Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam quốc bài 26: (Tiếp) về Bắc Phạt 5 lần ra Kỳ Sơn của nhà Thục

Người như Gia Cát Lượng, không lẽ không biết được cái lẽ yếu mạnh? Có điều, vì cái mộng phục Hán của phái Thanh Lưu, vì cái tình "cá nước" cùng Lưu Huyền Đức mà không thể chấp nhận thời cuộc trôi đi như thế,
cứ phải gồng mình "một tay mong chống trời cao nghìn trùng". Đến lúc "trận tiền gió lạnh sao rơi", ai đọc cũng ngậm ngùi thương cảm, nhưng cũng lại phải cho rằng đó là lẽ tất yếu. ..
Tiếp:
Than ôi! Bao nhiêu đời người, nhìn phần số là vậy nhưng không mấy người đành vậy. Cái câu “nhân định thắng thiên” nó cũng là chỗ dựa mà phấn đấu dữ lắm. Có lẽ cái ý chí "nhân định thắng thiên" vừa đề cập qua ở trên cũng là một cách giải thích cho sự trăn trở.
Khi biết thế cờ mình đã yếu mà không thể bỏ cuộc chơi làm lại từ đầu, còn cửa nào chả phải cố?

Nói chính xác là nước Nguỵ đã từng có biến, thậm chí là biến cố cực kỳ quan trọng, chính là thiên đoạn Tào Tháo chết, Tào Phi "bỏ Hiến Đế cướp vận Viêm Lưu". Nhưng, vì những lý do này khác, Khổng Minh nói riêng và nước Thục nói chung không tận dụng được biến cố ấy để tạo bước đột phá mới.

Cơ hội ngàn vàng đã qua khó lòng trở lại nữa, nhưng Khổng Minh cũng không thể thở than rồi treo ấn gói vàng về quê cày ruộng như xưa. Ra quân Lương Châu, mon men Trường An…là nước cờ hợp lý, mà nếu trời cho lấy được Trường An, cũng không phải không khiến nước Nguỵ thêm một lần chấn động, thậm chí ít nhất là mất nửa giang sơn. Nếu được thế, thì ai biết mệnh trời về đâu?

Nhiều nhà phần tích cho rằng: “Con người phải thích ứng với hoàn cảnh. Thời thế đổi thay thì tư duy phải đổi thay”. Khổng Minh tất biết rất rõ rằng phương lược của Long Trung Sách cũ trước đây rất khó thực hiện, song vẫn có ý đồ thực hiện (nếu có thể tận dụng – như việc lôi kéo Mạnh Đạt ở Tân Thành, như việc kết hợp xuất binh cùng với Đông Ngô ở lần xuất binh cuối cùng trong đời Khổng Minh). Mặt khác thì Thục mất Kinh Châu, mất một nơi đông dân giàu có với vị trí chiến lược rất tốt. Vậy để tăng cường thực lực của mình phải làm sao? Tất nhiên cần có thêm một châu quận nữa để tăng cường thực lực của mình. Và cái đích nhằm đến của Khổng Minh là Lương Châu, đó chính là sự thay đổi hết sức hợp lý và sáng suốt. Vì sao lại là Lương Châu? Cái này thì dễ hiểu và đơn giản là Lương Châu vẫn là nơi nước Nguỵ chiếm sau cùng, dân ở đấy đa phần là người Khương, Đê, Nhung, mà mối quan hệ của các bộ lạc này với Thục có phần gần gũi hơn với Nguỵ. Xem suốt thời Tam Quốc thì duy nhất có lần người Khương chống Thục. Cho đến tận thời Khương Duy cũng vẫn liên kết với Khương tộc để chống Nguỵ đủ thấy rõ điều này. Mà Mã Siêu, Mã Đại là tướng Thục xuất thân từ đây. Chưa kể đến việc các bộ tộc Lương Châu từng là quân dân dưới thời Mã Đằng, Mã Siêu chống nhau với Nguỵ suốt một thời gian dài. Người Lương Châu có sự thù hận với Tào Tháo không ít. Nếu xét đến lòng trung với chính quyền trên khắp đất Nguỵ thì đích xác Lương Châu nơi dễ có vấn đề nhất. Quả thật nếu Khổng Minh giải quyết được Lương Châu, chiếm cứ cựu kinh Tràng An thì cũng chưa biết đại thế thiên hạ ra sao.

Khổng Minh rất thực tiễn trong việc xuất binh phạt Nguỵ nhằm hướng Lương Châu với ý đồ mở mang bờ cõi, tằm ăn lá dâu, từng bước chầm chậm để đi xa. Lại nhớ đến câu đối ở lều cỏ Ngoa Long Cương của Khổng Minh rằng: “Đạm bạc dĩ minh trí, Ninh tĩnh nhi chí viễn”.

Đa số sự vụ bại, thành "mấu chốt là thời vận và con người", có phần quan trọng của cả "cơ" lẫn "thế" trong thực tiễn. Xem như Xuân Thu Ngũ Bá, Tấn - Tề - Sở vốn đã là ba nước chư hầu lớn nhất ở Trung Nguyên thời ấy. Ngô - Việt nhuận vận mà lên thật, nhưng Ngô thì được Tấn rèn giúp kỹ thuật xa mã để làm cái gai đâm sau lưng Sở, mới có nền tảng để Tử Tư quật khởi. Việt đánh bại Ngô, thừa hưởng cái nền ấy, cũng làm chấn động cả chư hầu. (Thuyết khác cho rằng Ngũ bá gồm Tề Hoàn công - Tấn Văn công - Tần Mục công - Tống Tương công - Sở Trang Vương). Đại để, các đế chế lớn trong quân sử thế giới, từ La Mã đến Hitler khởi đầu bao giờ cũng thường là chén sạch một lũ tiểu nhân nhung nhúc xung quanh rồi mới đủ lực xưng hùng được. Ngay cả bên xứ Việt ta, thời kỳ bác Đinh Bộ Lĩnh sách vở, truyền miệng…cũng nói rõ bác ấy đã dẹp loạn 12 sứ quân vất vả lắm).

Nói một cách chính xác, hoàn cảnh của Gia Cát Lượng cũng khó mà trông cậy vào binh pháp Tôn Tử. bởi vì trước bác Lượng chưa có ông Tể Tướng nào phải nhận (và đúng hơn là đề ra cho mình) một nhiệm vụ khó khăn đến thế, tức là phản Tào phục Hán. Tôn Tử giúp Hạp Lư đưa nước Ngô xưng Bá, cũng chỉ là cày nát kinh thành nước Sở mà chưa từng chiếm đất. Điền Đan đánh Yên giúp Tề phục quốc chẳng qua cũng chỉ là thu phục lại một khoảnh Sơn Đông. Lưu Tú (Quang Vũ Đế) dựng lại nhà Hán được cũng là do Vương Mãng quá thất nhân tâm. Chưa từng có ai như Khổng Minh Minh phải ngồi giữ một góc Tây Nam, ít ngoại viện, thực lực yếu mà vẫn mong thanh toán Trung Nguyên, đặc biệt là phải đối đầu với một nhà Tào khí thế đang vượng, cơ đồ đã vững như bàn thạch thời ấy.

Cái nỗi khổ ấy thì Tôn Tử cũng chưa từng trải qua nên binh pháp chả đề cập, và khi không có tiền lệ, Khổng Minh Minh vẫn phải bắt buộc chọn một con đường để đi. Ai bảo Bác Lượng sinh ra là tử đệ của phái Thanh Lưu, nên cứ phải ôm mộng đội đá vá trời mà hưng Hán? Phải như người khác thì mặc kệ, cứ giữ một xó Ích Châu đấy cũng đã đủ phú quý tột bực. Đường Thục lại xa xôi hiểm trở, dễ thủ khó công, không dễ mà mất được. Người Việt Nam mình vẫn nói: Đầu gà hơn đuôi voi mà!

Ra quân đánh Nguỵ dĩ nhiên là trái đạo lý của binh pháp Tôn Tử, đặc biệt là cái đạo lý khởi điểm: "Chưa chắc thắng thì không nên tấn công". Nhưng nếu đợi đến lúc Thục chắc thắng được Nguỵ, e là mộ mả Khổng Minh Minh đã xanh cỏ lâu rồi. Vả chăng, càng để lâu thì thế nhà Tào càng vững, càng khó lay chuyển được nên cứ có dịp là tranh thủ Bắc phạt???.

Thêm vào đó, chắc ý của bác Lượng cho rằng: đánh Nguỵ là vấn đề chiến lược, là liên tục quấy rối sự ổn định của một đại cường, là liên tục nhắc nhở nhân sĩ Trung Nguyên rằng thì là hương hoả nhà Hán vẫn còn đây này. Đồng thời, liên tục bắt nhà Nguỵ phải chịu một sức ép quân sự không nhỏ, cũng là liên tục tìm kiếm cơ hội tạo nên đột biến trong đại cục nữa.
Vì một số lý do nêu trên, dù chỉ với vài phần trăm thắng thôi thì bác Khổng Minh vẫn cứ ra quân phạt Nguỵ, vì "trường kỳ phạt Nguỵ nhất định thắng lợi" là chiến lược mấu chốt của bác ấy.

Phạt Tào hưng Hán là chiêu bài độc quyền của nhà Thục. Dù liên kết với Đông Ngô nhưng bụng dạ bên Ngô thế nào làm gì mà Thừa tướng không biết? Dù Ngô có đem quân vượt Trường Giang cũng lại múa may một chút rồi khua chiêng thu quân thôi. Thuỷ quân Ngô lên đồng bằng thì làm gì còn thiện chiến? Hơn nữa, mô đen sở trường của anh Tôn Râu Ngô là toạ sơn quan hổ đấu, bóng đá phòng ngự phản công cơ, ít khi cống hiến hết mình lắm!

Về phía nước Nguỵ thì sao nhỉ? Trước những hành động của Khổng Minh, quần thần nước Nguỵ đã họp bàn kế sách, cho là Lượng sẽ vượt Tà Cốc tấn công Tràng An. Tán Kỵ Tôn Tư lập kế rằng: “Quan Trung hiểm yếu, dễ giữ khó đánh, nay Ngô Thục liên minh, chớ nên xem thường, chi bằng phái lương tướng cố thủ nơi hiểm, uy hiếp kẻ địch, trấn tĩnh biên cương, Ngô Thục sẽ mỏi mệt, không đánh mà khuất địch”.


Rõ ràng là người Nguỵ có ý giữ chặt Tràng An, thủ hiểm giữ vững, quân viễn chinh nếu tấn công Tràng An có cơ hội thành công không? E rằng không! Cựu đô Tràng An thành cao hào sâu, lương nhiều binh lắm, ba quân khắp các xứ Ung Lương có thể kéo về, chưa cần cộng thêm viện binh từ Uyển Lạc tiến sang cũng đã trầy trật lắm rồi.
Vậy thì kế của Khổng Minh là thế nào? Chính là “ra nơi không phòng bị” vậy. Chẳng là cao tay sao? Tiến đến Kỳ Sơn, thẳng ra Lũng Hữu, mưu đồ Lương Châu, sau đó nếu thuận lợi sẽ dấy quân Hán Trung, uy hiếp Quan Trung làm Nguỵ quốc phải chấn động, lúc đó mới mưu đồ đến Tràng An.


Binh lực ít như Thục mà muốn đánh vỗ mặt nước Nguỵ thì không thể được, chỉ còn cách đánh lấn từ từ. Quân lương là một yếu tố vô cùng quan trọng trong chiến tranh vào thời xưa, kể cả nay. Ờ, mà bộ đội ta đánh Mỹ ngày xưa toàn ăn rau rừng với gạo rang và các loại củ quả hái lượm đào bới đâu đó, thế mà thắng địch. Quả là sợ. Quân Thục ít hơn Nguỵ, buộc phải dùng chiến thuật đánh chắc, chầm chậm cưỡng bức, tiến một bước, là đi được một đoạn đường, ấy là chuẩn xác. Tuy nhiên phương án này có một nhược điểm rất lớn là ‘hao tổn binh lương’. Đối với đạo quân viễn chinh mà nói, điều đó thật không thú vị chút nào. Vậy phải làm sao khắc phục nhược điểm đó nhỉ? Tất phải giải quyết bằng “tốc chiến tốc thắng”. Vậy thì chiến lược là đánh lấn chầm chậm nhưng xuất binh tấn công lại phải nhanh chóng, giải quyết gọn ghẽ và dứt điểm, tránh dây dưa ngày tháng. Ấy là sách lược mấu chốt vậy.

Nhà Thục thu được một danh tướng tài ba, là cột trụ để Thục chống Nguỵ thời hậu Khổng Minh, đó là Khương Duy. Đầu đuôi chuyện Bác Lượng thu phục Duy rất đơn giản, chẳng phải ly kỳ như cụ La đã kể trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Duy tự là Bá Ước, là con của Khương Duật. Duật làm quan ở Thiên Thuỷ, khi người Khương làm phản ở Lũng Tây, Duật dẫn quân chinh phạt, thua trận bị giết, Duy ở với mẹ goá, rất chăm chỉ học hành, đầu óc thông tuệ, tinh thông binh pháp, sau được làm quan Trung lang. Khi Thục đánh Tam quận Lương Châu, Duy đang làm Tòng sự cho Lương châu thứ sử. Lúc chiến sự chưa bắt đầu, Mã Tuân (Thái thú Thiên Thuỷ) cho rằng Thục quân chỉ có vài toán quân trinh sát nhỏ lẻ nên xem thường, chỉ dẫn Khương Duy, Lương Tự, Lương Kiều đến các quận xem xét (kiểu đi khảo sát để lập báo cáo ấy mà), đến khi biết đích xác đại quân của Lượng đã có mặt, khắp nơi nhao nhao theo hàng thì sợ vãi mì, lại ngờ rằng Duy có thể phản nên nhân đêm tối dẫn quân mã của mình trốn về Thượng Nhai hạ lệnh đóng chặt thành trì, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thế là anh Duy nhà ta trơ thân cụ không sao vào được thành đành phải quay về Ký huyện nơi có mẹ già của mình. Nào ngờ Ký Huyện đã bị đại quân của Lượng lấy mất rồi, Duy hết đường tiến thoái, về Nguỵ chẳng được nữa vì Mã Tuân không tin tưởng, đành phải quy hàng Khổng tiên sinh.


Những chuyện Khổng Minh lập mưu kỳ ảo đánh lừa mấy tướng Nguỵ, để họ nghi ngờ mà cấu xé lẫn nhau, rồi anh Duy bày trận giữa đêm khuya tạo thành ngọn lửa chạy dài hình con trăn con rắn làm Khổng Minh với anh Triệu khen nức nở về tài cầm binh với lại kiểu múa thương rất lạ. Toàn là chuyện vẽ của cụ tác giả La Quán Trung.


Được cái những đoạn Khổng Minh khen Bá Ước dưới ngòi bút cụ La, cũng không khác chính sử lắm. Trừ có cái câu "ta được Bá Ước như được con phượng, thả Hạ Hầu Mậu như thả con vịt" là hơi bơm thổi kiểu truyền thông, chứ đại khái thì "Bá Ước hiếu học, có mẫn cảm quân sự, thật là kẻ sĩ đất Lương Châu"...chắc cũng không đến nỗi xa lắm với "Ta từ khi rời lều cỏ vẫn muốn tìm người hiền để truyền lại sở học, nay mới gặp được Bá Ước"...

Lại điểm chút về Hạ Hầu Mậu. Nghe đồn tay phò mã này cũng không đến nỗi ngu hèn bần tiện lắm như cụ La Quán Trung dầm đầu xuống cống, nhưng phải cái là chuyên về văn chương thi từ chứ không phải tay chiến tướng kiệt hiệt như cha ngày xưa.

Bây giơ nói tiếp sang chuyện dùng người

Khổng Minh này nói chung cả đời dùng người đều ít phạm sai lầm. Chỉ có mỗi sai lầm trong cách dùng Mã Tốc giữ Nhai Đình mà người đời sau này chép miệng than tiếc mãi. Người đời lúc nào cũng hỏi tại sao Khổng Minh lại quên lời dặn của Lưu Bán Dép tiên chúa mà dùng Mã Tốc giữ Nhai Đình để rồi mất Nhai Đình làm mất luôn 4 quận Lương Châu vừa đoạt được để rồi tùng xẻo anh Mã Tốc và viết biểu tâu Bán Nước hậu chúa tự giáng cấp?


Lần đem quân ra Kỳ Sơn lần đầu tiên đúng là lần hoàn hảo nhất, có ưu thế nhất. Nếu mà không để mất Nhai Đình, giữ vững Lương Châu làm thế rình mồi chờ xơi tái anh Mậu ở Trường An thì không biết cục diện sau này sẽ đi đến đâu. Cái này cũng phải nói là khí số nhà Hán đã tận, văn thần võ tướng người chết người hàng giặc làm lực lượng nhà Thục mỏng manh, không đủ sức chiếm lại đất đai, trùng hưng nhà Hán vậy. Một phần nữa cũng phải kể công Lưu Thiện hậu chúa quá ngu muội làm cho nhiều nhân tài khinh thường mà không theo về phụng sự. Một mình Khổng Minh “dã tràng” xe cát năm tháng trôi qua, đến lúc gió thổi sao rơi bên Gò Ngũ Trượng cũng chẳng dựng lại được cơ nghiệp Hán thất năm nào. Cảm khái thay!

"lạc cực sinh bi", cũng có! Vì vận Hán đã hết, chắc chắn có (các nhân tài chính trị như Tưởng Uyển, Đổng Doãn, Phí Vĩ, Quách Du Chi chẳng ai được thọ)! Mà vì Khổng Minh chết sớm quá, chưa kịp chuẩn bị hậu sự kỹ lưỡng

Cũng đành!

Giá như Khổng Minh cai trị thời bấy giờ thì bên trong sẽ ra sức bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích phát triển nông nghiệp (cả công nghiệp nặng nữa), về quân đội thì giữ ít quân nhưng tinh nhuệ, thường xuyên cho những tướng sỹ biên ải tập kích những trận nhỏ, quấy nhiễu biên giới nước Nguỵ. Bên ngoài thì dùng tiền bạc, ngoại giao, phản gián mua chuộc những quan quân có thể lực, tạo cảm giác hòa bình giả tạo cho vua chúa nước Nguỵ, vua tôi lao vào ăn chơi, nghi kỵ lẫn nhau.
Nhất là cái lúc Tư Mã Ý bị mất chức, Khổng Minh không nên đánh Ngụy vội mà tìm cách khích cha con Tư Mã Ý hoặc mua chuộc những viên tham quan bên cạnh Tào Tuấn làm phát biểu tình, cho nó vài lá đơn tố cáo nặc danh cho Tư Mã Ý lỡ tàu không vào nhóm chóp bu đại thần thác cô được... chắc chắn là có hiệu quả hơn.

Khổng Minh là người tài, Nhưng cái tài được La Quán Trung tác động vẽ lên khiến người đọc đánh giá bác Lượng như ma quỷ, thần sầu. Độc giả mới đọc Tam Quốc thì tin cụ La sái cổ, cứ nghĩ Khổng Minh có thể hô phong hoán vũ, thay thời đổi thế thời được thật, đọc đến đâu nhập hồn đến đấy. Ngay đến ông Kim Thánh Thán xưa cũng bình truyện Tam Quốc cũng phê phán cụ La Quán Trung vụ xây dựng điển hình tiên tiến này mãi!

Ở vào địa vị Khổng Minh, cầm đại quyền trong cái bối cảnh đó, tướng giỏi chết gần hết, sĩ khí sụt tan tành sau trận Hào Đình, đất tuy có tiếng là "kho trời" nhưng thực chất chỉ được 1/9 châu mà vẫn muốn mưu đồ Trung Nguyên, nếu không chơi bài ngoại giao, không cầu đến ngoại viện thì sụp đổ cơ nghiệp chỉ con là thời gian…
Giả như cụ Lượng cam tâm chỉ làm một nước nhỏ ngoài biên địa, không ôm mộng phục Hán, nghĩa là không giữ cái khí cốt không đổi của danh sĩ phái Thanh Lưu thì dễ thôi, cứ đình binh thủ hiểm, an nhàn dưới một người trên vạn người, đâu đến nỗi phải lao tâm khổ tứ đến chết tức tưởi ở Gò Ngũ Trượng.

Nhưng nếu chỉ đến thế, thì phí hoài cái công tam cố thảo lư cũng như cái tình thác cô của anh Lưu Bán Dép quá!
Khổng Minh sáu lần rời Kỳ Sơn đánh Trung Nguyên thì cả sáu lần bị thất bại và cuối cùng bị ốm chết ở Ngũ Trượng Nguyên. Ông chết đi còn để lại cho nhà Thục một mầm hoạ lớn, ấy là Lưu Thiện (con trai Lưu Bị). Từng gần gũi dạy bảo ấu chúa này từ bé, Khổng Minh thừa biết Thái tử là đồ bị thịt, bạc nhược và ngu tối, vậy mà Khổng Minh vẫn phò tá cái bị thịt ấy đến cùng. Việc tận tuỵ thờ một ông vua bị thịt và đó mới thật là đại họa của nhà Thục. Không có nhẽ không moi đâu ra được một ông họ Lưu nào có dây mơ rễ má với nhà hán mà dựng lên? Hợp đồng lao động đàng hoàng???
Về Lưu Thiện, cú nhứt là khi Khương Duy đang thắng lớn thì Lưu Thiện ra lệnh lui binh và tự mình nắm lấy binh quyền để sau đó phải quỳ khóc xin đầu hàng quân địch.


Đọc hết ngần ấy tập Tam Quốc, từ lều cỏ ra đi, Khổng Minh đã giúp Lưu Bị từ chỗ không tấc đất cắm dùi thành ông vua nước Thục. Song, chỉ với ba sai lầm trong việc nhìn người, dùng người mà cơ đồ nhà Thục tiêu vong.

Có người than rằng: cơ đồ nhà Thục do một tay Khổng Minh dựng nên và cũng một tay ông hất đổ đi.

Nói đến dùng người và nhìn người, có lẽ, trong Tam Quốc và cả trước đó là Đông Chu Liệt Quốc, Ước Mơ Nhỏ cũng nên có một bài bình về cách nhỉn và cách dùng người. Tại Sao cũng là tiếm Hán mà Tào A Man thì tiếm ngon mà Đổng Trác thì chết tức? Sao ông Lưu Bán Dép dù lúc long đong vẫn có nhiều trung thần dũng tướng bên cạnh? Sao bác Bách Lý Hề dù rất giỏi nhưng cũng chỉ giá trị ngang trăm bộ da dê? Sao quan Phạm Lãi khi phò Câu Tiễn nước Việt thành công thì lại tìm đường đi ở ẩn???

Xin đọc bài tiếp theo


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất