Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

bình tam quốc bài 24: Nói thêm về Gạt lệ chém mã Tốc

 Nói chung, thất bại ở Kỳ Sơn I thì lỗi Khổng Minh là mười mươi nhưng cũng có phần do hoàn cảnh. Lỗi nặng nhất của Khổng Minh là khi chọn người kế thừa (Mã Tốc) lại không dạy dỗ chỉ bảo nghiêm khắc đến nơi đến chốn học trò để nó kiêu ngạo;
. Y tự phụ thông minh cộng thêm mang tiếng người giữ y bát cho Khổng Minh sau này để rồi gây họa lớn.

Đến đây thì cũng đề cập, so sánh việc anh Tôn Quyền bên Ngô đào tạo đội trưởng U-21 Lục Tốn. Anh Quyền trước hết cho anh Tốn xuống vùng quê Đơn Dương thực tập càn quét giặc cỏ và làm kinh tế mới ở đây. Mục đích chính vẫn là bồi đắp kinh nghiệm thực tiễn về quân sự và chính trị từ nơi khốn khó như Đơn Dương cho anh Tốn. Kế hoạch có qui hoạch chứ chả phải như anh Tốc suốt ngày lêu lổng sáng cà phê chiều blog tối bar. Đã được theo bên cạnh Khổng Minh thừa tướng nên kiêu ngạo, bản thân làm gì biết khó khăn khổ sở như thế nào. Từ đó mới thấy hậu vận của Lục Tốn và Mã Tốc (một bên làm Đại đô đốc, một bên đầu một nơi thân một nẻo) bị ảnh hưởng là do sinh thời điều kiện học tập rèn luyện của hai người khác xa nhau. Bởi vậy có ý kiến cho rằng Khổng Minh là giáo viên tồi cũng có lý của nó.

Có nhẽ, Khổng Minh tin anh Tốc không đến nỗi tệ như Chiêu Liệt Đế (Lưu Bị) nhận xét. Vì ở chiến dịch bình Man chỉ có mình anh Tốc là một lòng ủng hộ chiến lược "công tâm vi thượng" của Khổng Minh. Vụ Khổng Minh thân chinh năm ấy, văn quan võ tướng trong triều ai cũng can đã đành, mà khi trả đất cho Mạch Hoạch, không cắt quan cai trị, cũng lắm kẻ hục hặc khó chịu. Tâm huyết của Khổng Minh ở vụ này ngay sau khi anh ý quy tiên đã trở thành dã tràng xe cát, bởi không còn nhân vật nào chú trọng việc vun đắp mối quan hệ Hoa - Di ấy nữa, mà chỉ chăm chăm vơ vét bóc lột.

Một lý do khác Khổng Minh dùng Mã Tốc vì có ý thiên vị anh Mã Tốc thật. Thật ra trước Khương Duy, anh Mã Tốc là đệ ruột của Khổng Minh. Thông minh, sáng dạ, con nhà trâm anh thế phiệt họ Mã (Khổng Minh chịu ảnh hưởng cách dùng người của Lưu Bị nên cũng có ưu ái sĩ phu quí tộc). Mã Tốc lại sinh trưởng ở đất Kinh – Tương như Khổng Minh và mỗi lần chat chit với nhau thì đối đáp binh pháp làu như cháo thì hỏi sao Khổng Minh không yêu, không chọn làm người kế tục cho được?  Xét ra, Khổng Minh có ý chọn anh Tốc không có sai. Văn tài võ tướng thế hệ thứ hai sau Quan, Trương, Triệu, Ngụy có ai hơn được anh Tốc. Có điều, Khổng Minh lại không thể biết được anh Tốc này vốn con đại gia, ăn chơi hưởng lạc từ nhỏ, có chút khả năng bẩm sinh thì làm gì không có tính kiêu ngạo. Anh Tốc chỉ suốt ngày ăn chơi, nói dóc, tán dóc với Khổng Minh là chính chứ làm sao hiểu được giá trị ngày cày ruộng, đêm đọc sách, điềm tĩnh, thâm trầm như anh em nhà Gia Cát, Quách Gia…

Nghĩ rằng có cọ xát với kinh nghiệm thực tiễn thì mới trưởng thành, Khổng Minh trao cơ hội cho anh Tốc, và cũng đã cẩn thận cử Vương Bình phụ tá.

Rõ ràng, Khổng Minh tìm thấy ở anh Tốc một cái gì đó tương đồng với mình thời trai trẻ. Thật ra Lưu Bị "tam cố thảo lư" mời Khổng Minh đâu phải vì anh ấy là một thiên tài quân sự, mà vì cái nhãn quan chiến lược sắc sảo. Ra khỏi lều tranh, Khổng Minh cũng chưa từng nổi trội về mặt chinh chiến (điều mà Bàng Thống với Pháp Chính lại quá thừa thãi huy hoàng). Tới Bắc phạt vẫn chỉ là một thiên tài trị quốc hay một nhà ngoại giao sắc sảo. Thế nhưng, bằng sở học từ Lưu Bị và mấy ông quân sư kia, Khổng Minh tự tin rằng mình cũng đã trở thành một bậc nguyên soái có thể cầm quân chinh phạt.

Anh Lượng có một kế hoạch khá hoàn hảo ở chiến cuộc Kỳ Sơn 1, lại dứt khoát phủ định ý kiến của một viên tướng quan trọng như Nguỵ Diên, nghĩa là đã hoàn toàn không còn cảm thấy tự ti nữa. Ngược lại, anh Lượng kỳ vọng ở anh Tốc sau này có thể làm được như mình.

Nhưng người như Tốc quá khao khát tự khẳng định giá trị cá nhân, nên mới có quả "tướng ngoài không nghe lệnh trong", muốn áp đặt ý kiến lên Vương Bình. Đồng thời, còn muốn gây chấn động và lên mặt với toàn thể đồng liêu, thậm chí là với cả Gia Cát thừa tướng.

Chuyện mất Nhai Đình, tuột Lương Châu, triệt thoái toàn bộ quân đội về Thục mà không được một tấc công nào rõ ràng là đáng tiếc. Lương Châu không những là bàn đạp quan trọng để trực diện uy hiếp Trường An, Lương Châu còn là một khối lãnh thổ và dân số vô cùng quan trọng. Đặc biệt quan trọng là Lương Châu giáp đất Khương Hồ, khống chế được thì có thể dễ dàng cầu những ngoại viện binh cường ngựa khoẻ, mà nam tử Hán đất này cũng vũ dũng anh hùng khét tiếng. Như thế, nếu không sơ sót vụ dùng Mã Tốc, Khổng Minh chắc chắn là có thể hoàn toàn thay đổi cục diện ở phía Tây; tạo áp lực mạnh mẽ gấp đôi gấp ba lên nhà Nguỵ, tăng cường thực lực đáng kể cho nhà Thục.  

Mã Tốc có hạn chế do cái bóng của người anh Mã Lương quá lớn trong gia đình. Lương chết trẻ nên không chỉ bảo tận tình cho em út. Anh Tốc có lẽ luôn ao ước được như anh Lương, mong muốn được góp sức cho triều Thục. Khi anh Lương chết đi thì Tốc lại muốn tiếp nối anh làm đại diện tiêu biểu của họ Mã ở Thục triều. Sự biến Nhai Đình có lẽ là hậu quả của việc anh Tốc "ngựa non háu đá", gà con mà bày đặt “vỗ cánh báo bình minh" muốn chứng tỏ mình với người khác vậy.

Khổng Minh chính là nhắm anh Tốc thế anh Lương. Trong một đội bóng luôn cần nguồn bổ sung cầu thủ trong tương lai nên mới có U-21, U-19 chứ nhỉ. Khổng Minh chắc để dành anh Tốc như kiểu U-19, U-21. Sau ngày bọn Đổng, Tưởng, Phí về chầu trời thì lấy ai thay đây? Ban đầu có lẽ là anh Lương mà anh Lương chết sớm quá nên anh Tốc được lọt vào mắt xanh vậy.

Công bằng mà suy: chiến dịch Kỳ Sơn I nếu thắng chắc chắn sẽ kích thích phong độ, sĩ khí quân Thục. Vừa có sĩ khí cao khi chiến thắng Trương Cáp, vừa có địa thế hiểm trở để giữ lại vừa có thế "dĩ dật đãi lao" khi chống quân viễn chinh nhà Ngụy thì 4-5 vạn chống 30 vạn cũng có thể được. Giữ thêm một thời gian, với chiêu bài mị dân "Hưng Hán - Phản Tào" chắc chắn Khổng Minh có cách để vỗ yên dân 4 quận Lương Châu, tạo thêm nhiều của cải, binh lương, mộ thêm binh thêm tướng làm bàn đạp tấn công Trường An. Lúc đó, Khổng Minh e-mai cho anh Râu Ngô hôi của ở Giang Hoài thì chắc chắn cũng gây cho binh tướng nhà Ngụy nhiều khốn đốn lắm chứ.


Nếu nói về sự bình luận của người đời về cái chuyện “Trảm” Mã Tốc này xem ra khá phức tạp. Việc đó đúng hay sai? Từ góc độ tiểu thuyết mà nhìn nhận thì chuyện Tốc bị chém là đương nhiên, dẫu có đấy lời của Tưởng Uyển - đại diện cho khá nhiều sỹ phu Thục Hán đưa lời can gián và Khổng Minh có lỗi bị biếm chức cũng là đương nhiên.

Có người bảo Khổng Minh bị giáng quan xuống ba cấp mà vẫn coi việc như cũ thì coi như không có gì. Nhầm to! Ngày xưa giới sỹ đại phu vốn trọng danh tiết, bị biếm cấp thì xấu hổ lắm. Cái nỗi hổ thẹn của những bậc chính nhân quân tử nó đau chứ không cười khà như hậu thế kinh tế thị trường. Đường đường Thừa Tướng xịn đứng đầu trăm quan mà bị “giáng” đến ba cấp, phải nói là đau lắm chứ...

Về cái chết của Mã Tốc nhiều dị bản. Chính sử cũng ghi lại chuyện Mã Tốc phải chịu tội chết, song cái chết của Tốc thật sự là là thế nào? Rất không rõ ràng. Bản thân bộ TQC mà tác giả sống rất gần giai đoạn ấy cũng viết rất hàm hồ khiến người đời sau không sao hiểu nổi. Dưới đây xin trình bày ba tài liệu:
- Ở Gia Cát Lượng truyện viết “Lượng bạt tây huyền thiên dư gia, hoàn vu Hán Trung, lục Tốc dĩ tạ chúng”. Tức là: “Lượng di dời hơn một ngàn hộ dân ở vào Hán Trung, rồi giết Tốc tạ tội với ba quân”. Chữ ‘Lục’ - chiết tự chữ Hán tức là giết rồi phanh thây.

- Còn ở Vương Bình truyện viết rằng: “Thừa tướng Lượng ký tru Mã Tốc cập tướng quân Trương Hưu – Lý Thịnh”. Có nghĩa là “Thừa tướng Gia Cát Lượng đã giết Mã Tốc cùng với tướng quân Trương Hưu - Lý Thịnh”. Chữ ‘Tru’ - chiết tự chữ Hán tức là kể tội rồi giết.

- Ở Mã Lương truyện viết: “Lượng vi chúng bạt Tốc, thống đại chúng tại tiền, dữ Ngụy tương Trương Cáp chiến vu Nhai Đình, vi cáp sở phá, sĩ tốt li tán. lượng tiến vô sở cư, thối quân hoàn Hán Trung. Tốc hạ ngục vật cố, Lượng vi chi lưu thế”. Nghĩa là: “Lượng trái lời chúng đề cử Tốc, thống lĩnh đại quân ở phía trước, cùng với Nguỵ tướng Trương Cáp đánh nhau ở Nhai Đình, bị Cáp phá ở đó, sĩ tốt li tán. Lượng không thể lưu lại ở đó được, đành lui quân về Hán Trung. Tốc bị giam trong trong ngục mà chết, Lượng rơi nước mắt thương cảm”. Thế này thì phải hiểu rằng Tốc không phải bị chết chém rồi, bởi nếu chết chém thì không thể chém ngay trong ngục được.

- Ở Hướng Lãng truyện lại viết rằng: “ngũ niên, tùy lượng Hán Trung. lãng tố dữ Mã Tốc thiện, Tốc đào vong, lãng tri tình bất cử, lượng hận chi, miễn quan hoàn thành đô”. Nghĩa là: “Năm thứ năm (Kiến Hưng), theo Lượng ra Hán Trung. Lãng không khéo khuyên nhủ Tốc, Tốc bỏ trốn, Lãng biết mà không nói, Lượng giận vì việc ấy, liền biếm chức quan đuổi về Thành đô”.

Mục trên kia bảo rằng Tốc bị Tru (Chư Cát Lượng truyện); dưới bảo rằng Tốc bị Lục (Vương Bình truyện), ừ thì coi như giống nhau, đằng nào chả là giết. Tạm coi là được. Nhưng mục Mã Lương truyện lại nói rằng Tốc bị giam trong ngục rồi chết. Rồi đến mục Hương Lãng truyện lại nói rằng Tốc bỏ trốn, lại chua thêm cái ý là Hướng Lãng biết mà không báo nên bị biếm chức đuổi về Thành Đô. Biết  theo hướng nào đây nhỉ?

Không có nhẽ đi học phép mầu nào đó để đi ngược thời gian trở lại thời  ấy? Đã trở lại rồi ta lại phải cơm nắm muối vừng lóc cóc khăn gói quả mướp đi tới tận Hán Xuyên may ra mới rõ được sự tình. Thôi thì cứ theo cụ La cho nó gọn.

Còn tiếp

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất