Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam quốc bài 16: Bình luận về lý do bắc phạt tương dương của Quan Vũ

  Đúng vào thời điểm hai nhà Tôn-Lưu sắp sửa gây cuộc binh đao thì một sự kiện lớn xảy ra, đó là việc Tào Tháo đánh tan đạo quân của Trương Lỗ giành quyền khống chế Hán Trung, Lưu Bị kinh hãi lo cho sự an toàn của Thục trung đã lập tức phái sứ giả đến Tôn Quyền cầu hoà,
.
đề nghị hai bên lấy Tương Thuỷ làm gianh giới phân chia Kinh Châu, theo đó 3 quận phía Đông Tương Thuỷ là Tràng Sa, Giang Hạ, Quế Dương thuộc về Tôn Quyền, 3 quận phía Tây Tương Thuỷ là Nam Quận (cả Giang Lăng), Linh Lăng, Vũ Lăng thuộc về Lưu Bị. Trước ý chí thủ hoà mãnh liệt của Lỗ Túc nên Quyền đồng ý, hai bên bãi cuộc binh đao. Liền đó Bị cấp tốc hành quân về Giang Châu giao 3 quận Kinh châu cho Quan Vũ tiếp nhiệm và quản lý.
Quan Vũ đích xác là viên đại tướng có tài, song lại có quá nhiều nhược điểm. Sử sách ghi lại rằng, Quan Vũ là người cực kỳ ngạo mạn, thường một mình một đường khiến người khác sợ hãi hơn là tôn kính. Lấy một người như thế để phụ trách nhiệm vụ quân sự đơn thuần đương nhiên quá thừa rộng rãi, song ở Kinh Châu là vị trí nóng bỏng về chính trị xem ra lại thiếu hợp lý và không thoả đáng. Tuy nhiên tình thế lúc đó rất khẩn trương, Lưu Bị chẳng thể làm khác được, mục tiêu quân sự ở Thục Bắc khi ấy đáng ngại hơn, đó là việc đối phó với Tào Tháo ở Hán Trung, thêm nữa là ở Thục Trung lúc đó cũng nhộn nhạo vô cùng, chính là thời thế bắt phải như vậy. Việc điều động một người khác từ Thục đến để thay thế người cũ không hoàn toàn dễ dàng, vả lại Tào Nhân vẫn đóng ở Tương Dương lăm le tiến xuống phía Nam gây áp lực, khí thế dũng mãnh của Quan Vũ ít nhất cũng khiến quân Tào phải dè chừng, đấy là điểm lợi thấy rõ.


Sách lược cơ bản của "Long Trung Sách" mà Gia Cát Lượng khởi xướng vẫn là liên Ngô chế Tào. Quan Vũ không hiểu hay cố tình không thèm hiểu những trăn trở của Gia Cát Lượng (cũng như nỗi khổ tâm của Lỗ Túc)  và bác khệnh kia thường ngạo mạn coi như dưới mắt không người, luôn gây ra những va chạm rất không đáng có với Lỗ Túc về vấn đề biên giới. Cũng may, mà Lỗ Túc là người cương quyết đường lối liên minh nên vẫn lấy đại cục làm trọng để cố sắp xếp ổn thoả, bởi vậy cũng chưa từng xảy ra biến cố nghiêm trọng nào.

Có một việc sử kể lại rằng khi Tôn Quyền phái sứ giả đến cầu hôn con gái Quan Vũ cho con trai mình, Quan Vũ đã mắng nhiêc sứ giả của Quyền rất thậm tệ, lại mạt sát cả Tôn Quyền khiến Quyền rất tức giận, quan hệ giữa hai bên cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Suy cho cùng, Tôn Quyền xuất chiêu ấy đương nhiên là một mũi tên bắn nhiều đích, vừa tỏ ý tăng cường quan hệ hữu hảo hai bên, vừa có thể cầm bắt con tin khi cần thiết. Rất có thể Quan Vũ cũng nắm được ý đồ ấy, song nếu như là người nhạy bén và mềm dẻo xử lý quan hệ chắc không vấn đề gì. Quan Vũ hoàn toàn có thể không đáp ứng việc hứa hôn ấy, song nên khéo léo cự tuyệt để tránh tổn thương quan hệ giữa hai nhà. Một việc ấy thôi có thể nhận thấy sự yếu kém của Quan Vũ trong việc xử lý các vấn đề chính trị là cần có sự tế nhị và mềm dẻo.

Đến tháng 10 năm Kiến An thứ 22, vị đô đốc tài trí nước Ngô là Lỗ Túc qua đời, Lã Mông là một viên tướng kiêu hùng và tài năng được cử lên thay thế, mối quan hệ Tôn Lưu đang đông cứng lập tức trở nên xấu đi nghiêm trọng.

Ở chiến tuyến phía Tây, năm Kiến An thứ 24 tháng 5, Lưu Bán Dép đánh tan đạo quân Hán Trung của Tào Tháo, bức Tháo rút quân về Nghiệp Thành, toàn bộ đất Hai Xuyên lọt vào tay Bị. Đến tháng 7 năm ấy, Lưu Bị theo đề nghị của chư tướng, để xác lập vương quyền của mình, cân bằng với địa vị của Tào Tháo ở phía Bắc, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương ở Miện Dương. Tại sao Bị không xưng vương ở Thành Đô là kinh đô xứ Thục mà lại ra tận đất Miện Dương ở gần tiền tuyến để lập đàn tràng cử hành nghi lễ? Có lẽ chỉ đơn thuần là mục đích chính trị mà thôi. Lên ngôi ở Hán Trung chính là tượng trưng cho việc kế thừa hương hoả của nhà Hán. Chẳng phải Lưu Bang cũng dấy lên từ Hán Trung rồi sau này phá Sở lập nên nhà Đại Hán đấy sao? mà sao lại là Hán Trung Vương chứ không phải Thục Vương? Cũng là biểu dương chiến công của mình, có lẽ, vì Hán Trung là nơi Bị đã đánh tan Tháo một cách oanh liệt để giành lấy, khác xa với việc giành Thục Trung từ tay Lưu Chương bằng những thủ đoạn kém quang minh chính đại hơn nhiều.

Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, lấy Hứa Tĩnh làm thái phó, Pháp Chính làm Thượng thư lệnh, Gia Cát Lượng nắm việc quân quốc đại sự, lại lập ra 4 quân đoàn mới (như kiểu các quân khu ở ta bây giờ) với Quan Vũ làm Tiền tướng quân cai quản Kinh Châu, Trương Phi làm Hữu tướng quân quản lý các ở vùng Giang Châu – Lãng Trung và Ba Tây. Mã Siêu làm Tả tướng quân cai quản vùng Thục Bắc. Hoàng Trung làm Hậu tướng quân cai quản binh lực ở Thục Trung. Riêng vùng Hán Trung giao cho nha môn tướng Nguỵ Diên nắm giữ. Trong việc này thì Triệu Vân là kẻ thiệt thòi nhất, vẫn chỉ là Dực quân tướng quân mà thôi, không có binh quyền to lớn bằng 4 ông kia, thậm chí còn kém cả Nguỵ Diên nữa.

Đối với việc bổ nhiệm lãnh đạo các quân đoàn, Gia Cát Lượng rất băn khoăn nên đã bày tỏ cùng với Lưu Bị rằng: "Hoàng lão tướng quân tuy rất nổi tiếng ở Kinh Châu, song lại không nổi tiếng với lân bang, chẳng thể bằng vai với Quan, Trương, Mã. Nay Hoàng lão tướng ngồi cùng chiếu với họ, ví như Phi và Siêu ở gần có thể thấy rõ đức độ và tài năng của Hoàng Trung, song nhất định Quan tướng quân ở nơi Kinh châu xa xôi tất chẳng bằng lòng". Bị cười đáp: "Việc này ta đã nghĩ đến và thu xếp ổn thoả rồi". Liền đó phái Phí Thi đến Kinh châu đem ấn tín Tiền tướng quân phong cho Quan Vũ, trước khi đi lại đặc biệt dặn dò kỹ lưỡng.


Phí Thi đến Kinh Châu, Quan Vũ đón tiếp rất long trọng, nhưng khi biết việc phong chức cho 4 người đã rất bực tức nói rằng: “Đại trượng phu thề không bằng vai với tên lính già Hoàng Trung!". Nhưng kết cục lại chính là: Quan Vũ sau khi nghe Phí Thi giảng giải đã vượt qua cơn hậm hực mà nhận ấn tín, không phàn nàn gì nữa, đấy chính là những lời Lưu Bị đã dặn dò Phí Thi trước lúc lên đường.  Lạ nhỉ! Không có nhẽ một ông tướng người đời tôn lên đến hàng Thánh mà lại ưa phỉnh, ưa nịnh và thích uống nước đường thế hay sao? Túm lại: một là ông tác giả La Quán Trung khinh người, coi các nhân vật lịch sử như những con rối, lính chì trong tay muốn cho nó thế nào thì nó thành thế ấy. Hai là đầu óc ông Quan Vũ kia có vấn đề về dây thần kinh…

Trở lại với vấn đề bắc phạt Tương Dương của Quan Vũ. Vì sao lại có chuyện Bắc phạt Tương Dương? La tiên sinh nêu nguyên nhân dẫn ra sự kiện này là do việc Quan Vũ cự tuyệt việc kết thân hai nhà qua cuộc hôn nhân giữa con trai Tôn Quyền và con gái Quan Vũ khiến Tôn Quyền tức giận liên kết với Nguỵ để đồ Kinh Châu. Chính bởi lý do đó nên có chuyện Gia Cát kiến nghị với Lưu Bị việc để cho Quan Vũ ra tay trước, tấn công Phàn Thành trước khiến quân Nguỵ phải khiếp sợ nhằm giảm áp lực cho Kinh châu. Tuy nhiên lịch sử lại không phải vậy. Việc Quan Vũ cự tuyệt cuộc hôn nhân do Đông Ngô đề nghị xảy ra vào giai đoạn Lỗ Túc vẫn còn sống, tức là trước giai đoạn xảy ra theo truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa chừng 2 năm. Vậy điều gì khiến quân Kinh Châu của Quan Vũ tấn công Phàn Thành? Việc này lịch sử cũng không có những ghi chép cụ thể.

Tuy nhiên theo Long Trung Sách của Gia cát Lượng thì khi thiên hạ có biến sẽ phái quân Kinh châu tiến lên miền Uyển Lạc. Vậy thì thiên hạ có biến là lúc nào nhỉ? là lúc Tào Tháo chết, chính sự nước Nguỵ rối ren? hay là lúc Nguỵ Ngô náo động mà Thục sẽ nhân cơ hội? Rõ ràng Tào Tháo mới thua ở Hán Trung, song việc rút lui chưa có gì gớm ghê bằng việc thua quân Xích Bích, nước Nguỵ chẳng vì thế mà náo động xôn xao. Quân của Tào Nhân trấn giữ Tương Phàn cũng chưa có vấn đề gì nghiêm trọng. Vậy thì chưa phải lúc thiên hạ có biến, mà tình hình nước Thục cũng chỉ vừa mới yên ổn, kiến quốc chưa được mấy ngày, sức dân chưa hết mệt mỏi, sao lại xảy cuộc binh đao to lớn với nước Nguỵ như vậy? Dẫu sử sách không ghi lại nguyên nhân việc phát sinh sự kiện Bắc phạt Tương Dương, song với việc động binh trên quy mô to lớn, hao tốn nhân tài vật lực chẳng thể chỉ mình Quan Vũ quyết định nếu không có sự đồng ý của chủ soái là Lưu Bị, mà Lưu Bị cũng không thể ra lệnh cho Quan Vũ tấn công Tương Dương mà không có tham khảo ý kiến của Ban tham mưu quân sự nước Thục và đương nhiên là ý kiến của vị quân sư Gia Cát Lượng. Vậy thì đó là một quyết định cực kỳ khó hiểu và cái cách mà Quan Vũ cũng như tập đoàn quân sự Lưu Bị đã thể hiện trước và trong chiến dịch Tương Phàn mắc phải những sai lầm hết sức nghiêm trọng.

Trước hết hãy xét vị trí xem vị trí quân sự chiến lược Tương Dương quan trọng đến thế nào?
Như đã biết thì Kinh Châu là địa bàn nước Sở cũ, rất rộng lớn, có những nét văn hoá truyền thống có những nét rất khác biệt với Trung thổ. Nhiệm sở cũ của Kinh Châu nằm ở vùng Hán Thọ gần sát với Hồ Đình thuộc quận Vũ Lăng, khi Lưu Biểu giữ Kinh Châu vì không nắm được hẳn vùng Nam Kinh Châu nên chuyển trụ sở Kinh Châu về phía Bắc, lấy Tương Dương – Phàn Thành làm nhiệm sở chính. Sau trận Xích Bích, Tào Tháo lập phòng tuyến Tương Phàn sai Tào Nhân trấn giữ, cũng rất quan tâm đến chiến tuyến này. Tháo phân chia địa bàn quận Nam Dương và phần Bắc quận Giang Hạ đang nắm giữ thành 3 quận là Nam Dương, Tương Dương và Nguỵ Hưng (cộng thêm với 6 quận Ngô và Thục nắm giữ là thành 9 quận Kinh Tương mà La tiên sinh nhắc đến trong TQDN) với nhiệm sở chỉ huy chung ở mặt trận này là Tương Dương - Phàn Thành (cũng từa tựa như Tràng An ở phía Tây vậy). Như vậy khá thấy vị trí quan trọng của thành luỹ Tương Phàn đối với miền Giang Hán. Tào Tháo nhờ cậy vị trí Tương Dương chống đỡ cho cả mặt trận phía nam thì đối với Lưu Bị, nếu như nắm được Tương Dương, Phàn Thành cũng có nghĩa là đã mở toang cánh cửa tiến lên miền Uyển Lạc. Đối chiếu trên bản đồ sẽ thấy từ vị trí Tương Dương – Phàn Thành tiến lên Bắc cũng chỉ tương đương với quãng đường từ Tương Dương – Phàn Thành đến vị trí quân sự Công An mà thôi, mà từ Tương Phàn cho đến Uyển Thành gần như không có vị trí nào hiểm yếu để lập phòng tuyến quân sự đắc dụng như vậy.

Tương Dương là nơi giáp ranh giữa Nam Dương và Nam Quận, lấy sông Hán Thuỷ làm ranh giới (Phía Bắc là Nam Dương, phía Nam là Nam Quận). Tương Dương, Phàn Thành nằm kề bên sông nên bất luận động dụng thuỷ quân hay lục quân đều thuận tiện. Mặt khác hai thành nằm kề bên nhau nên có tác dụng hỗ trợ cho nhau về quân sự, đây là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bất kể Nguỵ hay Thục đều muốn nắm lấy vị trí này.

Thứ nữa là vào thời điểm đó, Thục mới thắng Tào Nguỵ ở mặt trận phía Tây, phải chăng là Lưu Bị và Gia Cát Lượng đang khi hăng hái muốn khuếch trương địa bàn của mình (cũng như đã từng phái Mạnh Đạt tấn công các quận Tân Thành, Thượng Dong của Tào Nguỵ ở phía Đông nam Hán Trung nối liền với Kinh Châu) để nắm lấy vị trí then chốt là Tương Dương – Phàn Thành nhằm lập ra phòng tuyến quân sự mới. Đồng thời,  lợi dụng vị trí quân sự đặc biệt đó để dễ dàng đứng vững trước mối đe doạ quân sự của Tào Nguỵ phương Bắc và cũng dập tắt luôn hy vọng của Đông Ngô muốn lăm le lấy lại 3 quận Kinh Nam. Ngoài ra từ vị trí Tương Dương đó có thể gây ra những đe doạ thường trực với Tào Nguỵ phương Bắc, biến thế bị động thành chủ động, từ thế yếu kém, bị đe doạ trở thành thế mạnh, gây áp lực trở lại đối phương.

Thêm một điều nữa là cá tính của Quan Vũ rất đặc biệt, rất dũng mãnh và hăng hái với việc chiến chinh. Vào thời điểm khi Lưu Bị còn đang phòng thủ Thục Bắc trước mối đe doạ từ Tào Tháo ở Hán Trung, phía Ngô đang náo động với quân Tào của Trương Liêu và Lý Điển ở Hợp Phì, Quan Vũ đã từng có ý tấn công Phàn Thành, song bởi vì mặt trận Hán Trung đang căng thẳng nên ý định đó của Quan Vũ không được Lưu Bị chấp thuận. Cũng có thể sau khi lấy được Đông Xuyên, có những ý kiến tác động mãnh liệt từ Quan Vũ đối với Lưu Bị nên cuộc chiến Tương Phàn được chuẩn bị rất gấp rút và thực hiện nhanh đến không ngờ.

Những điều kiện kể trên liệu có phải là những lý do hết sức chính đáng mà Lưu Bị đã ngẫm nghĩ và quyết định để dẫn đến sự kiện Bắc phạt Tương Dương không nhỉ?

Bây giờ xét đến những sai lầm trong việc Bắc phạt Tương Dương của Quan Vũ. Có thể rất nhiều người khi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa đã đổ hết những lỗi lầm quân sự lên đầu Quan Vũ dẫn đến sự kiện Kinh Châu tan vỡ, việc trùng hưng nhà Hán chẳng thành công. Xét cho cùng, sai lầm của Quan Vũ chẳng thể bỏ qua, nhưng sai lầm lớn nhất chính là người chủ soái Lưu Bị và Ban tham mưu quân sự của Thục, trong đó nhất định phải có phần của vị quân sư Gia Cát Lượng.

Điều nặng nề nhất có lẽ chính là việc người Thục, kể cả Quan Vũ ở Kinh Châu đã đánh giá quá thấp tiềm năng của người Ngô. Phải chăng khi Lỗ Túc đã mất, người Thục nghĩ rằng phía Ngô không có nhân tài nào khác đáng ngại cần phải đề phòng? Tại sao như vậy? Vì nếu có những đánh giá đúng đắn tất phải có những đối sách đề phòng hữu hiệu chứ chẳng thể để hậu phương Kinh Châu chỉ có 2 toà cô thành, hơn vạn tinh binh cùng với những viên tướng hạng xoàng không có uy danh trên chính trường đảm nhiệm. Mà mặt trận phía Ngô cần tài trí hơn là vũ dũng rất nhiều. Đây chính là sai lầm đầu tiên và là sai lầm tai hại nhất.

Tiếp nữa là vì sao đã Bắc phạt Tương Dương mà phía Thục không hề có bất cứ ý kiến tham khảo nào với anh bạn đồng minh là Ngô để chí ít có thể tranh thủ sự ủng hộ từ phía Ngô hoặc nghe được những ý kiến phản hồi để có những đối sách thích hợp? Nên nhớ rằng trước đây Ngô có ý tấn công Ích Châu cũng đã đưa thư sang phía Kinh Châu thăm dò ý kiến Lưu Bị. Sẽ có người thắc mắc rằng khi Lưu Bị vào Xuyên cũng không hỏi han đến Đông Ngô, song việc Bị vào Xuyên là do Chương mời vào chứ không với danh nghĩa đi cướp đất Ích châu. Sự việc khác thì cách hành xử cũng khác, phải không nhỉ? Vậy đây là sai lầm thứ hai.

Tại sao đã Bắc phạt Tương Dương lại không tăng cường binh lực giữ Kinh Châu, không phái đại tướng chỉ huy đoàn quân hậu bị đồng thời phòng giữ mặt Nam Quận, Công An để bảo vệ an toàn cho hậu phương của Quan Vũ? Đành rằng nước Thục lúc đó mới ổn, lại mở rộng được cương thổ, có cả vùng Đông Xuyên rộng lớn cần phải có tướng tài trấn giữ. Nhưng cả đất Hai Xuyên lúc đó nhất định không chịu áp lực quân sự lớn nào, vì sao không thể cắt cử một viên đại tướng cùng với một tay nho tướng nào đó như Triệu Vân, Hoàng Quyền, Pháp Chính, Lý Nghiêm … tham gia vào việc bảo vệ Kinh Châu nhỉ? Vậy đây là sai lầm thứ ba.

Cuối cùng, Quan Vũ chẳng phải viên đại tướng vũ dũng vô mưu, nhưng cũng có những sai lầm ghê gớm khi đã từng gây ra những căng thẳng với phía Ngô, lại kiêu căng tự mãn, ngạo mạn quá đáng khi sớm có thành công nơi tiền tuyến mà chẳng lo đến sự tráo trở của người Ngô để có những tính toán chu đáo cho hậu phương của mình. Đó là sai lầm thứ tư, sai lầm của riêng Quan Vũ mà thôi.

Việc Bắc phạt Tương Dương được gấp rút triển khai. Biên chế quân Kinh Châu gồm: Tổng binh lực 7 vạn quân bộ, 2 vạn thuỷ quân. Quan Vũ làm tổng chỉ huy. Các bộ tướng gồm: Liêu Hoá – Quan Bình. Tham mưu Mã Lương, Y Tịch. Cai quản văn thư My Trúc. Quân phòng thủ: My Phương, Phó Sỹ Nhân. Phụ trách hậu cần, lương thảo: Triệu Luỹ, Vương Phủ.


Tháng 7 năm Kiến An thứ 24, chiến dịch Tương Phàn bắt đầu. Theo bố trí của Quan Vũ, đội quân của My Phương, Phó Sỹ Nhân được giao trọng trách trấn thủ 2 điểm quân sự quan trọng là Công An và Giang Lăng để đối phó với những mưu đồ từ phía Đông Ngô, lại sai xây dựng những “phong hoả đài" lớn ở Nam Quận phòng khi có biến sẽ ngày đốt khói, đêm phóng hoả báo tin cho Quan Vũ biết mà kéo đại quân về cứu ứng kịp thời. Vào thời điểm đó, ở phía Ngô, đô đốc Lã Mông bị bệnh đã tiến cử Lục Tốn là một nho sinh trẻ tuổi tài cao thay thế mình cai quản ở Lục Khẩu nắm diễn biến quân sự phía Kinh Châu. Việc đề cử Lục Tốn thay mình ở vị trí đô đốc nằm ở toan tính sâu xa của Lã Mông, lấy một người trẻ tuổi chưa có danh tiếng đảm đương thay mình có thể khiến Quan Vũ bớt để tâm đề phòng, âm mưu đánh lén Kinh Châu khi có điều kiện thuận lợi sẽ gặp phải trở ngại ở mức ít nhất. Quả nhiên Quan Vũ nhận được "tin tốt lành đó" (Lã Mông bị bệnh, Lục Tốn lên thay) lại càng chủ quan coi thường, chỉ để lại một số quân sỹ rất nhỏ, mỗi thành có vài nghìn quân trấn thủ còn lại hơn 5 vạn quân kéo hết sang chiến tuyến Tương Phàn hòng lợi dụng binh lực lớn, một đòn đại phá binh lực của Tào Nhân chiếm cứ Tương Dương – Phàn Thành thiết lập phòng tuyến quân sự mới.

Ở Tương Dương, Tào Nhân nhận được tin do thám báo rằng đại quân của Quan Vũ đã khởi hành. Bởi lẽ thành Tương Dương nằm ở bình nguyên bờ Nam Hán thuỷ không phải là vùng đất đai hiểm yếu dễ phòng thủ nên đã có một quyết sách rất sáng suốt là bỏ cứ điểm Tương Dương điều động phần lớn quân đội của mình vượt sông sang đóng đồn ở Phàn Thành, chỉ lưu lại bộ tướng của mình là Lã Thường ở lại để duy trì nội an trong thành nhằm yên bụng dân chúng, lại điều thêm một ít quân cảnh vệ phong toả tin tức liên lạc với bên ngoài, điều đó đương nhiên biến Tương Dương thành nơi không giao tranh nhằm thu hút Quan Vũ hướng về phía Phàn Thành, nơi địa hình hiểm trở, thành cao hào sâu tiện lợi cho việc phòng thủ của mình.

Về phía Quan Vũ, mục tiêu quân sự chính là nhanh chóng đánh tan quân Tào ở Tương – Phàn, bởi thế Quan Vũ cũng chỉ phái một đạo quân nhỏ để bao vây Tương Dương làm hư binh, còn tự mình dẫn cả đại quân vượt sông Hán tiến đánh Phàn Thành. Theo tính toán của Quan Vũ, nếu như Phàn Thành thất thủ, quân Kinh Châu đương nhiên lấy được Tương Dương mà chẳng tốn công sức phá thành. Có được cả Tương Dương, Phàn Thành, từ những vị trí đắc lợi ấy, Quan Vũ sẽ mở toang cánh cánh cửa tiến lên uy hiếp vùng Uyển Lạc của Tào Tháo ở phía Bắc, lại có cứ điểm quân sự rất tốt có thể chi phối cả mặt trận Giang Lăng đối đầu với cả Đông Ngô, như vậy là mục tiêu quân sự của Quan Vũ đã thành công. Rất có thể rằng Quan Vũ đã rất tự tin vào binh lực hùng hậu cũng như tài năng chinh chiến của mình, nghĩ rằng sẽ mau chóng diệt Tào Nhân, lấy được Tương Phàn để làm cứ điểm quân sự then chốt đối kháng với cường địch từ hai phía. Mặt khác - điều sai lầm rất lớn của Quan Vũ - đó là đánh giá rất thấp khả năng tác chiến mau lẹ thần tốc của Lã Mông, bởi thế nên dốc toàn lực lên phía Bắc mà không quan tâm thích đáng đến hậu phương của mình chăng?

Chiến sự của Quan Vũ lúc đầu cực kỳ thuận lợi, với binh lực hùng mạnh, khí thế toàn quân hăng hái, Quan Vũ đã nhanh chóng đánh tan đạo binh Tào chặn đường sang sông của mình, sau đó bao vây chặt chẽ đạo binh phòng thủ của Tào Nhân từ khắp các phía khiến viên đại tướng Tào bị bất ngờ, đường liên lạc giữa Phàn Thành và vùng Hoa Bắc bị cắt đứt hoàn toàn, Tào Nhân đành bó tay thúc thủ trong một toà cô thành, chỉ còn mong ngóng viện binh đến từ Trung Nguyên.

Tào Tháo ở Hứa Đô nhận được tin tức bất lợi từ chiến trường phía nam cũng không dám xem thường, đã cử một viên tướng nổi danh là Vu Cấm dẫn 4 vạn quân chia làm 7 đạo sầm sập kéo đến Phàn Thành cứu ứng, lại sai viên mãnh tướng Tây Lương là Bàng Đức làm tiên phong. Do tin tức giữa Phàn Thành và bên ngoài bị cắt đứt, hai đạo quân Tào không liên lạc được với nhau để kết hợp tấn công Quan Vũ, Vu Cấm đành tạm đóng quân ở cửa Tăng Khẩu bên ngoài Phàn Thành. Bấy giờ là giữa tháng 7, mùa mưa lũ ở Kinh Châu, Quan Vũ rất tinh ý nhận thấy vị trí đóng quân của Vu Cấm ở nơi đất thấp, nhân lúc nước sông Hán Thuỷ đang mùa lũ, lại lợi dụng đêm tối sai quân phá đê sông Hán dẫn nước tràn ngập vào trại quân của Vu Cấm, thế là chẳng cần múa giáo khua gươm, gõ trống phất cờ, bảy đạo quân của Vu Cấm bị chìm trong biển nước mênh mông. Kết cục Vu Cấm bị Quan Vũ bắt sống, tướng tiên phong là Bàng Đức bị giết chết, quân sỹ hầu hết chết chìm trong biển nước hoặc bó gối quy hàng, thanh thế của Quan Vũ rung động khắp các xứ, Tào Nhân ở trong thành chỉ biết giương mắt nhìn viện binh tan vỡ chẳng biết làm gì. Quan Vũ thắng một trận to lớn, liên tiếp sai người đưa tin thắng trận về Thành Đô cho Lưu Bị biết. Gia Cát Lượng trước những tin tức ấy vẫn thấy có chút lo lắng nên đã nhắc nhở Lưu Bị quan tâm đến hậu phương của Quan Vũ, song Lưu Bị không thấy Quan Vũ đả động gì đến chuyện hậu phương, lại chỉ thấy tin thắng trận dồn dập đưa về nên cũng bỏ qua, chỉ sai người báo với Lưu Phong, Mạnh Đạt ở Tân Thành, Thượng Dong để ý tin tức Kinh Châu để tuỳ thời chi viện.

Chính những chủ quan chết người không coi trọng hậu phương đã dẫn đến hậu quả thất bại sau này. Nhưng vào lúc này, chiến thắng đang lừng lẫy và đang oanh liệt như thế dễ gì người ta để vào tai những lời khuyên chân thành???

Với Quan Vũ, anh chàng Lục Tốn của Đông Ngô mới lên kia có khác gì nhãi nhép. ông bác nó là Lã Mông thì ung thư đang xạ trị giai đoạn cuối có gì phải lo. Thực ra, tình cảnh do lão Mông tạo ra đó chính là lưỡi dao ngầm đã định hình lăm le kết liễu số phận Quan Vũ và cũng là điểm khởi cho một sự xuống dốc từ từ đến mệt mỏi của đế chế họ Lưu tên Bị…

Phần Bắc Phạt Tương Dương sẽ còn tiếp.


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất