người). Bao nhiêu hành lý của các thành viên trong đoàn một vài người thì gửi kèm cùng thùng máy, đa số bị tụt lại sau. Gã cũng tuyên bố trên xe rằng: mỗi thùng máy gã lời lãi vài chục triệu cho nên không hề có chuyện “nhặt bạc cắc” từ những du khách là…quí vị ngồi đây!
Chính hành vi gạt hành lý của khách ra sau để ưu tiên hàng lậu này của gã như một giọt nước tràn ly cho sự thông cảm và tôn trọng của anh em chúng tôi đối với gã hướng dẫn viên du lịch của Du lịch Việt Nam tên là: Nguyễn Thành Vũ. Không còn gì! Gã đã buôn bán trên đầu du khách! Rất may, chuyến đi đã an toàn! Nếu giả sử có biến hay hỏa hoạn gì gì…chắc chắn có lẽ gã sẽ tếch đi với những thùng hàng của gã mà gã o bế quí hơn sự chờ đợi và hành lý, thời gian của khách là chúng tôi.
Cho tới ngày cuối cùng. Bộ mặt lợi dụng và hoàn toàn không còn trân trọng, tôn trọng du khách của gã đã hiển hiện một cách rõ ràng nhất. Gã và những người cảm thông với gã có thể biện minh gì gì nhưng làm sao xóa nhòa được cái trò chất hàng ưu tiên trên tiêu chuẩn hành lý của du khách? Gã đã vì ai? Gã phục vụ cho ai? Không cho ai cả mà cho sự an toàn nhàn nhã trong chuyến đi của chính gã và mối lợi buôn lậu của chính gã! (Hai từ “buôn lậu” là chính gã tự nói ra và chém gió trên xe)
Bản thân tôi, có lẽ là người cú nhất bởi vì cái đầu gối tàn phế nhưng phải đứng đợi gần 2 giờ đồng hồ để là người cuối cùng được gửi hành lý. Tuy nhiên, cũng bởi lẽ mình không muốn khác người. Ai chịu được thì mình cũng chịu được. Thêm nữa: đã nhận ra bản chất thật của họ thì cũng cố nhẫn để xem toàn bộ vở diễn và nhờ vậy, hôm nay mình mới có lý để viết những dòng này ra đây!
Có lẽ rằng: gã tự cho rằng bản thân thông minh, từng xử lý những pha ngoạn mục (gã chém gió trên xe như vậy). Còn lại du khách thì là những…bảo sao nghe vậy và lùa đi sao thì đi như vậy; hù dọa hai ba câu hàng trắng, hồng phiến…là sợ chết khiếp. (Mà quả thực một số anh em sợ thật, sắp về hưu, có gì thì …hạ cánh làm sao? Đành vui mua bia về nhậu vỉa cửa khách sạn tại Pattaya…)
Nhưng đáng thương thay cho những niềm tin và sự suy nghĩ của những người như gã. Nói nhiều thành ra mâu thuẫn, thành nhàm và nhảm miệng. Gã hù dọa tình hình an ninh ở BKK và Phataya là thế này, thế nọ nhưng chính gã lại ca ngợi người Thái là xe máy để ven vỉa hè không ai lấy và trên xe bán tải, hàng hóa để trên thùng đỗ chỗ vắng an toàn vô tư. Gã phê phán dè bỉu khách du lịch đi mà không chịu mua sắm, là ki bo, là gì gì…nhưng sau khi chúng tôi đi hết 8 điểm tham quan mua sắm mà gã và người hướng dẫn Thái Lan đưa đi thì khi trên xe về sân bay Bang Kok gã lại bụm miệng nói rằng: tiền kiếm rất vất vả, mọi người đừng vì cần phải xài hết tiền baht mà cứ nhắm mắt mua đồ ở sân bay. Té ra, bài vở của các anh, các chị cũng chỉ bấy nhiêu. Lúc có phần lợi thì dụ người ta tiêu tiền. Tới khi hết mối thì ngăn cản người ta kẻo họ sa đà mua sắm mà quên giờ lên tầu bay!
Bài vở có bấy nhiêu cũng không phải do các anh, chị hướng dẫn du lịch đặt ra mà chính là ngành du lịch Thái đặt mục tiêu. Giảm giá tối đa (chỉ 5,8 triệu/5 ngày 4 đêm) nhưng khách tua phải đi qua đủ 8 điểm tham quan và mua sắm mà tôi sắp kể một cách chấm phá dưới đây.
Tới cái nơi nuôi và chiết nọc rắn hổ của Hoàng Gia Thái gì gì thì cái sự thất bại của trò PR còn thảm hơn. Từng đoàn du khách được đưa vào phòng gọp là phòng VIP và một chị áo blu trắng với mấy cái lọ, muổng…giới thiệu công dụng của thuốc và sự lão hóa suy nhược của cơ thể. Đa số anh em vì nể và lịch sự nên nán ngồi nghe chớ căn bản bài vở của chị y sì một em bán hàng đa cấp. Có nghĩa là bắt mạch chung chung bằng lâm sàng rồi táng những viên thuốc xinh xinh kia vào là…cái lão hoàn đồng! Kể ra, nếu dư tiền thì mua ủng hộ chị bởi chị cũng xinh gái trắng trẻo đúng típ gái Sè Goòng chớ mua về là xếp xó luôn bởi lẽ cái cơ thể chúng mình chí ít có xài thuốc viên nén cũng phải có toa bác sĩ chứ đâu như mấy thím những năm 60 thế kỷ trước xài thuốc tễ với lại cao đơn hườn tán hỉ?
Tham quan? mươi cái chuồng con con bảo là nuôi rắn hổ mang chúa. Nhìn lèo tèo thấy tội. Chợt nghĩ đến trại rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang rắn phong phú gấp bao nhiêu lần! Chà! Một lần nữa phải tự nói với mình rằng: Người Thái làm du lịch hơn chúng ta nhiều lắm!
Tàm tạm có lẽ là nơi bán Cao Hổ và mật ong hoa Anh Túc. Nghe bạn giới thiệu cũng có lý bởi Thái Lan nhiều hổ nuôi và là nơi được giết thịt thương phẩm. Vậy thì xương sảu họ nấu cao là có lý. Rẻ hơn mua bên ta nhiều. Thôi thì mua cho ông già một gói là quà. Mật ong? Màu mè được mắt của nó. Chà! 700 ngàn/ lít kể cũng đắt khét nhưng mua làm quà cho cháu nội cũng là một ý hay. Chỗ này, đảo Phataya là hai nơi đã lượm được tiền của Bọ!
Với những ngôi chùa Thái thì thật đẹp và lung linh. Đất nước 93 % dân số theo đạo Phật mà. Nhưng hình như các bạn hướng dẫn viên đã làm mất hết cảm hứng đi chùa Thái của tôi. Chùa Phật vàng và chùa…(không đi nên chả cần nhớ, chả cần chép)
Bạn ấy nói về sự thiêng của ngôi chùa. Về những người Việt sang đây cầu xin gì được nấy…
Bất giác, tôi chạnh lòng: bên Việt Nam mình cũng nhiều Chùa. Chùa nào thì cũng thờ Phật cả. Phật Thích Ca chỉ có một và chắc chắn Đức Phật hiện diện ở khắp mọi nơi. Tại sao không về ngôi chùa là hẻo lánh ngay cạnh nhà mình mà quì xuống cầu xin Người cho sự bình an và thanh bình? Tại sao và vì lý do gì những ngôi chùa Việt kia không linh thiêng bằng ngôi chùa bên Thái này mà phải để Phật tử Việt lặn lội bao nhiêu đường đất sang đây cũng chỉ để chiêm bái Phật và thỉnh cầu Ngài?
Trong một chớp nhoáng trao đổi với chị Hướng dẫn Thái Lan, nghe chị mang ra một bức tượng phật nhỏ bằng vàng và có viên xá lợi (theo chị nói) và chị bảo rằng: thỉnh ở chùa chúng ta sắp tới với số tiền là 13.000 baht. Tôi ước lượng bức tượng chưa tới một chỉ vàng. Nhưng với số tiền kia thì quả thực người thu nhập thấp như tôi không bao giờ dám mơ tới.
Chỉ bấy nhiêu cùng với cái chân đau, tôi không leo được các bậc tam cấp lên chùa. Đành vậy! cuộc tâm linh này không dành cho kẻ yếu bóng vía như tôi…
Còn cái được và chưa được của chính chúng tôi, đoàn khách 32 nhưn vật già trẻ gái trai? Cái được nhất là ngoan vô cùng tận. Chả thế, suốt một chiều dải 5 ngày đêm và cung đường phức tạp của hơn 10 điểm tham quan, vui chơi, mua sắm…mà không hề xảy ra một sự cố dù rất nhỏ. Giải thích cho điều này không hẳn là mọi người “ngoan” mà phần vì lớn tuổi, không muốn ham hố sa đà. Phần vì thấy họ hù dọa là nếu lạc lối, lãnh sự quán bảo lãnh này nọ cũng ngại phiền. Phần vì bên Việt Nam ta ngoài đường chuyện đổi công tráo phụng rồi ba xạo phổ biến nên sự cảnh giác của bà con mang sang tận đây. Thôi thì chả biết nó “có gì không” nhưng cứ gọi là…phạm vi hẹp. Phần căn bản nhứt nữa là …tiền đâu? Hưu trí rồi, công nhân 3 cọc ba đồng…làm gì ra tiền. Sang đây thấy cái gì muốn mua cũng có vẻ đắt hơn Sài Gòn; thôi thì gói gém ráng mua cái nồi cơm hiệu Shap vì ai đi cũng mua về xài khá tốt. Phần căn bản nhì nữa là…sự vô duyên của chuyến đi. Ai đời đi Phataya là nơi ăn chơi quậy cọ như quỉ sống từ 9 giờ đêm tới 5 giờ sáng hôm sau mà mang mấy ông già, bà cả leo ngheo sáng sớm thể dục dưỡng sinh thế này chỉ có nước đóng cửa phòng khách sạn mà ngó ti vi. Mấy ông thì nhậu hay đánh bài giết thời gian chứ có thấy héo lánh ra phố, ra chợ gì đâu?
Một cái chưa ổn nhất trong đoàn chúng tôi là hút thuốc lá. Ai đời, có hơn hai chục đàn ông thì hết 18 ông nghiện thuốc lá thêm ông hướng dẫn Vũ nữa coi như gần 2 chục. Những cái ống khói này rất lạ. Cứ đến chỗ nào cũng chỉ ngó căn bản 2 nơi: nhà vệ sinh và chỗ hút thuốc lá!
- 18/06/2015 07:24 - Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap. {kỳ 4)
- 04/06/2015 13:31 - Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap. {kỳ 3)
- 02/06/2015 10:28 - Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap. {kỳ 2).
- 10/05/2015 10:51 - Ghi chép Cam Pu Chia - PP, Siem Reap..(nhiều kỳ).
- 28/12/2014 15:18 - Một ngày cùng các em khiếm thị
- 28/11/2014 02:15 - Hành trình sô diễn kỳ 3: Show Alcazar và các Katoey
- 05/11/2014 09:13 - Hành trình sô diễn kỳ 2: Tượng Phật và Chợ Nổi 4 miền…
- 18/10/2014 02:13 - Hành trình tìm sô diễn của Hoa hậu chuyển giới Thái Lan (kỳ 1)
- 20/09/2014 16:25 - Chương trình trao học bổng 2014 - 2015: Đến hẹn lại lên...
- 09/09/2014 10:39 - Chương trình trao học bổng 2014 - 2015: Cảm nghĩ sinh viên