Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam quốc bài 23: Tường thuật trận Nhai Đình và bình luận tướng sĩ

Nói đến thất thủ Nhai Đình bên Thục Hán thì tội đồ là Mã Tốc đã rõ. Nhưng bên Tào Ngụy thì anh Trương Cáp mới là sao sáng… .
Ra Kỳ Sơn lần 1, ra quân đánh ngụy những ngày đầu, Ba quận Lương châu của Nguỵ bị mất bởi chiến thuật ra binh bất ngờ và chớp nhoáng cùng những tính toán chuẩn xác phi thường của Thục thừa tướng Gia Cát Lượng khiến người Nguỵ choáng váng. Cả vùng Quan Trung chấn động. Bấy giờ thì ban tham mưu Tào Nguỵ biết chắc đã bị hố một vố lớn, và Thục quân ở chiến trường Cơ Cốc kia chỉ là Nghi binh thôi, còn hoả lực cực mạnh của Thục chính ở Kỳ Sơn, và Thục thừa Tướng Gia Cát đang chỉ huy ba quân ở đó. Nhận định được mối nguy cấp tiềm tàng, Nguỵ đế Tào Tuấn ngay lập tức tây chinh ra Tràng An, trước hết lệnh cho Tào Chân đốc quân tấn công mạnh vào quân Thục ở Cơ Cốc ngăn chặn khả năng quân Thục theo hướng Cơ Cốc tiến ra uy hiếp vùng Quan Trung, mặt khác huy động ngay 5 vạn quân tinh nhuệ dũng mãnh giao cho Tả tướng quân Trương Cáp (không phải là Tư Mã Ý như cụ La Quán Trung bảo, bấy giờ Ý còn đang ở Uyển Thành nhòm ngó động tĩnh ở Đông chiến tuyến nhằm đối phó với nước Ngô). Trương Cáp là hổ viên tướng hàng đầu nước Nguỵ lúc bấy giờ ra thẳng tiền tuyến chống lại đại quân Thục Hán của Gia Cát Lượng. Sau nữa là huy động thêm chừng 30 vạn quân khoẻ trong nước chuẩn bị ném vào canh bạc lớn ở Lương Châu quyết ăn thua đủ cùng người Thục.


Lai lịch của anh bạn Trương Cáp nhắc ra đây thì quá rườm rà, chỉ cần tóm lược cũng đủ. Cáp là người ở Hà Gian, trưởng thành từ binh ngũ, đánh giặc từ thủa loạn Khăn vàng, sau theo về với Hàn Phức, rồi Viên Thiệu, nhờ lập nhiều công trạng nên được thăng đến chức Trung lang tướng. Khi Thiệu bại trận mất lương ở Ô Sào trong cuộc chiến Quan Độ, Cáp bị bức bách phải theo về với Tháo, được Tháo trọng dụng, thăng làm Đô đình hầu, Thiên tướng quân. Tháo vẫn thường nói với Cáp rằng: “Ông chính là Hàn Tín về với nhà Hán vậy”. Đại chiến Hán Trung, chủ soái Uyên bị giết chết, quân Nguỵ xao động, theo đề nghị của Quách Hoài, Cáp nắm việc quân, yên bụng binh sỹ, ngăn cản hữu hiệu sự bành trướng của Lưu Bị. Cáp thực sự là một viên tướng trải trăm trận, kinh nghiệm đầy mình, mưu dũng đủ cả. Sau này Trần Thọ viết TQC đã dành nhiều lời tán dương tài hoa của Cáp, thực xứng danh là một người nổi tiếng trong 5 hổ tướng nước Nguỵ.

Trương Cáp lĩnh 5 vạn binh tây tiến ra tiền tuyến, khi đến Nghi huyện đã cùng với Tào Chân bàn bạc đối sách. Kê hoạch của Cáp đơn giản và táo bạo, đó là bỏ qua việc Thục đã chiếm được phần lớn đất đai ở Tam quận Lương Châu, hướng về phía Bắc đột phá qua My huyện, đánh thẳng vào Lũng Sơn, từ đó men theo Lục Bàn Sơn tiến vào phía bắc Lương Châu nhằm một đòn cắt đứt sự liên hệ giữa quân Thục ở An Định.

Sao Cáp dám làm thế? Bởi quân của Cáp là quân tinh nhuệ, dũng mãnh vô cùng, dẫu bất lợi vẫn có thể đôi công với quân Thục mà không nao núng. Thứ nữa, Cáp tin chắc rằng tam quận Lương Châu hưởng ứng Gia Cát Lượng chỉ bởi tình thế bức bách mà thôi, thực tâm bụng chúng còn dao động. Quân Thục cũng chưa kịp vỗ yên dân ở đó. Nếu thực thi được việc ấy tức khắc quân của Nguỵ Diên ở An Định bị cô lập hoàn toàn, lòng quân sẽ sinh biến, quân Nguỵ sẽ chuyển thế bị động thành chủ động và mau chóng bức được quân Thục lui về. Và Trương Cáp đã tính toán chuẩn xác ... Đấy là kinh nghiệm chiến trường của một đời chiến tướng vào sinh ra tử, không phải ai cũng dám làm như vậy. Nếu Tư Mã Ý cầm quân thì với tác phong cẩn thận giống Gia cát Lượng tất không thể có được sự táo bạo cũng như thanh thế dũng mãnh đến như vậy.

Quả nhiên, rất nhanh chóng, quân Nguỵ thu hồi lại được khá nhiều đất đai, binh sỹ Thục còn chưa kịp ổn định nên hết sức kinh hoàng. Trước tình hình bất lợi như vậy, Gia Cát Lượng đã triệu tập hội nghị quân sự khẩn cấp tại Thiên Thuỷ. Căn cứ vào diễn biến của cuộc chiến và hướng hành binh của Trương Cáp, Thục quân muốn nắm chắc ưu thế tất phải giữ vững được điểm quân sự then chốt là Nhai Đình, (vì sao là Nhai Đình thì cứ nhìn bản đồ mà phân tích dựa trên những yếu tố, địa hình địa vật, hướng hành quân của Cáp, hướng hành quân và mục tiêu phát triển chiến sự của Thục) từ đó khống chế sự tiến quân ào ạt của Cáp. Nhưng ai nhận trách nhiệm lớn lao đó là vấn đề phải cân nhắc kỹ càng. Trong cuộc họp ấy, đa số các tướng lĩnh và ban tham mưu đều cho rằng:
Nên tức tốc điều động hổ tướng Nguỵ Diên từ An Định trở về đối đầu với Cáp, hoặc nếu không được thì cử tướng quân Trương Ngực là người can đảm, có kinh nghiệm tác chiến phong phú có thể đối đầu được với Cáp. Sau đó huy động Nguỵ Diên trở về để từ hai hướng tổng công kích sẽ bóp nghẹt được Trương Cáp.
Tóm lại, nếu phá tan được đạo quân tinh nhuệ của Trương Cáp tất tạo ra thanh thế rất mạnh, chẳng khác nào Quan Vũ bức Tào Nhân ở Phàn Thành năm xưa. Mà hậu phương Thục lúc này cực kỳ vững chãi chứ không lỏng lẻo như tình thế của Quan Vũ năm nào. Có thể nhanh chóng sách động nhân dân Lương Châu, dụng chính sách vỗ yên, trường kỳ thảo phạt.


Tuy nhiên Gia Cát Lượng lại trái với ý kiến số đông, ông cho rằng:
1/ Nếu điều động hổ tướng Nguỵ Diên từ An Định trở về sẽ chậm trễ vì quân Cáp đang ào ạt đến, hơn nữa điều động vội vã sẽ khiến quân Thục rối loạn, không khác chi chuyện Uyên đuổi theo Hoàng Trung năm xưa ở Hán Trung. Như vậy Thục quân chưa đánh đã gặp bất lợi rồi. Chưa xét đến việc các bộ tướng của Ngụy Diên như Cao Tường, Trương Dực với binh lực mỏng (vì có chừng một vạn quân ở chiến trường này đã phải san sẻ cho Diên mất mấy ngàn tinh binh rồi) sẽ không giữ yên được mảnh đất mới chiếm được là An Định.
2/ Trương Ngực (có sách gọi là Trương Nghi) tuy có kinh nghiệm, song dùng binh chắc chắn, sợ rằng không đủ năng lực ứng biến ở chiến trường (cái này có lẽ xuất phát từ việc hiểu Trương Ngực trong việc dùng binh ở Nam Trung chăng?) Và như vậy thì Ngực không thể là đối thủ với một tướng lĩnh già dơ như Trương Cáp. Khả năng thất bại của Ngực là khá cao (cái này có lẽ mang nặng sự cảm tính của Thục thừa tướng. Lý do là để giữ thì người cẩn thận và túc trí như Trương Ngực quả là tuyệt vời. Tại sao Khổng tiên sinh không thân chinh đóng quân ở Nhai Đình để đối phó với Cáp, việc đánh chác nơi tiền tuyến Nhai Đình giao ngay cho Vương Bình? Còn việc giữ Kỳ Sơn có thể giao cho cũng một trong hai người còn lại là Trung hay Ngực. Muốn rèn Mã Tốc thì vẫn có thể đem Tốc theo trong quân cho học “bổ túc” về chiến đấu nơi sa trường, chẳng hay hơn sao? Thế mà thực tế lại đi giao cả đại sự cho anh chàng Mã Tốc huênh hoang ấy nhỉ?).

Nhưng xét kỹ thì cũng khó tìm người có thể tin cậy mà giao phó việc quan trọng như vậy vào lúc ấy. Những tướng lĩnh còn lại rất ít tên tuổi và danh vọng cũng như kinh nghiệm thực tế là Lưu Đàm, Liêu Hoá, Mã Trung, Hồ Tế... tất không thể giao phó được.

Vậy thì… chỉ còn một tướng yêu là Mã Tốc mà thôi.
Mã Tốc có tài gì mà khiến Gia Cát thừa tướng yêu đến thế? Thì đây mô tả Tốc nè: xuất thân thi thư trong dòng họ Mã nổi danh đất Kinh tương. Tốc là viên tham mưu lầu thông kinh sách, binh pháp gói gọn cả trong bụng, ứng biến như nước chảy mây trôi, được coi là viên tham mưu bậc nhất của Gia Cát thừa tướng lúc bấy giờ. Tốc đã từng bày kế “công tâm làm đầu” ở chiến dịch Bình Man (bài trước) khiến Lượng thừa tướng vô cùng tâm đắc. Từ đó, bác Lượng cho rằng Tốc “đã thực sự trưởng thành”. Khổng tiên sinh tin rằng để đối đầu với sự già dơ của Cáp, ắt phải có một viên tướng già dơ không kém (Duy nhất có Nguỵ Diên thì không gọi về kịp), nếu không ắt phải có một người với tư duy mới mẻ, sáng tạo sẽ có những phương lược rất đặc biệt đủ sức khắc chế kinh nghiệm của Cáp, tạo ưu thế cho quân Thục. Như vậy  nhìn bề mặt, Mã Tốc quả là đạt yêu cầu. Và để bổ sung cho sự non kinh nghiệm của Tốc tất phải có một viên tướng kinh nghiệm đầy mình làm phó tướng hỗ trợ, người được lựa chọn ấy chính là Tỳ tướng Vương Bình. Quân sinh lực của Thục hơn 3 vạn giao cả cho Tốc nắm (3 vạn đấu với 5 vạn cũng khá mệt nhọc rồi, nhưng có ưu thế là giữ, bên kia phải đánh, cũng có thể yên tâm được).

Với toan tính như vậy, rõ ràng nước bài ấy Gia Cát thừa tướng đã “tính chắc”, mọi hy vọng của thừa tướng đã trao cả cho Mã Tốc rồi. Còn Khổng Minh đóng binh ở Tây Thành thuộc Nhung Khâu (cách Nhai đình có chừng đôi chục dặm đường). Lại dặn dò Tốc hết sức cẩn thận rằng nên lập trận ở bên sông Vị, trước hết ngăn cản không cho Cáp vượt sông nhằm đè bẹp nhuệ khí của địch, chỉ cần giữ vững, sau đó sẽ phối hợp với quân của Diên theo lối Lục Bàn Sơn trở về để từ hai hướng Nam Bắc bức Cáp phải tan quân. Làm được như thế tức là Lương Châu có thể chờ ngày mà lấy được. Toan tính này (giao cả đại quân cho Tốc) của Thục thừa tướng bị các tướng sỹ nhao nhao phản đối, nhưng Khổng Minh tiên sinh đã quyết ý, không gì lay chuyển được, và Tốc theo mệnh dẫn quân đi. Vậy là viên “tham mưu ưu tú” là Mã Tốc đã được cầm tất cả vốn liếng của cụ Khổng đi đánh canh bạc lớn Nhai Đình. Vậy hãy xem anh Tốc đoán tiếng bạc “sấp ngửa” thế nào mà quyết định ôm cửa chẵn hay cửa lẻ để người Thục và nhất là Khổng tiên sinh phải đau thương đến vậy?

Khi đến Nhai Đình, Tốc và Bình cùng đi xem xét địa hình và bất đồng quan điểm về cách lập trận. Tốc cho rằng giữa sông Vị và Nhai Đình có một vùng bồn địa lớn, nếu bầy trận bên sông (vị trí thấp) thì Trương Cáp theo Lũng Sơn tiến đến, quân đông hơn, từ trên cao nhìn xuống tất nắm rõ cách bố trí quân lực của Thục binh. Hơn nữa từ trên cao đánh xuống có ưu thế hơn và quân Thục phải ngửa mặt mà đỡ sẽ khó khăn. Bầy trận bên sông theo ý Thừa Tướng thì chỉ có khả năng kìm giữ được Cáp thôi, khi Nguỵ Diên trở về giáp kích để thắng được Cáp tất mình (Mã Tốc) chẳng có công lao gì. Vậy nên Tốc quyết ý phải dụ cho Cáp vượt sông, mà như thế thì cần bầy trận trên ngọn núi ở phía nam Nhai Đình, khi đánh địch, ta sẽ biết rõ trận địa của địch, lại tràn từ trên cao xuống thấp mà đánh ắt có lợi (lấy luôn lợi thế của Cáp làm lợi thế của mình). Vương Bình cẩn thận, có nhiều kinh nghiệm bởi vốn xuất thân từ binh ngũ, trải trăm trận lớn nhỏ tất không ưng kế hoạch mạo hiểm ấy, Bình cho rằng, nếu chiến sự kéo dài, mấy vạn quân trên núi sẽ khó khăn về cung cấp nước uống, nếu đường cấp nước bị cắt đứt thì ba quân vỡ như đất sụp ngói tan. Bình lại vin vào cớ “không nên trái lời thừa tướng” để can Tốc, còn Tốc thì dứt khoát không nghe, cho rằng: “Tướng ở ngoài biên, lệnh vua có chỗ không cần phải theo”, cách nhìn của Tốc được hai viên tham mưu là Hoàng Tập và Lý Thịnh nhất nhất tán đồng, Bình chỉ là phó tướng, không biết làm sao đành phải dẫn 1.000 quân bản bộ đến bầy trận ở bồn địa phía Bắc Nhai Đình làm thế “ỷ giốc” với quân của Tốc. Còn Mã Tốc sai đang đóng quân trên núi cao, gỗ to đá lớn xếp thành đống ngổn ngang trên núi sẵn sàng lăn xuống chân núi đè bẹp Nguỵ quân, nếu chúng đến đánh. Việc lập trại đã xong, chỉ còn chờ đợi Nguỵ binh kéo đến nữa thôi, Tốc khi tĩnh toạ ung dung, lúc rung chân rung cẳng, kêu thợ mát xoa, mát xiếc rồi xoa tay vỗ bụng chờ đại quân Nguy đến đánh núi hiểm. (Tất cả những chuyện này đều được chép khá kỹ lưỡng trong Vương Bình truyện và Mã Tốc truyện, phần Thục thư, TQC. Có mấy câu đọc rất cô đọng mà sắc nét minh chứng cho thất bại của Thục quân rằng: “Binh sỹ khát khô họng, lòng quân tan rã, mới hơi núng thế đã reo một tiếng chạy tan tác hết cả” - Thảm thương và đáng giận thay!).

Thế là Trương Cáp yên lành vượt Lũng Sơn kéo thẳng đến sát Nhai Đình, một mặt thăm dò xem động tĩnh của Nguỵ Diên ở An Định, tính toán xem Diên có thể trở về đến Nhai Đình vào thời gian nào. Mặt khác xem kỹ tình hình bố trí quân lực của Thục Hán ở Nhai Đình. Sau khi thu thập đủ tin tức, Cáp đóng trại ở phía Bắc Vị Thuỷ rồi cười bảo chúng tướng rằng: “Mã Tắc chỉ có hư danh, phen này tất bị ta bắt sống!”. Thế rồi Cáp điều bát quân đội như sau:
1/ Chia tinh binh mãnh tướng đóng chẹn ở Lũng Sơn, cậy hiểm mà giữ, ngăn chặn khả năng tấn công từ An Định của Nguỵ Diên nhằm vào phía sau đại quân của Cáp.
2/ Lấy một toán quân tinh nhuệ, xuất kỳ bất ý đang trong đêm khuya đánh thẳng vào đội binh làm nhiệm vụ cấp nước và cảnh giới của quân Thục, cắt đứt nguồn cung cấp nước cho đại quân Thục Hán. Sau đó khẩn trương lập phòng tuyến quân sự men theo sông Vị.
3/ Phân nhỏ binh lực thành từng đội với biên chế 3.000 quân, gấp rút vượt sông một cách trật tự, quân sang trước sẵn sàng tác chiến với quân Thục nếu Thục binh đến đánh. Đồng thời hỗ trợ cho toán quân sang sông sau, cho đến khi cả đại quân đứng vững ở men sông Vị sẽ bắt đầu triển khai thế công phạt Thục.
Quả nhiên kế hoạch của Cáp thành toàn mỹ mãn, quân Thục làm nhiệm vụ cấp nước bị bắt sạch ngay trong đêm, không kịp trở tay. Đến mờ sáng thì Tốc nhận được hung tin lập tức phái Hoàng Tập dẫn quân tinh nhuệ đến tác chiến ngăn chặn Cáp vượt sông, song khi ấy trại sách của Nguỵ quân đã vững, binh nhung tề chỉnh, gươm giáo sáng loè, bên kia sông quân Tào vẫn cờ xí phấp phới, nghiêm chỉnh đội ngũ vượt sông hết lớp này đến lớp khác. Chẳng mấy chốc mà cả bình nguyên sông Vị đầy đàn man dã màu cờ sắc áo của Nguỵ quân khiến binh sỹ Thục hết sức kinh hồn. Khi Mã Tốc đến nơi tự thân đốc thúc ba quân đánh mạnh vào đại quân của Trương Cáp, song Nguỵ quân nấp sau công sự mới lập, tên bắn ra xối xả, bay loang loáng như mưa rào mùa hạ khiến quân của Tốc không sao tiếp cận được đành phải lục tục ôm mộc che tên đi giật lùi lại phía sau. Tốc không biết làm sao chỉ còn cách quay về trại trên núi ngóng chờ quân của Nguỵ Diên và Gia Cát Lượng đến cứu ứng.

Đến trưa hôm ấy, đại quân của Cáp ung dung sang hết cả phía bên kia Vị Thuỷ, bao vây Mã Tốc trùng điệp như thiên la địa võng. Quân sỹ Thục Hán tái mặt lo sợ, chẳng có nước để nấu ăn, bụng đói mốc meo, cơn khát vò. Dưới núi thì Nguỵ quân đông hơn cả đám quân Thục đang co cụm trên núi hiểm, sỹ khí dần tan. Dù cho Tốc mấy lần đốc quân đánh tràn xuống, song không sao vượt được lưới tên của Nguỵ quân đành phải bật ngược trở lại. Cáp cũng chẳng phải vội vã đánh lên núi, cứ sai giữ chặt vòng vây để giảm thiểu tối đa thương vong, thế là bao nhiêu gỗ đá của Tốc để dành hòng lăn xuống đè bẹp quân Nguỵ nếu địch đánh lên núi chẳng biết để làm gì. Than ôi, gỗ ấy dùng để đóng quan tài mà chôn cất Thục quân, đá ấy để xây cất mộ cho binh sỹ Thục hẳn cũng đỡ lãng phí tài nguyên của Trung Hoa đấy nhỉ? Dùng binh như Cáp ở trận này như không đánh mà địch phải khuất đấy sao?

Trời ngả về chiều, đã thấy lác đác quân Thục phá bỏ đội ngũ chạy xuống núi hàng Nguỵ. Mã Tốc cùng bộ tướng cố hết sức cũng không sao ngăn lại được. Ác hơn nữa là lúc trời bắt đầu sẩm tối, Cáp hạ lệnh đốt lửa ở chân núi, lại sai khua chiêng gõ mõ sách động tinh thần của Thục binh. Khi ấy quân Thục đang khát khô cổ, mắt nhìn lửa cháy bừng bừng thấy chẳng khác chi ngọn lửa đang thiêu đốt tâm can, nghe tiếng chiêng trống khác nào tiếng sấm rền của Thiên lôi đang nổi cơn thịnh nộ. Tướng sĩ còn chút sỹ khí nào cũng rơi rớt vỡ tan theo tiếng trống trận, nhảy múa chấp chới tán loạn theo ngọn lửa hồng. Thế là đại quân Thục do Mã Tốc nắm giữ tan tác như đám hoa bồ công anh bay tán loạn trong gió núi. Mã Tốc chẳng biết làm gì hơn là việc dẫn tất cả quân sỹ còn lại lao thẳng vào đám quân Nguỵ đang bao vây để mở đường máu chạy tháo thân. Trương Cáp cũng không cần phải ra sức truy kích, chỉ đuổi theo sách động tinh thần mà thôi, thế là Tốc chạy được thoát. Cáp cố gắng chiêu hàng quân Thục chạy tản mát và đám quân còn ở trên núi. Tính phỏng sơ sơ trận này, Cáp bắt sống gần một vạn Thục quân, số Thục binh bị chết không tính xuể, chiến lợi phẩm và lương thảo không sao đếm hết được. Vậy là chiến dịch Nhai Đình của Cáp đã hoàn thành quá sức mong chờ của Nguỵ quốc. Còn gì có thể đẹp hơn với người Nguỵ nữa đây?

Còn Vương Bình? Trong thời gian Cáp vượt sông và bao vây Mã Tốc, Bình đã làm gì? Với quân số ít ỏi 1.000 quân bản bộ, Bình thấy rõ Cáp vượt sông, biết đại thế chẳng còn, song không thể liều mạng với Cáp được, đành phải tính chuyện hậu sự mà thôi. Bình chia quân của mình thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm mấy trăm binh sỹ, ẩn nấp vào nơi hiểm địa, đề phòng nếu quân Nguỵ đến đánh thỉ chỉ gõ trống làm nghi binh là chính. Quả nhiên đêm ấy Mã Tắc dẫn tàn binh Thục hốt hoảng chạy đến, phía sau quân Nguỵ đuổi theo cà rần. Bình tự thân đốc chiến hỗ trợ cho Mã Tốc đang tháo chạy. Bình sai thúc trống inh ỏi. Bấy giờ trời lại tối đen như mực, giáp mặt nhìn nhau không rõ, Nguỵ binh sợ có mai phục không dám ham đuổi bèn khua chiêng thu quân. Thục binh nhờ đó mà giảm tổn thất đáng kể. Bình cố gắng thu thập tàn binh Thục rồi cũng từ từ lui binh trở về.

Còn Nguỵ Diên ở An Định thì sao? Nhận lệnh của Khổng tiên sinh về việc chi viện cho quân Thục ở Nhai Đình, Diên cấp tốc dẫn quân trở về. Khi đang hành quân men theo đường núi Lục Bàn Sơn đã nghe tin Nhai Đình thất thủ, Diên với kinh nghiệm của một chiến tướng lão luyện biết chắc là đường tiếp vận cho Thục quân ở An Định đã bị cắt đứt. Nếu Thục quân ở phía Bắc An Định không mau mau rút chạy tất sẽ bị cô lập tạo thành bi kịch toàn quân tan vỡ. Bởi thế Diên sai quân lưu tinh hoả tốc cấp báo tình hình với đại quân ở An Định, lập tức vượt Lục Bàn Sơn men theo Lũng Tây chạy về; còn tự mình mau chóng dẫn quân từ Lục Bàn Sơn thẳng đến tiếp ứng cho đại quân của Gia Cát Lượng ở Kỳ Sơn.
Như vậy đến đây chiến dịch Nhai Đình kết thúc.

Nhai Đình thất thủ, Khổng tiên sinh bấy giờ đang ở Kỳ Sơn hết sức kinh hãi, nhưng vẫn bình tĩnh sắp xếp kế hoạch lui binh. Toàn bộ kế hoạch rút quân được triển khai như sau:
1/ Bố trí lại tuyến phòng thủ ở Tây Thành để hỗ trợ tàn quân Nhai Đình kéo về.
2/ Thông báo gấp cho Nguỵ Diên và binh mã ở An Định lập tức rút lui.
3/ Khi trung quân (Mã Tốc) và tiền quân (Nguỵ Diên) đã rút về, lập tức sai Mã Trung sớm lập phòng tuyến quân sự mới ở phía Nam Kỳ Sơn để ngăn chặn Nguỵ quân đuổi theo.
4/ Cưỡng chế hơn 1.000 hộ dân ở Tây Thành đem theo tất cả lương thực dời vào Hán Trung.

Chiến dịch Nhai Đình đã đổ vỡ hoàn toàn, không thu được bất cứ thành quả đáng kể nào ngoài việc thu được một tài năng cho đất Thục sau này là Khương Bá Ước. Điểm lại mất mát của Thục quân lại quá lớn. Đại quân giao cho Mã Tốc chỉ còn lại chưa đến 1/3, quân Nguỵ Diên cũng khốn khổ muôn cay nghìn đắng bò lết được về Hán Trung chỉ còn phân nửa. Riêng ở phía Cơ Cốc, dù Tào Chân tiến đánh mạnh mẽ, song do địa hình hiểm trở, Triệu Vân khôn khéo phòng giữ các nơi hiểm yếu khiến Tào Chân không thu được chiến quả gì, Thục binh từ từ lui về, tổn thất không đáng kể.

Thất bại Nhai Đình thực sự là một đòn đau giáng vào tham vọng của người Thục. Mưu đồ tiến lên tranh bá Trung Nguyên của Khổng Minh thừa tướng bị sứt mẻ nghiêm trọng. Ngoài việc thua quân, thiệt tướng, sỹ khí và tham vọng của người Thục cũng bị cùn nhụt đi đáng kể.

Thất bại lớn này, trách nhiệm trực tiếp đương nhiên là tham quân Mã Tốc, lỗi lớn khác chính là thuộc về Khổng tiên sinh. Kẻ thì chủ quan tự mãn tưởng mình là nhất xứ tiên phong. Người thì xét việc u minh, nhìn nhận và sử dụng nhân tài không thích đáng. Câu nói của Lưu Bị về Mã Tốc bấy giờ đem ra nghiệm chứng mới thấy thực sự chí lý.
 
  

Giờ mới xét đến những tô vẽ của La tiên sinh ở chiến dịch Nhai Đình, điểm chói sáng nhất của bác Khổng chính là “Không thành kế” khiến cho Tư Mã vô cùng khiếp hãi (nghe cứ như bác Khổng đánh nước bài “tháu cáy” trong môn xì tố? Quả là tay chơi mới dám làm thế, binh hung chiến nguy mà cụ La lại cứ coi như trò đùa vậy).
Nhai Đình thực ra nếu Mã Tốc lập trại như bác Khổng dặn dò, thiết nghĩ có thể chặn đứng được Cáp (cách sông chặn địch, 3 vạn đấu 5 vạn). Nếu chặn Trương Cáp ở đó, Ngụy Diên trở về, 2 đầu đánh một, Cáp khó mà nhai được Thục quân. Có điều 30 vạn thằng quân do Tào Tuấn (Duệ) đem từ Trường An đến là một lực lượng khủng, chưa kể Tào Chân có thể cắt 5 vạn binh từ Cơ Cốc theo lối My Huyện sang cứu đỡ nữa. Lúc đó phải tuỳ tình hình, nếu đã phá vỡ được Cáp thì có thể giữ chắc Nhai Đình, cách sông cự giặc, huy động tiếp quân từ Hán Trung tiến ra đánh Nguỵ (giống như Lưu Bị từng đánh Tào Tháo ở Hán Trung vậy, rất có cơ thắng). Ngoài ra có thể sách động anh Tôn Quyền đánh ở phía Đông hẹn nhau cùng thăn đất của Tào Nguỵ. Nếu chưa đánh được Cáp thì sẽ khó khăn hơn, thế được thua khó biết lắm, lại phải tuỳ tài của các tướng và chiến thuật, phương lược trong những trận đánh kế tiếp mới định hình được. Tiếc là nó đã không xảy ra.

Dù rằng lấy văn thay sử, tô vẽ thiên lệch cũng khá nhiều, nhưng chính là nhờ sức tưởng tượng phi thường của La lão Quán Trung mà các nhân vật Tam Quốc của 60 năm động loạn ấy có sức sống trường tồn. Rõ ràng: ở phía Viễn Đông này nói chung cũng như trong lãnh thổ Trung Khựa nói riêng, ai cũng thấy thời Tam Quốc gần gũi với mình hơn tất cả những khoảng chiến loạn khác, kể cả Ngũ Hồ loạn Hoa, Ngũ Đại tàn Đường hay cục diện các triều Tống - Minh - Thanh.
Vậy nên, cũng không lạ khi người sau nhắc đến Tam Quốc là nhớ đến La Quán Trung, chứ không phải hai cụ Trần – Bùi (Tức Trần Thọ và Bùi Tùng Chi). Nên, có những chi tiết trong tiểu thuyết, dù không mang giá trị sử học nhưng vẫn là thành công của La lão về mặt văn học.
"Không thành kế" là một chi tiết như thế. Ai lần đầu đọc TQDN, đều có chút thán phục cái gan to mật lớn cùng tài ứng biến của Bác Lượng, mà cũng e rằng không ai phản bác lý luận của bác ấy. (Lời Khổng Minh: "Tư Mã Ý biết rằng ta cả đời cầm quân cẩn thận, không dám bày trò mạo hiểm bao giờ, nên mới lừa được y"!) Biết mình biết người, quả "tháu cáy" của Thừa Tướng cũng không đi chệch khỏi đạo lý của binh pháp bao nhiêu. Có lẽ cũng vì vậy mà Thục ký vẫn để ngỏ một giả thiết.

Song, nói thì là nói thế, chứ đã bàn chuyện sử thì không thể ngẫu hứng như bàn chuyện văn. Ngòi bút La Tiên Sinh có ảo diệu, thì Tư Mã Ý lúc đó quả thật đang ngồi trấn ở Uyển Thành phòng ngự mặt Đông Ngô (nghĩa là cũng chẳng có chuyện Ý bị anh Khổng xài ly gián kế khiến Tào Tuấn cách quan biếm chức như trong TQDN cụ La Quán Trung mô tả). Bác Tư Mã Ý không thể khinh động mang quân vượt núi cao đèo thẳm sang chi viện cho mặt Tây Lương.

Xét với tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa thì cụ La Quán Trung viết cho thấy càng khâm phục bác Khổng Minh đảm lược hơn người (sắp sẵn cả Quan Hưng, Trương Bào hư trương thanh thế, như là biết trước sẽ bị bao vây), mà cười cợt anh Tư Mã Ý đa nghi nhát chết, nghe hơi gió đã hoảng, đổi tiền đội làm hậu đội chạy khỏi một toà thành có chút quái sự.
Chém gió cỡ đó mới là chém gió chứ ở ta mấy chú du lịch bụi leo được lưng chừng đỉnh núi Bà Đen đã hô hào được nắm tay thần Rắn, về viết nhựt trình khơi khơi đã ăn thua gì. À! Tôi thấy duy nhứt một ca chém gió ngang ngửa là cái vụ sử Việt ghi chuyện thi công cắm cọc gỗ uýnh Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Kinh ốm. Thời ấy làm cách nào thủ công mà sông chảy xiết thế, cắm cọc dài thế vào lòng sông sâu thế với một chiều dài dài thế…? Mà ghi rõ là uýnh bao nhiêu chiến thuyền của quân nó trong có một buổi (nước triều lên, xuống). Tôi nói chém gió vì bây giờ ai cũng chỉ mấy cái cọc lim ngắn ngắn bảo đó là…chứng tích. Nhưng bao nhiêu năm giời, các nhà sưu tập, các nhà sử học cấm có tìm ra một bằng chứng nào khác ví như ít mảnh thuyền (cũng là gỗ tốt như lim mà), dây chuyền, lục lạc…chi chi mà biện chứng theo chẳng thấy thêm cái gì.Ông nào quan điểm tự sướng chỉ toàn suy diễn hoặc là: sách này nó nói thế, sách kia nó nói thế...(ôi dà dà...)

Trở lại chuyện Bắc phạ Kỳ Sơn lần 1, Giả sử nếu không mất Nhai Đình, yên đươc một nẻo Thiên Thuỷ, Lũng Tây, An Định thì cứ dồn binh mà cự quân Ngụy ở Tà Cốc, Tản Quan. Hai cửa này đường núi khúc khuỷu, đường hẹp khó đi. 30 vạn quân Ngụy thì cũng chỉ lần lượt vài thằng qua được. Cứ thế mà "trường kỳ kháng chiến", "chiến tranh nhân dân", phục binh, máy bắn tên, bắn đá loạn lên, cần thì nổi lửa nướng, quân Ngụy không đạp nhau mà chạy mới lạ. Nói chút về quân lương: 30 vạn quân Ngụy ăn đổ núi, đánh nhanh không thắng được tất sinh loạn. Sinh biến rồi thì kêu chú Ngụy Diên quấy rối từ mặt An Định xuống, chú Mã Tốc kéo từ Nhai Đình lên, cộng thêm quân phòng thủ ba mặt giáp công, chú Tào Tuấn này có khi quẳng giò lên vai mà chạy đó chứ.

Vậy nên toàn bộ từ vua, quan, tướng sĩ quân Thục Hán chim cú và chú Mã Tốc liệu có còn cửa nào ân xá??? Gia Cát Lượng chém một mình còn là nhẹ chớ gặp anh Tháo, anh ấy bêu đầu tru di cả họ ấy chứ.

Bài sau, có lẽ nên nói kỹ hơn về anh Mã Tốc và chuyện trảm anh rồi khóc anh tòe loe của bác Minh…
(còn tiếp)



 


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất