Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam Quốc bài 27: Bình về Nhìn người và dùng người

Tào Tháo dùng người lấy quyền thuật mà chế ngự (trọng cái cốt yếu) – Lưu Bị kết giao lấy tính tình làm trọng (cốt ở cái chân thành) – Tôn Quyền dùng người lấy ý khí làm đầu (trọng ở chí khí). Còn Gia Cát Lượng dùng người đã vận dụng sở trường của cả ba nhà.”
.
(trích từ Sử Trát Ký - Triệu Dực).
Bất kể thời nào, việc dùng người luôn luôn mang tầm quan trọng rất cao. Trong thời bình cũng như trong thời loạn lạc như Tam Quốc, việc dùng người chính xác mang lại hiệu quả to lớn. Nhà cai trị thời xưa hay các CEO thời nay được công nhận là giỏi không chỉ ở khả năng ứng biến tốt, quyết đoán, lập kế hoạch giỏi mà còn chính là ở khả năng nhìn người, dùng người phải "đúng người, đúng việc". Khả năng nhìn người là khả năng thấy được tính cách của một nhân vật thông qua cách ứng xử, giao tiếp, cách xử lý công việc và quan trọng nhất là tính tình và lòng trung thành. Thử hỏi nhìn người sai rất dễ để người bị làm phản, gây bất lợi cho mình.

Bởi vậy những anh quá thông minh, có hoài bão, tham vọng trong người thì thường giấu kín đi. Lưu Bị một đời anh hùng cũng là vì biết tỏ rõ hoài bão của mình đối với những người cần thiết cho sự nghiệp của mình như Quan Vũ và Trương Phi nhưng lại giấu kín nó trước Tào A Man. Hay như anh Tư Mã Ý cũng giấu mình quá tuyệt trước Tào A Man và Tào Phi, chỉ lộ rõ khuôn mặt thật khi cần thiết. Người đời có câu "Chân nhân bất lộ tướng" một khi lộ ra thì "vang rền khắp nơi". Lưu Bị cả đời trôi nổi, chả ai biết đến mình ngoài chức danh hão "Lưu Hoàng Thúc" và chức danh phong cho có như thủ lĩnh các châu Từ Châu mục, Dự Châu mục … nhưng khi chiếm Kinh Châu, đoạt Lưỡng Xuyên thì vang rền thiên hạ vậy.

Còn cách dùng người "đúng người, đúng việc" rất quan trọng và nếu làm sai sẽ gây ra hậu quả khôn lường, có thể dẫn đến mất nước. Trường hợp Cụ Khổng Minh dùng sai anh Mã Tốc không những là bài học về cách dùng người cho muôn đời sau của Trung Quốc mà còn đi vào sách giáo khoa phương Tây.
Thời Hán, nền phong kiến phát triển dựa trên nền Đức Trị và Lễ Trị của Khổng Mạnh, có thể nói là đến đỉnh điểm. Cách tuyển chọn quan lại dựa trên Lễ Trị. Ai muốn làm quan thì phải có dòng dõi quan lại hoặc phải có danh gia đại thần tiến cử. Do đó mới có chuyện nhà anh Viên Thiệu 3-4 đời làm đến Tam Công. Những người tài giỏi nhưng lại không có danh phận thì không được dùng, vì thế gây nên một mối mâu thuẫn tồn tại quyết định đến cả sự tồn vong của đời Đông Tấn sau này. Đó chính là mâu thuẫn giữa sĩ tộc quí tộc và kẻ sĩ nghèo hèn. Người nghèo hèn như dân thường vừa phải đóng thuế và vừa phải đi quân dịch trong khi giới quí tộc vừa không phải đóng thuế nặng vừa không phải đi lao dịch nặng nề. Từ đó tạo nên một mối bất công trong xã hội. Hơn nữa, người quí tộc vẫn coi thường người thường dân và coi trọng xuất thân danh gia hay có địa vị. Có thể thấy trong TQDN, lúc anh em Lưu Bị cứu sống Đổng Trác và sau khi Đổng Trác hỏi danh phận mà 3 anh em chỉ xưng là dân thường thì Đổng Trác khinh khi ra mặt, bỏ qua cả việc trước đó 3 anh em Lưu cứu sống mình. Thái độ của Đổng Trác có thể nói là phổ biến trong giới quí tộc thời đó.

Mâu thuẫn này nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm là cuộc khởi nghĩa Huỳnh Cân (Khăn Vàng) của ba anh em Trương Giác, nhằm cải tạo một xã hội công bằng hơn. Danh sĩ đương thời phần thấy họa Lý Ưng, Trần Phồn bị thái giám hãm hại. Sự chán nản chốn quan trường của các cụ Tư Mã Huy, Bàng Đức Công, Hoàng Thừa Ngạn...về Kinh-Tương ở ẩn. Khổng Minh lúc này mới dậy thì ở Kinh-Tương lại chơi nhiều với các danh sĩ Thanh Lưu ở đây nên phong cách sống và suy nghĩ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hệ tư tưởng này. Bác Khổng tuy không thấy rõ mâu thuẫn này nhưng thường ngày người chú là Gia Cát Huyền kể và nhất là các cụ như Bàng Đức Công, Tư Mã Huy, Hoàng Thừa Ngạn bọc lộ quan điểm trong lúc "trà dư tửu hậu". Anh Khổng theo Lưu Bị trước nhất là cảm cái ơn tri ngộ "Tam cố thảo lư", nhì là "tư tưởng Thanh Lưu" trùng hưng nhà Hán và ba chính là thấy được Lưu Bị cũng xuất thân nghèo hèn nên mong giúp sức cho Lưu Bị để xây dựng một chính quyền, một xã hội công bằng mà người tài được trọng dụng đúng chỗ để rổi sau đó lại về quê cày ruộng vui thú điền viên theo đúng tư tưởng của anh Tử Phòng xưa kia hay các anh trong Thanh Lưu phái ở Kinh Tương.

Liên hệ sang xứ ta, các cụ sĩ phu Bắc Hà (như Ngô Gia Văn Phái...) cũng bắt chước theo gương người xưa mà thấy bác Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) vào là lảng, chạy tán hết cả; chỉ mỗi cụ La Sơn phu tử, bác Ngô Thì Nhậm là chịu chơi, góp sức cho bác Hồ Thơm thôi.

Riêng anh Tháo tuy là dòng dõi sĩ tộc triều đình nhưng lại có đầu óc tiến bộ. Cách dùng người của anh Tháo này là chỉ dùng người tài, không câu nệ xuất thân, không ngại phẩm hạnh không tốt. Cách dùng người của anh Tháo rõ ràng là đả phá mạnh mẽ cách dùng người Đức Trị và Lễ Trị của triều đình nhà Hán. Cuộc đối đầu của anh Tháo với Đổng Trác và Viên Thiệu là đại biểu cho hai thế lực dân thường và giới sĩ tộc lúc đó. (Đổng Trác từng là thứ sử Tây Lương, còn Viên Thiệu 3 đời nhà làm đến Tam Công). Chiến thắng của anh Tháo với anh Thiệu là chiến thắng của tư tưởng dùng người có tài với tư tưởng chỉ dùng thân thích và người sĩ tộc. (Tuy nhiên, anh Tháo chả phải là dùng người tài tuyệt đối mà cũng thiên vị thân thích như trường hợp các bạn Hạ Hầu Đôn, Uyên, Tào Nhân, Hồng - cũng may các bạn này bạn nào bạn nấy dũng mãnh khôn lường cộng thêm việc thời loạn, lòng trung khó đoán nên dùng người thân thích cho chắc ăn thì cũng du di cho qua). Cái hay của anh Tháo đối với anh Thiệu là anh Tháo cũng dùng người thân thích nhưng đã dùng thì tin tưởng. Nó phù hợp với câu "Đã dùng thì phải tin, nếu không tin thì đừng dùng". Ai nói Tào Tháo đa nghi thì đa nghi cái khác chớ anh ấy dùng người, mua chuộc lòng người và tin tưởng khi dùng vốn tuyệt đối. Nhờ đó mà anh Tháo không những bình định Trung Nguyên mà còn thu hút hàng loạt danh tướng cũng như mưu sĩ hàng đầu Trung Nguyên về dưới trướng như Từ Hoảng, Trương Liêu, Vu Cấm, Hứa Chử, Trình Dục, Quách Gia, Tuân Du, Tuân Úc, Lưu Hoa, Giả Hủ...

Tại sao Đổng Trác cũng thao túng Vua "mượn lệnh Thiên tử, hiệu lệnh chư hầu" ai ai cũng ghét và bị 14 lộ quân Quan Đông tiến đánh trong khi Tào Tháo cũng làm y chang vậy mà lực lượng tồn tại mạnh mẽ cho đến khi lập ra nước Đại Ngụy và chỉ mất khi họ Tư Mã soán ngôi? Nguyên nhân chính cũng là vì Tào Tháo sau khi bình định Trung Nguyên đã ra sức xây dựng chính quyền vững mạnh, xóa bỏ (hay ít nhất làm phai mờ) phần nào khoảng cách giữa giới sĩ tộc cao môn và kẻ sĩ nghèo hèn, làm cho họ chung lưng góp sức làm tiền đề cho nước Ngụy giàu mạnh sau này. Những kẻ nổi loạn như Đổng Thừa, Phục Hoàng Hậu thất bại một phần là do thanh thế như mặt trời chính ngọ của anh Tháo. Một mặt họ không có được sự hưởng ứng từ các thế lực sĩ tộc trong triều. Không hưởng ứng vì sĩ tộc thấy đám chóp bu đại diện cho nhà Hán mâu thuẫn nhau, tạo ra đầy rẫy bất công.

Anh Đổng Trác bị oánh hội đồng còn có nhận định là vì anh ý đối nghịch với các thế gia đại tộc. Coi kìa, đường đường là trăm quan công hầu hào sĩ nhà Hán mà để một thằng nhà quê như anh Đổng Trác tự nhiên nắm quyền hiệu triệu chư hầu thì không GATO mới là lạ.

Cách dùng người của anh Tháo có vẻ như gần với nền Pháp Trị của nước Tần thời Thương Ưởng biến pháp. Nhờ vậy sau này nước Tần mới hùng cường và có nhiều nhân tài theo giúp: văn có Lý Tư, võ có Vương Tiễn, Vương Bôn, Mông Điềm để diệt 7 nước thống nhất Trung Hoa.

Sau này nhà Tư Mã tiếm ngôi Tào lại đi vào con đường cũ của nhà Hán làm cho Trung Hoa tiếp tục tranh năm xẻ bảy “Loạn Bát Vương” làm cho giặc Hồ nhân đó “Hí Hoa” và cục diện của nhà Đông Tấn thiên di về Nam cũng tương tự. Mãi cho đến khi Dương Kiên thống nhất lập ra nhà Tùy rồi cha con Lý Uyên – Lý Thế Dân thống nhất Trung Hoa thì mới thực sự chấm dứt loạn lạc.

Về Tôn Quyền. Anh Tôn Quyền so với cha là Tôn Kiên và anh là Tôn Sách có vẻ như hơi bị lu mờ. Tôn Văn Đài (Kiên), Tôn Bá Phù (Sách) dũng mãnh hơn người, chiếm thành lập đất thì giỏi nhưng lại không có phong phạm đế vương quyết đoán chiến lược trường kỳ như Tôn Trọng Mưu (Quyền). Tưởng tượng nếu nước Ngô còn Kiên hay Sách thì cục diện Tam Quốc nhiều khi không xảy ra và nước Ngô cũng chả hùng mạnh được như nước Ngô của Quyền.

Cả đời Tôn Quyền ít thấy sai lầm chuyện gì ngoại trừ chiến trận Tiêu Diêu (do Trương Liêu tài giỏi hơn) và lập Lã Mông làm đô đốc để Lã Mông giết Quan Khệnh xóa bỏ thế hòa hoãn với Tây Thục mà Lỗ Túc ra sức tạo dựng. Thử điểm lại tài dùng người của Tôn Quyền: trận Xích Bích, Quyền bỏ Trình Phổ lập Chu Du làm Đại đô đốc thật đúng là "lấy chí khí làm đầu" vậy. Trình Phổ là tướng của Kiên, một trong khai quốc công thần, quân công đầy rẫy nên có lẽ không kém phần kiêu ngạo (Các tướng thời xưa có nhiều chiến công thì kiêu. Điển hình nhất vẫn là ông Quan Vũ, riêng anh chàng hôi sữa Mã Tốc thì không có quân công cũng bày đặt kiêu ngạo, chết là đáng). Trong khi đó, Công Cẩn đang độ tráng niên, phong phạm lên cao, ý chí mạnh mẽ, quyết hy sinh chứ không chịu hàng Tào. Thật đúng với ý Quyền vậy ("lấy chí khí làm đầu"). Nhờ thế mới có trận Xích Bích hào hùng lịch sử.

Quyền dùng Lỗ Túc đạt hòa hiếu với Lưu Bị, gây dựng nước nhà giàu mạnh. Quyền dùng Lã Mông tuy là mất thế đồng minh nhưng lại thu được 4 quận Kinh Châu dân đông nước giàu thì cũng coi là thua me thắng bài cào. Quyền dùng Lục Tốn tuổi trẻ tài cao, lại không kiêu ngạo như anh Mã Tắc, đốt trại Lưu Bị làm anh Bị tủi hờn mà thân vong ở Bạch Đế Thành. Đó đều là những ví dụ cho cách dùng người xuất sắc của Tôn Quyền, chứng tỏ Quyền là một chúa công anh minh, võ đoán. Hơn nữa, Quyền cũng rất tình cảm không thua gì Lưu Bị khi ra sức hỏi thăm Lã Mông và Chu Du mỗi khi mấy anh này bị bệnh nặng.

Thứ ba là đến anh Lưu Bị. Chính câu nói của anh Khổng khuyên anh Bị lúc rời lều cỏ đã nói rõ đến cách dùng người của anh Lưu Bị : "Tướng quân muốn dựng nên nghiệp Đế thì phía Bắc phải nhường cho Tào Tháo chiếm lấy thiên thời, phía Đông nhường Tôn Quyền chiếm địa lợi còn Tướng quân chiếm lấy nhân hòa". "Nhân hòa" ở đây là anh Lưu Bị lấy tính tình hòa thuận làm đầu trong cách dùng người, cộng thêm xuất thân nghèo hèn nên anh Lưu Bị cũng dùng người không câu nệ xuất thân nhân (tuy vậy anh Bị là dòng dõi nhà Hán nên cũng không phải là không ảnh hưởng cách dùng người sĩ tộc). Nhờ xuất thân "Hoàng thúc" dựa hơi cộng thêm lối biệt đãi nhân tài, cách đối nhân xử thế nhân nghĩa nên được lòng giới sĩ phu, nhất là giới sĩ phu vẫn còn lòng “trung quân ái quốc” nhà Hán theo về phụng sự. Chính vì khả năng mị dân cao nên những ai đã theo phục tùng anh Bị đều có lòng trung thành. Vì vậy mới có chuyện cha con Trần Khuê, Trần Đăng thà phản Tào mà chịu theo anh Bị long đong, chuyện anh Tử Long liều chết cứu ấu chúa ở Trường Bản Tương Dương và chuyện anh Hoàng Quyền, anh tiên phong “dự bị” Liêu Hóa giả đầu hàng Ngô có cơ hội là trốn về đất Thục ngay. Hay như chuyện anh Quan Vũ “thân ở Tào mà lòng ở Hán” thì khỏi bàn tới.

Và dù cho long đong lận đận cả đời thua nhiều thắng ít nhưng anh Lưu Bị ít khi dùng sai người: dùng Triệu Vân làm tổ trưởng tổ cận vệ, dùng Văn Trường làm thái thú Hán Trung thay vì anh Trương Đồ Tể (vì biết em không ai bằng anh, Lưu Bị biết Trương Phi nóng nảy ít mưu nên không thể cho trấn một thành quan trọng như Hán Trung được), dùng Pháp Chính (lúc đó là hàng binh), Bàng Thống thu Lưỡng Xuyên. Con mắt tinh đời nhìn người của Lưu Bị cũng không thua kém anh Tào A Man là mấy. Anh Tào A Man nhìn được anh Bị từ thuở hàn vi thì anh Bị cũng nhìn được cái chất khoác lác của anh Mã Tốc.


"Đại thế thiên hạ phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân..." là câu mở đầu Tam Quốc Diễn Nghĩa của cụ La Quán Trung. "Sự đấu tranh giữa các mặt mâu thuẫn", mà đặc biệt là mâu thuẫn giai cấp "là động lực phát triển của xã hội" (câu này của ai thì bạn đọc đã biết). Vốn là cũng chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng tựu trung, một cổ một kim, một Đông một Tây, hai câu này cho thấy rằng lịch sử quả cũng tương tự một vòng tuần hoàn rất...của nợ!

Mâu thuẫn giữa hoàng tộc, sĩ tộc và những giai tầng khác luôn đan xen nhau xuất hiện trong bước thăng trầm của các triều đại. Nhà Tần thống nhất thiên hạ, không cắt đất phong vương, chỉ được hai đời đã mất. Nhà Hán kế vào, lúc đầu anh Lưu Bang cũng có vẻ phóng khoáng, lập lại chế độ Phong tước Kiến ấp cho chư hầu, nhưng đến đời thứ hai đã đại loạn, nên hoảng quá dẹp khẩn trương!

Quyền lực lúc đó chuyển từ tay các Vương trong thân tộc sang các chức quan như Thứ sử, Thái thú, Mục..., nghĩa là đã chuyển sang các thế gia đại tộc, nhưng cái này cũng chẳng thể toàn mỹ. Gió tanh mưa máu bao nhiêu năm cho đến thời Tam Quốc đã là một minh chứng điển hình. Song, nguyên nhân sâu xa của thời tao loạn này lại là mâu thuẫn quyền lực giữa chính Thiên Tử và các Sĩ Tộc bên ngoài, để dọn đường cho một thế lực khác chen lên vũ đài chính trị: Hoạn quan!

Ba anh em họ Trương (Lương –Giốc- Bảo) là đại diện cho một giai tầng khác nữa: giai tầng thứ dân bị trị. Nhưng với tính chất tiểu nông của giai tầng ấy và ở vào nhân sinh quan chung của thời điểm ấy, rút cục cuộc khởi nghĩa của các va này cũng chỉ là một thứ chất xúc tác chứ không phải nhân tố chính trong đại cục.

Non sông quy về một mối, nhà Tấn nhìn gương nhà Hán mà lo lắng, nhìn gương nhà Tào (phế bỏ hoàn toàn quyền lực của các nhân vật trong hoàng tộc) mà kinh sợ, lại khôi phục chế độ cắt đất phong vương. Nhưng, đó là một quyết sách sai lầm, và Trung Nguyên mất về tay các dân tộc thiểu số phương Bắc.

Chẳng vương mà cũng chẳng sứ, anh Triệu Khuông Dẫn nhà Tống cắt sạch binh quyền của các quan lại địa phương, quyền điều động quân sĩ trong cả nước tập trung ở Viện Khu mật. Vậy nên nhà Tống mới có cảnh "trọng văn khinh võ", "thủ nội hư ngoại". Trong thì bốn anh Tống Giang, Điền Hổ, Vương Khánh, Phương Lạp tác oai tác quái, ngoài thì Liêu, Hạ, Thổ Phồn, đến cả Đại Việt ta phía nam cũng khinh nhờn ra mặt.

Nhà Minh khôi phục được quốc gia từ tay Mông Cổ, đầu tiên lại chơi bài phong vương, nhưng sau khi Yên Vương Chu Đệ thịt ngai vàng của cháu ruột mình là Kiến Văn Đế là thôi, dẹp hẳn cho đỡ cách rách! Lại còn đẻ ra cái quái sự là cho văn thần đi cầm quân nơi sa trường, nên cơ đồ mất về tay bọn tóc bím quả không oan gì!

Đến các anh Mãn Thanh thì cái vòng luẩn quẩn kia vẫn chưa thật sự chấm dứt, dù Thân Vương cũng chẳng còn mấy quyền lực, mà Tuần phủ thì không đủ sức tạo phản. Thái Bình Thiên Quốc chia đôi thiên hạ với nhà Thanh hơn mười năm, cả Vương lẫn Phủ chạy trối chết, lại đành dựa vào sĩ tộc người Hán (Lý Hồng Chương, Tăng Quốc Phiên, Tông Đường).

Dông dài như thế này để làm gì? Để nói rằng: chẳng có sự lựa chọn nào thật sự toàn mỹ trong cách dùng người, từ ưu ái thân tộc tới "tự do, bình đẳng, bác ái". Mầm loạn lúc nào cũng tiềm ẩn và sẵn sàng bộc phát, nên sự khéo léo trong dung hoà và chế ngự những mối nguy ấy mới là quan trọng. Anh Tào Tháo, với quyền thuật của mình, có thể xem là đã đạt đến được cảnh giới ấy.
Cái chính là anh Tháo già biết nhìn người, nhìn được nên thằng nào không cần phải nghi thì đỡ phải nghi. Bọn Nhạc Tiến, Lý Điển, Trình Dục...được anh Tháo cất nhắc từ tay trắng nên phú quý, gan óc lầy đất, chỉ biết có anh ý chứ cần gì biết đến Hiến Đế, chính là những thằng không cần quan ngại vậy!

Mà để đỡ phải nghi ngờ nhiều, mệt, thì anh Tháo cũng vẫn có vài hậu vệ thòng cực ổn, là mấy anh Hạ Hầu Đôn – Uyên; Tào Nhân - Hồng - Hưu - Chân...! Hàng tướng nhiều như mây, mỗi người một bụng, nhưng nếu không có các anh thân tộc Đôn, Uyên, Hồng, Hưu…ấy nắm những quả ấn quan trọng nhất, giữ những địa phương căn bản nhất, thì có muốn làm ra vẻ rộng bụng đãi người cũng không đơn giản!

Rồi: cả vùng Hà Bắc lẫn ba kinh thành nằm trong tầm kiểm soát của các bố hậu vệ thòng. Quyền điều động binh mã là ở các bố ấy rồi, thằng nào uống mật gấu muốn phất cờ khởi nghĩa cứ thử xem!? Chẳng qua đến sau thời anh Tào Phi thì những phên dậu thân tộc này bị dỡ cả, bố con anh Tư Mã Ý mới hoành hành được!
Thời Đông Chu thì chuyện Phạm-Lãi giúp vua Việt Câu-Tiễn. Phạm Lãi tự Thiếu Bá. Ông giữ chức Đại Phu nước Việt vào cuối đời Xuân Thu. Khi Ngô vương Phù Sai đưa quân áp sát Cối Kê, thì ông cực lực chủ trương nghị hòa, và đã thu được thành công.

Về sau, ông theo Việt Vương là Câu Tiễn đến nước Ngô để làm con tin ba năm, chịu đủ thứ gian khổ. Tại nước Ngô, ông được Ngô Phù Sai tín nhiệm về nhiều mặt, và đã bảo đảm để Câu Tiễn được trở về nước. Ông và một đại thần khác là Văn Chủng, đã đề xuất nhiêu mưu lược, nhằm chữa trị vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, làm cho nước Việt ngày càng giàu mạnh, và cuối cùng 25 năm mới phá được Ngô, sau vua Việt nên được nghiệp Bá, rửa được cái nhục ở Cối-Kê.

Phạm-Lãi được phong làm thương-tướng. Nhưng Phạm-Lãi nghĩ rằng: “Xưa nay những bậc đại-danh khó mà bền lâu được, người đời chỉ cùng nhau chung khi hoạn nạn, khó mà chung lúc yêu-vui”. Ông bèn từ quan về nhà, đổi họ tên là Chi-Di-Tử-Bì, ra cày ở bờ bể, không bao lâu gia-tài có nghìn vạn, vua Tề nghe tiếng là người hiền, phong làm tướng. Phạm-Lãi lại than rằng: “Ở nhà thì giầu đến thiên kim, ra nước làm đến khanh-tướng, thực là bố-y chi cực, nay lại nhận tôn danh, chẳng là bất hiền dư ?”. Rồi lại gửi trả tướng-ấn, chia hết của-cải cho bạn-bè, lẻn ra đất Đào,  đổi tên là Đào-Chu-Công, cùng với các con nuôi súc-vật và cầy ruộng, trồng cây…Không bao lâu lại lên một bậc triệu-phú, sau tuổi già chết ở đất Đào.

Phạm Lãi tay không làm nên ba lần, vạn cổ xưa nay hiếm có. Nhưng ở đây muốn nói rằng: để có thể làm lại mấy lần như vậy, bác Lãi phải tinh tường, hiểu sự thế và nhất là có con mắt biết nhìn người và nhìn xa. Hiếm có người mà trong khi cả nước vui mừng trước sự thắng lợi, thì ông không màng chi danh lợi, mạnh dạn tự rút lui sau khi sự nghiệp đã thành công. Ông từ bỏ con đường sĩ hoạn, lo việc buôn bán, yên bình…

Sự tích Phạm Lãi được hậu thế lưu truyền, và ông đã trở thành một người tiêu biểu về mặt biết tự rút lui đúng lúc, và được mọi người khen ngợi.

Còn Tôn Tẫn? Nhà mưu sĩ kiệt xuất và cũng là người bạn cùng học với Bàng Quyên (học cùng thầy Qủy Cốc) Tôn Tẫn giỏi hơn Bàng Quyên, chỉ vì không nhìn ra lòng dạ ghen ghét và nham hiểm của Bàng Quyên mà đến nỗi bị Quyên đày đọa chặt chân, thích chữ vào mặt, sau đó nhờ giả điên mới thoát…

Sở dĩ Bàng Quyên không cho Tôn Tẫn chết liền, là vì Quyên muốn Tẫn chép cho Quyên bộ Binh pháp của Tôn Tử.

Quyên đối xử với bạn bè không thật lòng đã đành, lại còn manh tâm muốn hại một bậc anh tài, ngày sau Quyên phải trả giá rất đắt ở Mã Lăng Đạo…Nhưng cái cần nói ở đây là Tôn Tẫn, dù tài giỏi tột cùng nhưng lại không nhìn ra dã tâm của một con người mà minh coi là bạn…

Cuối bài xin nhắc lại cái khoảng khắc Lưu Bị sắp chết, giao việc và dặn dò Khổng Minh. Qua phân đoạn này, thấy rõ bác Bị đã nhìn thấu con người Bác Lượng đến thế rồi mà vẫn cẩn thận dặn hờ ông hậu vệ thòng Triệu Vân; Giả sử, ông Lượng có ý gì khác thì liệu có toàn mạng với bác Triệu hổ  tướng này không nhỉ:

Khổng Minh đến cung Vĩnh An, thấy Tiên Chủ bệnh đã nguy kịch, vội vàng phủ phục cạnh long sàng. Tiên Chủ truyền mời ngồi lên cạnh mình, đưa tay vỗ vỗ vào lưng Khổng Minh mà bảo rằng: “Trẫm từ khi có được thừa tướng, may thành được đế nghiệp. Vì nỗi trí thức thiển lậu, không nghe lời thừa tướng, tự rước lấy thảm bại. Ân hận thành bệnh, chưa biết sống chết lúc nào. Con nối nghiệp thì ngu hèn, trẫm không thể không đem đại nghiệp mà ủy thác cùng thừa tướng.” Nói đoạn, nước mắt dàn giụa. Khổng Minh cũng khóc nói: “Mong bệ hạ bảo trọng long thể, để thỏa lòng trông đợi của thiên hạ.” Tiên Chủ đưa mắt ngó quanh một lượt thấy có Mã Tốc em của Mã Lương đang đứng gần cạnh, bèn truyền cho tạm lui. Mã Tốc lui ra. Tiên Chủ bảo cùng Khổng Minh rằng: “Thừa Tướng coi tài Mã Tốc ra sao?” Khổng Minh đáp: “Người này cũng là anh tài thời nay.” Tiên Chủ bảo: “Không phải, trẫm xem người này nói nhiều mà làm thì không được như lời, không nên dùng vào việc lớn. Thừa tướng phải xét cho kỹ.” Dặn dò xong, truyền gọi các quan lên điện, lấy giấy bút thảo xong di chiếu đưa cho Khổng Minh mà than rằng: “Trẫm không học hành sách vở được gì, chỉ biết đại khái mà thôi. Thánh nhân có câu “Con chim sắp chết, tiếng kêu ai oán; người ta sắp chết, lời nói khôn ngoan.” Trẫm vốn những mong cùng các khanh diệt giặc Tào chung phò nhà Hán. Không may nửa đường chia biệt. Vậy phiền Thừa Tướng cầm chiếu này trao cho Thái Tử Thiện, bảo nó chớ xem đó là lời nói thường. Phàm mọi việc còn mong thừa tướng dạy bảo thêm cho nó!” Khổng Minh cùng các quan khóc lạy dưới đất: “Xin bệ hạ tĩnh dưỡng long thể, chúng thần nguyện đem hết sức trâu ngựa để báo đền ơn tri ngộ!” Tiên Chủ sai nội thị dìu Khổng Minh dậy, một tay gạt lệ, một tay cầm lấy tay Không Minh mà rằng: “Trẫm chết đến nơi rồi, còn lời tâm phúc ngỏ cùng Thừa Tướng đây.” Khổng Minh nói: “Bệ hạ thánh dụ điều gì? Tiên Chủ khóc nói: “Tài Thừa Tướng gấp mười Tào Phi, tất có thể an bang định quốc, hoàn thành nghiệp lớn. Con trẫm nếu phò trợ được thì làm, nhược bằng nó bất tài thì tiên sinh tự làm chủ nhân của Thành Đô vậy.” Khổng Minh vừa nghe, tay chân rụng rời, mồ hồi đổ khắp mình, khóc lạy dưới đất: “Thần đâu dám không hết sức cạn lực, dốc niềm trung trinh cho đến chết mới thôi!” Dứt lời, rập đầu xuống đất đến chảy máu. Tiên Chủ bảo Khổng Minh ngồi lại lên gường, gọi Lỗ Vương Lưu Vĩnh, Lương Vương Lưu Lý đến trước mặt, dặn rằng: Chúng mày phải nhớ lời trẫm: sau khi trẫm mất rồi, ba anh em mày phải coi Thừa Tướng như cha, không được khinh nhờn.” Nói đoạn, sai hai con cùng lạy Khổng Minh. Hai Vương bái lạy xong, Tiên Chủ  bảo các quan:Trẫm đã giao con côi cho Thừa Tướng, bảo chúng coi Thừa Tướng như cha. Các khanh cũng chớ coi thường mà phụ lòng trông đợi của trẫm. Lại dặn Triệu Vân:Trẫm với khanh cùng nhau từ thuở gian nan, hoạn nạn vui buồn có nhau cho đến giờ, không ngờ chia biệt ở đây. Khanh nghĩ đến tình cố cựu mà sớm hôm trông nom con trẫm, chớ phụ lời trẫm!” Triệu Vân khóc lạy nói: Thần há dám không hết sức khuyển mã. Tiên Chủ lại bảo với các quan: “Bá quan các khanh, trẫm không thể dặn dò từng người một, chỉ mong mỗi người ai cũng bảo trọng!” Dứt lời vua băng, thọ 63 tuổi. Bấy giờ là ngày 24 tháng Tư, mùa hạ, năm Chương Võ thứ ba

Thế giới nhân vật Tam Quốc là thế giới của gồm cả những minh quân hiền tướng năng thần lẫn hôn quân bạo chúa nịnh thần tặc tử cho chí vô số những anh tài trên các phương diện chính trị ngoại giao quân sự. Trong đó hạng mưu sĩ thuyết khách sớm Sở tối Tần – một đặc sắc của thời đại được mô tả khá sinh động. Có sử gia liên hệ đến tình trạng tự do lưu thông nguồn nhân lực trong một số khu vực trên thế giới ngày nay. Người ta cũng chú ý đến ngoài thường lệ chúa chọn bề tôi còn có hiện tượng anh tài chọn minh chủ trong Tam Quốc. Ai cũng thấy Trần Cung chọn thờ Lã Bố là sai, nhưng cũng có người tiếc Khổng Minh không theo phò Tào Tháo. Có thể vào thủa tam cố thảo lư, Bác Lượng chưa thấu được cái tài diễn điều nhân của Bị nhưng cái sáng suốt của kẻ “nắm được xu thế của lịch sử” chắc đã khiến cho kẻ sĩ này ngần ngại khi rời Ngọa Long Cương. Thế nhưng nếu Khổng Minh không ra khỏi lều tranh thì Tam Quốc ai biết rồng ngọa Nam Dương? Vậy mà ở đời nhiều khi chỉ vì nặng một lời nguyền, một lời thác gửi đinh ninh của đồng chí mà cam lòng dấn thân làm đấng bậc giữa đời. Dù có khi biết sức không trì níu nổi cuộc cờ canh bạc hoặc biết rõ oan khốc lăng loàn sẽ đổ xuống giữa đầu. Nhưng bù lại họ đã có thể nhắm được mắt xuôi được tay, tâm hồn chính nhân an nhiên cùng cây cỏ. Khổng Minh là một người như thế...


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất