Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Thình Tam Quốc 20: Trận Hào Đình - Hỏa Công

  Với 4 vạn quân khí thế, Lưu Bị cự tuyệt lời cầu hoà của phía Ngô, lại sai hai tiên phong của mình là Ngô Ban, Phùng Tập đốc toàn lực đánh tan 2 trọng điểm quân sự ở tuyến đầu của Ngô nhưng chưa tổn hại nhiều lắm đến quân lực toàn Ngô.
.
Sau trận này, quần thần nước Ngô xanh mặt nhìn nhau lo sợ, sợ đến nỗi phải khúm núm xin hoà, giao nộp hai tên tướng đã hạ sát Trương Phi (ông em của Lưu), trả lại Kinh Châu cùng Tôn phu nhân và xin kết hoà hiếu mãi mãi.

Nhưng dù đó là nhân nhượng và thiện chí nhưng Tiên chủ Thục chúa chẳng ưng cho.
Hoà giải chẳng thành, trận chiến lớn buộc phải xảy ra như một lẽ tất yếu. Hai ông bạn đồng minh Thục-Ngô thắm thiết từng nhiều năm sát cánh bên nhau (tất nhiên vì mình là chính chứ chẳng thằng nọ vì thằng kia đâu nhé) bỗng chốc trở mặt coi nhau như kẻ thù không soi chung với nhau một mặt trăng mặt trời. Cuộc quyết đấu chính thức sắp sửa bắt đầu … Bên này là vị anh hùng dệt chiếu bán dép Lưu Huyền Đức tên tuổi lẫy lừng, mái tóc đã đổi màu, những tháng ngày trên lưng ngựa dài quá nửa đời người quanh năm chiến đấu, song điểm lại thì thắng ít thua nhiều, trong tay gồm hơn 4 vạn binh, khí thế căm hờn hừng hực, nhưng lại vừa làm chủ quán kiêm chân gõ trống. Bên kia Ngô Chúa là một vị anh hùng còn trẻ tuổi nhưng lại thua ít thắng nhiều, lại dám cất một viên đại tướng Lục Tốn còn trẻ măng, miệng còn hoi sữa (như Quan Vũ nói) chẳng có chút tiếng tăm gì với lân bang chỉ huy một đạo quân đông đảo 5 vạn người gồm những viên chiến tướng mà chỉ so về danh tiếng thì đám tướng lĩnh Đông chinh của Lưu Bị phải xách dép chạy dài… chẳng phải là sai con trẻ giữ binh quyền đấy ư!
Trước tình thế rất căng thẳng lúc đó, một quyết sách sai lầm của Ngô sẽ dẫn đến những tai hoạ khôn lường trong tương lai. Công bằng mà nói rằng, nếu Ngô tung quân số ra để ăn thua đủ với Thục trên sông Trường Giang, chiến địa của xứ Ngô có lẽ Thục cũng không đủ sức đánh tan 5 vạn quân đó chứ đừng nói đến chuyện thừa thắng làm gỏi nước Ngô. Nhưng để đánh đuổi được 4 vạn quân Thục đang hăng hái mà Ngô không sứt mẻ đạo quân thiện chiến ắt là việc không đời nào xảy ra. Lưỡng bại câu thương lúc đó chỉ có lợi cho Ngụỵ mà Tào Phi đang bắc ghế chờ sẵn. Lục Tốn tiên sinh trẻ tuổi kia vốn sở trường về kế hoạch chỉn chu chắc hẳn không thích như vậy. Lục Tốn rất tỉnh táo phân tích tình hình, rằng phía Ngô quân tình chưa yên, khá xôn xao sau việc Lưu Bị đông chinh (Hoàng đế ra trận khác với tướng cầm quân là vậy, sỹ khí nó khác), hơn nữa quân Thục lại mới thắng trận, khí thế đang lên, tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Kiên trì với sách lược phòng thủ, bồi dưỡng sức lực, chờ cơ hội phản kích chính là con bài cốt cán của Lục tiên sinh. Mà với sách lược này thì dẫu có Gia Cát tiên sinh cầm quân cũng thế mà thôi, có hơn là hơn ở cái việc không thua tan tác thảm hại như Lưu Bị tại Hào Đình mà thôi.
Như vậy là cho đến tháng 1 năm Chương Vũ thứ 2, chiến sự bùng phát đã nửa năm, ngoài chiến công nhỏ ở Vu Huyện và Thê Quy, Lưu Bị không làm được gì hơn cả. Rất nóng ruột vì tình hình chiến sự diễn ra giằng co bất lợi, Lưu Bị liền cử Ngô Ban, Trần Thức đốc thúc thuỷ quân đóng giữ ở 2 phía Đông & Tây xứ Di Lăng (thủ phủ đóng quân của Lục Tốn), còn mình quay về Thê Quy để quan sát đại cục. Sang đến tháng 2, xuân về hoa nở, khí trời ấm dần, Bị dự định sẽ đích thân dẫn quân thuỷ tập kích Di Lăng. Khi ấy Hoàng Quyền làm tham mưu, cố sức can Bị không nên đốc chinh vì Ngô thạo thuỷ chiến, Trường Giang dễ xuống (xuôi dòng) mà khó rút (ngược dòng), chi bằng bệ hạ (Bị) ở hậu phương chỉ đạo, việc cầm quân nên để Hoàng Quyền làm. Song Bị dứt khoát không nghe, cử Quyền làm Trấn Bắc tướng quân đóng ở Giang Bắc, còn mình cầm quân xuôi dòng Trường Giang đối trận với quân Ngô ở Di Lăng.

Về phía Lục Tốn, thấy chưa thể làm gỏi Lưu Bị, lại tiếp tục xử nhũn thêm một lần nữa, bỏ Di Lăng, tránh thiệt hại vô ích (Di Lăng lúc đó bị vây bởi 3 cánh quân của Trần Thức, Ngô Ban và Lưu Bị - lại gần với cửa khẩu Tam Hiệp nối liền xứ Thục, địa bàn khá trống trải, dễ đánh mà khó giữ), rút về Hồ Đình lập tuyến phòng thủ mới, đặt sở chỉ huy ở Di Đạo cậy hiểm mà cố thủ.

Lưu Bị thấy Tốn bỏ Di Lăng cho rằng quân Ngô khiếp vía lại càng tỏ vẻ coi thường, lập tức tiến chiếm Di Lăng, đặt làm sở chỉ huy tiền tuyến. Tiếp đó Bị lại chia quân làm 2 cánh, sai Phùng Tập dẫn một đạo quân vượt qua Hồ Đình chiếm giữ bờ bắc Di Đạo, còn Bị và Ngô Ban dẫn một cánh quân đến trước trại chính của Tốn ở Di Đạo khiêu chiến.

Như vậy là quân Thục đã xắp xếp binh mã trải dài trên chiến địa nước Ngô, suốt một dải từ Thê Quy, Vu huyện đến Giang Bắc, Hồ Đình, Di Lăng, Di Đạo nằm ven dải Trường Giang hiểm trở kéo đến 700 dặm. Toàn bộ tin tức truyền đi truyền về, quân nhu lương thảo chuyển đi qua lại đều trông vào sông Trường Giang cả. Lẽ tất nhiên có nhiều thuận lợi, song vô hình chung, chiến sự cứ kéo dài thì sự hao tổn nhân tài vật lực của Thục là điều rất đáng nói. Mà chưa cần kể đến nước Thục mới kiến quốc, chinh chiến triển miên.  Hãy xem người xưa đúc kết kinh nghiệm trận mạc thế nào? Uý Lạo Tử (một nhà binh pháp xuất sắc đã nói rằng: “Tai hoạ trong trăm dặm, khởi binh chỉ một ngày. Tai hoạ ngàn dặm, khởi binh chừng một tháng. Tai họa trong bốn biển, khởi binh chẳng quá một năm”. Vậy mà Lưu Bị chẳng hề biết đến (Phải chăng là ít đọc sách? Chỉ dựa vào kinh nghiệm cầm quân lâu năm của chính mình?)

Khi ấy quân Thục phân tán trên diện rộng, các tướng Ngô đều cho rằng Lưu Bị phạm vào điều tối kỵ của binh gia là “phân tán quân lực” nên mau chóng phản kích sẽ giành thắng lợi. Tuy nhiên Lục Tốn lại cho rằng: “Khí thế quân Thục đang hăng hái, vả lại địa hình từ chỉ huy sở của Lưu Bị tới đây (Di Lăng đến Di Đạo) toàn núi cao vực sâu, hành quân khó khăn, quân ta đông hơn cũng khó triển khai tấn công toàn lực, như thế ta có thắng cũng phải trả giá đắt, sao bằng ngồi chờ địch có biến, khi ấy lấy sức nhàn thắng sức mỏi chẳng mạnh như trẻ tre ư?” Rồi lại lặng yên thủ thế. Các tướng Đông Ngô đều cho rằng Tốn sợ địch, rất không hài lòng. Song Tốn lờ đi như không biết, kiên trì với sách lược của mình.

Lại một quãng thời gian 4 tháng nữa trôi qua, tháng 6 đã đến quân Thục vẫn có ý coi thường quân Ngô, sỹ khí giảm đi nhiều, tình hình trở nên trễ nải. Bị thấy quân sỹ nắng nực cơ khổ liền sai bỏ hết cả thuyền chiến, đồn quân lên bộ, tìm các nơi hiểm yếu ven rừng, lấy cây to làm trại đóng vững, liên tiếp một dải chiến đại dài 700 dặm với hơn 40 trại lớn nhỏ liên kết với nhau thành thế ỷ dốc đề phòng quân Ngô đánh lén.

Lúc này Bị sai  Mã Lương hộc tốc cưỡi ngựa chạy về Thành Đô trình cách lập trại lên cho Gia Cát tiên sinh xem làm cho ông Lượng ngã ngửa người, đập tay xuống án mà cho rằng đại sự hỏng cả rồi. Kể ra cũng tức cười, chứ có ai lại thân làm Hoàng đế, thân chinh cầm binh, lập trại xong lại vẽ hình ra sai người về hỏi Thừa tướng? (nói chung là ông vua vớ vẩn)

Lưu Bị đóng trại có cái lý của ông ta, 40 trại liên tiếp (không có nghĩa là liền kề) tạo thành thế ỷ dốc, đánh trại nọ, trại kia cứu ứng không phải là dở. Cái dở ở đây có 2 điểm.

- Thứ nhất chính là sự phân tán binh lực không cần thiết suốt 700 dặm ấy. Mà quân số của Bị là ít, có 4 vạn quân thôi, khác xa với quân số của Tháo ở trận Xích Bích cơ mà. Tình thế chiến sự cũng khác với thời điểm diễn ra trận Xích Bích (?) Sao không phải là đồn binh nơi trọng yếu? xem nhẹ nơi kém tính cốt yếu mà trấn giữ những điểm chốt quan trọng mang tính đối đầu?

- Thứ hai là Bị không dùng đất đá đắp thành, lại đóng trại bằng cây to, khổ nữa là lại đóng ở ven rừng, làm mồi cho Lục Tốn, tạo cơ hội cho Lục tiên sinh đốt trại. Sai lầm này mới là sai lầm to lớn không gì chữa nổi.

Vậy nhưng Lục tiên sinh còn cẩn thận hơn thế nhiều. Ông ta nghiên cứu rất kỹ lưỡng cách đóng trại sách của Lưu Bị và lên một kế hoạch thực sự hoàn chỉnh. Có 40 trại, đóng ven rừng, cây to rậm rạp um tùm, đang mùa hè nóng rát, cháy thì đơn giản, gió Đông Nam lại đúng vụ, nổi lửa là ăn liền. Như vậy kết cục bại trận phải xảy ra là tất yếu với Lưu Bị … như một bi kịch cho nhà Thục Hán và riêng Lưu Bị.
 

Liền đó, Tốn bắt đầu kế hoạch phản kích rất sắc sảo. Trước tiên sai Chu Nhiên ngược dòng Trường Giang đánh vào đại bản doanh của Bị ở Hồ Đình, mà là đánh hoả công. Cho người theo đường tắt đi vòng đến Trác Hương chặn đường rút của quân Thục, cụ thể là Ngô Ban. Hai tướng Tống Khiêm, Từ Thịnh đánh thẳng vào Di Đạo giải vây cho Tôn Hoàn. Sau đó cả ba tướng sẽ tiếp tục đi vòng qua Nam Ngạn đánh thốc vào Di Lăng. Khi quân của Bị thua chạy thì tất cả ba nhánh quân lại hợp nhất nhằm hướng tây đuổi theo Lưu Bị đến tận Tỷ Quy. Lẽ dĩ nhiên, đại thế quân Thục đã mất, Bị sẽ phải thục mạng chạy về cửa khẩu Tam Hiệp, toàn quân Ngô gắng sức truy kích, có thể bắt sống được Lưu Bị. Đặc biệt khi đánh trại các đạo quân phải mang đồ phóng hoả, chỉ cần cách một trại lại đốt một trại, quân Thục sẽ loạn, không đánh phải tan.

Ấy đấy, toàn bộ chiến dịch của Lục Tốn chỉ có thế, đơn giản hơn trận Xích Bích do Chu Du chỉ huy nhiều. Những chuyện này được chép rất chi tiết trong TQC-Ngô thư-Lục Tốn truyện và Giang Biểu chuyện, không hề có chút mâu thuẫn nào.

Trận chiến quả đã xảy ra theo đúng kịch bản của Lục tiên sinh đã đạo diễn. Bị thua chạy thê thảm từ Hồ Đình, Di Lăng cho đến Tỷ Quy, Vu Huyện rồi tất tả rút về Bạch Đế.

Trong Tam Quốc, La Quán Trung hình như cũng tô vẽ thêm ở đây cảnh Triệu Vân hộ giá ở Mã Yên sơn bừng bừng khí phách, một ngựa một thương tung hoành giết giặc Ngô như ở chỗ không người. Cảnh Hổ Oai tướng quân nhà Thục (Triệu Vân) một thương đâm chết Hổ Oai tướng quân nhà Ngô (Chu Nhiên) như giết một con chó đọc cũng ấn tượng phét. Có lẽ, cụ La Tiên sinh mô tả muốn gỡ gạc lại chút thể diện cho trận thua cay đắng không lời bào chữa của vua tôi nhà Thục
Rồi, cũng trong Tam Quốc DN, cụ La Quán Trung bắt anh Lục Tốn tham công đuổi theo Lưu Bị phải lạc vào Bát trận đồ mê hồn kỳ ảo của Gia Cát tiên sinh ở Ngư Phúc phố tưởng đi đời đến nơi, may được ông bố vợ của Gia Cát Lượng là Hoàng Thừa Ngạn cầm tay dắt ra khỏi trận đồ huyễn hoặc mới được tái sinh mà trở về từ cõi chết. Lại còn bảo Tốn rằng: “Trận này biến hoá kỳ ảo khôn lường, không sao học được”. Khó tin làm sao. Mà Bát trận đồ là cái quái quỷ gì nhỉ? để người sau mãi phải cảm thán, trầm trồ ngưỡng mộ. Đến Đỗ Phủ (nhà thơ lớn thời Đường) cũng phải cất lên mấy lời oán thán thương tiếc cho thừa tướng nhà Thục trong những vần thơ kiệt tác của mình.
Vậy là hơn 4 vạn quân của Lưu Bị đã thua tan tác, đạo quân Đông Chinh gần như bị xoá sổ. Các tướng lĩnh ở Ban tham mưu không còn sót một mống (Mã Lương - Trình Kỳ chết, Hoàng Quyền buộc phải hàng Nguỵ), các tướng lĩnh tham gia phạt Ngô đi chầu anh Vương họ Diêm gần hết. Đạo quân của nha môn tướng Hướng Sủng là đạo quân duy nhất còn nguyên vẹn trở thành đội quân cận vệ lâm thời của Lưu Bị ở Bạch Đế thành.

Vậy nhưng quả thực là Lục Tốn chỉ đuổi đánh Lưu Bị đến Vu huyện mà thôi, sau đó lập tức rút quân về. Vì sao thế? Nguyên nhân nằm ở cái đám người gian xảo ở phía Bắc là chính quyền Tào Nguỵ kia…

Lúc Lưu Bị chạy trối chết về Bạch Đế thành (Đất Phụng Tiết - thuộc Tứ Xuyên), các tướng Ngô là Phan Chương, Từ Thịnh dâng biểu lên Ngô chúa xin truy kích ráo riết, bắt sống Lưu Bị, nuốt chửng Ích châu. Quyền hỏi ý Tốn, Lục tiên sinh đáp:“Nay Phi (Tào) đang tập trung binh lực, lấy cớ giúp đỡ ta đánh Lưu Bị, nhưng thực tình có ý đánh úp ta. Tôi đã ngầm tự quyết định triệt hồi quân đánh Thục, tăng cường phòng ngự phía Bắc khiến cho nước Ngô ta thêm phần chắc chắn có thể chống đỡ Nguỵ mà không bối rối”. Ý kiến này của Tốn được Chu Nhiên và Lăng Thống cực lực ủng hộ. Quả nhiên việc Nguỵ gây sự rồi cắn trộm Ngô sau đó 2 tháng đã xảy ra. Lục tiên sinh liệu việc như thần, xứng danh kỳ nhân của đất Ngô, nếu khoáng đạt chân thành với đồng minh hơn thì chẳng kém gì so với Lỗ Túc hay Chu Lang vậy.

Ảnh hưởng của nó như trên kể ra thì rõ lắm còn gì, sỹ khí giảm sút (Hoàng đế ngự giá thân chinh mà thua thì còn gì để nói nữa đây), ác cái là lại thua lớn ngay sau trận Kinh Châu của Quan khệnh cùng với vụ mất Thương Dong –Tân Thành, để đến nỗi ngay tức thì xảy loạn Nam Trung mà Thục không dám khinh xuất động binh, phải chờ 3 năm quốc lực khôi phục anh Gia Cát Lượng mới tính chuyện “thảo phạt và phủ dụ”. Còn về sau, đương nhiên có ảnh hưởng ít nhiều rồi, song đến không gượng dậy được thì có lẽ không hẳn


Quân uy sụp đổ. Khí quân Thục lúc đầu sang đánh Ngô quả tình cũng thật là như hổ vào đàn dê, nhưng sau vụ sập hầm chông này, Lưu Bị hoàng đế cùng quần thần tỉnh mộng, trở về cái máng lợn, không còn cái khí phách san phẳng thiên hạ, Bắc cứ chọi Tào Tháo mà Đông đếch thèm hoà Tôn Quyền nữa. Chưa kể đến thuỷ quân nhà Thục gần như không còn chút gì để khuyếch trương thanh thế.

Ngoại giao căng thẳng. Mối liên hệ giữa Thục - Ngô không bao giờ còn đồng tâm son sắt (một cách tương đối) được như thời Xích Bích nữa, lúc nào cũng phải thủ thế với nhau. Thục phải lưu Lý Nghiêm giữ cửa Xuyên, Ngô thấy động là tăng quân về phía Tây, đâm cả hai cùng khó duỗi chân duỗi tay, tập trung lực lượng Bắc phạt. Về sau trong truyện, hình như Tư Mã Ý còn có câu: "Tôi xem Gia Cát Lượng không phải không muốn báo thù trận Hào Đình, mà Lục Tốn cũng biết thế, xin bệ hạ đừng lo!"

Người đời nói cũng không oan, anh Khổng có thể là thiên tài chính trị, nhưng chắc chắn không thể là anh kiệt về mặt quân sự. Vạch chiến lược, lo hậu cần, tài anh ý có thể sánh cùng Trương Lương, Tiêu Hà, nhưng thân dẫn quân chinh phạt sa trường, tính toán được mất nặng nhẹ, xử lý tình huống cấp bách, bày mưu đặt mẹo có lẽ không thể xem ngang Hàn Tín.
Về Gia Cát Lượng, cho tới lúc này, tôi vẫn thấy chưa bao giờ đắc thắng trong vai trò Tham mưu chiến trường? Thử nhớ, kể từ "cá nước Nam Dương, Long Trung quyết kế", Gia Cát quân sư phò Lưu sứ quân quả thật chỉ có chạy và chạy, chạy trối chết từ Tân Dã về Kinh Châu, qua Đương Dương, Trường Bản, xuống tận Giang Hạ rồi cất một cánh thuyền sang Ngô khua môi múa mép cầu viện binh, chứ đã bao giờ được đắc ý huy hoàng như Bàng Thống, Pháp Chính đâu?

Trong đận Hào Đình này, ai chả biết Lưu tiên chủ đang lên cơn say máu, nhất quyết đập đầu vào tường mới hả! Chắc chắn ông Lượng Tham Mưu trưởng nghĩ: thôi thì ông là vua rồi, ông muốn làm gì ông làm, ông cứ mang quân sang Đông, cố đừng chết là được, để yên tôi ở nhà trị nước, làm kinh tế cho nó rảnh! Hoặc ông đánh mãi không đổ, chán quá thì rút quân về, cũng không sao, cơm gạo tôi xin cung cấp đủ! Can một câu nhỡ lại như Điền Phong can Viên Thiệu, "mày lại dám biết trước là tao thua à?!", đùa với vua như đùa với cọp, ngu gì chứ!

Song, cũng như ở vụ Quan Khệnh bị ban vĩnh viễn. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất để quân Thục sập hầm chông thê thảm trước quân Ngô là Lục Tốn. Cái này thì khó mà có thể cho phép sự ngây thơ đến mức tin rằng Ngô hết người có tài nắm quyền Đại đô đốc. Việc trước còn nóng hổi, vạ sau đã cháy bùng, sáu tháng trời Lục Bá Ngôn chong mặt phòng thủ, không lẽ anh Khổng cũng không nắm được chút quân tình nào để cất lời can ngăn hoặc nhắc nhở Lưu Dệt Chiếu đề phòng? Để cuối cùng hậu quả là ông anh cả đi vào đúng vết xe đổ của ông em hai? Khiếp, việc nội chính bận gì mà bận kinh thế?! Có lẽ, đó mới là lỗi đáng trách nhất của anh Khổng!
Còn tiếp

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất