Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam Quốc bài 14: Giời sinh Du -Giời sinh Lượng

 Thế lực của Lưu Bị ngày càng bành trướng, tuy nhiên những toan tính của Bị và Lượng không sao qua nổi con mắt tinh đời của Chu Du. Nhận thấy Tôn Quyền ngần ngừ không quyết, rất thiếu sách lược hữu hiệu để giải quyết vấn đề Kinh Châu khiến 4 quận Kinh Nam khó có thể lấy lại, Du lập tức xoay hướng,
.
đề nghị với Quyền rằng: "Tháo mới bại trận, chưa thể nhanh chóng động binh với lực lượng lớn để quyết đấu với Giang Đông lúc này. Ở phía Tây, Ích châu giầu có, chúa là Chương ngu hèn không thể giữ mãi cơ nghiệp. Nay chúa công hãy để tôi cùng Tôn Du tiến quân từ Giang Hạ mà phạt Thục, nếu thuận lợi sẽ nhanh chóng Bắc tiến, phá tan Trương Lỗ ở Hán Trung, sau đó quay lại, từ 2 mặt Tây và Nam giáp kích Kinh Châu, Bị ắt không chống nổi ắt phải tan vỡ. Đoạt xong Kinh Châu, chúng ta liên kết với Đằng, Toại ở Lương Châu cùng tranh thiên hạ với Tháo".
 
Quyền nhìn thấy rõ ràng mục tiêu của Du là áp chế Lưu Bị, cũng rất nể phục cái chí của Chu Du nên lập tức phê chuẩn kế hoạch, đồng thời thúc đẩy nhanh công tác chuẩn bị, cho Tôn Du đồn binh tại Hạ Khẩu. Nhưng lúc đó Du đang bị thương chưa khỏi nên công việc không triển khai ráo riết được. Tuy nhiên một nhân tài khác của Giang Đông, chính là Lỗ Túc lại cực lực phản đối sách lược này, rằng nếu Đông Ngô đơn độc tấn công Ích châu mà không được Lưu Bị có biểu hiện giúp đỡ ắt dễ lâm đại nạn, nếu Bị ngang nhiên trở mặt, chắc chắn quân viễn chinh Đông Ngô rơi vào thế đỡ địch sau lưng. Người đắc lợi lúc đó chính là Tào Tháo, nếu Tháo một mặt động binh tại Hạ Phì, mặt kia lại sai Tào Nhân dồn binh từ Tương Dương xuống đánh Giang Lăng, như thế Ngô sẽ thiệt hại to lớn, Giang Lăng cũng có thể mất mà không giữ nổi.


Quyền ngẫm nghĩ mới thấy kế hoạch của Chu Du có phần trắc trở, lại thấy Túc trình bày rất có lý, song Quyền vẫn thấy không thể ngồi yên chờ đợi, lập tức viết thư cho Bị. Đại ý thư như sau: "Trương Lỗ ở Hán Trung là tai mắt của Tháo, nay đang rình rập toan đánh Ích châu. Lưu Chương nhu nhược yếu hèn, khó giữ nổi cơ nghiệp. Nếu Ích châu mất vào tay Tháo thì Kinh châu sẽ nguy hiểm vô cùng. Chúng ta nên ra tay sớm, trước đánh Lưu Chương, sau dẹp yên Trương Lỗ, nối liền một dải Dương, Kinh, Ích, liên kết với quân xứ Quan Trung mưu đồ thiên hạ, việc gì phải luôn lo lắng trăn trở về Tào Tháo nữa?".

Lá thư của Quyền đến tay Lưu Bị làm Bị đứng ngồi không yên, lời lẽ của Quyền mời mọc rất khách khí, song ý tứ lại lộ rõ vẻ cưỡng bức. Rõ ràng việc "Tây tiến Ích châu" lấy đó làm nhà dựng nghiệp là mục tiêu thứ hai của Long Trung Sách, làm sao có thể nhường lại cho Quyền được? Trước tình thế nan giải ấy, Gia Cát Lượng bày tỏ với Bị rằng cần phải có biện pháp cứng rắn để triệt để ngăn tham vọng của phía Ngô. Lưu Bị lập tức viết thư trả lời Quyền. Thư nói: "Ích châu giàu có, đường đất xa xôi hiểm trở, Lưu Chương dẫu có hèn cùng đủ sức giữ mình. Lỗ ở Hán Trung là loại tiểu nhân tráo trở, đâu chắc đã tận tâm với Tháo? Nay dấy binh từ nơi xa ngàn dặm, gian khó nghìn trùng, đánh nơi hiểm yếu, để nhanh chóng mà thắng dẫu Tôn Vũ, Ngô Khởi sống lại cũng không làm nổi. Nay Tháo đã có 2/3 thiên hạ, đâu dễ quên thù Xích Bích mà buông thả hai nhà Tôn-Lưu? Vì sao Tháo có thể ngồi yên ở Hoa Bắc chờ tuổi già sầm sập kéo đến? Tôi thấy việc đánh Thục là không thể chấp nhận được, xin hãy xét cho kỹ mà làm."

Tôn Quyền nhận hồi thư, song đâu dễ bị thuyết phục đơn giản như vậy mà từ bỏ ý đồ? Quyền lại tiếp tục chỉnh đốn binh mã, thúc Tôn Du ở Hạ Khẩu ráo riết chuẩn bị sẵn sàng tiến đánh Ích châu. Bị cũng không chịu yên, lập tức lệnh cho Quan Vũ đồn binh hạ trại ở gần Giang Lăng, sai Trương Phi đóng đồn ở Tỷ Quy, điều động Gia Cát Lượng tăng binh mã ở Nam Quận, còn tự Bị tiến đến đóng binh ở Sàn Lăng, tất cả đều hướng về Giang Đông với tư thế sẵn sàng giao chiến. Lại sai sứ đến bảo thẳng với Quyền rằng: "Bị tôi với Chương đều là tông thất nhà Hán, cùng phò tá triều đình. Nếu Chương chẳng may đắc tội với xung quanh, Bị tôi cũng có phần trách nhiệm, bởi vậy hy vọng Xa kỵ tướng quân (trỏ Tôn Quyền) hãy nể mặt Bị này mà tha cho Chương. Nếu Đông Ngô cứ đánh Ích châu thì Bị đành phải vào núi hoang ở ẩn để khỏi thất tín cùng thiên hạ".

Đấy chính là "tối hậu thư" của Bị đối với Quyền, cương nhu đều đủ. Rất mềm mại, nhũn nhặn (cầu xin Quyền tha cho Chương), nhưng cũng rất cứng rắn (nếu mày cứ đánh thằng em dại của tao là tao nện thẳng cánh đấy). Chính ý tứ đó của Bị đã khiến Quyền hết sức bối rối, buộc phải đình chỉ mọi công việc chuẩn bị, tìm cách khác để tiến hành thủ đoạn.

Khi ấy quan hệ hai nhà Tôn-Lưu lại cực kỳ căng thẳng, sắp dẫn đến đổ vỡ. Quan Vũ gây áp lực rất lớn ở Giang Lăng khiến Chu Du đang bệnh nặng cũng phải gượng dậy từ kinh thành đến Giang Lăng chỉ huy đại cục, nhưng mới đi được nửa đường (đến Ba Lăng), vết thương từ ngày đánh trận ở Giang Lăng vẫn chưa khỏi lại sưng tấy lên, vỡ ra mà chết. Lúc đó Du mới có 36 tuổi. Thiên tài quân sự kỳ tuyệt xứ Giang Đông chẳng bỏ mình lại sa trường, chết rất lãng xẹt bởi một mũi tên quái ác cách đó hơn một năm trời, một phần cũng vì công việc hết sức bận rộn, toan tính mọi bề chẳng có thời gian tĩnh dưỡng nghỉ ngơi. Đáng tiếc, đáng tiếc ...

Suốt hai năm cuối đời, Du vì trọng trách gánh vác việc phòng thủ quốc gia, quân quyền quá nặng nề. Lại vì ấm ức chuyện Kinh Châu, luôn phải cao độ cảnh giác với sự bành trướng thế lực ghê gớm của Lưu Bị, là lãnh tụ của phe phái đối đầu kìm hãm sự phát triển của Bị tạo an toàn cho đất Giang Đông, bệnh tật chẳng có thời gian chữa trị đặc biệt khiến phải bỏ mạng lúc tuổi trẻ đang xanh, tài năng đang nở rộ. Tuy nhiên, trước lúc chết, Du vẫn nhìn rõ mối nguy hiểm nhất đối với Giang Đông chính là Tào Tháo, nhận thức rõ ràng thực lực của Ngô căn bản thua Tháo rất xa nên Ngô khó mà đơn độc chọi lại với Tháo, Du viết lá thư vĩnh biệt gửi Quyền, bày tỏ lòng trung nghĩa, lại tiến cử Lỗ Túc là người rất kiên định, sáng suốt, lập trường cứng cỏi, đủ sức duy trì cục diện đối đầu với cả Tháo và Bị để giữ an toàn xứ Giang Đông. Lá thư của Du thể hiện rõ ràng tấm lòng vì nước quên thân, nỗ lực đến cùng vì lợi ích của quốc gia. Du quả thực là một người anh hùng có khí chất.

Quyền nhận tin dữ về Du rất đau buồn, vừa khóc vừa nói với trăm quan: "Công Cẩn mất đi, ta mất một hiền tài lương tướng, sau này biết dựa vào ai?" Mãi sau này khi đã lên ngôi hoàng đế, mỗi khi nhớ lại trận Xích Bích vẫn thường nói với người xung quanh rằng: "Nếu không có Công cẩn, làm sao ta có ngôi vị hoàng đế này?". Lại theo đề nghị của Chu Du tiến cử Lỗ Túc làm đô đốc, trấn thủ điểm nóng Giang Lăng.
Chu Du chết, chuyện chưa hết về ông. Nhất là những đồn thoại xung quanh sự so tài cao thấp của Du và Lượng. Gần 2000 năm qua, thế gian này, những con mọt sách và những gã vô công rỗi nghề lúc trà dư, tửu chậm đã bàn, đã bỉ, đã biếm, đã bơm…biết bao giai thoại, bao suy luận, suy diễn và nhận định về hai con người thuộc hàng “quân sư” bậc nhất thời Tam Quốc. Còn nữa: đến các tuồng tích sân khấu cũng đã từng khắc đậm chân dung, hành vi và những tuyên ngôn bất hủ của hai ông. Ta đề cập vài chuyện vậy:

Thứ nhất, chuyện Khổng Minh khích Chu Du để có trận Xích Bích lừng lẫy:

…Mới lần đầu gặp nhau khi Lỗ Túc dẫn Khổng Minh vào tiếp kiến Chu Du, khi ấy, Khổng Minh đang đóng vai trò thuyết khách để thuyết phục Đông Ngô liên minh cùng Lưu Huyền Đức chống Tào, và Khổng Minh đã khiến cho Chu Du nổi khùng và quyết chí đánh Tào qua việc kể cho Công Cẩn nghe về mong muốn của Tào Tháo:

“Lúc Lượng này còn ở Long Trung, có nghe Tào Tháo lập một cái đài ở mé sông Chương Hà, gọi là đài Ðồng Tước. Ðài ấy cực kỳ tráng lệ. Tháo sai trang hoàng tô điểm lộng lẫy, rồi tuyển nhiều gái đẹp trong thiên hạ để đưa về đấy. Vả lại, Tào Tháo là đứa háo sắc, nghe nói bên Giang Ðông này có Kiều công nào đó sinh đặng hai người con gái, cô chị là Ðại Kiều, cô em là Tiểu Kiều, cả hai đều có dung nhan chim sa cá lặn với vẻ yểu điệu nguyệt thẹn hoa nhường. Nên Tào Tháo thề rằng: “Ta một là dẹp an bốn biển, lập nên Ðế nghiệp. Hai là lấy được hai nàng Kiều bên Giang Ðông đem về để vào đài Ðồng Tước, dùng vui lúc tuổi già, dầu có thác ta cũng chẳng hờn.” Nay Tào Tháo tuy dẫn binh trăm vạn, lườm lườm như cọp gầm, muốn nuốt Giang Ðông, chứ thật ra chỉ vì hai người con gái ấy mà thôi. Sao Tướng quân chẳng đi tìm Kiều công, bỏ ra ngàn lượng vàng, mua lấy hai người con gái ấy, rồi đem sang sông nạp cho Tào Tháo. Tháo được hai mỹ nữ ấy, ắt hả hê vui sướng mà rút quân lập tức. Ðó là cái kế “Phạm Lãi dâng Tây Thi”, nên làm ngay đi thôi!”

Chu Du nghe qua, tái mặt, vặn hỏi: “Tào Tháo muốn được hai nàng Kiều, vậy có gì làm bằng chứng?”.

Khổng Minh nói: “Con trai nhỏ của Tào Tháo là Tào Thực tự là Tử Kiến, có tài hạ bút thành văn. Khi xây xong đài Ðồng Tước, Tào Tháo có sai làm một bài phú gọi là Ðồng Tước đài phú. Trong bài phú ấy, ý hắn muốn làm Thiên tử, lại thề bắt hai nàng Kiều” (Tam Quốc, Hồi 44)

Và cái bằng chứng ấy là câu thơ của con Tào Tháo là Tào Thực nói về mong ước bắt hai nàng Kiều về Đài Đồng Tước:

Tìm hai Kiều phương Nam về sống,
Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân.

Khổng Minh đã vờ như không biết một nàng Kiều đang là vợ yêu của Chu Du nên dùng mưu ấy đánh vào Chu Du khiến Công Cẩn quyết ý đánh Tào.

Nhưng cũng từ đây, La Tiên Sinh cho Chu Du nuôi ý định thanh toán Gia Cát Lượng tới…3 lần. Lần thứ Nhất: sau khi thỏa thuận liên minh với Tôn Quyền, Chu Du về nhà nghĩ rằng: “Gia Cát Lượng biết tận đáy lòng Ngô Hầu, tài trí lại hơn ta, sau này ắt là mối nguy cho Giang Ðông. Chi bằng ta giết quách hắn đi thì hay hơn. (xem hồi 44, Tam Quốc diễn nghĩa)

May sao có ông Lỗ Túc là người theo chủ trương hòa hoãn, đã hiến kế để vẹn toàn đôi đường rằng: “Nay Ðông Ngô có Gia Cát Cẩn là anh của hắn, đang lãnh chức Tham mưu. Vậy phải sai Gia Cát Cẩn đến đó dùng tình cốt nhục mà dụ hắn về giúp cho chúng ta thì hay hơn”.

Và Chu Du lập tức tán thành, sai Gia Cát Cẩn (là anh cả của Khổng Minh) đi đến thuyết phục em mình bỏ Lưu theo Tôn. Thật không ngờ ông anh Gia Cát Tử Du, gặp ông em cao tay hơn, chưa kịp thuyết phục thì đã bị ông em thuyết phục. (hồi 44 Tam Quốc)

Khổng Minh đáp: “Lời anh nói đó là tình, còn việc em giữ đây là nghĩa. Anh với em đều là tôi của nhà Hán. Nay Lưu Hoàng thúc là con cháu tôn thất, nếu anh bỏ được Ðông Ngô về làm tôi Hoàng thúc, thì trông lên không hổ thẹn là kẻ bề tôi nhà Hán, mà trông lại thì anh em chúng ta sẽ được gần gũi nhau, tình nghĩa vẹn toàn cả hai. Chẳng hay ý anh ra sao?”.

Gia Cát Cẩn ngao ngán nghĩ thầm: “Ta đến dụ hắn, té ra ta lại bị hắn dụ!”.

Đọc đến đây ta lại tán thưởng Gia Cát Khổng Minh có tài ứng đối, không làm mất lòng anh, trái lại không bị rơi vào thế khó xử. Qua đây ta bắt đầu thấy, không phải Chu Du hoàn toàn muốn giết Khổng Minh vì ghen ghét. Ta hãy hiểu thời điểm đó, Trung Hoa phân chia tứ tán, các thế lực khắp nơi nổi dậy. Lưu Bị lúc đó tuy thế yếu, nhưng thực ra không hề yếu bởi có tài thu hút nhân tâm, lại có Quan, Trương, Triệu là các mãnh tướng muôn người không địch nổi, thêm một Khổng Minh tài năng siêu việt, ắt sẽ lên sự nghiệp lớn, tất nhiên sẽ đe dọa đến cơ nghiệp của Đông Ngô. Chu Du muốn trừ Khổng Minh không hẳn vì ghen ghét (nếu ghen ghét đã không cho Gia Cát Cẩn đi chiêu dụ), mà cũng vì chủ mình mà thôi, ai vì chủ lấy mà, hãy thông cảm cho Công Cẩn ở điều đó.

Lần thứ 2: Rồi khi Gia Cát Lượng nhân sương mù lấy tên của Tào Tháo, Du cũng than trời:” Gia Cát Lượng thật là thần cơ diệu toán, ta thật không bằng!”.

Lần thứ 3: Sự lo sợ về sự đe dọa của Khổng Minh đối với Chu Du lên đến đỉnh điểm khi Khổng Minh giúp Chu Du cầu gió đông nam thì Du nhận định rằng: “Người này có phép đoạt được trời đất, hơn cả quỷ thần, nếu không trừ khử đi sau này tất nhiên gây hại cho Đông Ngô ta…” (Hồi 49)

Tất nhiên, một lần nữa, Chu Du lại thất bại bởi Khổng Minh đã đoán trước, sai Tử Long đón sẵn, an toàn bỏ Đông Ngô về với Lưu Huyền Đức. Và sau đó, là liên tiếp những cuộc đấu trí khác, nào là Chu Du bị vây khốn ở Kinh Châu khi định dùng kế “mượn đường diệt Quắc” giả đi đánh Tây Thục để cướp Kinh Châu, rồi định dùng em gái Tôn Quyền để nhử Lưu Bị hòng đánh đổi Kinh Châu nhưng đều bị Khổng Minh tương kế tựu kế phá hỏng.

 

Ai cũng nghĩ Chu Du chết một cách tức tưởi, nhưng thực ra ông chết cũng vì hết lòng lo cho Đông Ngô bởi thế lực của Lưu Huyền Đức ngày một mạnh, đang đe dọa vị trí của Đông Ngô. Và lời than vãn cuối cùng của Chu Du đã trở thành nổi tiếng ngàn năm:

Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng”

Nó cũng khiến cho nhiều người đọc đời sau nghĩ rằng Công Cẩn vì ganh ghét với Khổng Minh mà chết.

Song, xét toàn diện, Du không phải con người hẹp hòi dù chỉ nhận định trong mỗi một truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa (còn nếu tham khảo các sử liệu khác thì Chu Du là người rất thực tài và không hề lố bịch như La Quán Trung mô tả) thì Du cũng không phải con người hẹp hòi. Du hết lòng lo lắng cho vận mệnh của Đông Ngô đến nỗi chết lúc còn khá trẻ (ông chết khi chỉ có 36 tuổi). Cái mâu thuẫn với Khổng Minh không xuất phát từ lòng ganh ghét cá nhân, mà là xuất phát từ mưu toan cho đất nước, lo cho vận mệnh của Đông Ngô mà thôi. Và bài văn tế của Khổng Minh trước linh cữu Công Cẩn đã dẹp tan những ý nghĩa về mâu thuẫn hai người trong quần thần Đông Ngô:

Thương ôi Công Cẩn, làm sao sớm khuất,
Ðành lẽ số trời, ai ai cũng xót
Lượng tôi tới đây, kính dâng ly rượu
Anh có linh thiêng xin về chứng giám
Nhớ xưa đi học, chơi với Bá Phù
Nhường cơm sẽ áo, một lòng thương nhau
Nhớ anh còn trẻ, chí cả ngàn trùng
Vẫy vùng một cõi, độc lập Giang Ðông
Quyền cao chức trọng, trấn giử Ba Khâu
Khiếp oai Lưu Biểu, đẹp dạ Ngô Hầu
Diện mạo như ngọc, Tiểu Kiều đẹp đôi
Rể tôi nhà Hán, hỏi được mấy người?
Anh hùng cái thế, chẳng chịu qui Tào
Trời xanh vổ cánh đại bàng bay cao
Phong tư cốt cách, Tưởng Cán ngỡ ngàng
Hết đường thuyết khách, nói cười như không
Thương anh lừng lẩy, văn võ kiêm toàn
Hỏa công một trận, Xích Bích lừng vang
Làm sao sớm khuất, ai hỡi Chu Lang
Lượng tôi đau xót, huyết lệ hai hàng
Sống đủ trung nghĩa, mất được thảnh thơi
Tuổi thọ ba chục, danh lưu muôn đời
Lòng tôi bối rối, vạn mối tơ vò
Tâm nầy lửa đốt, ruột héo gan khô
Giang Ðông tang tóc, ba quân bàng hoàng
Chúa thời tuôn lệ, bạn thời khóc than
Lượng tôi những tính nương tựa vào nhau
Giúp Lưu phò Hán, cùng Ngô phá Tào
Gây thế ỷ dốc, sớm hôm bàn mưu
Lượng tôi kém cỏi, mong trông cậy nhiều
Nào ngờ Công Cẩn!, sớm khuất từ đây
Mênh mang chánh khí, trời thẳm đất dầy
Anh linh chứng dám, rủ thương lòng nầy
Từ nay tri kỷ, biết ngỏ cùng ai?
\Thương ôi, có thiêng, xin về thượng hưởng….

Khổng Minh nghẹn ngào mãi mới đọc hết, đọc xong gục mặt xuống đất khóc lóc như mưa, thảm thương vô cùng, đầu tóc rủ rượi, làm cho các tướng đang tức giận muốn ăn tươi nuốt sống Khổng Minh cũng phải nói với nhau: “Người ta cứ nói Công Cẩn với Khổng Minh bất hòa, nhưng nay xem như vậy, thì có lẻ là thiên hạ xét sai". (Hồi 57)

Xét một cách toàn diện, nếu Chu Du và Gia Cát Lượng cùng phục vụ cho một chủ, hai người sẽ là những người bạn tốt của nhau, bởi họ cực kỳ hiểu nhau và đều có lòng vì chủ, vì nước cả. Cái sự hiểu rõ lòng nhau thì trong bài Gia Cát Khổng Minh Ước Mơ Nhỏ đã đề cập cụ thể. Ở đây, chỉ nhắc lại rằng: Khi ấy, Gia Cát Lượng chỉ mới 28 tuổi đầu…

Có lẽ, cũng nên bình luận một câu trắng phớ rằng: một khi đã chia phe đánh nhau thì luôn có những anh tài nổi lên. Câu “Giai thời loạn” nó mới tỏ rõ ông nào hay, ông nào chưa hay. Nếu Ngụy Tháo có Tuân Úc thì Ngô Vương có Tử Kính. Mà muốn Tử Kính hòa hoãn hay cho cái thế chia Ba Trung Quốc thì Chu Du tất phải tạch con bà bạch sớm. Và, tất nhiên, Khổng Minh kia sẽ chắc chắn chọn Tây Thục vì hình như chỗ ấy chưa có tỷ lệ chọi. Một mình ông Pháp Chính già nua là không đủ tầm nhìn cho ông Lưu bán Dép xây mộng Bá Vương. Đời sau, Đỗ Mục nhớ về trận Xích Bích cũng không quên hai nàng Kiều:

Dưới cát gươm chìm sắt chửa tiêu
Mài rũa lắng nghe việc tiền triều
Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn
Đồng Tước đêm xuân khóa hai Kiều

Ừ nhỉ! gió đông nếu không vì Chu Công Cẩn, có lẽ sẽ chẳng có những cuộc đấu trí đầu lý thú giữa hai vị tướng kiệt xuất thời Tam Quốc, hai người bạn kình địch ở hai thế lực: Công Cẩn và Khổng Minh. Nhưng mà cuộc đời này ông Giời tạo ra vẫn thật xuất sắc: Vì gái thật sướng!

Dẫu gì, tôi cũng bỏ phiếu cho Công Cẩn. Hình như trong anh nặng lắm hai điều của đời trai là: Tổ Quốc và Gia đình! Vì lo cho nước Ngô, danh dự nước Ngô, anh suy vì bệnh mà chết. Vì thương yêu người vợ đẹp, anh quyết đánh kẻ nào lăm le sàm sỡ. Cùng là đàn ông, tôi kính phục anh dù kẻ khác có đồn thổi hay tả, vẽ anh xấu xa tâm địa đến cỡ nào. Chỉ hai điều anh liều chết để bảo vệ ấy đã là quá đủ. Anh muốn thanh toán Gia Cát Lượng? Đúng thôi! Đó là tất yếu vì cuộc đời này khi đã đứng trên hai bên chiến tuyến thì đối mặt với ta đó chính là kẻ thù. Anh không táng nó thì nó sẽ táng anh! Có một ai đã nói: tàn nhẫn với kẻ tàn nhẫn không phải là tội lỗi. Cuộc đời này có biết bao bằng chứng hùng hồn. Ngay cái chuyện chủ và tớ thôi cũng đã đủ điều đáng ngẫm: Thú hết thì chó săn thành chó thịt và “Điểu tận thì cung tàng” – hết chim bẻ ná! Ôi! Đến như những người cùng san sẻ cơ cực buổi hàn vi với nhau thôi mà còn cư xử với nhau tuyệt tình tuyệt nghĩa như thế thì nói gì và mong gì nhân đạo ở những kẻ đôi bờ chiến tuyến? Chỉ nói đất nước Trung Hoa thôi. Nhớ chăng một Ngũ Tử Tư bị Ngô Hầu phụ bạc. Nhớ chăng một quân hầu son sắt của nước Việt là Phạm Lãi, sau khi giúp Câu Tiễn phục hưng đã lên thuyền lánh đi để an toàn cho một tuổi già. Mới đây thôi, những đồng chí của Mao cùng vào sinh ra tử như Bành Đức Hoài kia cũng chết đau, chết khổ, chết đói và rét chỉ vì “dâng sớ” nói thực trạng cuộc đời. Sao anh Mao không mảy may nghĩ đến những ngày sóng gió Diên An? Đến cuộc Vạn Lý Trường Chinh đầy oanh liệt và những lúc cái sống và cái chết cùng kề bên nhau? Rồi Lưu Thiếu Kỳ bị hành hạ, chết thảm vô thừa thận với cái tên không phải của mình: Lưu Vệ Hoàng!...

Ôi cái cuộc đời này!...

Trở lại với Chu Du, anh đã làm được bao điều cho Đông Ngô và cho chủ nhân của mình. Là một người đọc nhiều lần truyện Tam Quốc; tôi không lạ gì ngòi bút La Quán Trung. Nhưng trong ngần ấy chữ nghĩa La Tiên Sinh viết về Chu Lang tôi soi vào những dè bỉu, những miệt thị khéo léo của La nhưng chỉ nhìn thấy sau chữ nghĩa ấy một lòng trung thành, một ý chí quyết thắng và một tình yêu với vợ con của Chu Du. Cũng tương tự, tôi soi sang Khổng Minh, dầu La Tiên Sinh hết lòng tô vẽ Lượng nhưng tôi vẫn thấy khách sáo và xa xăm làm sao. Ngay cái chuyện vợ con, tôi cũng không thấy chi tiết nào thực lòng người mà hợp với tôi và nhiều người như tôi. Bởi lẽ, quyền cao, chức trọng, khôn ngoan và mẫn tiệp như Khổng Minh, lẽ ra phải để ông ấy có một giàn vợ cả, vợ hai xinh đẹp. Chí ít cũng có đôi em chân dài bên cạnh chứ không có nhẽ bắt ông ấy ngày đêm ôm cái bà “xú nữ” Trung Hoa kia mà mọi người bao biện rằng bà ấy học giỏi lắm, giúp chồng nhiều việc lắm?? (Hoàng Nguyệt Anh vợ của Khổng Minh Gia Cát Lượng). Đó là một sự vô lý! Vô lý cùng cực! Coi coi, liệu có mấy ai giàu có, quyền, tiền, danh vọng…mà lại dửng dưng với nhan sắc và hương sắc đàn bà? Gần đây, người ta có xử mấy anh cấp cao cũng lòi ra thê, thiếp cả. Rồi những ngẫm như bản thân VietHoa tôi thôi, một khi có khoản tiền nào khá chút cũng làm ít ve, vô cái vũ trường ngoáy chân, ngoáy cẳng bá vai, vuốt tóc…

Ơ! Lại lan man rồi! xem ra, tới khúc này nên dừng suy diễn kiểu lấy mình luận kẻ khác. Ờ! Chợt nhìn cái tên người. Xem ra, mấy bố dã sử cũng thâm thúy chán. Tên là Du, là Cẩn (Chu Du, Chu Công Cẩn) ý nghĩa là đẹp. Mà đẹp thì hay lãng phiêu. Tên là Minh, là Lượng (Khổng Minh, Gia Cát Lượng) đều có nghĩa là sáng. Mà sáng thì sáng nước, khôn vãi lọ…

Đọc cả khúc Xích Bích và bao nhiêu chữ về Chu Du, bài thơ viếng của Gia Cát với Chu Du đã thích nhưng khoái nhứt vẫn là câu nhận định của tướng Đông Ngô lão làng Trình Phổ: Tiếp xúc với Công Cẩn như được uống rượu ngon, càng uống càng say, càng thích khẩu". Đáng nhắc là trước đó bao nhiêu năm tháng, ông Phổ này bất mãn lắm với Chu Du và hay tỏ ra ngạo mạn khi tiếp xúc. Nhất là khi Tông Quyền kế nhiệm Tôn Sách làm chúa Giang Đông. Chu Du ở cương vị đô đốc…


Tào Tháo thua trận Xích Bích, rất kính nể Chu Du, nghe nói Du là người rất tài hoa mà lại khiêm tốn, lễ độ bèn phái Tưởng Cán, một người có tài hùng biện đến thuyết Du quy phục triều đình. Tưởng Cán với Du là bạn chăn trâu đổ dế với nhau. Du nghe tin Cán đến ra tận cửa đón tiếp, lại cười bảo: "Tử Ký (Tưởng Cán) sao phải bôn ba xa xôi làm vậy? định làm thuyết khách cho Tào Tháo chứ gì?" Cán nói: "Khi lớn lên, hai ta mỗi người mỗi ngả, vẫn nghe danh Công Cẩn như sấm vỗ bên tai mà không gặp được, nay sao cứ phải xem nhau là thuyết khách nhỉ?" Du cười đáp: "Tôi tuy chẳng hiểu thanh âm ngoài tiếng đàn, song cũng hiểu tiếng đàn nói gì vậy". Lại sai mở tiệc lớn đãi khách, sau khi ăn xong, Du bảo Cán: "Nay tôi có việc bận, không thể tiếp Tử Ký, hẹn ba ngày sau sẽ lại hàn huyên". Nói xong đi ngay, ba ngày sau trở về, đưa Cán đi xem khắp một lượt quân doanh, cả nơi chứa vũ khí, trữ lương, chả dấu giếm gì. Du lại trỏ vào các báu vật thản nhiên bảo Cán: "Sinh ra ở đời, thân làm tướng, gặp được minh chủ tri kỷ, có nghĩa quân thần, lời nói việc làm, hoạ phúc có đủ. Kể cả Tô Tần, Trương Nghi có sống dậy tôi cũng vỗ vai mà bắt bẻ. Huống chi ta với Tử Ký là bạn bè thuở nhỏ, hiểu nhau quá rõ, cần gì phải biện luận nữa". Cán chỉ cười không nói gì, sau ra về gặp Tháo bảo: "Du có khí chất rất lớn, không phải là người có thể thuyết được".

Lưu Bị lần sang Giang Đông, khi sắp rời Kinh Khẩu về Công An, Quyền, Chiêu, Túc mở tiệc tiễn đưa. Quyền than thở với Bị: "Công Cẩn văn võ kiêm toàn, vạn người khó thấy một. Người như thế đâu phải bầy tôi tầm thường, nay bị thương chữa mãi không khỏi, sợ rằng trời cao lại đố kỵ với anh tài!".
TQDN của La tiên sinh luôn cho rằng Du nhỏ nhen, thường tìm cách tranh dành với Lượng, đến lúc chết vẫn hận Gia Cát phải thốt ra câu ai oán: "Trời trót sinh Du sao còn sinh ra Lượng?" thật chẳng căn cứ vào chút sử liệu nào. Bài này như đọc thêm chính để tỏ rõ Du là một anh tài hiếm có, trung với chúa, vì nước quên thân, lễ độ, khiêm nhường và khoát đạt chứ chẳng phải nhỏ nhen, tầm thường như La tiên sinh đã kể ra.

(còn tiếp)
VietHoa

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất