Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam Quốc 9: Điểm danh các tướng, mưu sĩ (Tiếp)

  Hứa Chử, tự là Trọng Khang là vị tướng quân đội của nhà Ngụy sống vào cuối đời Hán, đầu đời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là tướng hầu cận bên Tào Tháo nổi tiếng không chỉ với sức khỏe phi thường mà còn với sự trung thành, tận tụy, hết lòng vì chủ.
.
Ông được Tào Tháo gọi là "Hổ hầu" hay còn có biệt danh là "Hổ dại" do Mã Siêu đặt cho khi ông và Mã Siêu đại chiến ở trận Đồng Quan.
Hứa Chử người Tiêu huyện, được miêu tả là người mình cao tám thước, lưng to mười bản tay, tay cầm thanh đao lớn. Khi Tào Tháo sai Điển Vi đi đánh dẹp bọn dư đảng giặc khăn vàng ở Nhữ Nam và Dĩnh Xuyên thì trên đường truy kích giặc gặp Hứa Chử. Điển Vi thấy Hứa Chử bắt được bọn giặc cướp nhưng không giao nộp nên lao vào đánh Hứa Chử. Cả hai đánh nhau hơn trăm hiệp nhưng bất phân thắng bại. Tào Tháo thấy Hứa Chử sức khỏe phi thường như vậy nên thích lắm bèn sai người dùng kế bắt sống rồi mời Hứa Chử theo phục vụ mình. Hứa Chủ vui vẻ nhận lời và được Tào Tháo phong làm đô úy, cho làm tướng hầu cận bên cạnh mình cùng với Điển Vi. Và từ đây ông đã lấp được rất nhiều chiến công hiển hách
Năm 208, Hứa Chử đi theo Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu và tham gia trận Xích Bích nhưng thất bại. Trên đường trở về Hứa Đô, Hứa Chử đã bảo vệ Tào Tháo và các mưu sĩ an toàn trước sự truy kích của quân Lưu Bị và quân Đông Ngô. Ấn tượng nhất với tôi chính là khúc: Hứa Chủ cởi trần đánh Mã Siêu.
 
Họ Hứa

Điển Vi là một viên tướng sống vào cuối đời nhà Hán, đầu đời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Điển Vi là hộ vệ tin tưởng nhất của Tào Tháo
Điển Vi quê ở Trần Lưu, theo lời kêu gọi tham gia quân đội của thái thú Trương Mạc, nhưng vì lỡ tay giết người nên phải bỏ trốn. Điển Vi được Hạ Hầu Đôn tiến cử cho Tào Tháo. Tào Tháo thấy Vi sức khỏe phi thường nên cho làm chức Trướng tiền đô úy, cho đi theo bảo vệ Tháo. Sau đó, Vi lập được nhiều công trạng nên được Tào Tháo rất tin tưởng.

Năm 197, Tào Tháo dẫn 15 vạn quân đánh Trương Tú ở Uyển Thành. Khiếp sợ, Trương Tú phải đầu hàng. Sau vì Tào Tháo tư thông với thím dâu của Trương Tú nên Trương Tú tức giận muốn đánh Tháo nên bàn với mưu sĩ là Giả Hủ và tướng là Hồ Xích Nhi. Hồ Xích Nhi bảo Tào Tháo có Điển Vi bảo vệ nên rất khó đánh, nên dùng kế chuốc rượu cho Vi say mèm và ăn cắp đôi thiết kích của ông. Bị đánh úp bất ngờ, Tào Tháo tìm đường trốn. Điển Vi nghe thấy tiếng ngựa người ho reo liền bật dậy, không thấy đôi thiết kích, ông giật lấy cây kiếm của lính canh và lao vào cứu Tào Tháo. Nhờ có Điển Vi chặn cửa trước nên Tào Tháo mới thoát được. Sau đó Điển Vi hi sinh anh dũng. Nghe tin Điển Vi hy sinh, Tào Tháo khóc thương vô cùng, khi về Hứa Đô, lập đền thờ Điển Vi và phong cho con trai Điển Vi là Điển Mãng chức Trung lang và nuôi dưỡng trong phủ. Ông còn nói với các tướng rằng: "Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”.
 
 

Hoa Đà tự là Nguyên Hóa, là một vị lương y nổi tiếng thời Đông Hán trong lịch sử Trung Hoa, được xem như thần y. Ông được xem là một trong những ông tổ của Đông Y. Hoa Đà là người ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự châu, là đồng hương của Tào Tháo.
Hoa Đà nổi tiếng là thầy thuốc giỏi.  Ông từng chữa cho nhiều danh tướng như Chu Thái ở Đông Ngô, Vân Trường  nhà Thục Hán…

Tào Tháo đã mắc bệnh đau đầu trong nhiều năm, sai người triệu ông đến chữa trị. Do thuốc của Hoa Đà hiệu nghiệm, ông được giữ lại trong quân Tào Tháo một thời gian. Những lúc bị đau, Tào Tháo nhờ Hoa Đà châm cứu cho một vài mũi kim thì bệnh tình đỡ đi nhiều.
Sau này Tào Tháo có người nhà mắc bệnh, lại gọi Hoa Đà tới chữa. Được một thời gian chưa xong, Hoa Đà xin về nhà thăm vợ có bệnh, lại xin nghỉ thêm ít lâu nữa. Tào Tháo nghi ngờ, sai người đến dò xét thì thấy vợ Hoa Đà không có bệnh gì, bèn hạ lệnh bắt Hoa Đà vào ngục hỏi tội. Bị ngục lại tra tấn, Hoa Đà chết trong ngục.

Năm 219, Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu. Bị bệnh đau đầu hành hạ không có ai chữa được, Tào Tháo rất ân hận vì đã giết Hoa Đà. Tháng giêng năm 220, Tào Tháo qua đời. Chúng ta sẽ phân tích thêm về Hoa Đà.

Khương Duy, tự  Bá Ước, học trò của Gia Cát Lượng; Quê quán ở huyện Ký, quận Thiên Thủy nước Ngụy. Khương Duy từ nhỏ mồ côi cha, gia cảnh bần hàn phải bươn chải kiếm sống và tự học tập thành tài. Khi đến tuổi trưởng thành, Khương Duy phục vụ cho chính quyền Bắc Ngụy với chức vụ nhỏ ở quận Thiên Thủy. Năm 228, Gia Cát Lượng tiến hành ra Kỳ Sơn lần thứ nhất, tiến công chiếm lấy 3 quận của Ngụy. Gia Cát Lượng bày kế sai người đến quận Thiên Thủy mục đích điều động binh lực trong thành ra ngoài rồi tập kích bất ngờ. Khương Duy nhìn rõ âm mưu nên tương kế tựu kế đánh bại. Điều này làm Gia Cát Lượng rất hứng thú, quyết tâm sẽ chiêu hàng vị tướng trẻ tuổi tài cao này về cho Thục. Đầu tiên, Gia Cát Lượng giả vờ tấn công huyện Ký, buộc Khương Duy phải quay về đó để bảo vệ an toàn cho mẹ. Tiếp theo là dùng kế lý gián cho người khác đóng giả Khương Duy tấn công thành, để thái thú Thiên Thủy hiểu lầm Khương Duy đã đầu hàng Thục cắt hết đường về. Sau cùng thì Gia Cát Lượng thành công, chiêu hàng được Khương Duy nhận làm người kế thừa. Những năm tháng sau đó, Khương Duy là một trong những mãnh tướng hỗ trợ Gia Cát Lượng trong các cuộc tiến quân ra Kỳ sơn còn lại.

Năm 234, Gia Cát Lượng qua đời thì Khương Duy thay thầy nắm giữ trọng trách quân sự, là trụ cột cuối cùng giữ vững cho giang sơn Thục Hán. Từ năm 247, Khương Duy liên tiếp tiến hành các cuộc Bắc phạt với mục đích kế thừa di nguyện của ân sư. Do nhiều nguyên nhân, những cuộc bắc phạt đó ko có thành công lớn nhưng ít ra Khương Duy cũng đã khiến cho kẻ địch phải dè chừng,  nhà Thục vẫn còn an toàn.

Năm 263, Tư Mã Chiêu sai hai đại tướng Chung Hội và Đặng Ngải tấn công Tây Thục nhằm thống nhất thiên hạ. Khương Duy cùng các tướng tử thủ tại Kiếm Các, kết quả đã khiến cho quân địch chán nản không thể tiến thêm bước nào nữa thì bất ngờ nhận được chiếu thư từ Hậu chủ Thục Hán Lưu Thiện ra lệnh giải giáp quy hàng. Khương Duy đành nhẫn nhịn, trá hàng với Chung Hội. Biết rõ giữa hai tên này có mâu thuẫn, Khương Duy thừa cơ ly gián để Chung Hội loại trừ Đặng Ngãi, sau đó xúi giục Chung Hội làm phản tạo cơ hội khôi phục nhà Thục. Đáng tiếc âm mưu không thành, Khương Duy đành phải tự vẫn. Kinh nhất là khi quân tướng Ngụy mổ bụng Duy để trả thù thì thấy quả mật to bằng trứng gà. Thế mới biết các cụ dạy câu “to gan lớn mật” là có cơ sở.
Khương Duy

Ngụy Diên tự là Văn Trường là một tướng của Thục Hán trong thời kỳ Tam Quốc của lịch sử Trung Hoa. Năm 211, Ngụy Diên cùng tham gia chiến dịch của Lưu Bị đánh Ích Châu (ngày nay là tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Tài năng của Ngụy Diên đã giúp ông được trọng dụng và trở thành một trong những vị tướng trụ cột Lưu Bị. Lưu Bị đã phong Ngụy Diên là Thái thú Hán Trung năm 219.
Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa, Ngụy Diên được mô tả là một tướng thường mang lòng phản trắc, phản chủ cầu vinh. Lúc Gia Cát Lượng qua đời, Ngụy Diên tạo phản nhưng đã bị Mã Đại và Dương Nghi giết chết theo kế của Gia Cát Lượng trước khi mất đã truyền cho.

Theo nhiều ý kiến thì Gia Cát Lượng có thành kiến không tốt với Ngụy Diên nên thường hay đem lòng nghi ngờ lòng trung thành của ông. Dù có lần Ngụy Diên hiến kế hay (đánh Nguỵ từ đường tắt là hang Tý Ngọ để tập kích vào Trường An chứ không đi theo đường chính diện sẽ lâu và lộ liễu) nhưng Gia Cát Lượng vì thành kiến cá nhân nên không nghe theo. Kết quả thực tế cho thấy 6 lần Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn không theo kế của ông lần nào và đều không thành công. Có lẽ, khi phân tích về Ngụy Diên sau này, chúng ta sẽ tham khảo kỹ thêm về các sử sách và tài liệu khác để làm rõ Ngụy Diên hơn. Thú thực, so sánh sơ sịa các tài liệu, rõ ràng là ông La Quán Trung có vẻ dìm hàng bác Diên của chúng ta quá đáng. Không! Nhất quyết, dù chỉ vài nhời thấp cổ bé họng nhưng Ước Mơ Nhỏ cũng phải nói cho khách quan nhẽ nhàng về Ngụy Diên…
 
Ngụy Diên

Mã Đại là một vị tướng của nước Thục. Trước đó, Mã Đại là một tướng dưới quyền của chú mình là Mã Đằng và sau đó là Mã Siêu, con trai cả của Mã Đằng, sau khi trải qua nhiều bôn ba, cuối cùng ông đã cùng với chủ của mình là Mã Siêu đầu quân cho Lưu Bị, phục vụ cho nhà Thục. Mã Đại là một vị tướng được Gia Cát Lượng tin tưởng, ông thường được giao những nhiệm vụ quan trọng trong các cuộc viễn chinh của nhà Thục (cùng với Triệu Vân và Ngụy Diên). Trước khi Mã Siêu chết có dặn dò, nhờ cậy Lưu Bị chăm sóc, giúp đỡ cho Mã Đại vì đây là nhân vật cuối cùng khói nhang cúng giỗ trong gia tộc họ Mã. Mã Đại luôn được sự tín nhiệm của triều đình nhà Thục, bản thân ông cũng là vị tướng có uy tín trong quân đội Thục, đã đóng góp nhiều công lao cho nhà Thục.

Khúc nổi nhất của Mã Đại là vung đao cứa đứt cổ Ngụy Diên trong lúc ông này không ngờ nhất. Tuy nhiên, việc ông làm là theo kế sách và phân công chức phận. Trước đó, ông đã được nhận nhiệm vụ theo mưu kế được Gia Cát Lượng sắp đặt cùng với Khương Duy. Nguyên là Khổng Minh trao mật kế cho Mã Đại, chỉ đợi Ngụy Diên thét lên, thì nhân lúc bất ngờ mà chém chết Diên. Sau Thục đế xét thấy Mã Đại có công giết giặc, được thăng quan tước của Ngụy Diên.
 
Cam Ninh, tự Hưng Bá là vị tướng quân đội của phe Đông Ngô sống vào cuối đời Hán, đầu đời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi gan dạ và dũng mãnh qua nhiều trận đánh. Là một trong bộ tứ tướng của Đông Ngô: Cam Ninh, Lăng Thống, Lữ Mông, Lục Tốn.
Cam Ninh sinh tại Lâm Giang thuộc Ba quận, từ lúc nhỏ đã có sức mạnh, thích giao du hành động vì nghĩa, chiêu nạp tụ tập đám thiếu niên nhanh nhẹn hư hỏng để làm thủ lĩnh của chúng. Thường cùng nhau tụ hội thành bè, giữ cung cầm nỏ, đội lông thú đeo chuông nhỏ. Dân nghe tiếng chuông liền biết là Ninh. Sau này ông hành nghề cướp biển, cướp của người giàu chia cho người nghèo.
Ban đầu ông đầu quân cho Lưu Biểu nhưng về sau, ông muốn theo Đông Ngô nhưng bị Hoàng Tổ giữ lại ở Hạ Khẩu. Tại đây ông đã lập được công lớn là bắn chết Lăng Tháo nhưng lại bị Hoàng Tổ ngược đãi, chỉ xem Ninh như một tên cướp biển vô danh nên Cam Ninh đã quy hàng Đông Ngô, lấy đầu Hoàng Tổ. Quả mệt nhất của Ninh là cái mối thù do Lăng Thống – một tướng Đông Ngô nuôi trong lòng vì Ninh đã giết cha Thống là Lăng Tháo…
 
Cam Ninh

Hoàng Cái tự Công Phúc, là vị tướng quân đội của nhà Đông Ngô trong lịch sử Tam Quốc. Ông phục vụ cho cả 3 đời lãnh đạo Đông Ngô là Tôn Kiên, Tôn Sách và Tôn Quyền. Hoàng Cái nổi tiếng qua chiến công khổ nhục kế, trá hàng đốt chiến thuyền của quân Tào Tháo trong trận Xích Bích góp phần quan trọng cho thắng lợi của quân Đông Ngô vào năm 208.

Năm 208, Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, có ý muốn chiếm lấy Giang Đông. Tôn Quyền bèn liên kết với Lưu Bị chống lại Tào Tháo, trận Xích Bích bùng nổ. Chu Du, đại đô đốc của phe Ngô muốn sử dụng liên hoàn kế chống lại Tào Tháo, nhưng phải tìm người trá hàng đốt chiến thuyền Tào Tháo. Hoàng Cái liền nhận nhiệm vụ đó. Hoàng Cái đã dùng khổ nhục kế, để Chu Du đánh 50 roi đến thịt nát, máu văng rồi ông nhờ Tưởng Cán đem hàng thư đến Tào Tháo, Tào Tháo tin lời và khi Hoàng Cái đến trá hàng giả vờ là đi tải lương nhưng trong khoang thuyền chứa đầy chất dẫn hỏa. Khi thuyền đến gần thủy trại Tào Tháo thì Hoàng Cái phóng hỏa đốt cháy chiến thuyền Tào Tháo rồi định kéo đi giết Tào Tháo nhưng bị Trương Liêu bắn 1 mũi tên té xuống nước may nhờ có Hàn Đương cứu thoát chết.
Hoàng Cái

Trương Phi tự là Ích Đức, hay thường được gọi là Dực Đức, người Trác Quận (nay là Trác Châu, địa cấp thị Bảo Định, tỉnh Hà Bắc). Khúc mức nhứt là khúc chua choét về ông Phi lúc hội bàn đào. Khúc ghê răng nhứt là khúc ông Phi gân cổ hét hậu quả sập cầu Tràng Bản. Khi ấy ông chỉ có vài mươi kị sĩ còn Tào Tháo có trăm vạn hùng binh. Trong trận ấy, viên quan theo hầu Tào Tháo là Hạ Hầu Kiệt đã hoảng sợ đến mức vỡ mật mà chết.

Nhưng khúc oai nhứt của ông Phi không phải là lúc thu phục… mà khúc oánh nhau với Trương Cáp.Tam Quốc diễn nghĩa mô tả trận này Trương Phi sai người tung tin ông say rượu trong trướng, để hình người nộm để dụ Trương Cáp vào cướp trại rồi đổ phục binh đánh bại Trương Cáp. Trương Phi thắng trận, cho dựng một tấm bia trên sườn núi Đãng Cừ, tự tay viết văn bia, lời lẽ rất hùng tráng và hơi chảnh:

Tướng quân nhà Hán là Phi, suất lãnh một vạn tinh binh đại phá đầu sỏ của giặc là Trương Cáp ở Đãng Cừ, dừng ngựa dựng bia

Ngoài ra, ông là một trong 2 tướng đã từng đơn độc giao chiến với Lã Bố mà chưa bị thua chạy hoặc bị giết (người còn lại là Hứa Chử). Trong trận Hổ Lao, để cứu Công Tôn Toản, ông đã đấu với Lã Bố hơn 50 hiệp bất phân thắng bại trước khi Quan VũLưu Bị ra trợ chiến. Tổng cộng Phi đã đấu với Bố 2 trận, tất cả gần 150 hiệp và đều bất phân thắng bại (trong khi Hứa Chử chỉ giao chiến với Lã Bố được 20 hiệp bất phân thắng bại trước khi Tào Tháo sai 5 tướng khác ra trợ chiến)

Cũng chính vì tính nóng nảy của mình mà ông đã chuốc họa sát thân. Do nôn nóng báo thù cho anh là Quan Vũ bị quân Đông Ngô hại nên ông thường đánh đập quân sĩ. Trong đó có hai tên hạ quan dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương, họ âm thầm sát hại ông vì lo sợ bị ông chém đầu vì không hoàn thành quân lệnh ông giao là phải lo quân trang cờ xí màu trắng cho toàn quân của ông mặc để tang anh là Quan Vũ trong cuộc tấn công báo thù quân Đông Ngô. Đêm đó ông say rượu ngủ và bị đâm chết. Thật là một cái chết lãng nhách. Trong bài Quan Vũ, tôi đã bày tỏ cảm xúc về Trương Phi…
Trương Phi
 
Lỗ Túc, tên chữ là Tử Kính, người xứ Lâm Hoài, mồ côi cha từ thuở nhỏ, ở với bà nội, nhà rất giầu có, có tính thích ban ơn, chí lớn, ít quan tâm cái nhỏ nhặt. Khi thiên hạ đại loạn, Túc phân phát hết tài sản trong nhà, mua ruộng đất, cứu giúp người nghèo khó, cơ khổ, tự đứng ra lập đạo quân riêng. Khi Chu Du lớn lên, nhà nghèo, thiếu cả cái ăn cái mặc, có người mách Du đến gặp Lỗ Túc xin vay gạo. Khi ấy trong nhà Túc có 3 kho thóc lớn, Túc bảo Du lấy đi một kho mà dùng. Du trở thành kẻ phong lưu lỗi lạc cũng phần nhiều nhờ sự giúp đỡ vô tư ấy của Túc. Sách chép: "Chu Du thấy việc lạ liền kết thân với Lỗ Túc".

La tiên sinh trong TQDN mô tả Túc như là một người thật thà, nhu nhược, không có chủ kiến, hay bị Gia Cát xỏ mũi. Song thực tế lịch sử lại khác hoàn toàn, Túc là người cực kỳ cao ngạo, giầu mưu lược, có khả năng chính trị cao độ, biết phân tích đại cục thấu đáo, là nhà quân sự, chính trị lỗi lạc phi thường bậc nhất xứ Giang Đông thời ấy.

TQC chép: Khi Túc gặp Quyền từng bày tỏ: "Chúa công hãy dựng đỉnh ở Giang Đông, nhìn thiên hạ tranh giành, trước diệt Hoàng Tổ, phá tan Lưu Biểu, độc chiếm Trường Giang, lập nghiệp đế vương, sau sẽ thâu tóm cả thiên hạ". Quyền nghe nói rất cao hứng, coi Lỗ Túc là kẻ tri kỷ, đặc biệt tin tưởng và thường dành cho những lời khen ngợi.
Lỗ Túc

Chu Du, Tự là Công Cẩn, người Lư Giang đất Ngô, tổ phụ là Chu Cảnh từng làm chức Thái uý dưới triều Đông Hán, bố là Chu Dị làm huyện lệnh huyện Lạc Dương, sau từ quan. TQC chép: "Chu Du thân thể cao lớn, hình dung tuấn tú, tính tình rất cởi mở rộng rãi, phong lưu lỗi lạc, rất được bạn bè vị nể. Khi Du còn trẻ đã tinh thông âm luật."

Khi Tôn Sách sắp mất, có căn dặn lại Tôn Quyền rằng: “Việc quyết kế quốc gia đại sự rất đáng phải hỏi ý kiến quần thần, việc trong không quyết nên hỏi Trương Chiêu, việc ngoài không quyết nên hỏi Chu Công Cẩn", từ đó có thể thấy rằng, trước mối đe doạ lớn từ phương Bắc, Chu Du có tầm quan trọng lớn lao đến thế nào. Trong Ước Mơ Nhỏ, chúng ta sẽ lặp lại Chu Du nhiều lần nữa với tài của anh này trong trận Xích Bích và một số vụ việc khác. Nguyên món anh này cua được em gái Tiểu Kiều – đệ nhị nhan sắc Giang Đông cũng đủ nói lên tài tán gái của sếp xuất sắc cỡ nào. Thật tiếc, trong sử Tàu và trong Tam Quốc không ghi lại chút gì chuyện tìm hiểu, chuyện yêu đương của bác Chu Công Cẩn. Chỉ có vài giai thoại giễu giễu như kiểu Tiểu Kiều đến gặp Hoa Đà bác sĩ để xin thuốc tăng lực cho chồng và có hiệu nghiệm. Tuy nhiên, ghép giai thoại ấy vào người sắp về thế giới bên kia mà thổ huyết như anh Du thì hơi bất nhẫn. Xin phép không kể ra đây!

Có một dạo đọc thấy Không Minh thật giả dối khi khóc Chu Du. Song càng ngày, thấy cái khóc đó quá sâu sắc. Người tài bao giờ cũng cô đơn. Cô đơn như đá núi yểm giữa vườn hoang. Viên đá núi bị tách khỏi sườn núi mang về như giữ vai chính giữa khu vườn mà cô đơn có một. Vạt cỏ, lạch suối giả bơm sao hiểu cho nổi. Người cùng phe, dưới trướng tung hô mình cả ngày mà mình không sướng được. Vì họ có bổn phận như vậy, chứ họ có hiểu quái được tài mình đâu (muốn hiểu cũng chẳng đủ tuổi).
Còn tri kỷ của mình, hiểu mình nhất, căm mình nhất hỡi ôi, lại là cái thằng địch thủ, cái thằng chỉ tìm mọi cách hại mình. Khi nó chết, còn ai hiểu tài mình nữa. Nó chết, sao mình không tiếc cơ chứ? Nước mắt của  bác Minh thật sâu xa kinh khủng. Cảm ơn ông La Quán Trung! viết về anh hùng mà sâu xa, thâm thúy, diệu khiếu như thế mới thực là quái bút...
Chu Du và Vợ (Tiểu Kiều)  

Bàng Thống, tự Sỹ Nguyên, người xứ Tương Dương, là cháu của Bàng Đức Công người nổi tiếng nhất họ Bàng, một trong những người có danh tiếng nhất trong các danh sỹ Kinh Tương thời Lưu Biểu.
Bàng Thống lớn hơn Gia Cát Lượng 3 tuổi, là người có những cá tính dị biệt, đánh giá sơ bộ thì thấy có những nét trái ngược hẳn với con người của Gia Cát. Khổng Minh cao lớn, anh tuấn, tính khí cao ngạo, song xử sự rất điềm đạm, giữ lễ; còn ông Thống thì thấp lùn, đen nhẻm, dáng vẻ thô lậu, rất hào phóng, không chịu ràng buộc, thường làm những việc không đáng làm khiến người khác khó hiểu, lại thường có những lời đại ngôn khiến người xung quanh thấy khó chịu. Giới sỹ Kinh Tương lúc bấy giờ cũng chỉ biết Thống là cháu Bàng Đức Công mà tỏ ra tôn trọng chứ thực sự rất ít người biết được tài hoa phi phàm của Bàng Thống, trừ có một người, đó là Thuỷ Kính tiên sinh – Tư Mã Huy.
Khi tuổi còn trẻ, Thống có vẻ “đại trí như ngu”, dưới cái vẻ ngoài chẳng có gì đặc biệt, kèm theo đó là cái cung cách có vẻ rất cuồng vọng song lại ẩn chứa sau đó là cả một trí tuệ siêu phàm.
Lúc chiến loạn lan tràn khắp vùng Dĩnh Xuyên, đại lão phái Thảo dã là Bàng Đức Công đã mấy lần mời Tư Mã Huy rời quê quán đến Nam Dương lánh nạn, song Tư Mã Huy vẫn do dự không muốn. Bàng Thống khi ấy mới 20 tuổi, đặc biệt ưa thích và hâm mộ danh tiếng của Thuỷ Kính tiên sinh nên đã mấy lần chẳng ngại đường xá xa xôi nghìn dặm, đến tận Dĩnh Xuyên bái kiến Tư Mã Huy. Lần đầu Thống đến, Thuỷ Kính tiên sinh đang hái dâu ngoài vườn, chẳng để ý gì đến Thống, Thống cũng chẳng câu nệ, ngồi ngay xuống dưới gốc dâu nói chuyện huyên thuyên, từ lúc giữa buổi đến tận chiều tối mịt tựa hồ nói chẳng hết chuyện. Thuỷ Kính tiên sinh thấy người trẻ tuổi nói năng mạch lạc, bàn đến những chuyện đại sự, tỏ vẻ rất am hiểu, giỏi giang, học vấn uyên bác thì lấy làm lạ, tỏ lòng ngưỡng mộ, khen ngợi là danh sỹ hàng đầu đất Nam Dương, gọi là Phượng Sồ.
Trong biến loạn Kinh Tương, Thống làm một chức quan nhỏ, trông coi việc văn thư và pháp lệnh ở Nam Quận. Thống thường lười nhác, tư lự hàng giờ, rất ít để ý đến việc thế tục, hàng ngày lại lấy việc chè rượu ăn nhậu làm thú tiêu khiển, chỉ làm việc quấy quá cho xong. Mỗi khi có việc, Thống thường thao thao bất tuyệt, diễn thuyết dài dòng, bàn luận đến những việc đâu đâu, vượt quá cả chức phận của một viên mọn quan, vì thế hay bị người xung quanh chế nhạo, song Thống chẳng lấy thế làm tức giận hay phiền não, chỉ thản nhiên bảo: "Nay là lúc thiên hạ đại loạn, đạo lý chân chính chẳng thấy đâu, người tốt thì ít, kẻ ác quá nhiều. Tôi muốn nêu rõ đạo lý trước phong tục để mọi người cùng xem trọng mà theo, vì thế mà phải bàn đến những điều đặc biệt với người khác. Nếu người nghe để tâm đến thì lĩnh hội được nhiều, không để tâm mấy thì lĩnh hội được ít, như thế tôi nói 10 việc, giữa chừng rơi rụng mất 5 việc cũng vẫn còn đọng được một nửa, đủ để đề cao giáo hoá xã hội, khiến cho kẻ có chí được khích lệ, chẳng phải là việc rất nên làm ư?".
Chu Du làm thái thú Nam Quận, để ý đến tài hoa của Thống, rất coi trọng, bổ nhiệm làm bí thư cơ yếu. Từ đó có nhiều danh sỹ Giang Đông được biết đến tài nghệ của Thống, thường hay cùng Thống đàm luận chuyện thế sự, việc đời… Trong số đó có Lục Tích, Cố Thiệu, Toàn Tông. Điểm đặc biệt của Thống là tuy lỗ mãng, đại ngôn, song lại rất chân thành, vì thế đôi khi có việc rất nhỏ, nhưng cũng làm Thống cáu giận.
Có lần các danh sỹ Giang Đông ở Nam Quận ngồi nói chuyện với Thống, có người trêu Thống rằng:
- Xem chừng so với ba vị Cố, Lục, Toàn thì Sỹ Nguyên thật không bằng.
Thống cả cười nói:
- Lục tiên sinh giống như con kiêu mã, cá tính phiêu lãng, chí ở nghìn năm, nhưng kiêu mã tuy kiêu ngạo mà chí hướng chỉ đủ dùng cho một mình mình. Cố tiên sinh thì như con trâu mộng, kéo xe nặng mà lại đi xa, nhưng dẫu đi ngày 300 dặm cũng chỉ đủ mang nổi thân mình. Còn Toàn tiên sinh có cả tính chuẩn mực, biết trọng danh tiếng, phải cái trí lực kém cỏi, nhưng cũng là người có danh một thời.
Lời lẽ của Thống rất thô lậu đầy vẻ cuồng ngạo, nghe rất mếch lòng, song bù lại là sự biểu thị rất chân thành nên cũng không làm người khác cáu giận.
Có một lần, Toàn Tông ngủ đêm lại chỗ Thống, ban đêm cùng nói chuyện, biết Thống thẳng tính, Tông hỏi: "Tiên sinh biết xem tướng người, xin hỏi trong hai ta ai sẽ thành đạt hơn?" Thống thản nhiên bảo: "Khuôn mẫu thế tục, kén chọn nhân tài tiên sinh hơn tôi nhiều lắm, song bàn việc đế vương, vạch định sách lược, nghị luận mưu kế, xây dựng thể chế cho cả một chỉnh thể tôi hơn hẳn tiên sinh".

Như trong bài Lưu Bán Dép đã nói:
Lúc Chu Du chết, Thống ở trong đám người hộ tống linh cữu về Giang Đông có gặp Lỗ Túc, được Túc có ý trọng dụng mới giới thiệu lên Quyền, song khi ra mắt, Thống nói năng đại ngôn đầy vẻ cuồng ngạo khiến Quyền đang lúc buồn bực rất có vẻ không ưa nên quyết làm ngơ chẳng thèm trọng dụng. Thống buồn rầu định trở về quê quán, lại gặp Gia Cát cũng sang viếng tang Chu Du ở đó. Hai bên vốn trước có quen biết, xa cách lâu ngày nay lại gặp nhau nên rất đỗi vui mừng. Túc lại đem chuyện Thống nói với Gia Cát, lúc ấy Gia Cát đang bận bịu nhiều việc bàn bạc với Lỗ Túc nên chỉ viết vội một lá thư tiến cử Thống với Bị và khuyên Thống về với họ Lưu.
Thống trở về Công An, gặp Lưu Bị, cũng không nói có thư của Lượng, chỉ nói hàm hồ rằng được Túc giới thiệu đến. Hai bên nói chuyện một lát, Bị bổ nhiệm Thống làm chức huyện lệnh huyện Lai Dương.

Khi Thống đến huyện Lai Dương, chỉ khoái rượu chè, ăn nhậu, suốt ngày chẳng để mắt vào việc, Lưu Bị biết tin rất tức giận cho cách chức Thống. Túc nghe được tin ấy vội vã gửi thư cho Bị, thư có đoạn: “Bàng Sỹ Nguyên đích thị chẳng phải là kẻ có tài mọn, hãy nên giữ ở bên mình, giao cho việc lớn để phát huy được đại tài, không nên bỏ phí người hiền, chớ vội chỉ nhìn người mà đánh giá tài năng”. Bị còn đang hồ nghi chưa định thì Gia Cát từ Giang Đông trở về, nghe chuyện Thống xong liền trịnh trọng đề cử Thống với Bị. Bị tuy từ lâu đã nghe dang Phượng Sồ, xong có Túc, Lượng tiến cử, dẫu chẳng thích nhưng cũng tạm nghe theo. Mãi sau, khi cùng Thống trao đổi công việc mới biết đích xác rằng Thống là tài năng hiếm có, rất hối hận việc trước, lập tức trọng dụng, địa vị của Thống được xắp xếp cũng gần tương tự như Gia Cát Lượng vậy.
 
 
Bàng Sĩ Nguyên

Trương Chiêu: Trong hàng ngũ văn quan xứ Giang Đông, Trương Chiêu là người nổi tiếng hơn cả, ông ta luôn được nhắc đến như một mưu thần rất quan trọng. Trương Chiêu tự là Tử Bố, người Bành Thành xứ Giang Đông, học vấn rất quảng bác, có tài cán, đặc biệt trung thành, có năng lực hành chính rất cao, cá tính rắn rỏi, ưa nói thẳng. Chiêu theo về với Tôn Sách từ năm Kiến An thứ 6, giúp được nhiều kế sách hay, được Sách rất tin dùng. Trong các mưu thần Giang Đông, người Chiêu rất không ưa là … Lỗ Túc. Khi Sách mới mất, ba quân xao động, tình hình chính trị khá nguy nan, nhờ sự giúp đỡ nội chính của Trương Chiêu mà Tôn Quyền dành được sự tin cậy của ba quân, mau chóng ổn định tình hình. Quyền rất kính trọng Chiêu, lấy lễ thầy trò đối đãi.

Triệu Vân tự là Tử Long người vùng Thường Sơn, là một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam QuốcTrung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục, với Lưu Bị là vị hoàng đế đầu tiên. Ông được phong chức Hổ uy Tướng quân và đứng thứ ba trong Ngũ Hổ Tướng của nhà Thục, bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng TrungMã Siêu.

Ban đầu, ông về với Công Tôn Toản, một tướng quân cát cứ trong vùng vào khoảng cuối năm 191 hoặc đầu năm 192 sau công nguyên, với danh nghĩa thủ lĩnh 1 đội quân tình nguyện nhỏ. Trong năm 192, Triệu Vân được xếp dưới quyền trực thuộc của Lưu Bị, người mà khi ấy chỉ là bộ tướng của Công Tôn Toản, giữ chức Phiêu kỵ tướng quân. Lưu Bị có vài nghìn kỵ binh, và Triệu Vân được điều đến trong hàng ngũ này. Ngay sau đó Triệu Vân từ bỏ Lưu Bị và Công Tôn Toản để về quê chịu tang anh trai. Triệu Vân lại theo về với Lưu Bị vào năm 200. Từ đó Triệu Vân quan hệ rất gắn bó với Lưu Bị. Trận Tương Dương-Tràng Bản, một mình anh tả xung hữu đột phò Ấu chúa Lưu Thiện và bảo vệ các bà vợ của Lưu Bị. Có lẽ, ông là người đời sau có thơ khen nhiều nhất về các cuộc đấu chiến. Ví dụ:
Một mình một ngựa một cây thương
Tuổi bảy mươi rồi sức vẫn cường
Bốn tướng một tay khua sạch nhẵn
Anh hùng nào khác trận Tương Dương
Hặc! nghĩ mà thẹn cho bản thân, mình mới ngoài sáu chục mà leo cái mấy cái bậc Khiêm Lăng của ông Minh Mạng mà còn thở phì phò. Người xưa 70 tuổi còn vung thương chọc giết người như ngóe. Khỏe dai kinh! Có hai vị già mà gân còn hơn bác …Hùng Võ thời nay nhiều là Hoàng Trung và Triệu Vân. Hoàng Trung còn kéo gẫy cả cung xịn nhất mang mã sản xuất Ma đờ in Ba Thục.
 
 
Triệu Vân lúc trẻ và già

Viên Thiệu là một người nổi lên hàng đầu trong đám quần hùng đời Hán mạt (trước khi trận chiến Quan độ nổi tiếng xảy ra). Tổ phụ Viên Thiệu là Viên An (giữ chức Tư đồ), con Viên An là Viên Sưởng (giữ chức Tư không), và Viên Kinh (Thái thú Thục Quận), con Viên Kinh là Viên Thang (Thái uý), con Viên Thang là Viên Phùng, Viên Khôi (đều làm đến chức Tam không). Vậy là 4 đời nhà Thiệu làm đến chức Tam Công, môn sinh, thân thích làm quan đầy triều.
Viên Thiệu là cháu ruột Viên Thang cũng nổi tiếng là tuấn kiệt nên được rất đông kẻ sỹ theo giúp, danh tiếng nổi như cồn. Do xuất thân từ một gia tộc danh tiếng nên đường sĩ đồ của Viên Thiệu không phải chịu cảnh long đong như Tào Tháo. Vừa bước chân vào chốn quan trường được làm ở phủ Đại tướng, sau thăng làm Ngự sử, sau nữa lại được thăng làm Tư lệ hiệu uý (chỉ huy quân cấm vệ kinh thành).
Khi Đổng Trác đoạt quyền chính, Thiệu bỏ quan chạy về Ký châu, được tôn làm minh chủ đạo quân Quan Đông chống nhau với Đổng Trác. Sau sự kiện đó, Thiệu cướp Ký Châu của Hàn Phức, đánh bại Điền Khải ở Thanh Châu, diệt Công Tôn Toản ở Hoa Bắc, xâm lấn Kinh Châu bành trướng thế lực khắp bốn châu Ký, Thanh, U, Tinh. Sau đó dồn binh ở Lê Dương và Quan Độ quyết một trận thư hùng cùng Tào Tháo.
Trong chiến dịch Quan độ, Thiệu đã đối địch với một tay quân sự hàng đầu lúc đó là Tào Tháo ...
Tại trận chiến Quan Độ, Tháo dù binh lực yếu hơn Thiệu rất nhiều, nhưng dằng dai đóng quân không chiến, cố thủ ở cửa ngõ Hứa Đô với Thiệu suốt 4 tháng ròng rã, cuối cùng vận dụng sâu sắc trí tuệ đánh bại đội quân to lớn của họ Viên, hai năm sau đó lại dùng mưu mẹo gian trá chia rẽ các cánh quân của họ Viên làm suy yếu thực lực của đối thủ và dần dần tiêu diệt sạch, thống nhất hơn một nửa giang sơn Trung Quốc lúc ấy (chiếm giữ 7/13 châu là Ký, Thanh, U, Tinh, Cổn, Dự, Từ), độc chiếm ngôi bá chủ quần hùng.
Cuôc đời Thiệu kiểu “tiền kiết, hậu hung”. Ngay từ lúc xuất hiện Viên Thiệu đã tỏ ra có khí chất anh hùng, hơn hẳn Tào Tháo và Lưu Bị.
Còn nhớ, lúc đại tướng quân Hà Tiến định giết bọn hoạn quan, chính Viên Thiệu là người hưởng ứng tích cực nhất. Rồi sau đó Hà Tiết bị hoạn quan giết, cũng chính là Viên dẫn quân vào cung, giết sạch bọn hoạn này.
Về sau đường công danh của họ Viên cũng hơn hẳn Tháo, binh lực cũng hơn hẳn, nhưng sở dĩ Viên thua Tháo bởi Viên không biết cách dùng người, trận Quan Độ nếu Thiệu nghe lời Thơ Thọ và Hứa Nhu thì làm sao đến nỗi phải thân bại danh liệt? Hơn nữa em của Viên Thiệu là Viên Thuật dù cũng tự tạo dựng cho mình được một cơ ngơi kha khá nhưng quá bất tài và thiển cận. Giá lúc ấy, với lực lượng mạnh như thế, hai anh em Thiệu-Thuật đoàn kết nhau hẳn làm chủ được thiên hạ rồi.

Chả thế, trong vụ uống rượu với lạc rang, húng lìu bàn luận chuyện Anh Hùng của Tháo với anh Lưu Bán Dép, về Viên Thiệu thì Tháo chỉ nhận định là "không đáng sợ", còn Viên Thuật thì Tháo bảo "Xuơng khô trong mả, chỉ nay mai ta bắt đuợc". Sau quả nhiên vậy. Lại hô phát: Tiên sư anh Tào Tháo!
-------------
Có thể nhiều bạn thắc mắc về tên gọi thời Tam Quốc, xin ghi thêm cho rõ:

Thời này tục tránh dùng tên chánh (kỵ húy) bậc trên như Vua, Quan, Thầy, Ông Bà, Cha Mẹ nên thường đặt thêm tên tự. “Nhập gia vấn húy” là vào nhà phải biết các tên húy ông bà, cha mẹ chủ nhà để tránh phạm tới. Có nhiều cách đặt tên tự, nhưng nói chung hễ nói đến tên tự sẽ suy ra tên chánh hay ngược lại “vấn danh tất tri kỳ tự, vấn tự tất tri kỳ danh”. Gia-Cát Lượng tự là Khổng Minh vì Lượng hay Minh đều là sáng; Quan Vũ tự Vân Trường vì khi nói đến Vũ phải liên tưởng đến Vân; Triệu Vân tự Tử Long vì Vân là mây hợp với Long là rồng, Chu Du tự Công Cẩn, Gia-Cát Cẩn tự là Tử Du vì Du và Cẩn đều là tên lọai ngọc quí…Giống như ở nước ta: Hoa thì gọi là Bông; Phúc thì gọi thành Phước; thờ Phụng thì nói là thờ Phượng..vv

Đại loại vậy…

VietHoa (còn tiếp)


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất