Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Nhật ký Nam Dương - Nơi những trái tim được gắn kết

Sau gần 2 năm, tôi mới có dịp tham gia "Hành trình dọc phá Tam Giang – Khơi sáng tri thức", về lại với miền quê Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên - nơi còn nhiều lắm những khó khăn, vất vả... 
. của biết bao con người quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Nơi đây cũng là mảnh đất mà tôi đã sinh ra và lớn lên suốt 20 năm nay, mảnh đất mà lắm nhà còn phải lo cho miếng ăn từng bữa, bữa này chưa no đã phải tính cho bữa tới…
Thoảng trong gió sớm là hương lúa mới. Hương của những đóa sen nở muộn dưới nắng hè. Hương cỏ dại ven đường... mỗi lúc một đậm đà trong khứu giác. Hòa chung với đó là hình ảnh của những cánh đồng màu xanh trải dài tưởng như bất tận: những cây cầu tre, những con đường hẹp; những ngôi nhà nhỏ xinh; những người dân lam lũ với ruộng nương dưới ngày hè oi ả; những dáng hình bé bỏng của bao đứa trẻ với đôi mắt to tròn trong sáng càng long lanh hơn trên làn da rám nắng... cũng dần hiện rõ trước mắt tôi.
Và đây, trong tâm trí, bao hồi ức của ngày đầu tiên mà Tam Giang để lại cứ theo nhau tràn về như để đắp đầy thêm cho những nhớ thương.
Sinh viên chúng tôi mang theo niềm nhiệt huyết của tuổi trẻ với bao cảm xúc rạo rực, bồn chồn về với miền quê nghèo. Và hôm nay, dường như mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn... có khác chăng là sự mới lạ, bỡ ngỡ với những miền đất mà chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến. Tôi lớn lên ở miền quê Quảng Điền cũng đã 20 năm nhưng có những vùng ở nơi đây mà tôi chưa tới bao giờ, tôi cảm thấy thấm thía và đồng cảm hơn với những hoàn cảnh khó khăn nơi đây…
Ngày đầu tiên xuất quân, chúng tôi đạp hơn 20km để về với địa điểm mà chúng tôi sẽ ở trong suốt một tuần cho đợt tình nguyện này, tuy đạp mệt nhưng với sự đón tiếp nhiệt tình từ các anh em, các bạn ở Đoàn xã thì chúng tôi vẫn lao vào công việc đầu tiên của mình là dọn vệ sinh đài liệt sĩ và nhà văn hóa, sau khi dọn  xong chúng tôi nhanh chóng đạp về Nam Dương để tiếp tục nhiệm vụ của mình. Sau bữa trưa đầu tiên chúng tôi đi làm quen với các hộ dân ở đó đặc biệt là các em nhỏ, tổ chức trò chơi cho mấy em, và tình cờ chúng tôi, lần đầu tiên trải nghiệm công việc nhổ sắn, lúc đầu khá là khổ vì không quen, vác thì rớt lên rớt xuống, nhưng cũng xong tốt nhiệm vụ và được dân tặng cho 1 đống bánh đậu phụng và những chai nước ngọt khỏi chê ...
Kết thúc ngày đầu tiên là một bưã cơm tối, những câu chuyện tầm phào, về sự  mới lạ, bắt đầu làm quen.
Nhật kí ngày 2: Phải dậy từ sáng sớm để vệ sinh ăn uống, ăn mì tôm nên buổi sáng làm việc nhìn ai cũng đói meo... .
Buổi sáng chúng tôi chia thành nhiều đội với nhiều nhiệm vụ khác nhau: đội dạy học – dạy và cho những trẻ em chơi những trò chơi có thưởng, đội vệ sinh chịu trách nhiệm vệ sinh tại Bia tưởng niệm và đền thờ Liệt sĩ. Đội nhổ sắn thì nhổ nhổ và nhổ. Đội đi thăm hỏi và phát quà cho những hộ đặc biệt ở đây… Sau giờ cơm trưa, mọi người khá mệt vì những công việc lạ lẫm, chợp mắt một tí thì lại phải làm việc tiếp tục...
Phần tôi tiếp tục với công việc nhổ sắn vào buổi chiều, trong cái nắng oi của mùa hè, khi những giọt mồ hôi vẫn lăn dài trên má, chính những câu văn câu thơ bộc phát đã tạo ra những tiếng cười, xua đi bớt cái nắng hè như cháy, vơi bớt sự mệt mỏi, tuy mệt nhưng trên môi ai ai cũng nở những nụ cười…
Tối đến có lẽ là lúc thoải mái và vui vẻ nhất của các tình nguyện viên cũng như các em nhỏ, chúng tôi cùng nhau tập nhảy dân vũ. Bà con xung quanh tuy nghèo nhưng hiếu khách, nấu cho chúng tôi những nồi chè bí dân giã, đậm chất thôn quê. Kết thúc ngày hai, một ngày làm việc hiểu quả!
… Dần dần chúng tôi quen dần với lối sống và sinh hoạt của người dân nơi đây. Mỗi ngày ở đây với chúng tôi mang một ý nghĩa riêng. Tôi vẫn nhớ như in hôm 27/07 vừa rồi, theo kế hoạch chúng tôi sẽ tổ chức một buổi tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ. Ăn cơm tối xong chúng tôi bắt đầu di chuyển ra Đài Liệt Sĩ xã thì trời bỗng đổ mưa, cờ bay phất phơ. Tới đài liệt lĩ bắt đầu sắp xếp nến và thắp lên những ngọn nên lung linh tưởng nhớ những các anh hùng đã hi sinh để chúng tôi có được những ngày hôm nay. Sau phần tưởng niệm thì chúng tôi được giao lưu với các thanh niên ở quanh đó bằng các trò chơi vòng tròn kiến ai cũng cười ngất ngưỡng, kết thúc đạp xe về lại nơi ở với một cuộc họp Ban Điều Hành nhanh.
Cứ như thế, mỗi ngày một công việc riêng, một ý nghĩa riêng, thấm thoát cũng 6 ngày chúng tôi ăn ở với dân ở đây, nơi mà chúng tôi hay đùa giỡn với nhau bằng câu nói: “tiền thì không có nhưng tình cảm thì không thiếu”. Ngày cuối, chúng tôi tổ chức văn nghệ giao lưu với các em nhỏ và xã Đoàn, trao quà tặng cho những trẻ em gia đình khó khăn cố gắng trong học tập và trao quà cho những hộ gia đình nghèo, những người già neo đơn không con cháu chăm sóc, tổ chức xổ số cho gần một nghìn vé số từ thiện mà chúng tôi đã phát hành để chuẩn bị cho chương trình.
Dù muốn dù không thì thời gian một tuần cũng sắp đến những giây phút cuối cùng, chúng tôi nói lời tạm biệt bà con và các em trong sự bịn rịn lưu luyến và cả những giọt nước mắt nữa. Hầu như mọi thành viên đều thấm hiểu thế nào là “đi dân nhớ- ở dân thương”. Có lẽ và hình như …chúng tôi đã làm được điều đó.
 Hành trình Tam Giang - Khơi sáng tri thức 2014 đã chính thức khép lại nhưng những việc làm, những ngày bên lớp học, những ngày lao động, vui chơi, mỗi buổi tối 52 cây với xoong chè đen, dâu chua bên cạnh... sẽ là những kỉ niệm đẹp mà chúng tôi sẽ mãi khắc ghi, sẽ nhớ lắm… Hơn ai hết, những người sinh viên tình nguyện chúng tôi càng cảm thấy luyến tiếc hơn, chính nơi đây đã làm cho chúng tôi hiểu nhau hơn, giúp chúng tôi tìm được chung tiếng nói, chung hành động, ngày một gắn bó với nhau hơn nữa.
Mỗi vùng đất đều sẽ có một hình ảnh đẹp được in mãi trong nỗi nhớ của người ra đi.
Nếu miền quê Mai Dương là hình ảnh của một đầm hồ cho chúng tôi thả mình ngụp lặn thi nhau bắt Trìa về nấu cháo; thì quê Phước Lập lại có một bãi cỏ xanh dài rộng bên hồ nước mát lành để mọi người thỏa sức với những trò chơi dân gian hấp dẫn; và... Nam Dương bây giờ chính là những cánh đồng bạt ngàn ruộng Sắn cho các bạn sinh viên thi thú thơ văn, hay kể chuyện tình "khoai sắn" đầy dí dỏm sau những buổi lao động vất vả. Hành trình chỉ gói gọn trong 7 ngày ngắn ngủi nhưng chắc chắn trong suy nghĩ của những tình nguyện viên chúng tôi nó vẫn được nối dài, nối dài bằng những kỉ niệm, nối dài bằng những lắng đọng và những trải nghiệm mà chương trình để lại. Rồi đây sẽ có người lại cười hay rơi nước mắt khi nhớ về nó.
Từ chuyến đi trở về, tôi mang theo niềm khắc khoải về hình ảnh một cụ già đã hơn 90 tuổi - cái tuổi mà đáng ra phải được hưởng an nhàn, được con cháu chăm lo. Thì nay, bà chỉ sống côi cút một mình trong ngôi nhà tình thương xiêu vẹo với những bữa ăn qua ngày nhờ vào 180.000 tiền trợ cấp mỗi tháng. 180 ngàn... Tôi thực sự nhói lòng với con số đó... đôi lúc nó chỉ bằng hoặc thậm chí chưa đủ để mua 1 chiếc áo. Tôi thấy thương cho bà và xót xa cho những người con của cụ... Vì nghèo, vì già yếu hay vì lý do gì mà bà bị con cháu bỏ quên? Mong sao một ngày nào đó họ sẽ thức tỉnh để trở về. Cuộc sống đúng là vẫn có nhiều gian truân, trắc trở! Giờ tôi càng thấm thía hơn câu “ lá lành đùm lá rách”, trong cuộc sống này vẫn còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự sẻ chia của mọi người.
Hình ảnh:

Trao quà 
Lao động và công tác
Văn nghệ và giao lưu
Phút chia tay...
Tạm biệt ...

 
Bài và ảnh: Phan Thị Mỹ Hải

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất