Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

bình tam Quốc bài 12: Trận Xích Bích và bình về Tào –Tôn - Lưu

 Trải qua 8 năm đầy nỗ lực đánh dẹp, Tào Tháo đã diệt trừ gần hết các thế lực cát cứ khác như Bố, Thiệu, Thuật và trở thành kẻ thống trị có thực lực nhất ở vùng Hoa Trung và Hoa Bắc.
.
Tiếp đó, việc đào ao Huyền Vũ, luyện tập thuỷ quân chính là bày tỏ ý đồ nam chinh quét sạch các thế lực ở hai châu Kinh Dương (Biểu, Bị, Quyền).

Kinh Châu, giáp với Dự Châu về Đông Bắc, trong thời kỳ đại chiến Quan Độ để dồn sức cho trận chiến với Thiệu, Tháo đã tranh thủ lôi kéo được khá nhiều các thủ lĩnh trong tập đoàn Lưu Biểu tạo thành thế hoà hoãn với Kinh Châu. Ngay cả ở thành Tương Dương, thủ phủ Kinh Châu, lực lượng phái thân Tào cũng rất lớn (Sái Mạo, Trương Doãn, anh em Khoái Việt, Hàn Tung), lực lượng phái kháng Tào chỉ có lão tướng Hoàng Tổ giữ thuỷ quân Giang Hạ, và sau này có thêm Bị cùng công tử Lưu Kỳ lắm bệnh nhiều tật mà thôi. Còn Lưu Biểu vẫn không muốn dính vào chiến tranh nên đứng ngoài trận tuyến, lòng đầy hồ nghi bất định.

Mùa xuân Kiến An 13 lực lượng thuỷ quân Kinh Châu chịu tổn thất nặng nề, ấy là việc Hoàng Tổ cùng đội quân Giang Hạ bị Tôn Quyền đánh phá. Hoàng Tổ chết, phái kháng Tào bị một đòn chí mạng. Cũng thời gian ấy bắt đầu truyền đi tin tức Tào Tháo chuẩn bị Nam chinh. Lưu Bị lúc đó đang ở Tân Dã, tuyến phòng thủ đầu tiên là bức bình phong che chở xứ Kinh Châu. Mà Bị lại chính là mục tiêu mà Tháo phải diệt trừ bởi nếu để lâu dài dứt khoát đối với Tháo là mối lo gan ruột. Dù thế, đối với Tháo, việc sắp xếp nhân mã đánh dẹp phương Nam gặp không ít khó khăn, chủ yếu là về binh lực. Những điểm khó ấy là:
1. Phương Bắc (đất của Thiệu) mới dẹp nhưng chưa hẳn đã ổn định hoàn toàn, cần có một số quân lớn trụ giữ và phủ dụ để tạo tình thế yên ổn.
2. Các chư hầu vùng Quan Trung như Mã Đằng, Hoàn Toại vẫn sẵn sàng uy hiếp đại bản doanh của Tháo ở Cổn Châu, Hứa Đô (nếu như có cơ hội thuận lợi, ví như Tháo bị sa lầy ở chiến tranh phía Nam) nên phải có thời gian sắp xếp, vỗ yên.
3. Quân thu hàng của Viên Thiệu tuy đông, song tâm lý không hoàn toàn ổn định, độ tin cậy còn phải cân nhắc và xem xét tuỳ tình thế.
4. Quân Tào giỏi về kỵ binh (đất Bắc cưỡi ngựa) không quen thuỷ chiến nếu đấu với thuỷ quân phương Nam (miền Nam đua thuyền) cần có thời gian tập luyện khá dài.

Từ những điều kiện trên có thể thấy Tháo gặp khá nhiều khó khăn khi tiến hành Nam chinh dài ngày nên phải đặc biệt cân nhắc thận trọng nhiều vấn đề. Chính vì thế Tháo càng đặc biệt để tâm đến việc vận dụng gian tế, thu gom và phân tích tin tức, tìm cách gây ảnh hưởng và phân hoá các lực lượng trong chính quyền Kinh Châu nhằm tạo ra cơ hội thuận lợi nhất để nhanh chóng chiến thắng.
Giữa năm Kiến An 13, Lưu Biểu lâm trọng bệnh, tình hình rất nguy cấp, tin Tào Tháo chuẩn bị Nam chinh khiến Biểu hết sức lo lắng nên đã cho vời Lưu Bị đến để bàn việc quân cơ mật, lức này Bị cùng ban tham mưu tác chiến đang tích cực sắp xếp lực lượng phòng thủ quân Tào ở Phàn Thành. Theo sách Nguỵ Thư thì Lưu Biểu bàn với Bị: Nay con ta bất tài, chư tướng không đồng lòng nhất ý, sau khi ta chết, hiền đệ hãy nắm lấy việc Kinh Châu”. Bị cảm động nói: Các cháu là những hiền tài, hiền huynh cứ an lòng dưỡng bệnh”. Lúc ấy Y Tịch cũng khuyên Bị nhân cơ hội nắm lấy quyền hành, song Bị từ chối khéo rằng: “Lưu Kinh Châu đãi tôi rất hậu, nếu cướp lấy quyền hành, người đời cười tôi là kẻ tham lam, tôi không nhẫn tâm làm vậy”.

Tào Tháo nhận được tin báo Biểu bệnh nặng, sắp mất, nội bộ Kinh Châu rối ren. Nhận thấy tình hình thuận lợi, Tháo triệu tập hội nghị quân sự khẩn cấp ở Nghiệp Thành bàn bạc việc phòng thủ phía Bắc và sửa soạn Nam chinh. Tuân Úc đề nghị với Tháo nên hành binh cấp tốc từ Uyển Thành, Diệp Thành thẳng tiến Kinh Tương khiến đối phương không kịp trở tay. Một mặt dâng biểu lên Hán Hiến đế phong Mã Đằng làm Vệ uý, mã Siêu làm Thiên tướng quân để vỗ về quân Quan Trung tránh việc binh nhung, lưỡng đầu thụ địch.
Cuối tháng 7 năm đó, Tào Tháo khởi binh, chừng hơn 17 vạn quân chia làm 7 đạo: Tào Tháo - Giả Hủ giữ trung quân; Tào Nhân lĩnh quân chủ lực tinh nhuệ chừng 2 vạn; Tào Thuần nắm kỵ binh; Trương Liêu - Từ Hoảng - Hứa Chử nắm đội quân tiên phong chừng 5.000 người; Tào Hồng – Trình Dục - Nhạc Tiến nắm quân mới hàng của Thiệu chừng 13 vạn; Mán Sủng phụ trách lương thảo; Hạ Hầu Uyên nắm đội quân hậu bị.

Đầu tháng 8, Lưu Biểu chết, các lực lượng Kinh Châu đấu tranh dữ dội. Các tướng Nguỵ Diên, Văn Sính mặc dù hết sức phản đối việc bỏ trưởng lập thứ, song nhờ sự giúp đỡ của Sái Mạo, Khoái Việt, Trương Doãn ... Lưu Tông vẫn đoạt được ngôi chúa tể Kinh Châu. Khi ấy quân Tào đã cách Phàn Thành 200 dặm chia quân men đường tắt đột nhập Kinh Châu.
Lưu Tông, 14 tuổi lên nắm đại quyền, ban đầu cũng có ý liên kết với Lưu Bị và Lưu Kỳ hòng chống lại Tháo, song phe thân Tào kịch liệt phản đối với lý do Tháo đánh dẹp là phụng mệnh triều đình, chống lại là đại nghịch. Lưu Tông vốn được phe thân Tào dựng lên, chỉ là đứa bé con, lúc đó có tin quân Tào đã đến sát thành Tương Dương nên hết sức sợ hãi chẳng biết làm sao đành phái sứ giả đến gặp Tháo xin hàng, lại hạ lệnh cho thuộc hạ khắp nơi buông vũ khí.
Như vậy là trong vòng một tháng, Tháo đã thu được nửa phần Bắc Kinh Châu và thủ phủ Tương Dương mà không tốn một mũi tên hòn đạn.

Khi nhận được tin Tào Tháo tiến vào Kinh Châu, Chu Du đã chủ động phái rất nhiều do thám đi Kinh Tương thu lượm tin tức về binh lực, con đường hành binh và những mục tiêu sắp tới của quân Tào, hướng đột kích vào Giang Đông nếu có. Đang luyện quân ở hồ Bà Dương, nhận được lời triệu gọi của chúa Ngô, Chu Du cho quân sỹ ngừng luyện tập, toàn quân bước vào trạng thái "sẵn sàng chiến đấu", còn Du dẫn theo một số tướng lĩnh thân tín hoả tốc đến Sài Tang. Tối hôm ấy, Du gặp Lỗ Túc trao đổi ý kiến và bàn bạc sơ bộ đối sách ( Như kiểu chúng ta bây giờ nói chuyện hành lang vậy)
Trước khi vào họp Ủy, có lẽ cũng nên dành một đoạn để nói về những diễn viên chính trong vở kịch lớn này.
Trong hàng ngũ văn quan xứ Giang Đông, Trương Chiêu là người nổi tiếng hơn cả, ông ta luôn được nhắc đến như một mưu thần rất quan trọng.
Trương Chiêu học vấn rất quảng bác, có tài cán, đặc biệt trung thành, có năng lực hành chính rất cao, cá tính rắn rỏi, ưa nói thẳng. Chiêu theo về với Tôn Sách từ năm Kiến An thứ 6, giúp được nhiều mưu kế hay, được Sách rất tin dùng. Khi Tôn Sách mới mất, ba quân xao động, tình hình chính trị khá nguy nan, nhờ sự giúp đỡ nội chính của Chiêu mà Tôn Quyền giành được sự tin cậy của ba quân, mau chóng ổn định tình hình. Tôn Quyền rất kính trọng Chiêu, lấy lễ thầy trò đối đãi.
Lỗ Túc
có chí lớn, ít quan tâm cái nhỏ nhặt. La tiên sinh trong TQDN mô tả Túc như là một người thật thà, nhu nhược, không có chủ kiến, hay bị Gia Cát Lượng xỏ mũi; nhưng thực tế nhiều tài liệu tả thì Túc giỏi, nhìn xa chứ chưa bao giờ nhu nhược.
Khi Túc gặp Tôn Quyền từng bày tỏ: "Chúa công hãy dựng đỉnh ở Giang Đông, nhìn thiên hạ tranh giành, trước diệt Hoàng Tổ, phá tan Lưu Biểu, độc chiếm Trường Giang, lập nghiệp đế vương, sau sẽ thâu tóm cả thiên hạ". Quyền nghe nói rất cao hứng, coi Lỗ Túc là kẻ tri kỷ, đặc biệt tin tưởng và thường dành cho những lời khen ngợi.
Chu Du
thân thể cao lớn, hình dung tuấn tú, tính tình rất cởi mở rộng rãi, phong lưu lỗi lạc, rất được bạn bè vị nể.
Khi Tôn Sách sắp mất, có căn dặn lại Quyền rằng: “Việc quyết kế quốc gia đại sự rất đáng phải hỏi ý kiến quần thần, việc trong không quyết nên hỏi Trương Chiêu, việc ngoài không quyết nên hỏi Chu Công Cẩn", từ đó có thể thấy rằng, trước mối đe doạ lớn từ phương Bắc, Chu Du có tầm quan trọng lớn lao đến thế nào.
Trong tác phẩm Tam Quốc, La Quán Trung dùng biết bao lời văn hùng tráng ca ngợi khẩu khí cùng tài ứng đối của Gia Cát tiên sinh trước quần nho xứ Giang Đông, đè bẹp khẩu khí của toàn thể văn tài lỗi lạc đất Ngô.
Lần đầu tiên Gia Cát Lượng gặp Tôn Quyền chính tại doanh trại "tạm" của quân Ngô ở Sài Tang, Tôn Quyền mặc áo vải thô tiếp khách. Sau khi đàm luận mở đầu, nhường Tôn Quyền nói trước vấn đề, Gia Cát đã phân tích tường tận thực lực ghê gớm của quân Tào rất khách quan, đặc biệt nhấn mạnh khả năng quân lực của Tháo là rất mạnh, lại nêu rõ rằng: Lập trường của Giang Đông là Hoà hay Chiến cần có quyết sách sớm để tránh những sai lầm đáng tiếc về quân cơ.
Tôn Quyền hỏi: "Tháo có quân lực ghê gớm như vậy, sao Huyền Đức không hàng?" Gia Cát đáp: “Điền Hoành chỉ là một tráng sỹ nước Tề mà giữ nghĩa không chịu nhục. Lưu Huyền Đức là dòng dõi nhà Hán, dứt khoát phải chống đến cùng!"
Quyền nói: "Tháo bức thiên tử, sai khiến chư hầu, những người đối chọi đều thất bại cả. Nay chỉ còn có Giang Đông, ta không thể để hơn trăm vạn dân Đông Ngô cho người khác khinh rẻ, hy vọng tiên sinh có kế sách hay để liên minh Tôn, Lưu có thể chống Tào"
Gia Cát Lượng đã phân tích đại lược về thế lực “ta” và “địch”.
Địch (tức quân Tào)
- Quân Tào nói thặng lên có 80 vạn quân, song thực chất chỉ chừng 20 vạn, trong đó có rất nhiều quân họ Viên và quân Kinh Châu mới hàng, lại bố trí chiến trường trên một dải chiến trường rộng lớn, như vậy quân số tác chiến ở "chiến trường chính" Đông Ngô rất có hạn.
- Quân Bắc không giỏi thuỷ chiến, so với quân Giang Đông tất thua xa về sự tinh nhuệ, dẫu có dựa vào quân Kinh Châu cũng sẽ điều phối thiếu thoả đáng.
- Quân Bắc ở Nam không hợp thuỷ thổ, ốm đau bệnh tật, ý chí và sức lực có vấn đề, sỹ khí ắt giảm sút.
Ta (Tức quân Thục và Đông Ngô)
Lưu Bị tuy thua, song Quan Vũ có hơn vạn quân thuỷ, Lưu Kỳ cũng có đến 2 vạn quân ở hạ Khẩu. Nếu có thêm vài vạn quân Giang Đông anh dũng thiện chiến, hai bên dồn sức có thể phá tan đội quân tạp nham của Tào Tháo.

Quyền nghe Lượng phân tích sơ bộ rất lấy làm vừa ý, hạ quyết tâm sẽ chống Tào, dự kiến hôm sau sẽ đem ra bàn bạc tại hội nghị quân sự trước toàn thể văn võ Giang Đông.
Hôm sau, tại hội nghị quân sự xứ Giang Đông, Du xin được nghe ý kiến của các bên. Phái chủ hoà do Trương Chiêu cầm đầu đưa ra ý kiến gồm những điểm sau:
1. Tháo ép thiên tử, đánh chư hầu, nếu công khai đối đầu tức là đại nghịch, về danh bất thuận.
2. Thế mạnh của Đông Ngô là thuỷ quân và thế hiểm Trường Giang, nay Tháo đã bình Kinh Tương, dùng thuỷ quân Kinh Châu cũng tinh nhuệ không kém thì ưu thế thuỷ quân và địa hiểm cũng không còn nữa, về thế là bất lợi.
3. Binh lực quân Tào rất lớn, thế chênh lệch quá rõ ràng, xét đại cục thì Đông Ngô thế yếu, về lực lại càng bất lợi.
Tình thế như vậy, kế hay là nên đón tiếp Tào Tháo, tiến hành hoà đàm, tránh chiến tranh tàn khốc, nhân dân thoát khỏi hiểm hoạ binh đao.
Chu Du phản bác lại rằng:
Một là: Tháo mang danh là tướng Hán song khinh nhờn cả thiên tử, chính là giặc nhà Hán, dấy quân hổ lang, thôn tính chư hầu, về danh mới là bất thuận (Quyền được Hán Hiến đế phong tước).
Hai là: Tháo dẫu thu được thuỷ quân Kinh Châu, nhưng lòng quân Kinh Châu ngả nghiêng bất định rõ ràng (giao tranh trên sông, thuỷ quân Kinh Châu hứng trọn sự tàn khốc vì phải lên tuyến đầu), trái lại quân Ngô nước giầu dân thuận, sỹ khí hăng hái, chiến đấu trên đất nhà nên thế hiểm Trường Giang vẫn giữ được, về địa lợi chẳng mất đi.
Ba là: Binh Tháo dẫu lớn song chỉ là đám quân ô hợp, không phải quân thân tín, dùng quân cốt ở sự tinh thục dũng mãnh, quân dẫu nhiều mà ô hợp thì chẳng có chi đáng ngại.
Với những thực trạng như vậy, sao chúng ta phải uốn gối hàng Tào?
Tiếp đó Du công bố tin tức thu thập được và bàn đến những điểm có thể tranh cường.
1. Quân Tào nói thặng lên là hơn 80 vạn, song thực chất chỉ chừng hơn 20 vạn, trong đó đa số là quân họ Viên và quân Kinh Châu, độ trung thành có vấn đề.
2. Họ Viên mới bị diệt, chính trị còn nhiều bất an nên Tháo không dám huy động binh lực lớn, phải trụ nhiều quân để giữ yên hậu phương. Mặt khác quân Tây Lương vẫn đang rình rập chờ cơ hội thuận lợi sẽ uy hiếp Cổn Châu và Hứa Đô, Tháo buộc phải tăng quân để đề phòng. Hơn nữa tình hình Hứa Đô cũng vẫn khiến Tháo phải bận tâm, sự kiện “Đổng Thừa” rất có thể tái diễn nếu Tháo mất cảnh giác, Tháo buộc phải cắt nhiều quân thân tín để đề phòng. Như vậy quân số của Tháo ắt thiếu đi sức tác chiến của đoàn quân tinh nhuệ, giảm bớt đáng kể sức mạnh
3.Tháo thu được Kinh Châu rất thuận lợi và nhanh chóng, địa bàn Kinh Châu rộng lớn, tất nhiên Tào Tháo phải phân tán lực lượng khắp địa bàn để điều phối, như vậy sức tác chiến bị dàn mỏng, chiến dịch lớn vấp phải điều kiện đó rất khó chỉ đoạ toàn cục thoả đáng.
4.Chính quyền Lưu Tông không đánh đã hàng, quân các nơi theo lệnh mà buông vũ khí hướng về Tào Tháo, dứt khoát tâm lý bất an, nghiễm nhiên gây thêm nhiều áp lực cho đội quân chủ lực.
5. Quân Bắc vượt đường dài mệt mỏi xuống đánh phương Nam, thuỷ thổ không hợp, quân lính sinh bệnh tật. Hơn nữa Đông sắp đến, tiết trời giá lạnh, lương thảo vận trên quãng đường dài nghìn dặm xa xôi, rất đỗi lao khổ, quân Ngô ngồi yên trên đất nhà đợi giặc đến tất thuận lợi hơn nhiều (lấy quân khoẻ mạnh đánh quân ốm yếu mệt mỏi).
6. Tháo muốn tốc chiến đã bày tư thế quyết chiến ở Trường Giang, "dục tốc bất đạt", tự gây cho quân mình áp lực, bất lợi lớn về tâm lý.
7. Quân Bắc quen đánh kỵ binh, nay bỏ ngựa lên thuyền tranh chiến với người Nam, vứt sở trường, dùng sở đoản, bắt buộc sử dụng phương thức tác chiến không quen thuộc tất giảm nhiều về tiềm năng, thế bất lợi đã rõ ràng.

Từ những điểm trên, chỉ cần Tôn Lưu liên hợp, tập trung chừng 5 vạn quân tinh nhuệ, cậy hiểm mà giữ, chờ thời cơ thuận lợi, đánh một trận quyết liệt dành thắng lợi trọng điểm, nâng cao khí thế ắt quân Tào kinh hãi mà tan vỡ, như vậy thế Ngô lại nổi lên có thể tranh hùng với Tháo về sau.
Qua những điều Du trình bày ở trên có thể thấy rất rõ ràng sự phong phú của những tin tức tình báo Chu Du thu lượm được, những phân tích về tương quan lực lượng, thế mạnh yếu của đôi bên thật sáng tỏ như ban ngày. Những định hướng của Du quả là cách nhìn nhận vấn đề của một nhà quân sự lỗi lạc. Ngay cả Gia Cát Lượng có liên tục có mặt tại chiến trường Kinh Tương, từ Tân Dã đến Phàn Thành, từ Tương Dương đến cầu Tràng Bản thì cách nhìn nhận vấn đề cũng chưa được chi tiết và tường tận đến thế. Qua những chi tiết này của các sách ngoài cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa cho thấy Chu Du đích xác là một thiên tài quân sự hiếm có, chứ không xôi thịt và khôn vặt như dưới ngòi bút của La Tiên Sinh…

Truyện Tam Quốc của La tiên sinh tô vẽ rằng Chu Du có tâm địa nhỏ mọn, bao phen tính kế hãm hại Gia Cát Lượng, song Gia Cát tinh anh, trắc liệu cao xa nên Chu Du đành ôm hận đến ngày xuống tuyền đài phải thốt lên câu ai oán: "Trời đã sinh ra Du sao lại còn sinh ra Lượng?" Thực tế nhiều tài liệu lịch sử thì Chu Du là người có tấm lòng cực kỳ bao dung, khiêm tốn, rất chiếu cố cho Gia Cát Lượng. Chu Du, Lỗ Túc, Gia Cát Lượng, ba người đồng tâm nhất ý, cố gắng nỗ lực cho một mục tiêu đoàn kết Tôn Lưu cùng phá Tào Tháo. Năm trận Xích Bích đó Du 34 tuổi, Túc 37 tuổi, Lượng mới chỉ 28 tuổi, bất luận về kinh nghiệm chiến trường, ảnh hưởng trên võ đài chính trị thời bấy giờ Du và Túc đều vượt xa Gia Cát Lượng trẻ tuổi. Mà Chu Du cùng Gia Cát Lượng trong cuộc đánh lớn Xích Bích chưa từng đọ tài cao thấp bao giờ. Nếu coi Xích Bích như một vở kịch lớn thì những Du, Túc, Tháo, Bị, Quyền chính là những minh tinh siêu hạng, Gia Cát quân sư lúc đó không có gì nổi bật.
Nhưng, với một con người nhìn xa, bản thân có thể sang Đông Ngô tham gia thảo luận quân cơ với Từ Thứ, Chu Du và Tôn Quyền thì xem ra Gia Cát Tiên Sinh có những khả năng tiềm tàng và  Lưu Bị là nguời tinh đời khi yêu cầu Khổng Minh tham gia một vở diễn hoành tráng và ảnh huởng đến cả sự nghiệp của mình...

Đời sau khi bình đến giai đoạn này, người thì nâng cao Tôn Quyền, Chu Du, kẻ thì ngợi ca Gia Cát và Lưu Bán Dép. Tôi thấy mỗi người có lý của mỗi người. Bởi lẽ, người thì nói theo Tam Quốc Chí, người nói theo Ngụy Thư, người đeo Tam Quốc Diễn Nghĩa. Song chung qui lại, cần phải bám vào Tam Quốc Diễn Nghĩa mà cày vì cuốn sách đó khá hấp dẫn. Trận Xích Bích sắp tới đây mà không có cái Hội nghị bàn của Quân Ủy Trung Ương nhà Đông Ngô và không có màn thuyền cỏ mượn tên của Gia Cát Khổng Minh, không có vụ cắn răng chịu đòn của Hoàng Cái để trá hàng và nhất là màn gió Đông Nam thì nó giảm hấp dẫn tới một nửa…

Đọc đoạn này, thấy Ngô và Thục khít rịt như môi với răng. Những tưởng sự liên kết chói lọi hơn cả 16 chữ vàng nữa kìa. Nhưng xét một cách toàn diện thì các vị chả ai chịu ai đâu. Bố nào cũng bố tướng hết. Chuyện liên minh cũng là bất dĩ. Coi, các trận chiến từ Tương Dương, Phàn Thành đến Đương Dương, Tràng Bản, Lưu Bán Dép bị anh Tào A man đánh cho tơi tả. Gia Cát tiên sinh đến Đông Ngô thương thuyết việc liên minh là nước cờ sau chót cùng đường dù vụ này vẫn phù hợp với tư tưởng khi dời lều tranh là kết hòa Đông Ngô của Khổng Minh.
Tôn Ngô liên minh với Lưu cũng là tình thế o ép thế thời phải thế. Gia Cát tiên sinh lúc đó cần làm cái việc là diện kiến Tôn Quyền và bày tỏ ý liên minh, lên dây cót, cùng những phân tích sơ bộ và tỏ rõ ý chí của Lưu để Quyền tăng thêm cái quyết ý chống Tào.

Tôn Quyền sau khi nghe Du phân tích rất lấy làm cao hứng, lập tức quyết kế đánh Tào, chỉ thị cho Chu Du - Lỗ Túc – Trương Chiêu cùng Gia Cát Lượng thảo luận kỹ về sự liên hợp binh lực hai nhà Tôn Lưu. Lại yêu cầu Chu Du điều toàn bộ quân mã ở hồ Bà Dương về Sài Tang sẵn sàng chiến đấu, đồng thời cấp thêm binh mã cho Chu Du điều phối. Binh lực tập kết tạm thời là 3 vạn quân, ngoài ra Quyền chuẩn bị thêm binh mã sẵn sàng tiếp ứng cho tiền tuyến. Xét cho cùng gọi là Hội nghị bàn đánh hay hòa chẳng qua là hình thức mà chính ra thì nó là buổi hội triệu củng cố quyết tâm đánh Tào Tháo mà thôi.

Trở lại công tác chuẩn bị, biên chế đạo quân chống Tào của Ngô gồm: Tổng tư lệnh, đô đốc Chu Du; phó đô đốc Trình Phổ; Tiên phong thuỷ quân Hoàng Cái, Hàn Đương; chủ lực thuỷ quân Cam Ninh, Chu Thái, Lã Phạm, Đổng Tập; chủ lực lục quân Thái sử Từ, Lã Mông, Lăng Thống; Hậu cần Lỗ Túc; quân liên kết là Lưu Bị, Lưu Kỳ.
Như vậy, tổng binh lực hai nhà Tôn Lưu cho cuộc quyết đấu gồm hơn 3 vạn quân Ngô, chừng 2 vạn quân Lưu Bị, Lưu Kỳ, đại khái tổng binh lực bằng khoảng gần 1/4 binh lực tào Tháo mà thôi.

Cuối tháng 9, đại quân Tào Tháo ở Giang Lăng tích cực chuẩn bị thuyền bè để theo dòng Trường Giang tiến đánh đất Ngô. Để khắc phục nhược điểm của quân Bắc là kém về thuỷ chiến, Tháo ghép các thuyền nhỏ lại (bằng xích sắt) thành bè lớn để dàn hàng ngang mà tiến trên mặt Trường Giang lộng gió, sóng đánh dập dềnh. Cứ 24 thuyền nhỏ kết thành một thuyền lớn, trước sau kéo dài sáu bảy chục dặm. Quân Bắc đi lại trên thuyền như đi trên đất bằng rất thuận tiện, sỹ khí tăng lên đáng kể. Xung quanh thuyền lớn lại có nhiều thuyền nhỏ tuần tiễu đề phòng quân Ngô đánh lén.

Đội thuỷ chiến của Tào Tháo được giao cho các tướng lĩnh như Trình Dục, Trương Liêu, Từ Hoảng chỉ huy, lại bố trí 8 vạn thuỷ binh Kinh Châu yểm trợ trước sau kín như thành đồng vách sắt, cơ hồ không gì đánh phá nổi.


 
 
Từ trên xuống: Lỗ Túc, Khổng Minh, Chu Du

Cuối tháng 10, Chu Du đặt sở chỉ huy ở Tam Giang khẩu, sau khi cân nhắc đã chọn đoạn sông Xích Bích làm nơi quyết chiến cùng đội thuỷ binh to lớn của Tào Tháo. Tại sao Chu Du lại chọn Xích Bích chứ không phải là bất kỳ chỗ nào khác? Bởi vì đoạn Xích Bích, nước chảy rất thất thường, cứ 10 dặm nước chảy êm ả lại đến 7, 8 dặm nước xiết, những xoáy nước cuồn cuộn làm thuyền bè chao đảo rất dữ dội. “Đất Bắc cưỡi ngựa, Miền Nam bơi thuyền”, đích xác Chu Du đã chọn nơi này để tăng lợi thế thuỷ binh của Đông Ngô đồng thời tăng sự bất lợi đối với binh Tào.
Đoạn Xích Bích, bờ dốc trơn tuột, nước chảy xiết rất khó lên bờ. lại có rừng rậm Ô Lâm cách đó 20 dặm về Bắc gây khó khăn cho việc kết hợp bộ quân với thuỷ quân, bộ quân cũng chỉ dàn trận được ở vị trí nhỏ hẹp (giảm thiểu quân phối hợp). Khi giao tranh dữ dội, thuỷ bộ không kết hợp được ắt phải toàn lực thuỷ chiến (giảm khả năng binh lực của Tào Tháo).
Thêm nữa, đoạn Xích Bích ngay bên dưới đoạn sông uốn cong, cách vùng hồ lớn Đạm Thuỷ về phía Đông nam Xích Bích không xa, địa hình phức tạp của Xích Bích kết hợp những điều kiện khí hậu tự nhiên rất đặc biệt của vùng hạ du Trường Giang. Có lẽ, chính nhờ khí hậu tự nhiên đặc biệt mà vùng này có gió Đông Nam trái mùa đột xuất chứ đem cái vụ cầu đảo này gán cho tài phù thủy của Gia Cát Khổng Minh thì bác La Tiên Sinh thật quá tự tin

Sau khi chọn địa bàn quyết chiến, Chu Du điều động binh mã như sau:
1. Hoàng Cái, Hàn Đương (những cựu chiến tướng Đông Ngô rất am hiểu điều kiện tự nhiên vùng hạ du Trường Giang) lĩnh đội tiên phong đóng ở nam Xích Bích.
2. Cam Ninh, Chu Thái lĩnh đội thuyền chủ lực phía sau đội tiên phong, sẵn sàng xuất kích mãnh liệt khi đội tiên phong tiến đánh.
3. Chu Du, Trình Phổ ở trung quân chỉ huy đại cục, điều bát trận mạc.
4. Lã Phạm làm hậu bị thuỷ quân, tuỳ thời tăng viện thích hợp.
5. Lã Mông, Lăng Thống, Thái Sử Từ lĩnh bộ quân đóng tại bờ bắc Trường Giang (vùng Hán Dương) chặn đường quân bộ của Tào Tháo định kết hợp với đoàn thuyền liên hoàn, khi thắng trận sẽ truy kích quyết liệt.
6. Quân lưu Bị chặn ở Hán Khẩu (lớp phòng tuyến thứ 2 - nhiệm vụ hạng 2, công tất nhiên phải nhỏ hơn), nhằm phá tàn binh của Tào Tháo rút chạy về Giang Lăng
7. Quân Lưu Kỳ đóng ở Vũ Xương (nam Trường Giang) đề phòng khi thuỷ quân Đông Ngô lỡ có thua thì sẽ chặn quân Tào tại đó để Tôn Quyền có thể tập kết binh mã sống mái trận sau cùng. (nhiệm vụ thứ yếu, nếu thắng Tào ắt ít công lao, nếu thua Tào lại bảo đảm sự an toàn cho Ngô có đủ thời gian chuẩn bị).
Xem ra Chu Du điều binh rất quyết đoán tự tin, nên nhớ rằng chỉ có 5 vạn quân mà lại chia xẻ thành dăm bảy mảnh nhỏ, đối địch với đạo thuỷ binh mười mấy vạn của tào Tháo, có thể thấy niềm tin thắng lợi mãnh liệt đến như thế nào.

Trong thời gian đó, bên phía Tào Tháo xảy ra một biến cố rất bất lợi, đó là việc binh biến của thuỷ quân Kinh Châu và cái chết của hai viên hàng tướng vô cùng quan trọng với Tháo lúc đó là Sái mạo và Trương Doãn do Tào Tháo nghi ngờ Trương, Sái làm phản.

Nhận định sơ lược toàn cục có thể thấy, Tào Tháo ở thế chủ chiến, thanh thế rất mạnh mẽ, song lại khá rối loạn, vội vã, thiếu tin tưởng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thế mạnh chuyển sang thế yếu, khi không công được, bị phản công ắt thủ cũng không có cơ hội, như vậy là mất khả năng ứng biến linh hoạt ở chiến trường, đích xác là mất chủ đạo. Còn Chu Du, tuy ở thế thủ, song rất đĩnh đạc, tư tin, tiềm ẩn đầy sự nguy hiểm, thế yếu chuyển sang thế mạnh, sẵn sàng chuyển thế từ thủ sang công, biến hoá dễ dàng, thắng lợi có thể chờ mà đến được.
Quân Bắc xuôi dòng Trường Giang mà tiến, quân Tào đầu gió, quân Ngô cuối gió, nếu Chu Lang chơi đòn hoả công thì hoá ra tự đốt chết quân mình ư?
Nhưng có điều, người Trung Quốc xưa lấy thuyết âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc là trọng tâm thế giới quan. Còn như đất nước Trung Quốc bao la, khí hậu mỗi vùng đều có những điểm rất khác biệt. Tào Tháo vốn sinh trưởng miền Bắc, vó ngựa trường chinh suốt bao năm trước trận này cũng chủ yếu tung hoành ở bình nguyên Hoa Bắc, đâu biết đến thuỷ thổ phương Nam, cũng chỉ còn có thể lôi ngũ hành ra luận với chư tướng thôi …

Chuyện Khổng Minh “xoã tóc lên đàn khấn gió Đông” đương nhiên là giả. Chuyện Gia Cát “thông thiên văn, tường địa lý”, cũng chẳng có cơ sở vững chắc gì lắm. Nhưng tận dụng thời cơ có một không hai, để Tào A Man không thể kịp trở tay, mới là điểm chính, chứ không phải là việc “có gió đông”, điểm mấu chốt dưới ngòi bút của cụ La. Song, cũng phải nói rằng, để thực hiện điều này, Chu Du quả thật kiên nhẫn, bởi:
Phỏng đoán của Chu Du là hàng năm, vào giữa hoặc cuối tháng 11 thường có những ngày nắng lớn, điều kiện tự nhiên ở đó cho phép xuất hiện gió Đông nam tạm thời, trên sông gió rất mạnh, song thời gian phát gió ngắn dài, mạnh yếu còn tuỳ thuộc số ngày nắng ít hay nhiều, có khi chỉ vài giờ, có khi lại một hai ngày, nên quyết ý xây dựng kế hoạch táo bạo dựa vào điều kiện tự nhiên đặc thù ấy. Chính xác là diễn biến thời tiết đó có quy luật, song mang tính đơn lẻ, cục bộ, thất thường nên rất ít người để ý. Tháo chẳng ngờ, mà Du lại tính thế…

Gió Đông Nam thổi ào ạt trên sông, lửa cháy dữ dội trên những chiến thuyền khổng lồ của quân Tào, khói lửa mịt mờ, tên bay loạn xạ, những chiếc xích sắt vốn làm yên lòng Tào Tháo nay bỗng dưng biến thành những gông cùm làm tan vỡ những cố gắng kháng cự tuyệt vọng của quân Tào. Binh pháp dạy rằng, không đánh được tất phải chạy, mà không chạy thì chỉ có nước chết mà thôi.
Tháo cùng các tướng lĩnh đội lửa mà chạy lên bờ, nhưng trên bờ lại gặp phải bộ quân của Chu Du giáp kích ác liệt. Rất nhanh chóng, Tháo nhận ra rằng nếu quân của Nhạc Tiến ở trên bờ bị bức rút chạy thì quãng đường từ Ô Lâm thông đến Giang Lăng sẽ bị cắt đứt hoàn toàn. Để tránh thương vong lớn, Tháo đổi hướng rút quân qua Hoa Dung để chạy về Tương Dương, sai Trình Dục sắp xếp đội ngũ thành đạo quân tiên phong mở đường triệt thoái. Trương Liêu, Từ Hoảng lúc đó bị tổn thất không lớn lắm sẽ quyết tử chẹn đường ở Ô Lâm để đại quân Tào an toàn về Bắc.
Như vậy, trận thuỷ chiến đến lúc này Tháo tổn thất to lớn nhất là đạo thuỷ binh Kinh Châu cùng hơn vạn quân tiên phong của Trình Dục. Trên bộ, đội kỵ binh của Tào Thuần mấy ngàn người bị tổn thất nặng nề, đội quân của Nhạc Tiến ở Ô Lâm và Di Lăng cũng bị gần như xoá sổ. Tính tổng thiệt hại chừng hơn 8 vạn quân. Các nơi khác như Tương Dương, Giang Lăng hầu như không tổn thất gì.

Xét tổng thể thì Tháo còn số lượng quân cũng gấp 3 lần quân 2 nhà Tôn Lưu, địa bàn chiếm được ở Kinh Châu hầu như không bị mất, song Tháo lại vứt bỏ hầu hết đất đai, chỉ giữ lại có ba điểm chốt là Giang Lăng, Tương Dương và Di Lăng rồi điên đảo chạy về xứ Bắc trên quãng đường dài nghìn dặm.

Có lẽ đúng thôi vì Tháo lúc đó quân thua, tướng bại, sỹ khí xuống thấp, nếu trải 15 vạn quân còn lại trên khắp địa bàn 7 quận Kinh Châu rộng lớn liệu có giữ nổi an toàn tất cả? Nếu để thua thêm vài trận nữa thì thiệt hại còn to lớn hơn nữa, lại làm ảnh hưởng xấu đến đại cục.Thêm nữa, tin thất bại sẽ lan nhanh về Bắc, nếu Tháo còn chần chừ ở Kinh Châu thì các châu quận lấy được của họ Viên có thể có những manh động chẳng biết chừng. Và quân Tây Lương có thể thừa cơ gây sức ép với Hứa Đô và Cổn Châu sẽ rất mệt mỏi. Nội bộ các cựu thần nhà Hán ở Hứa Đô nhân lúc Tháo thua trận, lại ở nơi xa, có thể nảy sinh ý tưởng giao kết với quân ngoài tạo ra biến loạn bên trong. Uy tín của Tháo sẽ lung lay dữ dội thì rất nguy hiểm.
Cả ba điều ấy đều có thể có nguy cơ bùng phát, nếu lại cả ba chuyện đó xảy ra thì mấy mươi năm vất vả dựng nghiệp của Tháo liệu có thành bọt nước? Vậy thì Tháo bỏ nơi không quan trọng mà giữ trọng điểm tạo thanh thế về sau, rời Kinh Châu chạy ngay về Bắc sớm yên định hậu phương phòng bất trắc là một tính toán có cơ sở.
Tuy nhiên việc rút chạy cũng chẳng thích thú gì. Con đường Hoa Dung – Tương Dương nào có dễ dàng? Cơn mưa rào quái ác đã biến đường đất thành sình lầy nhão nhoẹt, quân sỹ đội màn mưa lạnh giá hối hả mà chạy. Vất vả gian lao, cực khổ vô vàn, hai vạn kỵ binh tiên phong ngày nào ra đi tản mát hết cả, chỉ còn lại có 300 nhân mạng về đến Tương Dương. Các đội quân hộ tống phía sau dầu không bị truy binh đánh gấp, nhưng tinh thần hoảng loạn cũng tan tác đi quá nửa, tổn thất cơ hồ chả kém gì bị chết ở bãi sa trường. Đối với Tháo, đấy chính là thất bại to lớn và đau đớn nhất kể từ ngày dựng nghiệp.

Trận Xích Bích này có lẽ nhiều người thuộc làu làu. Tuy nhiên, luận về nó thì hàng chục ngả ý kiến khác nhau. Ví như chuyện gió nêu trên Đông Nam mà La Quán Trung bảo ông Khổng Minh lập đàn cầu gió hoàn toàn khác với sự lý giải địa lý ở một vùng địa, thủy rộng lớn của lục địa Trung Hoa. Có những chi tiết chỉ có trong Tam Quốc mà các sách sử cứ khác không thấy chép như chuyện Hoàng Cái Đông Ngô dùng khổ nhục kế để lừa Tào Tháo; hay chuyện thuyền cỏ mượn tên trên sông mà Gia Cát Lượng bày ra sau khi cam đoan với Chu Du chuyện vót hàng vạn mũi tên trong ít ngày rồi chuyện Quan Vân Trường chẹn cửa Hoa Dung tha chết cho Tào Tháo…

Oái oăm thay, những sự kiện như thế lại là hấp dẫn và thật sống động, đọc xong một lần ta nhớ mãi. Cái logic của tác giả La Quán Trung thật hợp lý và dàn dựng thật thâm xuyên. Ví như cái chuyện kết thuyền bè của quân Tào theo từng bộ trên sông nó gắn với việc mở tiệc rồi đề cập đến dự định của Tháo khi quét Đông Ngô sẽ lượm hai nàng Tiểu Kiều và Đại Kiều. Đêm ấy trăng sáng, Tào Tháo sai quân đặt tiệc yến ẩm cùng các tướng. Tào Tháo chỉ về phương Nam nói với các tướng: “Lưu Bị, Tôn Quyền dại dột chẳng thuận lòng trời. Ta năm nay đã năm mươi bốn tuổi, lấy xong Giang Đông là mãn nguyện một đời. Ta biết Kiều Công có hai con gái là trang khuynh quốc khuynh thành song Tôn Sách, Châu Du lấy hết. Nay mai chiếm được Giang Đông, thỉnh Nhị Kiều về Đồng Tước đài an hưởng tuổi già thì vui xiết bao!”.

Nói xong hứng chí cười vang. Lại nghe chim thấy trăng sáng nên kêu, bèn tức cảnh sinh tình làm thơ ngâm lên cười vui vẻ.

Ví như cái chuyện qua các cửa trốn chạy và nhất là khi đến cửa Hoa Dung hẻm núi. Tất tật tác giả đều cho Tào Tháo cả cười. Tiếng cười đắc chí làm sao. Nhưng sau tiếng cười ấy thì…đúng là khóc tiếng Mán không xong. Cụ thể nhé: Đang chạy thì quân đến báo: “Trước mặt có hai đường, đường lớn thì đi xa mấy mươi dậm, đường nhỏ là Hoa Dung đạo, rất khó đi lại có khói lên”. Tào Tháo nói: “Binh pháp hư hư, thực thực. Khổng Minh đốt lửa Hoa Dung đạo rồi phục binh nơi đường lớn, ta cứ đi ngã Hoa Dung”.

Ai cũng khen là cao kiến. Đi được vài dậm, Tào Tháo lại cất tiếng cười. Chư tướng đều thất kinh. Tào Tháo nói: “Khổng Minh, Chu Du mà phục một đạo quân tại đây thì bọn ta chỉ có cách xuống ngựa quy hàng…”. Tháo vừa dứt lời tiếng thì bỗng pháo nổ, một tướng mặt đỏ râu dài cởi ngựa Xích Thố, cầm thanh long đao xông ra chặn đường. Nhìn ra thì là Quan Vân Trường. Ai nấy rụng rời. Tào Tháo hối quân xuống ngựa, năn nỉ xin tha mạng.

Còn trước đó: Trận Xích Bích đại bại, Tào Tháo chạy về phía Di Lăng, đến một ngả ba liền hỏi tướng sĩ: “Đây là nơi nào?”. Quân sĩ đáp: “Đường này phía Tây đi Ô Lâm, phía Đông đi Nghị Đô”. Tào Tháo nghe qua bỗng cười lên sằng sặc, nói rằng: “Chu Du, Khổng Minh ít trí, chứ nếu một đạo quân mai phục tại đây thì chúng ta nguy mất!”. Vừa dứt lời thì tiếng chiêng vang dậy, có tướng của Lưu Bị là Triệu Tử Long dẫn quân xông ra. Tào Tháo được các tướng vất vả bảo vệ chạy trốn. Đến khi trời sáng thì chạy đến Hồ Lô Khẩu, quân lính theo còn lại thưa thớt, mỏi mệt, Tào Tháo liền cho quân nghỉ ngơi. Tào Tháo ngồi dưới gốc cây bỗng cất tiếng cười dài. Chư tướng liền hỏi: “Lúc nãy Thừa tướng cười thì có Triệu Tử Long đón đánh, bây giờ không hiểu Thừa tướng cười là có ý gì?”.

Tào Tháo đáp: “Nếu ta là Khổng Minh, Chu Du, cho một đạo quân phục ở đây thì không đánh cũng thắng.”. Vừa dứt lời thì Trương Phi kéo đến. Bên Tào Tháo lại một phen chạy trối chết!

Rõ ràng với chủ ý, Tam Quốc của La Quán Trung để cho anh Tháo tả tơi tội nghiệp, mỗi lần cười là một lần kinh tâm động phách, để rồi cuối cùng phải vỗ bụng bành bạch mà khóc lên rưng rức.
Chà! Cuộc đời Tào Tháo trong Tam Quốc có biết bao điệu cười. Hình như tác giả xây dựng điệu cười của Tháo để đối chứng với những điệu khóc của Lưu Bị. Gian hùng thì cười và tuấn kiệt thì khóc! Xem ra, vế đối này La Quán Trung muốn để lại cho hậu thế những ý chí phò Hán diệt gian rất rõ ràng. Nhưng, lạ kỳ thay, đám hậu thế của ông là rất nhiều người sau này phân tích rất sáng sự giả tạo của nhân vật khóc, cười. Ví như sự than khóc của Lưu Bị, nói riêng cái đoạn chia tay Từ Thứ thôi. Mới nào là: ta muốn chặt hết cây để nhìn theo Nguyên Trực, nước mắt nọ chai. Nhưng ngay sau đó lại hớn hở phát một như bé bi được quà khi nghe tin mừng khác. Chả nhẽ, không để cho ông Lưu Bán Dép buồn bã vài tiếng đồng hồ sao???
 
 
Đại Kiều và Tiểu Kiều
 
Tôn Thượng Hương (Vợ Lưu Bị)
(Còn tiếp)
VietHoa

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất