Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình tam quốc bài 11: TRường bản, ông Phi hét phát có tướng tăng xông

  Nói đến trận Trường Bản ai ai cũng nghĩ ngay đến Trương Phi. Vì trong trận Trường Bản Trương Phi đã tỏ ra hữu dũng, hữu mưu. Nói theo luận tướng sĩ thì gọi là mưu dũng song toàn.
.
Đầu tiên ông cho quân lính cột cành cây sau đuôi ngựa chạy vòng vòng khiến khói bay mịt mù làm kế nghi binh khiến quân Tào tưởng lực lượng Trương Phi đông nên có phần lo sợ.

Trận Trường Bản diễn ra năm 208 là trận chiến giữa hai thế lực quân phiệt Lưu Bị và Tào Tháo cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Trận đánh này cũng được đề cập trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Nguyên nhân cuộc chiến..
Sau khi tiêu diệt các tập đoàn phong kiến của Viên Thiệu và Lữ Bố, Tào Tháo trở thành tập đoàn phong kiến có thế lực lớn nhất. Sau trận thua Lưu Bị ở trận Tân Dã.

Lưu Biểu chết, vợ và con trai thứ của Lưu Biểu là Lưu Tôn đem dâng Kinh Châu cho Tào Tháo. Khổng Minh khuyên Lưu Bị đến bắt giết Lưu Tôn rồi chiếm lấy Kinh Châu nhưng Lưu Bị nói Lưu Biểu trước khi chết đã gửi con cho ông nên ông không làm.

Tào Tháo sau trận thua ở Tân Dã, giận lắm bèn đem quân đến lấy Phàn Thành. Lưu Bị bèn bỏ Phàn Thành, định vào Tương Dương nhưng bị ngăn cản nên phải đến Giang Lăng. Lưu Bị sai Quan Vũ đến Giang Hạ cầu cứu, Trương Phi đi chặn hậu còn Triệu Vân bảo vệ gia thuộc. Mỗi ngày chỉ đi được hơn 10 dặm.
Tào Tháo đem quân đến Kinh Châu, giết Lưu Tông rồi sai kị binh đuổi theo quân Lưu Bị. Lưu Bị đem quân đến núi Cảnh Sơn. Quân Tào ùa đến, Lưu Bị liều chết cầm cự, may có Trương Phi bảo vệ vừa đánh vừa chạy, khi dừng lại thì thấy nhân dân và các tướng đã lạc hết. Trương Phi dẫn quân ra cầu Trường Bản, sai người chặt cành cây buộc vào đuôi ngựa cho bụi mù lên để làm nghi binh.
Triệu Vân lạc cả gia quyến Lưu Bị, bèn đi tìm, cứu được Cam phu nhân và My Chúc, giết tướng của Tào Tháo là Thuần Vu Đạo, cướp được gươm báu của Tào Tháo. Sau đó Triệu Vân gặp My phu nhân, được bà đưa con của Lưu Bị là Lưu Thiện cho, rồi My phu nhân gieo mình xuống giếng chết. Sau đó Triệu Vân tả xung hữu đột giữa quân Tào, đánh giết nhiều quân Tào. Tào Tháo thấy vậy bèn ra lệnh chỉ được bắt sống, không được bắn chết.
Triệu Vân thoát được đến cầu Trường Bản, nhờ Trương Phi cứu. Vân đem con trai Lưu Bị đến, Lưu Bị đỡ lấy rồi ném phịch xuống đất rồi bảo vì thằng nhỏ này mà ta suýt mất 1 đại tướng.
Sau Trương Phi đứng trên cầu Trường Bản, bảo ai dám ra đấu với mình. Quân Tào không ai dám tiến lên. Trương Phi quát to lần nữa, tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Kiệt đứt ruột, vỡ gan, nhã nhào xuống ngựa. Quân tướng Tào thấy thế ai cũng bỏ chạy cả. Trương Phi thấy vậy sai chặt cầu rồi sau đó Lưu Bị cùng các tướng chạy đến Giang Hạ.
Nhưng ngoài Trương Phi còn có một nhân vật khác nổi tiếng trong trận này chính là Triệu Tử Long. Mình mặc bạch giáp, thân ngự bạch mã tay mang ngân thương tả xung hữu đột giết quân Tàu cứu ấu chúa. Trong trận này, ông mang được ấu chúa ra khỏi trận, chém gãy hai lá cờ to, cướp 3 ngọn giáo, cướp được gươm Thanh Công của Tào Tháo, trước sau giết được hơn 50 danh tướng của quân Tào. Đã tạo nên một truyền thuyết về các chiến tướng. Mãi đời sau vẫn có thơ khen Triệu Tử Long rằng:

Tràng Bản khi xưa phá giặc Tào
Tử Long nổi tiếng bậc anh hào...

Đối với Gia Cát Lượng, trận này ông la Quán Trung cho vị quân sư của mình mờ nhạt đi một chút. Bởi không có nhẽ, quân sư ra mắt đã làm gỏi quân Tào sau 2 trận Bác Vọng và Tân Dã oanh liệt như thế, nay thắng chẻ tre tiếp thì chỉ dăm bữa, nửa tháng là Tào Tháo hết quân rồi cũng ca kịch hết hát thì tiểu thuyết bán cho ai? Hơn nữa, Tào Tháo đã trở nên rất thận trọng dẫn đến hành động rút quân bởi ông ta vẫn luôn bị ám ảnh rằng Gia Cát Lượng đã có biện pháp đối phó với mình rồi.
Tháo cũng ngán Trương Phi vì gã tỏ ra quái kiệt vừa mưu, vừa dũng chứ không đơn thuần oánh võ khỏe là anh đồ tể. Tháo lại vừa chứng kiến tài năng của Triệu Tử Long nên càng ngại manh động. Chớ không có nhẽ khói bay mờ mịt, bên cầu lấp ló bóng quân xa thế kia mà Tào Công không điều động vài ngàn cung thủ nhỉ? Coi tới đây cũng phần nào cho thấy ông La Quán Trung hóa thân tác giả vào Trương Đồ Tể để coi thường Tháo và coi thường cả độc giả có máu ăn thua trong người…

Trận này, cái bi, cái hùng đều có. Nhưng theo VietHoa thì cái bỉ và cái chém gió lại là cao nhất. Cái bỉ ở đây là trong trận chiến Trường Bản, Lưu Bị bỏ cả vợ con, tự mình chạy lấy thân. Dù biện minh với lý do gì thì cái kiểu bỏ vợ, vứt con tiếc tướng của Lưu Bán Dép thật đáng chế cười. Nhưng qua đó những chi tiết đó, truyện nói lên được cái tận tụy của Triệu Vân. Cái tài chém tướng, tả xung hữu đột tìm kiếm vợ cho chủ đã là đỉnh rồi nhưng tài dỗ trẻ con của Triệu Vân còn đỉnh hơn nhiều. Coi coi, suốt quãng thời gian ầm ào gió bão, tên bay ngựa hí như thế mà thằng Ấu chúa A Đẩu không hề có một tiếng khóc, ngược lại còn ngủ rất ngon lành. Thế mới biết và mới giận hai chị bảo mẫu ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, Thủ Đức, Sài Gòn làm sao. Đường đường có học Sư phạm mầm non mà ác nhơn hơn thổ phỉ. 

Cần nói rõ hơn về trận đánh này, khi Lưu Bị dẫn toàn quân bỏ Tương Dương, nhằm Giang Lăng tiến phát. Trong lúc nhốn nháo, quân dân Kinh Tương nháo nhác bỏ đi theo Lưu Bị. Cũng khi ấy đạo quân tiên phong của Trương Liêu, Từ Hoảng, Hứa Chử đang tiến vào Tân Dã.
Từ Tương Dương tới Giang Lăng là quãng đường dài hơn 400 dặm, dân tị nạn kéo theo Lưu Bị đến cả 10 vạn người, xe cộ hành lý đông đến hàng vạn chiếc chen lấn xô đẩy kín lối đi khiến tốc độ hành binh của quân Lưu Bị rất chậm chạp, mỗi ngày chỉ đi được chừng 10 dặm, như vậy chắc chắn sẽ không thoát khỏi sự truy binh của Tào Tháo.
Trước tình hình ấy, Lưu Bị thay đổi kế hoạch rút quân, sai Quan Vũ dẫn 1 vạn quân thuỷ xuôi Giang Lăng trước lo phòng thủ, lại phái sứ giả hẹn với Lưu Kỳ hội quân ở Giang Lăng, sai Trương Phi dẫn 2.000 quân chặn hậu, Triệu Vân dẫn 300 quân hộ tống gia quyến các tướng lĩnh, còn mình với Gia Cát Lượng, Từ Thứ dẫn hơn 1 vạn quân chủ lực bảo vệ dân từ từ kéo đi..

Các tướng bàn với Lưu Bị: "Hiện việc binh đang lúc khẩn cấp, hãy mau chóng tiến binh chiếm Giang Lăng để ổn định đại cục, nếu cứ đi chậm trễ như vậy, quân Tào ắt đuổi kịp trong sớm tối, toàn quân không đánh cũng đã tan, còn mong bảo vệ dân sao được?”. Lưu Bị lại nói rằng: “Ta đâu phải không biết nguy hiểm, song người sáng nghiệp rất cần lấy nhân tâm, nay mọi người theo ta mà đi, sao ta nỡ nhẫn tâm dứt bỏ?”
Ý này trong bài Lưu Bán Dép trước đã phân tích, thực chất thì cuối cùng anh Bị cũng bỏ dân mà chạy. Tổn thất cho dân càng nhiều hơn. Nhưng cách tỏ ra của Bị có tư chất lãnh tụ và an dân. Chả thế, sách sử của nhiều nhà bình luận đời sau khen Lưu Bán Dép: "Lưu Bị tuy thân phận đương lúc điên đảo hoạn nạn lại càng thủ tín nghĩa, sự thế đã mười phần nguy cấp mà vẫn không lỗi đạo, tình nghĩa cảm động cả ba quân, bởi thế không ít người cùng ông ta chia xẻ hoạn nạn, sau này lập nên đại nghiệp là đạo lý tất nhiên vậy"

Khi đến Đương Dương – Tràng Bản thì hai bên gặp nhau, đạo quân của Trương Phi bị đánh tan tác, quân Lưu Bị tuy đông hơn, song vì dân tình nhốn nháo cũng bị đánh cho tơi tả. Lưu Bị, Từ Thứ, Gia Cát Lượng cùng đám tàn quân vừa đánh vừa rút chạy về nam, cuối cùng dừng lại phía sau cầu Tràng Bản nơi giao lưu của hai con sông Chương Thuỷ, Tứ Thuỷ để chỉnh biên lại đội ngũ. Lại sai Trương Phi dẫn 20 kỵ binh chặt cầu Tràng Bản, chẹt ngay ở đầu cầu tạo thế nghi binh, hỗ trợ cho tàn quân rút chạy về Nam. Chính lúc này, ông La Quán Trung đã viết lên chi tiết ông Phi hét một tiếng chết tốt ông Hạ Hầu Kiệt vì tăng xông (!)
Để tránh sự truy đuổi của Tháo, Lưu Bị đành vứt bỏ kế hoạch chiếm Giang Lăng, mà lui về giữ Hạ Khẩu cùng với Lưu Kỳ, gặp được Quan Vũ ở bến Hán Tân, Lưu Kỳ cũng dẫn 1 vạn thuỷ quân đến chi viện, thanh thế tạm thời khôi phục lại.
Trong trận Đương Dương Tràng Bản, Tháo thắng lớn, bắt được rất nhiều người, thu được vô số quân dụng. Hai người con gái của Lưu Bị cùng bà mẹ già của Từ Thứ cũng bị Tào Thuần bắt sống. Nghe mưu kế của Trình Dục, Tháo bắt mẹ già của Từ Thứ viết thư gọi con về hàng. Từ Thứ nhận được thư mẹ rất bối rối, ông ta đến gặp Lưu Bị và Gia Cát Lượng nói rằng: "Tôi rất muốn giúp tướng quân nên bá nghiệp, song nay mẹ già bị bắt, đầu óc rối loạn chẳng thể làm gì, xin hãy cho tôi ra đi". Lưu Bị, Gia Cát Lượng bất đắc dĩ đành để Thứ ra đi.
Điểm lại, trận Đương Dương Tràng Bản, Tháo sử dụng rất ít quân, chỉ có 5.000 kỵ binh là quân Kinh Châu (Văn Sính) và quân họ Viên cũ, kết hợp chừng 2.000 quân kỵ binh của Tào Thuần, song dùng chiến thuật chớp nhoáng, tấn công mãnh liệt mà giành được thắng lợi to lớn. Xét cả chiến dịch cho đến lúc bấy giờ, mới có 2 tháng từ ngày khởi quân ở đất Uyển, Nghiệp, Tháo đã nhanh chóng chiếm được nửa phần Kinh Châu (phía Bắc), kho lương Giang Lăng, thu hàng Lưu Tông, đánh tan Lưu Bị, mà cơ hồ chẳng tốn mấy về quân sự, thiên tài quân sự của Tào Tháo khiến người ta phải sợ hãi.
Sau khi Tháo chiếm được Giang Lăng, tỏ ra kiêu căng tự đắc, ông ta cho sứ giả gửi đến Quyền một phong thư, đại ý: “Ta phụng thánh chỉ đánh dẹp, cờ mao trỏ về Nam, Lưu Tông quy hàng. Nay hạ lệnh cho 80 vạn quân thuỷ bộ cùng tiến, hẹn tướng quân cùng đi săn Giang Hạ”.

Quyền nhận được phong thư vừa có ý chiêu hàng, vừa có ý đe doạ của Tào Tháo liền triệu tập hội nghị quân sự khẩn cấp bàn kế đối phó. Trong lúc hết thảy tướng sĩ Giang Đông đều băn khoăn hoặc sợ hãi thì người chủ cơ nghiệp mới có 27 tuổi này lại bình thản đến mức lạ kỳ ... Toàn bộ cuộc “Hội nghị Diên Hồng” của Đông Ngô sẽ được Ước Mơ Nhỏ mô tả và bình luận ở bài sau. Sau đó, cuộc chiến phát động và trận Xích Bích để đời với trận gió Đông Nam thiêu rụi các chiến thuyền của quân Tào …
 

Nhân đọc đến đoạn Trương Phi trên cầu Tràng Bản, chợt liên tưởng đến chuyện thời Tam Quốc có màn một viên tướng phi ngựa ra thách đấu. Cái này nhiều khi thấy thật trừu tượng bởi khi đánh nhau không có nhẽ phải có qui định tướng đấu với tướng, quân đấu với quân? Rồi tướng thì phơi mặt như thế, ngựa nghẽo to tổ bố như thế thì đối phương nó giương cung lên xèo một phát thì có khác gì “trăm miếng võ tàu không bằng một chầu củ đậu?” mà chết tốt? 

Bây giờ, chúng ta nói về đấu tướng chút cho vui:
TRong Tam Quốc, một chiến dịch gồm nhiều trận đánh lớn nhỏ. Thường những vụ đấu tướng chỉ xảy ra trong các trận đánh mở đầu một chiến dịch, khi hai bên còn muốn thăm dò tìm sơ hở, quật đổ sĩ khí của nhau. Các trận này thường có điểm chung là đồn trại hai bên đều đang vững, chưa dễ mà dùng mưu được. Tuy nhiên, tới khi phát lệnh tiến công (tức là khua trống, thúc phèng la hiệu kệnh xung phong) thì cũng không có màn đơn đả độc đấu nào nữa.

Như vậy, những vụ đấu tay bo ấy để giành phần hơn đã, rồi mới xung sát giáp lá cà. Với cả, cũng chỉ khi tự tin vào sức tướng người ta mới nhận những vụ ấy. Nó như một sự quân tử nhất ngôn của thằng đàn ông làm tướng. Và, những thằng đâm lén, bắn lén lúc này bị lên án và coi là kẻ tiểu nhân. Hình như nhiều đời trước, người ta rất kỵ làm tiểu nhân.

Nhưng mà theo từng thời, từng chủ ý của ông tác giả viết sách nữa. Đọc lại Đông Chu Liệt Quốc, thấy cũng ít mô tả về chuyện tay bo, nên tướng cầm quân là vũ dũng hàng đầu, xông vào đám quân trăm vạn cũng như không. Thành ra cái vụ tay bo chỉ còn là xông vào trận mà tìm tướng bên kia đánh cho nó xứng đáng. Xem ra, chỉ khi nào thách thức, thì chúng nó mới lùi ra để hai chú tay bo.
Hơn nữa, đã là Tướng, chắc hẳn các vị đó đều muốn khẳng định số má trên chiến trường, chỉ có đấu võ thế mới chứng tỏ cái tài năng vũ dũng của họ. Như mãi sau này, các môn phái võ, quyền đều có chuyện người thách đấu với người. Đó cũng là lẽ phân cao thấp và danh dũng. Chỉ khác là cổ xưa thì phân hơn trên sa trường, giá phải đổi bằng mạng sống và danh dự, bây giờ phân hơn trên thảm, sàn đấu và ít nhiều có các biện pháp an toàn cho các đối thủ

Thời Đông Chu (tức trước Tam Quốc), việc binh mỗi lúc một phong phú.  Ban đầu chỉ bộ binh và binh xa. Tới thời Triệu Vũ Linh Vương thì mới có kỵ binh. Từ binh lực mạnh nghĩa là mỗi nước có mấy đạo quân lúc đầu, lấy quân số đè nhau, đến Chiến Quốc thì đã có sự phân biệt rõ về quân tinh nhuệ và quân ô hợp. Từ cảnh ùa vào chém giết hỗn loạn, qua Tào Quệ nước Lỗ thì thấy sự quan trọng của khí thế. Đến Tôn Vũ, Nhương Thư thì thấy độ cần thiết của quân pháp, Ngô Khởi “phụ tử chi quân”, Tôn Tẫn bắt đầu lập mưu dùng mẹo, tránh chỗ thực đánh chỗ hư. Từ việc lấy chính trị làm đầu (thời Quản Trọng, nước Tề cũng không có danh tướng nổi bật) đến đoạn cuối, thành bại cả chiến dịch nằm trong tay đại tướng quân.
Đấu tướng là một phần trong tất cả những sự phong phú ấy. Có thể dùng, có thể không dùng, tuỳ người mà dùng, tuỳ hoàn cảnh mà dùng, bởi vậy, có những thời điểm, trong những quan điểm của người viết sách, ít xuất hiện thì cũng là điều lý giải được.

Đến thời Tam Quốc, nhà nào cũng có tướng tài, thuộc binh thư, lúc mới ra quân hành binh nghiêm cẩn, nhuệ khí sung mãn, nên đối trận đấu tướng là cách nhanh gọn để phá thế cân bằng, phân cao thấp.
Nhưng dẫu lý giải theo cách gì thì có những màn đấu tướng làm cho Tiểu thuyết Tam Quốc hấp dẫn lên rất nhiều. Ví như màn Hứa Chử cởi trần đánh Mã Siêu; rồi Tam Anh chiến Lã Bố…lúc nhỏ coi cứ sướng mê tơi.

Nói đến tướng, không thể bỏ qua sự điểm danh các tướng của 3 Quốc gia. Thời này, từ “Ngũ Hổ Tướng” được ưa dùng. Tất nhiên, sự so sánh cũng là khập khiễng vì có thể có ông giỏi thời Tam Quốc Chí nhưng tới ông La Quán Trung thì lại mô tả không giỏi. Vậy nên việc xếp Ngũ hổ tướng xem ra chưa phải đích đáng. Coi nào:

Nước Thục Hán: Lãnh đạo: Lưu Bị; Quân sư: Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Khương Duy
Mưu Thần: Pháp Chính, Tưởng Uyển, Mã Lương, Mã Tốc ...

Ngũ Hổ Tướng : Quan Vũ (Vân Trường), Trương Phi (Dực Đức), Triệu Vân (Tử Long), Mã Siêu (Mạnh Khởi), Hoàng Trung (Hán Thăng)
Một số tướng dũng cảm và giỏi: Ngụy Diên, Nghiêm Nhan, Mã Đại, Quan Bình, Quan HưngTrương Bào cũng được liệt vào hàng mãnh tướng nước Thục
 
Nước Ngụy: Lãnh đạo: Tào Tháo; Quân Sư: Quách Gia, Giả Hủ; Mưu Thần: Tuân Du, Tuân Úc
Tướng: Trương Liêu, Hạ Hầu Đôn,Từ Hoàng, Hứa Chử, Điển Vi
Ngoài ra còn có Trương Cáp, Hạ Hầu Uyên, Bàng Đức, Vu Cấm, Đặng Ngải, Chung Hội, Tào Nhân…
 
Nước Đông Ngô: Lãnh đạo: Tôn Quyền; Quân Sư : Chu Du, Lục Tốn; Mưu Thần: Trương Chiêu, Gia Cát Cẩn, Lỗ Túc
Tướng: Cam Ninh, Hoàng Cái, Lữ Mông, Chu Thái, Lăng Thống, Thái Sử Từ
Cũng có thể thêm một số mãnh tướng Lăng Tháo, Đinh Phụng,Trình Phổ

Cứ nhìn danh sách các tướng liệt kê của 3 nước trên cũng đủ thấy họ bên tám lạng, người cũng nửa cân. Vậy thì, rõ ràng ông La Quán Trung thiên vị khi đặt bút luôn cho các tướng nước Thục giỏi hơn( Giỏi mà đáng toàn hòa).

Có lẽ, Thời La tiên sinh viết TQDN là thời Trung Hoa đang bị Mông Cổ cai trị (nhà Nguyên), nên ông muốn thể hiện ước mơ phục hưng đất nước vào tác phẩm và nhân vật lí tưởng không ai hơn là Lưu Bị. Vì thế mà phần lớn các tướng Thục được ưu ái rất nhiều và không ít tướng Ngô, Ngụy bị dìm hàng…

Ngòi bút của La Tiên sinh khắc họa thật tài. Nội chỉ là một gã ẩm ương hủ lậu như Lưu Thiện, lòng phò Hán của ông La Quán Trung tạo cho Lưu Bị hai hành vi “Nói vậy, làm vậy mà không phải vậy” là: khi ấu chúa A Đẩu mà Triệu Vân bọc trước ngực tả xung hữu đột phá trùng vây quân Tào cứu ra tại Tràng Bản mang về cho Bị. Khi đó Lưu Bị quẳng con xuống đất, nói: “Vì mày, suýt nữa ta mất một viên đại tướng, khiến cho Triệu Vân “dù gan óc lầy đất cũng không đủ báo đáp”. Sau khi sắp chết, lúc thác cô, Bị giao cậu con ngu cho Thừa Tướng (Lưu Bị còn dặn dò thêm Triệu Vân nữa). Bị nhủ Khổng Minh rằng: “Con trẫm nếu phò trợ được thì làm, nhược bằng nó bất tài thì khanh tự làm chủ nhân của Thành Đô - khiến cho Thừa Tướng nguyện “dốc lòng trung trinh đến chết mới thôi”. Đằng sau câu chuyện tình vua tôi, nghĩa quân thần, đằng sau sự thú vị của tình tiết được trình bày hết sức chọn lọc. La Quán Trung  còn cho người đọc thấy ý vị nhân sinh và dư ba trong tâm tư. Ngòi bút của La Tiên Sinh không nhiều lời nhưng đã làm nên chiều sâu nội tâm, đường nét nhân cách cho các hình tượng nhân vật, gợi lên sự sâu thẳm của cuộc đời nhân thế. Coi kìa: Khổng Minh vừa nghe mấy lời đó của Lưu Bán Dép đã “tay chân rụng rời, mồ hồi đổ khắp mình, khóc lạy” “rập đầu đến chảy máu”? Mĩ nhân đẹp cho người yêu mình, kẻ sĩ chết cho người tri kỉ… 

Cứ tiếc mãi, giá như cái tích loạn 12 sứ quân của Việt Nam chúng mình mà lọt vào tay tác giả La Quán Trung thì có lẽ bây giờ chúng ta có một bộ tiểu thuyết trường thiên hấp dẫn không thua gì ai. Thế mới biết, cái tài của con người ta như sắc đẹp của phụ nữ. Trời cho sao thì biết thế. Chứ nói theo kiểu “cần cù bù thông minh” hay “khổ luyện thành tài” chỉ là an phận động viên…

La tiên sinh xây dựng Khổng Minh số một thiên hạ. Các nhân vật đi theo Lưu Bị đều là số dách cả. Hình ảnh Quan, Trương, Triệu đều là những đỉnh cao của võ thuật. Lưu Bị thì tuyệt nhân, Mã Siêu thì tuyệt đẹp….
Dụng ý thấy rõ phò họ Lưu và chê bai kẻ phản tặc (Tào Tháo).
Tuy nhiên, dù La tiên sinh có chê thế chứ chê nữa thì Tào Tháo vẫn có những cái đáng thích. Chí ít, tài nhìn người của ông Tháo trong Tam Quốc ko ai bằng được. Ông một mình dẹp yên quần hùng bốn phương (Viên, Lã...), đánh dân du mục Khương phương Bắc, tỏa văn minh đến các xứ Cao Ly, Nhật Bản, khiến cái xã tắc nát toét của nhà Hán thành thái bình…

Cái công của Tào Tháo ko chỉ dừng ở đấy. Binh pháp Tôn Tử xưa nay đã được nhiều nhà chú giải, nhưng bản của Tào Tháo chú được công nhận là đầy đủ và hoàn chỉnh nhất, các bản sau này chủ yếu thêm bớt những cái nhỏ nhặt, phần chính vẫn là lời của Tào Tháo. Không có nhẽ gọi nó là…binh pháp Tôn-Tào!

 VietHoa (còn tiếp)


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất