Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam quốc bài 15: Nói về tích: "Đơn đao phó hội"

  Bây giờ, chúng ta tạm giở sang một khúc quanh khác để bình về cái tích từng làm sôi nổi biết bao nhiêu khoảng khắc sân khấu đời sau với hình ảnh: Quan đại vương đơn đao phó hội!
.
Khi Quan vân Trường kết thúc màn đơn đao phó hội với Giang Đông, tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa La Quán Trung có thơ khen Ngài rằng:
Coi rẻ Đông Ngô tựa trẻ thơ,
Một đao tới hội mấy ai ngờ,
Anh hùng chí khí lừng trên tiệc,
Gấp mấy Tương Như ở Hám Trì.

Kinh Châu là mảnh đất để lại rất nhiều câu chuyện kỳ lạ vào thời Tam Quốc, đấy là nơi tranh giành quyết liệt giữa ba thế lực quân phiệt Nguỵ, Thục, Ngô. Những câu chuyện nổi tiếng như Tào A man đi tắt hẻm Hoa Dung, Giang Tả cầu hôn, mượn Kinh Châu, mất Kinh Châu, chặn sông giằng A Đẩu, Quan đại vương đơn đao phó hội… là những câu chuyện rất kỳ ảo được La tiên sinh vẽ thành những bức tranh hết sức đặc sắc trong một seri những câu chuyện được mắc nối đan kết với nhau thành một chuỗi những sự kiện lớn trong cả một quãng thời gian mười mấy năm binh lửa ngút trời.

Kinh Châu là địa bàn của nước Sở ngày trước, trong cuộc chiến diệt Tần lập Hán, Sở cũng là nơi phát tích của 2 nhà Hán (Lưu Bang) và Sở (Hạng Vũ). Cho đến khi Hán diệt Sở lập nên nhà Đại Hán thì vấn đề quản lý Kinh Châu vẫn là vấn đề khá đau đầu. Dù về mặt địa giới hành chính thuộc về một châu, song về hình thể hành chính lại chia thành hai phần Nam - Bắc khá tách biệt. Cho đến khi Hán mạt, Lưu Biểu chiếm cứ Kinh Châu, về danh nghĩa là quản lý một châu quận lớn song thực tế thì quyền lực của Biểu cũng chỉ gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở loanh quanh vùng Tương Dương, Phàn Thành mà thôi.
 
Đến khi Tháo chiếm Kinh Châu cũng mới chỉ bình định thực sự có 3 quận Bắc Kinh Châu là Nam Dương, Giang Hạ và Nam Quận, còn 4 quận Kinh Nam chỉ hướng về Tào Tháo mà đầu hàng trên danh nghĩa. Rồi khi Tháo bại trận Xích Bích phải chạy về Bắc lại thiết lập phòng tuyến mới ở Tương Dương, đất đai thu được chỉ là quận Nam Dương và một phần Giang Hạ. Sau chiến dịch Giang Lăng, Chu Du lấy được một phần phía đông nam quận Giang Hạ và một phần Nam Quận, còn Lưu Bán Dép áp dụng kế của Gia Cát mà tiến chiếm 4 quận Kinh Nam và một phần Nam quận làm đất cải tử hồi sinh cho sự nghiệp của mình.

Hai năm sau đại chiến Xích Bích, Tào Tháo vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh mẽ xuống vùng Giang Hán nhằm mục đích ngăn chặn sự bành trướng thế lực của hai nhà Tôn – Lưu, mà Đông Ngô bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là chiến luỹ tiền tiêu phía Tây (Giang Lăng) và cả ở chiến tuyến phía Đông (Hợp Phì) nối với vùng Hoài Nam (địa bàn cũ ngày trước của Viên Thuật). Rồi quan hệ Tôn - Lưu cực kỳ căng thẳng về vấn đề Kinh Châu bỗng chốc được hoá giải bởi chiến lược “mượn Kinh Châu" hết sức cao tay của Lỗ Túc khiến Tào Tháo tuyệt vọng. Ý đồ xâm lấn miền Giang Hán của Tháo đành phải giữ vững đợi thời và chuyển mũi dùi tấn công sang vùng Quan Trung và Hán Trung.

Suốt quãng thời gian từ Kiến An thứ 14 đến năm Kiến An 24, tại Kinh Châu, những vị trí chiến lược như Tương Phàn, Giang Lăng do ba thế lực quân phiệt hùng mạnh thay nhau nắm giữ, tranh giành kèn cựa với nhau. Nguỵ tham lam luôn bề đánh lấn, Ngô Thục đang hợp bỗng lìa, lại đang lìa bỗng hợp, thoắt phải thoắt trái đều do những mưu mô chiến lược của những tay quân sự hàng đầu lúc bấy giờ như Du, Túc, Mông, Cẩn, Lượng … Chợt thấy tiếc cho Thục và Ngô, nếu Lưu Bị - Tôn Quyền; Quan Vũ – Lã Mông có tầm nhìn chính trị xa hơn, thực sự duy trì quan hệ lâu dài, đừng vì cái tôi quá lớn của mình gây ra bi kịch làm xáo động cả hai nước thì có lẽ vận mệnh của Thục và Ngô không ngắn ngủi đến vậy.
Sẽ có nhiều người nghĩ rằng tại sao khi Gia Cát Lượng vào Thục lại để Quan Vũ trấn giữ Kinh châu? mà không phải là Trương Phi? là Triệu Vân? Sử sách cũng không có bài phân tích nào về việc này. Xét trên tình thế nhà Lưu lúc đó thì thấy rằng trong tập đoàn Lưu Bị mới manh mún nên rất ít anh tài. Khi Tháo tây chinh dùng danh tướng của mình là Tào Nhân cùng với tham mưu Mán Sủng trấn giữ Phàn Thành, Tương Dương để đương cự lại chính quyền Kinh Châu. Trong tập đoàn của Lưu Bị lúc đó, Quan Vũ là viên hổ tướng dũng mãnh nhất, là cánh tay phải của Lưu Bị, có danh tiếng cực lớn, khả năng thu hút quần chúng rất mạnh mẽ hơn đứt những mãnh tướng hàng đầu lúc bấy giờ. Đến Chu Du cũng phải ca ngợi Quan Vũ là viên tướng hổ báo. Lục Tốn sau này cũng phải tán tụng rằng Quan Vũ là hào kiệt trên đời. Trình Dục là mưu sỹ tâm đắc của Tháo cũng phải khen Quan Vũ là vạn người thấy một… Còn điểm nữa là lòng trung của Quan Vũ với Lưu Bị quả là sáng láng cổ kim có một không hai. Vậy thì với khí thế ấy, danh tiếng ấy, lòng trung với chúa ấy, để Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu là thích hợp nhất, tại sao không?

Tam Quốc của La Quán Trung có nói rằng Lưu Bị lúc khó khăn chỉ sai người về yêu cầu Gia Cát Lượng xuất binh tiến vào Thục mà không nói rõ việc trao Kinh Châu lại cho ai trấn giữ, tuỳ Gia Cát điều động, song điều đó thật khó tin. Lưu Bị là anh tài, là người chỉ đạo tất phải có chủ trương, Gia Cát không thể tuỳ quyền quyết định, có lẽ việc để Quan Vũ giữ Kinh Châu tất phải do Lưu Bị yêu cầu. Cứ suy ra như hiện nay, khi Tổng Giám đốc muốn bổ nhiệm một ông quan trọng nào đó, chắc chắn phải có tham khảo huy có chỉ đạo từ…Chủ tịch Hội đồng Quản Trị.

Khi Lưu Bị bình định xong Ích Châu, Tôn Quyền rất khó chịu đã yêu cầu Lỗ Túc đòi lại Kinh Châu, Bị cũng chẳng biện bác việc chiếm cứ Kinh Châu năm nào mà chỉ trả lời vu vơ rằng chiếm được Lương Châu sẽ trả lại Kinh Châu. Quyền không dễ chấp thuận nên đã phái Lã Mông đánh chiếm 3 quận Linh Lăng, Quế Dương và Tràng Sa. Bị được tin dẫn ngay 5 vạn quân Thục đường xa nghìn dặm trở về Kinh Châu sẵn sàng đối đầu triệt để với Đông Ngô. Nhưng rồi chiến sự Hán Trung đã đi đến hồi quyết định, Tháo thắng trận vang dội, Ích Châu bị uy hiếp nặng nề, Bị phải dẫn quân trở về Ích Châu lo việc phòng thủ Thục Bắc. Giai đoạn này đã xảy ra câu chuyện Quan Vũ đơn đao phó hội nổi tiếng ngàn năm, sau này đã được các nghệ nhân kể chuyện Trung hoa đời Tống, đời Nguyên nâng lên thành một giai thoại nhân gian được dựng thành những vở kịch nổi tiếng. La tiên sinh đã bám vào truyền thuyết dân gian viết thành một thiên truyện dài làm người đọc Tam Quốc vỗ tay đạp bàn tán thưởng. Vậy câu chuyện đó thực hư ra sao?

Khi Lưu Bị từ Ích châu trở về Kinh Châu, cuộc chiến Tôn Lưu sắp sửa nổ ra, Lưu Bị đóng ở Sàn Lăng, Quan Vũ từ Giang Lăng xuôi xuống Ích Dương đối đầu cùng Lỗ Túc. Quyền lệnh cho Lã Mông đối đầu cùng Lưu Bị, còn Lỗ Túc đối trận cùng Quan Vũ ở Ích Dương. Trước tình hình ấy, Lỗ Túc với tầm nhìn chính trị sắc sảo của mình là chủ trương tránh chiến tranh khốc liệt mang lại nhiều tai hại đã cự tuyệt mệnh lệnh của Tôn Quyền, cùng với Quan Vũ tiến hành hoà đàm, chính là sự kiện "đơn đao phó hội” nổi tiếng trong kinh kịch và tiểu thuyết.

Đơn đao phó hội ở đây chẳng phải là việc Quan Vũ hào khí ngất trời xanh, nhận lời Đông Ngô mời tiệc cả gan đi một con thuyền nhỏ, giắt thanh đại đao cùng với vài người thủ hạ đến dự tiệc. Nói cho chính xác thì điểm gặp là một nơi phi vũ trang hai bên gặp nhau tiến hành đàm phán. Theo đề nghị của Lỗ Tử Kính, quân sỹ Kinh Châu và Đông Ngô cùng bầy binh bố trận cách đó hơn 500 thước để tránh xung đột, các tướng lĩnh tham dự hội đàm chỉ được phép mang theo một ngọn tiểu đao không có vệ sỹ theo kèm. Sách Tam Quốc chí chép rằng: Trong khi hội đàm, Túc hỏi Quan Vũ: “Trước đây Hoàng thúc có hẹn khi lấy được Ích Châu sẽ trả đất Kinh Châu, nay vẫn chưa thấy đem trả là vì cớ gì?". Quan Vũ đáp: "Ở Ô Lâm, chủ tôi xông pha tên đạn đánh đuổi Tào Man sao lại chẳng có công? dải đất Kinh Châu các ông cũng định thu về ư? Túc nói: Không phải thế, khi xưa Lưu Dự Châu thua chạy cùng đường sắp sửa lưu lạc phương xa, chúa công tôi khuyên cùng hợp binh đối nghịch với Tào Tháo, sau này lại cho mượn cả Nam Quận là sự chí công vô tư. Lưu Dự Châu có hẹn khi lấy được Ích châu sẽ trả Kinh Châu, nay việc Ích châu đã thành đáng phải trả Kinh Châu cho Đông Ngô mới đúng, thế mà Lưu Dự Châu tham lam quá trớn lại lấy cả vùng đất của chủ tôi. Đến bọn phàm phu tục tử cũng chẳng làm thế huống hồ lãnh chúa châu quận lại làm như vậy?". Quan Vũ nghe thuyết một hồi ngây mặt chẳng biết nói gì!

Câu hỏi ở đây đặt ra là: Tại sao Lỗ Túc trước đây cho Lưu Bị mượn Kinh Châu với mục đích Lưu Bị sẽ đỡ hộ cho Ngô ở mặt trận Giang Lăng. Rồi bây giờ lại đòi Kinh Châu để chìa vai gánh đỡ nỗi khó nhọc ở mặt trận này cho Lưu Bị? Chẳng phải tiền hậu bất nhất ư?

Việc Túc cho Bị mượn Kinh Châu như đã nói ở bài lâu lâu rồi chỉ là cho mượn vị trí quân sự Giang Lăng mà thôi. Nhìn trên bản đồ thấy phần Kinh Châu mà quân Ngô nắm là vị trí Giang Lăng, Nam Quận kéo dài đến tận Di Lăng và phía nam quận Giang Hạ. Phần Bắc Giang Hạ cho đến Tương Dương, Phàn Thành là đất của Tào Tháo. Còn Lưu Bị điểm đóng quân cao nhất về Bắc chính là Công An, còn các quận Kinh Nam nằm ở phía sau. Xét như thế thì Lưu Bị muốn tiến lên phương Bắc buộc phải bước qua xác Chu Du (thái thú Giang Lăng lúc trước), mà Lưu Bán Dép có định tây tiến Ích châu cùng buộc phải đi men đường sát với Di Lăng của Ngô (chả an toàn tí nào), nếu Chu Du còn sống chẳng cho Bị mượn Giang Lăng tất Bị phải chết già ở Nam Kinh châu thôi. Mà Chu Du chẳng có ý Tây tiên Ích châu đấy sao? Tuy nhiên chiến thuật đấy của Du cũng rất mạo hiểm, bởi lẽ nếu Lưu Bán Dép cay cú mà lên chẹn đường về của quân viễn chinh nhà Ngô từ phía Nam tất quân Ngô phải tan vỡ. Thực ra là hai bên đang kìm chống nhau quyết liệt ở vị trí quân sự Giang Lăng. Mà như vậy chỉ có hại cho đại cục, tất lẽ dĩ ngẫu mang lại lợi lộc to lớn cho Tào Tháo.

Xét tiếp lại thấy rằng, nếu Ngô cứ giữ vị trí quân sự Giang Lăng thì cả hai chiến tuyến Tây (điểm quân sự Giang Lăng) và Đông (chốt quân sự Hợp Phì - gần với vùng Hoài Nam của Tháo, chếch về phía Đông Nam qua sông Trường Giang là Kiến Nghiệp của Ngô), áp lực rất nặng nề. Như thế thì toàn bộ áp lực của Tào Tháo xuống miền Giang Hán quân Ngô lĩnh đủ, còn anh Lưu Bán Dép ở yên Kinh Nam chẳng hề hấn gì, cũng được lợi không ít khi hai thằng múc nhau, mình ngắm rồi rung đùi kiểu chó hóng tát ao.

Từ hai điểm trên có thể thấy rằng: Vị trí quân sự Giang Lăng đặc biệt quan trọng với cả hai nhà Tôn – Lưu. Ý của Bị là cần rộng đường tiến thủ để lập nghiệp về sau, ý của Ngô - với Du là kiềm chế Bị, song lại làm Ngô mệt mỏi. Cho đến khi Lỗ Túc nắm đại quyền thì cách nhìn của Túc đúng là cách nhìn của một chính trị gia thực tài. Rõ ràng Túc biết về thực lực thì cả hai nhà Tôn Lưu cũng chẳng thể bằng mình Tháo, Ngô đỡ lâu thì mệt sức dân, chưa kể đến việc Bị luôn sùng sục cái ý mượn Nam Quận (cả Giang Lăng) để tiến xa hơn, biết đâu đến lúc không nhịn nữa tất Ngô lâm vào đại hoạ, cả ba phía bị công kích, có thể là từ phía Tây Nam với các điểm quân sự từ các quận Tràng Sa, Quế Lâm...Vậy thì sách lược cho mượn Kinh Châu của Túc chính là sách lược rất hoàn hảo, đạt được nhiều lợi lộc vô cùng. Tránh cái hoạ trong tương lai từ Lưu Bị (có thể), giảm áp lực ở chiến tuyến Tây (Giang Lăng), để Lưu Bán Dép dồn sức cự Tào, chẳng thế mà Tào Tháo đang ngồi viết thư tình mà nghe tin Tôn Lưu hoà hợp, Bị mượn được đất Giang Lăng phải rơi bút xuống chân! Đấy thực sự là tài trí Lỗ Túc vậy.
Giờ xét đến việc Túc đòi Kinh Châu. Vì sao trước Túc cho mượn Kinh Châu rất có lợi như thế sao sau lại đòi nhỉ? Ấy là vấn đề thời thế.
Rõ ràng khi Lưu Bán Dép lấy được Ích Châu, dinh sở chính của Bị lúc đó là Thục Trung, Tháo lúc đó đang đánh Hán Trung quyết liệt, các chiến tuyến Hợp Phì, Tương Dương đều phải ngưng trệ đợi tin tức chiến sự từ Hán Trung đưa về. Rõ ràng áp lực với Ngô giảm hẳn, vậy thì còn chờ gì nữa mà chẳng thu hồi đất Kinh châu? Để cho Bị ở đấy mãi chẳng bằng dưỡng hổ di hoạ về sau ư? Vậy là sau sự kiện “một đao phó hội” Ngô lấy được 3 quận Giang Hạ, Quế Dương, Tràng Sa. Mất có một Nam Quận mà thu về đủ 3 quận sát đất mình, cương thổ rộng lớn, dân đông lại giàu có, lợi quá còn gì? Còn 3 quận nữa cứ từ từ mà tính chứ ... Bởi lẽ lấy ngay một lúc chưa được, anh Lưu Bán Dép làm sao chịu như thế? Chiến tranh thì thiệt cả hai bên, hẵng cứ để cho Bị căng sức đỡ 2 đầu cho mệt mỏi đã (Thục Bắc phía Tây, Tương Phàn phía Đông), Ngô ngồi yên “toạ sơn quan hổ đấu”. Túc chẳng hơi đâu mà vì Hán! Túc giúp Quyền xưng bá thiên hạ cơ mà?

Xưa Lỗ Túc cho Lưu Bị mượn Kinh Châu với mục đích Lưu Bị sẽ đỡ hộ cho Ngô ở mặt trận Giang Lăng, nhưng đến lúc này Ngô không cần điều đó nữa, mục đích ban đầu đã bị triệt tiêu, thì cứ tự nhiên mà đòi đất chứ sao?

Cái mối lo chủ yếu của Đông Ngô, vào lúc này, chính là Tây Thục chứ không phải Bắc Ngụy nữa. Kể từ sau trận Xích Bích, quân nhà Lưu đã từ cảnh sống vô gia cư, chết vô địa táng, ăn cơm bụi uống nước cống trở thành một thế lực thật sự hùng mạnh, rõ ràng có khả năng tranh bá đồ vương.

Đất Giang Hán liền tiếp Đông Ngô, dân nhiều nước giàu, lại giữ thượng nguồn Trường Giang, Dương Tử, chia xẻ thiên hiểm với Giang Nam. Còn coi nhau là đồng minh, thì nhường ông bạn vàng một chút tiện nghi cũng chả sao. Nhưng đã coi nhau là đối thủ, sao chịu được cảnh có thằng cứ kê sẵn dao vào sườn mình thế được.

Mà thế tất Ngô phải xem Thục là đối thủ. Lỗ Túc vạch đường cho Tôn Quyền là củng cố Giang Nam, tiến lên bình thiên hạ, chứ có khuyên Tôn Quyền chỉ khư khư nằm ôm dải Ngô Việt ấy đâu. Về sau, khi nghe Đặng Chi nói: "Trời không lẽ hai mặt, dân không thể hai vua", Ngô chủ Tôn Quyền còn cười khành khạch mà khen là thực thà là gì! Vậy, khi thấy nhà Thục hưng khởi, Ngô làm sao yên lòng được, sao không nhìn thấy cái hậu họa nhãn tiền được?
Sự kết liên giữa Ngô với Thục quanh trận Xích Bích cũng chỉ như một giải pháp tạm thời, bắt buộc phải thực hiện để sinh tồn. Khi Tào Ngụy đã bị đẩy lui, những mâu thuẫn bắt đầu bộc lộ, và thế tất phải trở nên xung đột khi có tranh chấp về mặt lợi ích.

Thực tế, trong cả 60 năm Tam Quốc, Ngô Hầu như chưa bao giờ thực bụng kết đồng minh với bên nào, kể cả Ngụy lẫn Thục. Những hiệp ước của Ngô luôn luôn là một giải pháp tạm thời để củng cố vị trí của mình. Cho mượn Kinh Châu, chịu tước phong của Nguỵ, cầu hàng với Thục, kết bang giao, rồi hẹn nhau đưa quân phạt Trung Nguyên, đều là như thế. Ngô luôn nghe ngóng và đánh giá tình hình rồi mới hành động, để làm sao có lợi nhất cho mình.

Mà trách Ngô thế nào nhỉ? Không phải sau trận Xích Bích, ông Lưu Dệt Chiếu và đám quần thần bên ấy cũng toàn chơi kiểu đâm sau lưng chiến sĩ, sống trên xác đồng đội đấy ư?

Mà, đã là người mang danh chút tài trí, ở vào địa vị Lỗ Túc, Tôn Quyền, không lấy lại được Đông Ngô chắc ức sặc tiết chết mất. Mình cần nó, ừ! Nhưng rõ ràng mình cũng thương nó, mình cũng nhịn nó, mình cũng chiều nó đủ đường! Thế mà cái thằng bạn ôn vật này lại được cái mặt dày, chép bài của mình mà điểm cao hơn mình, ăn nhờ ở đậu mãi rồi giàu hơn mình, mà hỏi đến nợ cũ thì chây ỳ không trả. Hừm! Mà nó lại còn nhòm ngó định xem mình hở cái gì thì xơi nốt, không được không được! Làm tướng, làm sĩ đâu có nhẽ thế.

Đòi là tiên lễ hậu binh thôi, chứ nhất định là không lấy lại Kinh Châu thì không thể ăn ngon ngủ yên nổi. Thật ra, nếu không có Kinh Châu, Đông Ngô cô thế lắm, chưa chắc đã trụ nổi đến hết 60 năm. Không nắm được phần đất béo bở ấy, chỉ cần hoặc Thục hoặc Ngụy ra binh là đã khốn đốn rồi, vì hụt đi một khoản tiền lương nhân khẩu kha khá, mà phòng tuyến lại co cụm như bị bó giò, khó thi thố. Lại đã biết ba thằng chong mặt, chẳng thằng nào tử tế gì, một thằng đánh trước mặt, khả năng lớn là sẽ có thằng vòng ra sau lưng, sức yếu mà thâm chường ra gió, đỡ làm sao? Lúc đấy chúng nó lại vừa oánh mình vừa cười khẩy: "Ngu thì chết chứ bệnh tật gì!"

Tóm lại, nhân đạo là tự sát! Lỗ Túc chắc vì thế mà cũng hết muốn làm người tốt! Xét một cách toàn diện thì tình hình như thế và như thế. Chứ ngài Quan Công nhẽ đâu cứ tưởng đám Đông ngô nó sợ mình như kiểu ông La Quán Trung cắt đặt tuồng tích “Đơn đao phó hội”. Đừng có như ở trong rừng…Mơ với bộ não toàn nước óc đậu phụ mà nghênh ngang. Cái đám mà ông Quan Vũ gọi là “chó cỏ Đông Ngô” đằng thẳng ra có coi ông Vũ ra cái gì đâu. “Binh bất yếm trá”? Nếu đám Đông Ngô không vì cái đặt vấn đề “danh chính” hỏi đòi Kinh Châu thì lúc thuyền ông Quan Công vừa cập bến, nó đã hô quân dao búa lăn xả vào, loạn đao phân thây, bỏ qua cái đoạn ném chén làm hiệu, thì có hổ tướng nhà giời cũng phơi xác trước lũ chuột với chó cỏ Giang Đông là cái chắc.  Ngồi đó mà bày đặt chém gió…
 
Tóm lại, cái tích "Đại vương đơn đao phó hội" chính là sản phẩm tưởng tượng 100% của tác giả La Quán Trung. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng: tiểu thuyết tam quốc có những pha như thế mới là hấp dẫn.
Chỉ khổ bác Quan Khệnh Quan Vân Trường, miệng thì bị La Tiên Sinh nhét chữ, tay bảo cầm Long đao Yển Nguyệt...gì gì. Người đời thờ nhiều nhưng chủ yếu thờ làm cảnh hù dọa trẻ em mí lại vọng lợi cho đám buôn bán nơi kẻ chợ...
Âu cũng đành...
Còn tiếp
 

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất