Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Đến thăm một hoàn cảnh học sinh Vạn Đò

  Sau nhiều lần hỏi thăm, nhiều cuộc điện thoại để biết thêm thông tin, tôi tìm đến với Bệnh viện Trung Ương Huế- nơi em Nguyễn Văn Cung đang nằm điều trị. Tôi lặng người đi khi nhìn thấy em, nhìn thấy thân hình gầy guộc của một học sinh lớp 9 đang phải vây bủa  bởi bao nhiêu máy móc thiết bị để duy trì sự sống, em vẫn trong tình trạng hôn mê… .
Em Nguyễn Văn Cung, đang học lớp 9 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Huế. Hoàn cảnh của em Cung hết sức khó khăn. Gia đình nhiều đời là dân vạn đò, chỉ mới lên đất liền sinh sống vài năm trở lại. Ba mẹ chia tay nên em phải sống từ nhỏ với người bà ngoại già yếu. Dù hoàn cành có khó khăn nhưng bà ngoại Cung vẫn muốn Cung được đến trường như bao bạn bè. Thấy bà cực khổ, ngay từ khi còn nhỏ, Cung đã cùng bà đi bán dạo, phần để lo toan cuộc sống, phần để trang trải kinh phí học tập ở trường. Sau này lớn lên, có sức khỏe, Cung xin vào làm việc chân tay ở các quán cà phê, Karaoke để có thu nhập ổn định hơn. Lúc còn nhỏ, hàng ngày, buổi sáng em đi học, buổi tối bươn chải làm thêm kiếm sống. Từ những ngày khó khăn mưu sinh bán hàng rong (chủ yếu là lạc rang) tại các quán nhậu, năm 2011, em gặp được những người khách tốt bụng. Sau khi phát hiện tài năng ca hát của Cung. Họ đã quay clip về năng lực của em và tải lên Youtube. Bài Mưa thủy tinh của Khánh Phương mà em hát đầy cảm xúc đã được hàng chục ngàn lượt bạn đọc yêu thích. Chỉ trong vòng 4 phút sau khi clip được tải lên đã có đến 65000 lượt xem.

Giọng ca của Cung đã từng khiến cộng đồng mạng dậy sóng một thời gian dài, thu hút chú ý của cả những ca sĩ trong giới âm nhạc, lan tỏa đến biết bao nhiều người. Tuy vậy may mắn đã không mỉm cười lâu với Cung. Mọi thứ qua đi, Cung trở về với cuộc sống thường nhật của mình, vẫn con đường ấy, vẫn là những lon lạc rang rong ruổi khắp các nẻo đường, quán nhậu để kiếm sống qua ngày.
Cuộc sống vốn vất vả là thế, khó khắn là thế nhưng may mắn vẫn tiếp tục không mỉm cười với em, trái lại nó còn cướp đi của em nhiều hơn nữa:
Vì rất yêu ca hát và muốn kiếm thêm một ít tiền phụ giúp bà ngoại già yếu  nên ngoài công việc học tập trên trường, Cung xin vào làm thêm ở một quán Karaoke. Những tưởng cuộc sống sẽ không quá khắc nghiệt với em hơn nữa nhưng không ngờ một tại nạn bất ngờ khiến em phải nằm trên giường bệnh. Hôm 23/6 vừa qua, khi đang trên đường cùng bạn đi lấy tiền lương làm thêm, mũ bảo hiểm của Cung bị rơi, em quay xe lại nhặt mũ, bỗng chiếc xe mất đà và lao vào gốc cây làm Cung bị tổn thương não nặng và chân trái gãy. Bạn em thì bị gãy 2 chân. Cung được cấp cứu tại tầng 5, Khoa Gây mê Hồi sức A, Bệnh viện Trung ương Huế. Sau cuộc phẫu thuật ngày 29/06 vừa qua, em đã qua được cơn nguy kịch nhưng tình trạng sức khỏe vẫn rất yếu. Hôn mê suốt hơn 20 ngày sau khi vào viện, hiện tại em đã tỉnh và có thể nghe nói được, sau một thời gian dài được theo dõi và phục hồi phần não bị thương tổn, Cung được chuyển xuống tầng 1, Khoa Chấn thương Chỉnh Hình, bệnh viện Trung Ương Huế và vừa có cuộc phẫu thuật ở chân trái vào ngày 18/07 vừa rồi.
Được biết, các cô dì cậu mợ của Cung đều là người lao động chân tay, bán hàng rong, đạp xích lô, khuôn vác… hoàn cảnh ai cũng khó khắn, không khá hơn là bao. Hàng ngày bà ngoại Cung ôm thùng hàng bán dạo đi khắp các công viên trong thành phố để mời khách. Công việc mưu sinh lúc được lúc không, một ngày cũng kiếm được vài ba chục ngàn để lo bữa cơm manh áo qua ngày. Anh Trần Ngọc Hải (cậu của Cung, nghề đạp xích lô) tâm sự: "Gia đình tích cóp, vay mượn được 30 triệu lo cho cháu thì sau 1 tuần vào viện thì đã hết 26 triệu. Chúng tôi đã phải vay nóng (vay nặng lãi) 10 triệu đồng để trang trải tiền viện phí. Giờ mượn được ai thì mượn chứ chúng tôi cũng không biết làm sao. Mấy hôm nay có nhiều nhà hảo tâm biết đến hoàn cảnh tội nghiệp của Cung có đến hỏi thăm, động viên giúp đỡ, phần nào giúp Cung và gia đình vượt qua khó khắn hiện tại. Nhưng vẫn còn quá nhiều những lo toan, hằng ngày Cung phải mua đến gần 2 triệu tiền thuốc các loại, mà nhà chúng tôi thì nghèo, phải túc trực bên Cung thế này, bao nhiêu cũng dồn hết cho phẫu thuật, viện phí thuốc than, giờ chúng tôi túng khó lắm”. Anh Hải mắt ngứng nước, cổ họng như nghẹn đắng lại khi tâm sự, Cung tuy đã qua cơn nguy kịch nhưng vì chấn thương nặng phần não nên còn phải theo dõi và dùng thuốc dài hạn.
Anh Hải- cậu của Cung, cũng cho hay vì yêu thích ca hát từ nhỏ nên Cung có ý định, nguyện vọng học thanh nhạc, luyện giọng để thi vào trường Trung Cấp thanh nhạc song song với kỳ thi lớp 10, nhưng tai nạn bất ngờ khiến em phải tạm gác lại ước mơ và cả việc học đang dang dở.
Lần thứ hai ghé thăm Cung, không giống như lần đầu khi em đang hôn mê, lần này em đã tỉnh táo hẳn, có thể nói chuyện được. May mắn hôm nay tôi gặp được em vì dì Bê – dì ruột của Cung, nói rằng hôm nay bác sĩ cho phép Cung xuất viện về điều trị tại nhà. Khi được hỏi về tình hình của Cung hiện tại, dì Bê bảo: “ Sau một tháng nằm điều trị, giờ sức khỏe em đã khá lên, em vừa phẫu thuật chân nên đi lại vẫn khó khăn, nhưng may là em đã không còn đau trong đầu nữa”. Tôi đến thăm em vào một chiều Huế đổ mưa, có lẽ thời tiết thất thường ở Huế cũng làm cho chân trái em thêm nhức nhối vì vết mổ chưa khô, thỉnh thoảng em lại phải trở mình ôm chân do cơn đau cứ nhói lên từng đợt. Cũng không rõ vì lấy vein và chích thuốc quá nhiều ở tay trái hay vì di chứng chấn thương ở não gây ra mà hiện tại tay trái em đang mất cảm giác và không thể cử động tự do được. Tôi cứ nghĩ có chút may mắn vì là tay trái chứ không phải là tay phải nhưng tôi như khựng lại trước lời nói của em: “Chị ơi, em thuận tay trái, em viết bằng tay trái”. Tôi chả biết nói gì hơn chỉ thầm mong may mắn không quay lưng với em lần nữa, mong cái tê cứng ấy chỉ là tê cứng tạm thời. Cũng trùng hợp hơn nữa, hôm nay em ra viện và có sự có mặt của mẹ em, chỉ buộc miệng hỏi rằng sau khi em Cung ra viện dì có về ở với em chăm sóc cho em không, chưa để mẹ mình trả lời, em Cung vội nói: “ Mẹ em không đi làm thì lấy gì mà sống, mẹ em còn có em nhỏ nữa chị ơi”. Tôi thầm nghĩ có lẽ cái nghèo, cái khó đã khiến con người trở nên xa cách nhau hơn, nhưng cũng vì thế mà lại gần gũi nhau hơn, Cung dường như thân thiết với dì Bê hơn là với mẹ, bởi lẽ dì Bê chính là người cùng bà ngoại chăm lo cho em từ nhỏ.
Em đã không kịp thi vào lớp 10 khi tai nạn xảy đến với em chỉ cách vài ngày trước kì thi, vậy là em phải bỏ lở một năm, phải đợi một năm sau mới tiếp tục được đến trường. Khi được hỏi về ước mơ học nhạc của mình, tôi hỏi em có còn thích học thanh nhạc nữa hay không, từ giờ cho đến khi bình phục hẳn vẫn giữ vững ước muốn học nhạc chứ thì em chỉ gật đầu: “Dạ có, dạ muốn”.
Khó khăn này chồng chất khó khăn kia, không biết rồi đây số phận Cung sẽ ra sao, không biết sẽ có bàn tay nào đó rộng mở nâng đỡ cho em, mong em sẽ sớm vượt qua, sớm bình phục để tiếp tục đến trường, để tiếp tục nuôi lớn ước mơ vốn ấp ủ của mình. Cầu chúc cho em sẽ may mắn hơn, cuộc sống xin hãy bớt thử thách em, thân em gầy lắm, vai em nhỏ lắm không gánh nổi thêm nữa đâu.
Trời đổ mưa nặng hạt hơn, tôi gửi gắm những lời chúc rồi chào tạm biệt em, hẹn sẽ gặp lại em vào một ngày không xa. Tôi như rưng rưng khi nghe lại bài hát Những đứa trẻ đường phố với giọng hát đầy cảm xúc của em, bước chân nặng trĩu và lòng như đượm buồn…
 
 
Bài và ảnh: Phan Thị Mỹ Hải

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất