Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam Quốc bài 21: Ngô-Thục như trẻ trâu và Lưu Bị Thác Cô

  Ngô và Thục thời Tam Quốc thật lạ: Lúc chiến, lúc hòa chả khác gì bọn trẻ trâu. Nuốt lời như trẻ trâu. Được cái hơn trẻ trâu là trước khi uýnh nhau bao giờ bọn Vua và bọn tướng cũng có màn thư từ qua lại. Lúc thì khích bác, lúc thì cầy bẩy, lúc thì khiêu chiến… Nói chung là báo trước.
.
Trước trận chiến Ngô-Thục. Rất đau đầu vì sức ép có thể sẽ đến từ cả 2 cường địch Thục và Nguỵ, Ngô chúa nhún mình xin cầu hoà với Thục, rồi lại xin hàng Nguỵ chịu nhận cửu tích. Đương nhiên khi đã “hàng”, nhận chức Vương làm phên dậu cho “Nguỵ Đế”, theo lệ tất nhiên Ngô phải gửi con tin ở kinh thành nước Nguỵ. Khi trước là lúc chiến tranh Ngô - Thục đang hồi gay cấn, Quyền sợ Nguỵ động binh nên không dám cự tuyệt thẳng thắn, mà giở trò “lần khân”, rằng con (Tôn Đăng) còn nhỏ dại, đưa đi xa không nỡ. Và đến phía Ngô chúa ca khúc khải hoàn thì Quyền lại tính bài chối phắt. Trước đòi hỏi quyết liệt của Phi, Quyền vẫn nhất định không chịu đưa con đến đất Nguỵ, lại viết một lá thư gửi cho Tào Phi với lời lẽ rất tỏ vẻ có lỗi, rằng “Nếu thân hèn này phạm tội quá nặng xin tình nguyện nộp hết đất đai và toàn dân đất Ngô cho Nguỵ đế, kẻ hèn này chỉ xin được gửi mạng ở Giao Châu sống nốt quãng đời thừa”. Phi cũng rất khách khí, gửi tiếp một bức thư, bảo Quyền rằng: “Trẫm cùng ông đại nghĩa đã định, há thích thú gì việc dẫn binh tướng đến Giang Hán cho mệt nhọc? Chỉ vì Tam công tâu bày tội lỗi của ông có đầu đuôi rất rõ ràng …”. Phi lại nghĩ rằng Quyền đang thừa thắng đã có ý chống đối, khuyếch trương thực lực nên sai hẳn hai quan đại thần là Tân Tỷ và Hoàn Giai đến nước Ngô trao đổi cụ thể, song Quyền đã thẳng thừng cự tuyệt. Phi giận, quyết dùng vũ lực “dạy cho Ngô một bài học đích đáng”.

Trước ý định của Nguỵ đế, Lưu Việp (Hoa) phản đối quyết liệt, Việp cho rằng: “Quyền mới thắng trận, khí thế đang vượng, có thừa tự tin, ưu thế thuỷ quân vô địch, dựa vào thế hiểm Trường Giang mà chống trả, không dễ thắng được”. Phi không nghe, quyết theo ý mình. Rồi lập tức phát động cuộc chiến, huy động những binh đoàn cực lớn, chia làm ba đạo với toàn những danh tướng lẫy lừng nhằm đất Ngô ùn ùn kéo đến.

Ba đạo binh gồm:

1. Phía Đông (cửa Động khẩu – Tây Nam huyện Hoà An Huy) do Chinh Đông tướng quân Tào Hưu cùng Trương Liêu (Tiền tướng quân), Tang Bá (Trấn Đông tướng quân) thống suất.
2. Phía chính Nam (cửa Nhu Tu – Đông Bắc huyện Vô Vi) do Đại tướng quân Tào Nhân chỉ huy.
3. Phía Tây (cửa Giang Hạ, thành Giang Lăng - Thủ phủ Nam Quận) do Thượng tướng quân Tào Chân cùng với Hạ Hầu Thượng (Chinh Nam tướng quân), Tả Tướng quân Từ Hoảng, Hữu tướng quân Trương Cáp suất lãnh.

Ngô Tôn Quyền lại đứng trước sức ép cực lớn (còn hơn lúc chống Thục nhiều, hùng binh 10 vạn, tướng tài cỡ chục thằng) không dám khinh suất, cũng chia binh làm ba đường sẵn sàng chống cự. Một mặt sai Lã Phạm đóng ở Lục Khẩu cự Tào Hưu, một mặt chỉ đạo Gia Cát Cẩn và Phan Chương phòng thủ Nam Quận, còn ở tuyến giữa - điểm quan trọng nhất - Ngô chúa cùng với Tôn Hoàn đốc binh kháng cự.

Tại chiến tuyến phía Đông, chiến sự giằng co, Ngô Nguỵ thoắt được thoắt thua xem ra cả hai bên cùng khốn đốn, Tào Hưu không chiếm được nhiều ưu thế, mà Lã Phạm cũng chẳng chịu lép vế để quân Nguỵ bắt nạt nên chiến sự đôi bên tiếp tục nhì nhằng khiến quân viễn chinh của Nguỵ từ thế chủ động lại biến thành thụ động (kiểu như đá bóng sân nhà sân khách ấy mà). Tư tưởng binh sỹ sa sút rất rõ.

Ở chính Nam, Chu Hoàn dũng mãnh mà can đảm, đánh cho Tào Nhân thua trận tơi tả, rồi chủ soái Tào Nhân ngã bệnh từ trần, áp lực ở cứ điểm này gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.

Riêng ở chiến tuyến phía Tây thì chiến sự hết sức căng thẳng và khốc liệt, quân Ngô thua to, Giang Lăng bị bao vây, Gia Cát Cẩn từ Nam Quận đến chi viện bị Hạ Hầu Thượng ngăn trở không sao đến được, may nhờ Chu Nhiên hết sức tử thủ nên còn giữ được.

Nhưng việc chiến sự kéo dài khiến Nguỵ gặp rất nhiều bất lợi, ý định “dạy Ngô một bài học” của Nguỵ đã không thành, Nguỵ đế buộc phải hậm hực triệt thoái toàn quân, chờ cơ hội mới, thế là nước Ngô lại thắng một trận oanh liệt nữa, dù khá đau đớn.
 
 Bây giờ cũng là lúc hai nhà Ngô và Thục nhìn lại vị thế và tình hình:
Lại nói, tháng 11 năm Chương Vũ thứ 2, Lưu Bị đang nằm dưỡng bệnh ở Vĩnh An cung, nghe tin Ngô Nguỵ giao tranh khốc liệt, họ Lưu gửi cho Lục Tốn một lá thư, có đoạn viết rằng: “Nay quân Tào đang đánh Giang Hán, nếu tôi lại đến thì có thể làm được gì không nhỉ?”. Tốn sau khi cân nhắc rất kỹ đã báo cáo với Quyền, đề nghị Quyền sai sứ cầu hoà với Thục, một mặt viết thư trả lời rằng: “Quân Thục vừa mới trọng thương, rất cần tĩnh dưỡng, chẳng nên vội vã khởi binh. Nếu hai bên cùng tiến hành hoà đàm, cố gắng sửa sai, xoá bỏ lỗi lầm, bỏ việc dùng binh, tránh tổn thương nghiêm trọng (khuyên khéo nhỉ?), sợ rằng lúc ấy không đến mà thôi!”.

Về phần Ngô chúa sau khi cân nhắc ý kiến của Lục Tốn đã quyết định chủ động làm lành với Thục, (tư cách một kẻ chiến thắng đi cầu hoà với kẻ chiến bại kể cũng cay thật, nhưng mà hay chịu nhún mình, tòng quyền biến báo thì Quyền quả tài hơn Bị và Tháo nhiều) - sai quan Thái trung Đại Phu là Trịnh Tuyền tới Bạch Đế thành bái phỏng Lưu Bị. Lưu Bị dù trong lòng vẫn hết sức hậm hực, song cũng phải suy nghĩ lại. Rằng nếu có ra binh kết hợp cùng Nguỵ đánh được quân Ngô thì nước Thục nhỏ yếu cũng chẳng thể đứng vững một mình lâu dài đối kháng với Nguỵ. Rồi đi đến quyết định đồng ý hoà giải với Ngô, phái đại phu Tôn Vỹ sang Ngô đáp lễ Tôn Quyền. Hai thằng đã sống chết đấu đá với nhau, hận thấu trời xanh nay tĩnh tâm nghĩ lại, cùng hiểu rõ vấn đề và đồng ý hoà đàm, cho sứ đi lại thăm viếng, quà cáp biếu xén nhau, nịnh nọt nhau, để cùng quay mũi giáo về phía kẻ địch to lớn đang nắm giữ 2/3 cương thổ Trung Hoa lúc nào cũng hầm hừ đe doạ.

Việc hoà đàm đôi bên đã có cơ hội tiến triển rất tốt đẹp, song việc hoà hoãn này chỉ diễn ra trong một quãng thời gian hết sức ngắn ngủi thì xảy ra một biến cố lớn làm gián đoạn việc liên minh, đó là việc vị chúa tể nước Thục là Lưu Bị ngã bệnh lìa đời …

Việc gửi con côi của Lưu Bị khiến các sử gia đời sau cũng tranh luận kịch liệt về con người của Lưu Bán Dép. Vâng, rất nhiều ý kiến với nhiều suy luận khác nhau. Lưu Bị hoàn toàn giả dối, nghi kỵ nhỏ nhen và ghê gớm hay đã thật lòng?
 
Trước khi đi vào chuyện Lưu Bị thác gửi con côi thì ta cũng nên xem lại Gia Cát Lượng một tý: Gia Cát Lượng là hậu duệ của phái Thanh lưu. Ý chí của phái Thanh Lưu vẫn là hưng Hán. Tên tuổi của Gia Cát Lượng vẫn chói lọi đến 1.800 năm sau quả cũng vì hành động theo về với Lưu Bị mà. Tất nhiên đi kèm với nó phải là những nhận định đúng về tình thế và thời cuộc cùng vô số những chiến công lẫy lừng của ông. Ở đất Tứ Xuyên (đất Thục) cả ngàn năm sau người ta vẫn có tục buộc khăn trắng trên đầu nhớ đến Gia Cát Lượng. Vậy thì ý đồ từ sâu thẳm con người Gia Cát Lượng là luôn muốn trùng hưng nhà Hán, ngài Lưu Bị thừa biết chứ? Hán vào thời điểm bấy giờ chính là Thục Hán, là Lưu Bị đấy thôi. Mối thâm tình 16 năm “cá nước” chẳng lẽ không đáng tin cậy chăng? Sao còn phải hồ nghi?
Còn Lưu Bị? Vì sao Bị được rất đông nhân sỹ theo về? Dù rằng Lưu đến nửa đời vẫn loanh quanh chạy nạn không tấc đất lập nghiệp mà không ai phản bội, càng thua trận nhiều càng thu nạp được thêm những kẻ sỹ anh tài! Cho đến cả kẻ được phái tới ám sát Lưu Bị cũng bị ma lực (sự chân thành hay đại tài giả dối nhỉ?) của chính Lưu cảm hoá đến phải từ bỏ ý định ám sát mà đi. Theo nhiều tài liệu thì Lưu Bị là dòng dõi Trung Sơn tĩnh vương (dòng dõi vua) và chiêu bài chính thống của Lưu Bán Dép là “khuông phò nhà Hán”, nhưng không thể phủ nhận được rằng Lưu tiên chúa có phong độ và khí phách của kẻ anh hùng. Rất nhiều danh tài đời TQ lúc Bị còn hàn vi cũng nhìn nhận như vậy, [Tào Tháo, Chu Du và Quách Gia…và thêm một người viết sử sống gần thời TQ nữa chính là Trần Thọ người viết bộ TQC nổi tiếng cũng đã nhìn nhận như vậy].
Nhắc đến Gia Cát Lượng, hành vi theo về với Lưu Bị cũng là sự cân nhắc hết sức hợp lý, có tình cảm và cũng đầy lý tính với niềm tin vào sự thành công của Lưu Bị sau này (lời dặn dò Gia Cát Quân trước khi rời lều cỏ rằng khi thành sự nghiệp sẽ về Tương Dương vui cấy cầy, sống đời sống tiêu dao… còn đó cơ mà)

Chiến dịch Hồ Đình thất bại quả là nỗi bi phẫn quá lớn đối với con người từng trải và cũng đầy kiêu hùng như Lưu Bị. Việc liên tiếp chết mất mấy viên hổ tướng thủ túc hàng đầu, việc mất đoàn quân Kinh Châu cùng lãnh địa sáng nghiệp, thêm trận đánh Hào Đình nữa khiến cho Lưu Bị suy sụp rất lớn. Đối với cả quốc gia Thục Hán nữa thì chí lớn “phạt Nguỵ, hưng Hán” xem chừng mất đi quá nhiều cơ sở và thực lực đã suy yếu đi rất nhiều (mất một bàn bàn đạp như Long Trung Sách đề xướng, mất đi một nửa châu Kinh giàu có với dân cư đông đúc, sự thiệt hại không thể tính đếm được). Lưu Bị buồn đau bi thống có thừa đến nỗi thân mang trọng bệnh quả là điều dễ hiểu.

Thành Đô lại liên tiếp truyền đến những tin tức không lành, tư đồ Hứa Tĩnh mất, liền đó viên hổ tướng oai trấn Tây Lương là Mã Siêu mới có 47 tuổi cũng lâm trọng bệnh qua đời. Rồi thượng thư Lưu Ba, một người rất có tài cán được Gia Cát Lượng và chính Lưu Bị rất tin dùng cũng bị bệnh từ trần. Các tướng lĩnh văn võ hàng đầu của Thục Hán kể từ lúc kiến quốc đến đó mới chừng 3 năm mà đã có đến sáu bảy vị ra người thiên cổ. Những mất mát như vậy khiến cho Lưu Bị đã bi thống có thừa lại càng cảm thấy phẫn hận. Xem ra việc đoạt lại Kinh Châu, đồ Nguỵ hưng Hán chỉ còn là giấc mơ vô vọng (hành động dời mộ Cam Phu nhân từ Kinh Châu về đất Thục phần nào minh chứng cho sự tuyệt vọng của của Lưu Bị vậy).

Mùa xuân năm Chương Vũ thứ 3, bệnh tình của Lưu Bị xấu đi nhanh chóng, linh cảm được sự ra đi của mình, Lưu Bị phái người về Thành Đô triệu Gia Cát Lượng đến Vĩnh An cung. Gia Cát Lượng lúc ấy rất đau đầu trong công tác nội chính cũng như những biến cố chính trị, quân sự phức tạp ở đất Thục song đã có triệu gọi chẳng thể chậm trễ, vội vàng giao phó công việc cho tòng sự của mình là Dương Hồng phụ tá Lưu Thiện giữ Thành Đô, còn mình dẫn hai hoàng tử Lưu Vĩnh và Lưu Lý đến Vĩnh An cung. Suốt từ tháng 2 đến tháng 4 năm ấy, Gia Cát tiên sinh ở ở lại Vĩnh An cung cùng với Lưu Bị thảo luận nghị sự các vấn đề liên quan đến tương lai Thục Hán.

Vào giữa tháng 4, bệnh tình của Lưu Bị hết sức nguy ngập, ông ta viết di chiếu cho Thái tử Lưu Thiện căn dặn nhiều điều, khuyên phải lo làm việc thiện, cầu hiền cầu đức, chớ làm việc ác, phải chăm đọc sách, cần phải luôn thỉnh giáo Thừa tướng.
Lư Bị lại nhìn Gia Cát Lượng hồi lâu mới bảo: “Ông tài gấp 10 lần Tào Phi. Nếu ấu chúa có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài ông hãy làm chủ đất Thục”. Câu nói này khiến cho Gia Cát tiên sinh sợ hãi biến sắc mặt, nước mắt rơi như mưa, quỳ ở bên giường nói rằng: “Thần đâu dám không tận lực, giữ mực trung chính đến chết mới thôi!” Bị lại sai người nâng Gia Cát Lượng dậy, gọi cả đại thần Lý Nghiêm đến giao phó thái tử Lưu Thiện mới 17 tuổi cho cả hai người. Lại dặn cả Triệu Vân là viên mãnh tướng hàng đầu Thục Hán còn sót lại, dặn việc phò ấu chúa, cùng lo việc trọng đại quốc gia ... Sau đó Thục chủ bấy giờ 63 tuổi, nhắm mắt lìa đời.

Đến tháng 5, tức là hơn một tháng sau cái chết của Tiên chúa, Gia Cát Lượng chính thức cho phát tang, lập Thái tử Lưu Thiện lên ngôi đế, lịch sử gọi ông ta là Hậu chúa.
Việc thác cô của Lưu tiên chúa cho Gia Cát tiên sinh quả là việc cổ kim có một không hai. Đường đường ngôi Đế mà khi thác cô lại nói với người nhận thác cô rằng: “nếu con trẫm bất tài ông hãy lên làm chúa”. Vì sao có thể nói thế nhỉ? Nhiều học giả sau này đã đưa ra những nhận định, đại loại thế này:
1. Lưu Bị có chút không tin tưởng nên đã thử lòng vị quân sư, lại giao cả cho đại thần Lý Nghiêm cùng phò tá con côi đề phòng nếu xảy ra biến cố sau này tất sẽ có người chia xẻ quyền lực của Gia Cát Lượng.
Chương Mậu (người đời Minh) đã nói rằng: “Ta đọc sách của Trần Thọ tới đoạn ấy chưa từng lần nào không lo sợ cho Khổng Minh. Vua tôi “cá nước” mà vẫn dùng trí thuật mà chế ngự nhau đến thế!!!”. Rồi Từ Thế Bạ (cuối Minh đầu Thanh) trong tác phẩm “Gia Cát Vũ hầu vô thành luận” cũng viết rằng: “Riêng câu ấy có thể thấy thủ đoạn của Chiêu Liệt đế (Lưu Bị), bộc lộ hết sự thâm hiểm lúc bình sinh”.

2. Lưu Bị dùng phép khích tướng, nói trắng ra như thế để khiến cho Gia Cát không dám công nhiên đoạt quyền hành, chỉ một lòng phụ tá con côi của ông đến chết mới thôi.
Vương Phu Chi (người đời Đường) trong tác phẩm “Tục thông giám luận” đã nghi ngờ rằng Gia Cát có những biểu hiện quá thân cận với Tôn Quyền nên nói vậy để khích tướng cũng như kiềm chế Gia Cát Lượng, trói buộc Gia Cát Lượng vào việc “cúc cung tận tuỵ đến chết mới thôi”.

3. Lưu Bị và Gia Cát Lượng lấy lòng thành đãi ngộ nhau, đó là tấm gương sáng mấy ngàn năm không thấy được một lần nào khác.
Tiêu biểu cho loại ý kiến này là Trần Thọ, ông viết trong TQC là: “Tiên chúa có khí phách của bậc anh hùng, đến khi gửi ấu chúa, trao việc nước cho Gia Cát Lượng mà lòng không hồ nghi, vua tôi đều chí công vô tư, là gương sáng xưa nay chưa từng có”.

Mỗi người đọc tự tìm cho mình một cách nhìn trong việc thác cô rất lý thú của vua tôi nhà Thục Hán.

Về Gia Cát Lượng thật chẳng cần phải bàn nhiều, còn về Lưu Bị, làm sao lại có thể nói rằng Bị không tin tưởng Gia Cát Lượng. Tình nghĩa 16 năm “cá nước”, lòng son sắt của Gia Cát không thể khiến Lưu Bị tin sao? Việc Gia Cát theo về với Bị giữa lúc “lương không đủ ăn, quân không đến ngàn người”, rồi câu hỏi nơi lều cỏ Ngoạ Long Cương rằng: “Xin cho biết chí nguyện của tướng quân?” không làm cho Bị tin tưởng hay sao? Ờ thì giao phó việc thác cô cho cả Gia Cát và Lý Nghiêm, có gì đâu nhỉ? việc gửi ấu chúa cho vài người phò tá xưa nay có phải là chưa có bao giờ?

Lại nữa, cần gì phải khích đối với Gia Cát Lượng. Nếu Gia Cát Lượng muốn nhân đó mà đoạt quyền hành làm chúa đất Thục cũng chẳng thể được nào. Chẳng lẽ Lưu tiên chúa không thấu hiểu điều đó? Rõ ràng ngọn cờ “hưng Hán”, cứ cho đấy là chiêu bài đi chẳng nữa thì đó vẫn là ngọn cờ mà Lưu Bị đã dùng làm phương hướng suốt đời dựng nghiệp của mình kể từ khi dẹp Hoàng Cân cho đến lúc xưng ngôi đế ở đất Thục. Nếu sau này Gia Cát Lượng tiếm quyền thì Gia Cát - một hậu duệ của phái Thanh Lưu - lấy chiêu bài gì nhỉ? Tiếm Hán để hưng Hán hay sao? Liệu rằng Gia Cát tiên sinh với tài năng nghiêng trời lệch đất kia có làm nổi? E rằng không thể được… Mà lòng chân thành của Gia Cát Lượng có thừa, Bị đã quá rõ nên chắc chắn không cần phải làm cái việc khích tướng với Gia Cát Lượng.

Vậy thì làm sao Bị lại nói rằng: “Nếu con trẫm bất tài, ông có thể làm Thục chúa?” Là vì rằng Tiên chúa quá hiểu sự bất tài của con mình, quá hiểu tài năng của Gia Cát Lượng, ông ta không bao giờ muốn cơ nghiệp mình gian khổ tạo dựng ra có thể bị mất một cách hồ đồ. Ông ta nói vậy tức là đã trao quyền lực tuyệt đối cho Gia Cát Lượng, hy vọng rằng trong những tình huống đặc biệt nghiêm trọng, Gia Cát Lượng có thể dùng vương quyền được trao hợp pháp kia để xử lý tình huống đột biến bằng những thủ đoạn phi thường. Tình huống đột biến thế nào? Thoán ngôi? Hay binh biến? Hay việc cưỡng lại những chỉ dụ bất tường của Hậu chúa sau này…

Ô Hô! Cuộc đời sao không nghĩ thật đơn giản như vậy nhỉ? Mà sao không suy luận đơn giản hơn một chút nữa rằng: Cái ông vua non Lưu Thiện này khi còn là cậu bé A Đẩu đã bị ông bố xảo diệu Lưu Bị ném cha nó xuống đất để lấy lòng Tướng sĩ (trận Tràng Bản), chả may phúc đức nó mỏng điểm rơi trúng ngay hòn sỏi vập vào đầu nên về sau di chứng hay đau đầu mất trí và nhất là thủng màng nhĩ điếc tai cho nên nó không thèm nghe can gián, không thèm làm việc phải mà chỉ ham ăn chơi nhảy múa cho nên sau này đã đem toàn bộ sản nghiệp của bố nó gây dựng được dâng cho người khác.
Ờ! Phải chi mọi người lúc ấy có một ông bác sĩ thần kinh ngoại như bây giờ thì đơn giản biết bao…
-------------

Ngay từ lúc Lưu Bị đang bệnh nặng, trận Hào Đình còn chưa dứt tiếng mõ trận thanh la thì ở Thục Trung đã xuất hiện những dấu hiệu không tốt. Khi ấy Cao Định (ở quận Việt Huề) đã tiến hành xâm phạm vào quận Tân Đạo, Kiện Vi, song bị Lý Nghiêm khắc chế phải rút quân về quận Việt Huề. Rồi Thái thú Hán Gia là Hoàng Nguyên luôn bất hoà với Gia Cát Lượng luôn rình chờ cơ hội để làm loạn. Đây là một điều khiến Gia Cát Lượng rất không yên tâm phải lo lắng không thôi. Và đến khi Gia Cát Lượng được triệu gọi của Lưu Bị từ Công An phải vội vã lên đường thì Hoàng Nguyên chính thức phát động cuộc chính biến quân sự ở Hán Gia. Ngay tức khắc, người phụ tá của Gia Cát lúc đó là Dương Hồng đã cử quân thảo phạt. Với những toan tính và sách lược khá sáng suốt của người phụ tá này, Hoàng Nguyên đã bị bắt, sau đó bị chém đầu ở Thành Đô.

Rồi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện lên ngôi, không lâu sau đó các tin tức phản loạn từ Nam Trung (nơi các bộ tộc thiểu số cai quản bấy giờ gọi là vùng Di Việt) truyền về tới tấp. Cao Định lại làm phản ở Việt Huề, hiệu triệu người Di đứng lên làm phản. Rồi cường hào ở Ích châu là Ung Khải (hậu duệ của Ung Xỉ nhà Hán - thời Lưu Bang) cũng dấy binh làm loạn ở Kiến Ninh. Gia Cát Lượng đã cử Trương Duệ đến vỗ về, song Duệ bị Ung Khải bắt được đem sang Đông Ngô tỏ ý cầu thân với Tôn Quyền.

Về phía Đông Ngô, Tôn Quyền tuy trước khi Lưu Bị mất đã có những tín hiệu hoà hoãn với nước Thục, song về mặt thực tế lại ngấm ngầm trợ giúp về vật chất, tinh thần cho các cường hào làm phản ở Nam Trung (như việc thông qua thái thú Giao Chỉ là Sỹ Nhiếp phong Ung Khải làm Thái thú Vĩnh Xương. Ấy là Chưa kể đến việc Quyền ngấm ngầm phong cho con của Lưu Chương - chúa cũ ở Thành Đô - là Lưu Xiển chức Ích Châu thứ sử, điều đến đóng ở biên giới Giao Châu – Ích Châu, làm cầu nối quan hệ giữa Quyền với các bộ tộc thiểu số ở phía nam nước Thục xúi bẩy họ làm loạn. Thái độ không hữu hảo của Tôn Quyền quả là mối lo gan ruột của nước Thục. Dẫu sao với Long Trung Sách, việc liên Ngô kháng Tào chính là quốc sách cơ bản của cả một chặng đường rất dài, cho đến khi quét sạch Nguỵ quốc cơ mà.

Với Tào Nguỵ ở phương Bắc thì với cái chết của Lưu Bị quả là một tin rất đáng mừng. Sử có nói rằng, tin về cái chết của Lưu Bị truyền đến Hứa Đô, quần thần nước Nguỵ mở hội vui chơi tưng bừng... Liền đó Tào Phi triệu mấy tay danh sỹ nước Nguỵ là Hoa Hâm, Vương Lãng, Trần Quần, Hứa Chi … cùng tiến hành thư từ qua lại với Gia Cát Lượng, muốn Gia Cát Lượng hiểu rõ thời thế thuận theo “thiên mệnh” quy hàng Nguỵ đế làm phên giậu cho nước Nguỵ.

Thái độ của Gia Cát Lượng đối với những ý kiến kể trên của đám danh sỹ nước Nguỵ là rất dứt khoát. Gia Cát Lượng viết một bức thư trả lời bày tỏ quan điểm của mình. Xin được trích đại ý như dưới đây:

Ngày xưa Hạng Vũ phản lại thiên mệnh, giành lấy chính quyền bằng mọi cách, chiếm được gần hết Hoa Hạ, làm đến Tây Sở Bá vương, có thanh thế của Hoàng đế mà vẫn thân bại danh liệt là tấm gương soi cho hậu thế.
Nay Tào Nguỵ không xét soi lịch sử, dẫm vào vết xe đổ của Hạng Vũ ngày trước rồi cũng sẽ rước hoạ về sau. Các tiên sinh là những nguyên lão xã hội vì Tào Nguỵ mà viết thư cho tôi có khác chi Trần Sùng, Trương Tủng (các nguyên lão đời Đông Hán) ca ngợi Vương Mãng tiếp thêm sức cho Mãng đoạt ngôi nhà Hán, thực là những kẻ đầu sỏ tội lỗi tiếp tay cho nghịch tặc.
Năm xưa Quang Vũ đế kế tục nghiệp Hán, vì chính nghĩa mà diệt trừ bạo nghịch, quân chỉ vài ngàn mà phá được 40 vạn đại binh của Mãng ở Cổn Dương. Xem thế thì kiên trì chính nghĩa, thảo phạt nghịch tặc chẳng cứ gì binh ít hay nhiều.
Mới đây Tháo nhiều mưu lược, binh hùng tướng mạnh, tự cứu Trương Cáp ở Dương Bình rồi kết cục vẫn mất Hán Trung vào tay Tiên đế. Ấy chính là thiên mệnh. Vậy mà Tào Phi cũng chẳng tỉnh ngộ làm việc thoán vị xấu xa, các ông phù giúp kẻ đại nghịch khiến đạo lý của những vua hiền như Nghiêu, Thuấn, Văn Vương đều hoen ố,mà kẻ sỹ quân tử không sao chịu nổi”

Đoạn thư trên chính là một bài chính luận khẳng định lập trường chính trị của Gia Cát Lượng, không vì tình thế chính trị mà dao động tinh thần. Ngoài ra những lời ấy cũng góp phần rất lớn ổn định lòng tin của người dân Thục Hán với vương triều non trẻ. Những tình tiết trong đoạn văn này đã được La tiên sinh đưa vào trong những trang tiểu thuyết của mình và nâng nó lên một tầm cao mới nhằm mô tả cho oai phong của vị quân sư nước Thục. Trường đoạn “Võ Hương Hầu mắng chết Vương Lãng” đích thị là những lời này. Còn trong sự thực lịch sử, câu chuyện đó hoàn toàn không có thực (!).

Ở phía Nam, những bạo loạn ngấm ngầm vẫn tiếp tục có dấu hiệu lan rộng. Việc dẫn binh thảo phạt tuy không phải là việc quá khó đối với Thục Hán, kể cả vào lúc đó, song những biến động chính trị lớn cùng những trận thua liên miên gần đó khiến tinh thần binh lính khá rệu rã, rất cần được nghỉ ngơi và khích lệ. Gia Cát Lượng hạ lệnh cho Lý Nghiêm một mặt hết sức vỗ về phủ dụ các thủ lĩnh bộ lạc phía Nam, một mặt tăng cường công tác an ninh bằng cách đồn binh tại các nơi hiểm yếu ngăn chặn hữu hiệu việc phản loạn lan rộng về phía Bắc. Việc cần kíp nhất lúc đó chính là củng cố sách lược lớn nhất mang ý nghĩa sống còn với nước Thục là “Liên Ngô, kháng Tào”.

Ngày Gia Cát tiên sinh rời lều cỏ theo về với Lưu Bị đã quyết kế lớn đối với tập đoàn Lưu Bị là liên Ngô chế Tào. Đấy chính là một sách lược cực kỳ sáng suốt đối với tập đoàn nhược tiểu này, mà cho đến tận khi Thục Hán lập quốc, ra dáng một quốc gia hùng mạnh thì sách lược đó vẫn chẳng thể thay đổi. Trên cục diện chính trường Trung Hoa lúc bấy giờ, Tào Nguỵ có thực lực cực lớn luôn muốn thôn tính cả Trung Hoa, làm gì chịu hoà với ai. Với Ngô hay Thục bất kể anh nào nếu căng sức đấu đá ở cả hai mặt trận là điều rất khó, tất phải rước lấy những hiểm hoạ khôn lường. Hãy xem trước trận Hào Đình, Ngô Thục can qua, bấy giờ Ngô chưa bị Nguỵ đánh mà đã lo sợ đến phải mặt dày mặt dạn đến xin hoà với Thục (tư cách kẻ thắng xin hoà kẻ bại) đủ thấy tầm quan trọng mối liên minh ấy thế nào. Và với Thục, nếu sau này chẳng hoà Ngô liệu thừa tướng nước Thục có dám dẫn binh phạt Nguỵ ở Tràng An, Kỳ sơn?

Trên lãnh thổ Trung Hoa ấy, Nguỵ quốc nắm 2/3 cương thổ (9 châu – Ký, Thanh, U, Tinh, Duyện, Dự, Từ, Cổn, Lương và vùng Tràng An), Ngô nắm 3 châu (Kinh, Dương, Giao) dựa vào sông to sóng lớn và ưu thế thuỷ quân để ngăn trở, còn Thục có mỗi châu Ích cậy vào núi cao đường hiểm mà kiến quốc xưng bá. Ngô nếu không có Thục làm chỗ dựa chưa chắc chống nổi Nguỵ, còn Thục, không có Ngô chống phía Đông, chia xẻ bớt binh lực của Nguỵ chẳng hiểu sẽ chống đỡ Nguỵ cách nào (đương nhiên đó là xét về lâu dài). Vậy thì sách lược liên minh Ngô-Thục tất cần thiết cho cả Ngô và Thục.

Duyên do cái mối liên minh Ngô-Thục bắt đầu có từ Xích Bích (vì sức ép của Nguỵ mới có được, bản chất là vì chính mình chứ không vì đồng minh). Rồi bắt đầu hục hặc khi phân chia miếng bánh Kinh Châu, may nhờ chiến lược sáng suốt của Lỗ Túc mà mối quan hệ Ngô -Thục lại vãn hồi. Cho đến khi Quan Vũ cậy tài ngạo mạn, Lã Mông tầm nhìn hạn hẹp cùng phô diễn cái hay cái dở của mình khiến quan hệ hai bên căng thẳng vô cùng, kẻ được lợi chính là Tào Ngụy. Cho đến cái lúc mà Lưu Bị tiến binh ra núi Giáp đã chính thức khai tử mối quan hệ Thục Ngô. Giờ đây vấn hoà giải dẫu biết rất cần thiết cho cả hai nhà Ngô, Thục, song nào có giản đơn.
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả rằng khi Lưu tiên chúa gửi con côi, Gia Cát Lượng ngồi yên bình 5 đạo xem ra vị Thừa tướng nước Thục chẳng mấy vất vả, coi chuyện ngoại giao kháng địch tựa trò chơi thoắt biến thoắt hoá khôn lường. Thực tế lịch sử không phải như thế. Cái kế của Tư Mã Ý không có thật, chỉ là cụ La nhét chữ vào mồm anh Mã Ý để rồi đoạn kế tiếp xuống bút ca ngợi tài năng của Gia Cát tiên sinh, tô vẽ cho nhân vật của mình mà thôi. Lịch sử chẳng có chuyện 5 đạo quân lăm le đánh Thục, chỉ có tình hình phiến loạn ở Nam Trung, sức ép của các đạo quân địa phương nhà Nguỵ về phía Thục Bắc và mối lo gan ruột đối với vua tôi nước Thục là làm sao thực thi sách lược “hoà Ngô” là những vấn đề nan giải mà thôi.

Về phía Ngô mà nói, dẫu mới đánh bại cả Thục và Nguỵ, song việc hoà Thục hay hoà Nguỵ vẫn là điều khiến Quyền luôn phải suy tính và trăn trở. Hoà Nguỵ thì sợ Nguỵ cậy lớn sẽ dần dần o ép khiến phải mất tự chủ; hoà Thục thì sợ nước Thục nhỏ yếu không thể tự giữ mình, để vạ lây đến lân bang. Biến số trong suy nghĩ của Tôn Quyền là điều mà Gia Cát thừa tướng nước Thục ngày đêm lo lắng.

Với Thục, làm sao đạt được thoả thuận hoà Ngô càng sớm càng tốt, lại làm sao đạt hiệu quả tức thì? Gia Cát thừa tướng Thục thừa hiểu rằng bản tính Tôn Quyền rất cứng rắn lại đầy khí phách, như vậy tất phải có một vị sứ giả thông minh và hiểu biết, nói năng đúng mực để không xảy ra lầm lỡ đáng tiếc khó vãn hồi. Đang lúc Gia Cát Lượng băn khoăn suy tính, vừa hay tìm được người xứng việc, đó là Đặng Chi.

Đặng Chi chữ là Bá Miêu, người Tân Dã, quận Nam Dương, là hậu duệ của Đặng Võ (bạn, công thần của Quang Vũ đế), thấy thiên hạ đại loạn, Chi chọn Ích châu làm nơi yên thân lập nghiệp, sau trở thành thuộc hạ của Lưu Chương giữ chức Để các đốc (quan coi lương) ở huyện Bì (thuộc Thục quận). Khi Bị chiếm Ích châu có tới thị sát các huyện, gặp được Đặng Chi thấy ông ta là người tài bèn thăng Chi từ chức coi kho lên thẳng chức Huyện lệnh huyện Bì, quả là “đất bằng nổi sấm” vậy. Sau này nhờ có rất nhiều thành tích, Chi lại được thăng lên chức Thái thú Quảng hán, rồi đến chức Thượng thư (từ địa phương lên Trung ương, phỏng ạ?), khi đi sứ Ngô lại được thăng làm Trung lang tướng (Bằng với chức của Trương, Triệu lúc ở Kinh Châu).

Đặng Chi đi sứ nước Ngô. Tuy cái hàm Trung lang tướng của Đặng Chi dẫu không nhỏ đối với một sứ thần, song đối với Ngô chúa cũng chẳng có tác động gì nhiều lắm, chưa đủ để gợi hứng thú của chàng Tôn Râu Ngô, bởi thế mà Đặng Chi phải chờ ở các nhà trọ đất Kiến Nghiệp nhiều ngày đằng đẵng cũng không được Ngô chúa triệu kiến. Chi bèn thảo một tờ biểu gửi Ngô chúa, trong bài biểu có nói: “Thần tới đây cũng muốn vì Ngô, không hẳn vì Thục”. Quyền xem biểu thấy lời lẽ đúng mực rất có khẩu khí cùng đạo lý nên đã cho triệu gọi. Lúc gặp nhau, Quyền bảo thẳng: “Ta chưa từng không muốn hoà thân với Thục, song Thục chúa thơ ấu, đất đai nhỏ hẹp, khó chống nổi Nguỵ, vì thế hoà Thục hay hoà Nguỵ ta vẫn ngần ngừ!”. Đặng Chi đáp ngay: “Nguỵ tuy lớn, nhưng Ngô Thục có 4 châu, dân giầu thế nước hiểm. Đại vương anh hùng hơn đời, Gia Cát thừa tướng Thục cũng là anh kiệt. Nếu Ngô Thục kết làm môi răng thì tiến có thể nuốt thiên hạ, lui cũng giữ vững ba chân đỉnh. Nay đại vương hoà Nguỵ, nộp thuế khoá tiến cống cho Nguỵ, nay đòi đại vương vào chầu, mai đòi đưa con tin đến Lạc Dương. Nếu đại vương không theo tất Nguỵ cho rằng đại vương mưu phản, thế phải xảy việc binh đao. Nếu Thục cũng nhân cơ hội thả thuyền xuôi Trường Giang thì đất Ngô đâu còn là của đại vương nữa”. Quyền nghe xong suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Lời ngươi rất đúng”. Rồi cắt hẳn liên hệ với Nguỵ, nối lại hoà hiếu với Thục, sai Trương Ôn tới Thành Đô đáp lễ.

Đôi bên qua lại với nhau chừng 7 năm thì kết ước đồng minh cùng công thủ cứu giúp lẫn nhau, nhưng đó là chuyện của 7 năm sau nữa.
Một năm sau chuyến công cán của Trương Ôn vào Thục, Đặng Chi đi sứ Ngô lần 2, Tôn Quyền hỏi Chi: “Nếu một mai diệt Nguỵ, thiên hạ thái bình, Ngô Thục cùng chia xẻ Trung Nguyên, liệu có vui chăng?” Chi thản nhiên đáp: “Thiên hạ chẳng thể hai mặt trời, một nước chẳng thể hai vua, mệnh trời về ai chẳng thể biết trước, sợ rằng lại bắt đầu một cuộc chiến tranh mới!”. Quyền vỗ tay cười đáp rằng: “Ông nói rất thành thực, phải rõ ràng như thế mới được!”.

Cũng thời kỳ này, có hai sứ thần khác của Thục là Đinh Hoành, Âm Hoá từng đi sứ nước Ngô, Tôn Quyền ngầm so sánh giữa bọn họ rồi viết thư cho thừa tướng nước Thục, có những lời rằng: “Đinh Hoằng quanh co, Âm Hoá lắm chuyện, hoà hợp hai nước, chỉ nhờ Đặng Chi”. Thiết tưởng lời nhận xét của Quyền là sự đánh giá rất cao về con người Đặng Chi vậy.

Còn tiếp






 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất