Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam Quốc bài 8: Điểm danh tướng và mưu sĩ

 Bây giờ, chúng ta điểm danh một vài tướng lĩnh, mưu sĩ, thuật sĩ và cả chân dài trong Tam Quốc. Cần nói thêm là Tam Quốc có nhiều bản. Các bản không giống nhau lắm. La Quán Trung soạn Tam Quốc ở  thời Minh Mạt Thanh Sơ. Trần Thọ soạn đời Tây Tấn …
.
Truyện Tam Quốc có khoảng 1200  nhân vật có danh có tính, chia ra:
  • 436 võ tướng
  • 456 văn quan
  • 128 nhân vật là tôn thất, hoạn quan, cung phi.
  • Khoảng 100 người thuộc các sắc tộc ngoài biên, như Tiên Ty, Khương. Khoảng 100 nhân vật thuộc các tam giáo cửu lưu.

Chính vì vậy, Ước Mơ Nhỏ không thể liệt kê hết thiên hạ vào nhà mình. Cũng chỉ nhàn nhề rồi nhớ ra, thấy ai vui vui thì nhắc tới. Trước khi đi vào các trận đánh, các thế Kình, Cự, Truy, Triệt, Cầm, Thích, Phong, Lưu…của Tam Quốc thì chúng ta cũng nên làm quen với vài ông Tướng, vài Mưu sĩ và Linh tinh Sĩ có liên quan…

Bắt đầu từ ông bạn máu gái, xấu giai nhất nhì Tam Quốc: Đổng Trác!

Đổng Trác tên tựTrọng Dĩnh, người huyện Lâm Thao quận Lũng Tây. Thời Tây Hán Lũng Tây là một biên thùy trọng trấn phòng ngự người Khương. Địa thế vùng này núi cao, sông sâu, vốn thuộc đất Khương Trung.
Đổng Trác xuất thân từ một gia đình võ quan, cha là Đổng Quân Nhã chỉ huy quân lính ở huyện, duy trì trật tự an ninh địa phương.
Không lâu sau Hán Linh Đế chết, Hán Thiếu Đế lên ngôi. Hà Tiến làm phụ chính. Hà Tiến bèn sai người ra nói với tướng Đổng Trác hãy mang quân vào Lạc Dương “giả làm phản đòi dẹp hoạn quan”, với mục đích là dọa thái hậu phải bằng lòng giết hoạn quan. Chính quả sai lầm này dẫn đến sau này Đổng Trác chuyên quyền, ức ép vua Hán. Hàng loạt bi kịch xảy ra. La Quán Trung rất tuyệt khi đưa ra một chi tiết đắt giá mở đường cho Tào Tháo (lúc đó còn vô danh) sau này: Tháo muốn hành thích Trác. Khi bị phát hiện thì nói trá: dâng dao và anh này trốn biệt!
Bộ tướng của Hà Tiến – cùng phe Viên Thiệu – là Đinh Nguyên bất bình với Đổng Trác bèn mang quân chống lại. Đổng Trác bèn dùng vàngbạc mua chuộc viên mãnh tướng, con nuôi Đinh Nguyên là Lã Bố, xui Bố phản lại giết chết Nguyên, mang quân về hàng Đổng Trác. Hành vi này của Lã Bố và kết hợp với hành vi phản giết Đổng Trác (cũng là cha nuôi) đã làm cho mọi người ghê tởm Lã Bố và đó cũng là nghiệp dẫn đến cái chết không ai thương xót của Lã Bố.
Đổng Trác bất tài về quân sự, tham lam, tàn bạo, hiếu sắc. Cái tàn bạo thì khỏi nói nhưng người đời nhớ Y chỉ vì y ngông nghênh coi thường vua và rất xấu giai nhưng lượm được Điêu Thuyền xinh đẹp mỹ miều.
 
 
Đổng Trác đây
 
Lã Bố - còn gọi là Lữ Bố, tự là Phụng Tiên, là tướng nhà Đông Hán. Lã Bố người đất Cửu Nguyên, huyện Ngũ Nguyên thuộc Tinh châu (nay là thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ ngày nay). Lã Bố được mệnh danh là Chiến Thần, là vị tướng dũng mãnh nhất nhì thời Tam Quốc. Các tướng như Triệu Vân ,Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Nhan Lương và Văn Xú… đều không khỏe và dũng mãnh bằng Lã Bố. Lã Bố đã từng một mình đánh đồng cân với cả 3 anh em nhà Lưu Bị mà chúng ta vẫn nghe tích: Tam anh chiến Lã Bố. (gồm Quan Vũ, Trương Phi và Lưu Bị).
Vũ khí của ảnh là cây phương thiên họa kích và cưỡi ngựa Xích Thố. Những bức tranh anh giai họ Lã này còn sót lại từ Trung Hoa qua Việt Nam đều thấy anh rất đẹp giai. Trong phim cũng vậy. Tài tử đóng Lã Bố đẹp như đeo thẻ…MC.
Lã Bố có kết cục hơi nhục: Lã Bố bị nguy khốn trên lầu Bạch Môn. Hai bộ tướng của Bố là Ngụy Tục và Tống Hiến đồng mưu với Hầu Thành trói Lã Bố lại rồi mở cửa cho quân Tào vào. Lã Bố xin Tháo đầu hàng, Tào Tháo phân vân nên hỏi lại Lưu Bị. Nhưng Lưu Bị ném đá khuyên Tào Tháo nên giết ông vì ông là người vong ân bội nghĩa, từng trở mặt giết Đinh Nguyên và Đổng Trác (đều là cha nuôi). Tào Tháo nghe theo, liền sai quân sĩ mang Lã Bố xuống lầu thắt cổ giết chết ông, khi ấy Lã Bố mới 39 tuổi (Ở cái đoạn này ghét tay Lưu Bán Dép bội tín quên ơn với Lã Bố, các cụ ngẫm mà xem? Trước đây, Lã Bố nó không cứu cho thì em thằng Thiệu là Viên Thuật nó đánh cho tan đời...)

Khách quan mà nói thì trả lời câu hỏi của người có khả năng chiến võ tiếc rằng: Tại sao Bố tài thế mà Tháo giết?. Thiển nghĩ là phải giết. Lã Bố kiêu dũng thế, lại phản trắc như thế. Thằng ở 3 họ giết đến 2 cha ai nào dám dung? Nói cho ngay, Tào Tháo cũng chỉ hỏi Bị trước khi giết Lã Bố cho ra vẻ dân chủ thôi, chỉ là hỏi đấy thôi. Vả lại Tháo ghét kẻ hèn hạ. Bố sắp chết tư cách hèn hạ như thế, Tháo dung sao được? Nhưng ở đây cho thấy cái kiểu bội tín của Lưu Bị nó trắng phớ quá. Sau này, chúng ta còn sẽ xem xét hành vi của Bị buồn nôn cỡ nào khi rất thèm Kinh Châu của Lưu Biểu nhưng lại rập dờn nhân nghĩa làm màu.
 
 
Lã Bố nhé
 
Quách Gia (170 - 207), tự Phụng Hiếu, là một nhà chiến lược và mưu sĩ trọng yếu của Tào Tháo trong thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời kỳ đầu của Tam Quốc tại Trung Quốc. Chỉ vẻn vẹn 11 năm phục vụ cho Tào Tháo, Quách Gia đã giúp nhiều cho Tào Tháo trong các chiến thắng của ông trước các kẻ thù như Lã BốViên Thiệu, cũng như thủ lĩnh của bộ lạc Ô HoànĐạp Đốn. Chính vì thế, ông là một trong những bộ hạ được tin tưởng và yêu quý nhất của Tào Tháo.
Quách Gia là một ngôi sao tương thế sinh ra tại Dĩnh Xuyên. (Nay là Hứa Xương, Hà Nam). Ban đầu ông tìm kiếm một vị trí dưới trướng Viên Thiệu, lãnh chúa hùng mạnh nhất khi đó ở miền bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, rất nhanh chóng ông nhận ra rằng Viên Thiệu không phải là người quyết đoán cũng như là người không biết sử dụng tài năng của người khác và vì thế khó có thể đạt được đại sự. Chính vì vậy ông đã bỏ đi.
Năm 196, Tuân Úc giới thiệu ông với Tào Tháo. Sau khi thảo luận về tình trạng của Trung Quốc vào thời kỳ đó, cả hai nhận ra rằng họ có thể làm việc cùng nhau. Sau đó Tào Tháo dùng ông làm quân sư trong các vấn đề quân sự. Sai lầm duy nhất của Quách Gia là đã khuyên Tào Tháo không giết Lưu Bị sau khi ông này bị thất thế trong các trận chiến với Lã Bố.
 
Cái tỉnh táo của Quách Gia là phân tích đúng nhiều tình hình. Ví như vụ Viên Thiệu chết, ông can Tháo cứ để cho anh em họ Viên tự tàn sát lẫn nhau trên chiến trường. Thời gian và sức lực nên dùng chơi Lưu Biểu cho gọn gàng. Tháo nghe lời và quả thực hai con đứa con họ Viên nồi da xáo thịt.
Nói đến Quách Gia, khó có thể so ông với ai khác vì thật khập khiễng. Tuy nhiên, cứ nhìn chi tiết ông và Điển Vi chết mà Tào Tháo khóc thảm thiết mới thấy cái giá trị của ông như thế nào với Chúa Ngụy.
Cần nói thêm, với những lãnh tụ trong chiến tranh thì lấy lòng tướng sĩ cũng là một trong những chiêu sách then chốt. Màn Tào Tháo khóc Điển Vi và Quách Gia cũng như cảnh Lư Bị ném A Đẩu xuống đất bảu:” Vì mày mà tao suýt mất viên Đại tướng” cho thấy cái mị dân, mị tướng tới cỡ nào. Tháo thì khóc bảo: ”Ta mất con trưởng, cháu yêu mà không đau bằng mất Phụng Hiếu (tức Quách Gia).

Hãy đọc Mao Tôn Cương khi bình Tam Quốc nói, Tào Tháo, trước khóc Điển Vi sau khóc Quách Gia. Khóc cho Điển Vi là cái khóc làm cảm động tướng sĩ, khóc cho Quách Gia là cái khóc khiến cho tướng sĩ cảm thấy hổ thẹn. “Cái khóc trước giống như ban thưởng, cái khóc sau giống như đánh đòn”. Thấy chưa? Khá khen cho nước mắt gian hùng.

Lời phê phán này đương nhiên rất xác đáng, chỉ tiếc là câu Tháo khóc Điển Vi hay cảnh Tháo khóc Quách Gia cho đến “Lưu Bị ném con” đều chỉ là lời của nhà tiểu thuyết chứ chắc gì đã phải sự thực. Ờ! Ờ!...Mà văn chương thì cần có nhưng nút bi tráng và gãi vào xúc động lông mao thế này thì sách in ra mới bán được chứ? Với rất nhiều người như Lãnh tụ các đời sau, những mánh mẹo lấy lòng người và PR tâm thế như thế cũng vẫn được học tập và áp dụng đó sao. Với nhiều người trong lúc nông nhàn, những chi tiết đáng nhớ trong sách sử (dã) kiểu vậy cũng là câu chuyện chém gió trong lúc cà phê chảy giọt hay lóc cóc trà Bồm, thuốc quấn chờ mẹ đĩ hái ổi xanh nhậu cùng ba xị đế cho đỡ…quải thân nhàn đợi ngày nước nổi.
Với thằng tui (VietHoa) có một dạo thanh niên mới lớn đi đắp đê chống lụt, những giai thoại, chi tiết và bình bọt kiểu đấy giúp cho mình nhàn nhã hơn tý. Bởi vì, đa số cần lao kém chữ đang quần quật đội đất, xắn mai cùng với tui ai cũng thích nghe kể và bình Tam Quốc. Biết tôi có đọc qua 13 tập Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, họ bảo tôi chỉ việc ngồi nhặt rau muống sắp nấu cơm và miệng kể chuyện chương hồi Tam Cuốc cho họ nghe. Thật cảm ơn bác La Quán Trung, nhờ có sách của bác mà thằng tôi đỡ biết bao nhiêu mồ hôi và còn giúp được nhiều người lao động quên mệt góp phần xây dựng và tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội. Xèn xẹt tự nhiên nhớ ra kỷ niệm vậy chứ nhìn về thời đó cũng hơn 40 năm rồi chớ bộ giỡn chơi?

Mà lạ: ngay từ thời đó, mình cũng hay bình văn chương theo kiểu nghiêng ngược. Nhưng cấm có dám cao giọng bởi vì chỉ cần lão dân quân du kích nào ghét mình phát, phán cho mấy chữ: thằng này nói như…phản động là muốn tèo! Mà lạ! bây giờ nghĩ lại thấy cái lão nói mình “Phản Động” quá đúng từ ngữ. Đúng vì thời ấy ai cũng nói xuôi là Lưu Bị nhân đức, mỗi mình nói ông ấy giả vờ nhân đức; tức là nói phản lại còn gì. Dùng chữ “phản động” chính xác theo ngữ pháp. (phản lại bằng cách động mồm) Thế nhưng khốn nạn là đàn bò xứ mình mặc nhiên hiểu hai chữ “phản động” bất kỳ là…Phản lại Tổ quốc (hay Dân tộc). Kinh bỏ xừ!. Đáng trách cho chữ nghĩa Việt Nam! Đáng vui cho chữ nghĩa Việt Nam. Coi nào! Đợt đi trao học bổng năm ngoái, đoàn chúng tôi chỉ có mỗi từ “Ấy” thôi mà dùng trong hoàn cảnh nào nó cũng chỉ là “Ấy”  đúng như đã “Ấy”. Nhận phòng khách sạn xong, bảo: tớ ấy trước nhé! Vâng! Và “Ấy” ở đây là dùng nhà tắm trước. Xuống ăn cơm, chờ mãi, gọi pôn bảo nhanh lên mọi người chờ cơm. Qua điện thoại, bạn mình bảo: anh em cứ “ ấy” trước đi. Rồi: Đằng Ấy có định ghé siêu thị không? Tóm lại, từ Đại từ, Danh từ, Động từ, Chủ, Vị ngữ đều có thể đưa “ấy” ra.

Giở lại chuyện hai chữ Phản Động. May mà chả ai chấp phản động với 2000 năm trước!
 
Lại nói tiếp về Quách Gia:
Sau này lúc Tháo chinh phạt Kinh Châu trở về, đến Ba Khâu gặp bệnh dịch, thuyền bè bị đốt cả, than thở rằng: “Nếu Quách Phụng Hiếu còn sống, chẳng thể khiến cô đến nông nỗi này.”
Nguỵ thư chép lại tờ biểu của Tháo ca tụng Quách Gia và đề nghị khen thưởng viết: “Thần nghe rằng việc khen kẻ trung kính người hiền, không hẳn ấy là người thân, nghĩ đến công lao của người ta mà khen thưởng, ấy là ân điển để lại cho đời sau. Như việc Công Tôn Thúc nước Sở, vẻ vang đến đời con cháu; như Sầm Bành dù đã chết, tước lộc đến tận ngành chi thứ. Quân sư Tế tửu Quách Gia, là bậc uyên bác trung lương trinh thục, thấu tình đạt lý. Mỗi khi có việc, một lời nói ra ở chốn doanh đình, đủ để giải quyết mọi việc, kế sách chẳng hề sai sót. Từ ngày theo trong quân ngũ, nay đã được mười một năm, đi thì cùng xe, ngồi cùng chung chiếu, ở phía Đông bắt sống Lã Bố, ở phía Tây lấy được Tuy Cố, chém được thủ cấp Viên Đàm, yên định Sóc thổ đất rộng dân đông, lại vượt qua nơi đất hiểm, bình định xong xứ Ô Hoàn, oai danh rung động cả đất Liêu Đông, tiêu diệt cả Viên Thượng. Dẫu đó là nhờ thiên uy của Bệ hạ, nhưng ở đất Dịch làm chỉ huy, đến lúc lâm địch, truyền lệnh răn bảo ba quân, đủ để đánh được kẻ hung nghịch, đó thực sự là công lao của Gia vậy. Đang lúc chuẩn bị biểu dương công lao, song Gia đoản mệnh mà chết sớm. Người trên ở nơi triều đường thương tiếc mà truy điệu bậc lương thần, kẻ dưới tiếc hận phải để tang cho người tài đã khuất. Nay nên truy tặng cho Gia, tăng thêm lộc đủ 1.000 hộ, khen tặng người đã chết, cũng là để cổ suý cho người sau vậy.”
 
Quách Gia 

Tư Mã Ý nghe nói là hậu duệ nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên, tác giả cuốn Sử Ký. (chém gió).Tư Mã Ý xuất thân từ gia đình có 8 người con trai. Mỗi người đều có một hiệu kết thúc bằng chữ Đạt. Do đó, anh em họ đều được gọi chung là Bát Đạt Tư Mã. Đây là một thuật ngữ để tỏ lòng kính trọng,  bởi các nhóm tám nhân vật tài năng khác trong các thời kỳ trước đều đã được gọi theo cách này. Gia đình ông sống tại Lạc Dương khi Đổng Trác chiếm thành phố, phá hủy nó, và dời thủ đô tới Trường An. Anh trai Tư Mã Ý, Tư Mã Lãng đã dẫn gia đình về quê cũ ở Ôn huyện.

Những nguyên nhân nói về việc Tư Mã Ý phục vụ dưới trướng Tào Tháo có khác biệt, nhưng ông đã chấp nhận chức vụ đầu tiên trong phe Tào Tháo ở tuổi ba mươi. Theo Tấn thư, Tư Mã Ý tin rằng nhà Hán sẽ nhanh chóng chấm dứt, và không thấy có động cơ gia nhập phe Tào, vốn đã chiếm quyền kiểm soát của Nhà Hán. Ông đã từ chối các lời mời của Tào Tháo, viện cớ mình đang bị bệnh. Tào Tháo không tin lý do này, và phái người tới nhà ông vào ban đêm để kiểm tra. Biết trước điều này, Tư Mã Ý nằm trong giường cả buổi đêm không cử động. Năm 208, Tào Tháo đã trở thành Thừa tướng và ra lệnh cho Tư Mã Ý tới tham chính, nói rằng "Nếu ông ta lẩn tránh, hãy bắt giữ." Biết rằng nếu bất hợp tác mãi thì cũng không thể yên, một thời gian sau, Ý cho loan tin là đã khỏi bệnh phong thấp. Tháo lại triệu ra làm quan, Ý nhận lời. Từ đó bắt đầu nhận trách nhiệm, có nhiều ý kiến đóng góp được trọng nể….

Năm 215, khi Tào Tháo đánh bại Trương Lỗ và bắt nhân vật này đầu hàng, Tư Mã Ý đã khuyên Tào Tháo tiếp tục tiến về phía nam tới Ích Châu, bởi Lưu Bị vẫn chưa ổn định được quyền kiểm soát ở đó. Tuy nhiên, Tào Tháo không theo lời khuyên này. Tư Mã Ý nằm trong số các cố vấn hối thúc Tào Tháo áp dụng hệ thống Đồn điền chế và ủng hộ Tào Tháo lên nắm chức Ngụy Vương. Tư Mã Ý rất nhiều vợ và bồ bịch. Ông có 4 vợ chánh đẻ ra 11 con trai và 1 con gái là: Tư Mã Sư; Tư Mã Chiêu; Tư Mã Viêm; Tư Mã Cán; Tư Mã Trụ; Tư Mã Lượng; Tư Mã Kinh; Tư Mã Tuấn; Tư Mã Cảnh; Tư Mã Luân; Nam Dương công chúa

Những cuộc đọ sức giữa Tư Mã Ý và Khổng Minh khét lẹt chiến trường. Cuối cùng thì Ý lại là người thành công khi Tư Mã Viêm chính thức xóa sổ Vương triều Tào Tháo, lên ngôi đổi thành Tấn Vương. Cuộc đời Tư Mã Ý khá truân chuyên. Khổng Minh nhìn rất rõ con người tài trí này và đã dùng kế phao tin thị phi khiến Tào Tuấn (Ngụy Chủ) biếm chức đuổi ông về quê. Sau này lại được vời ra. Nỗi uất nhất của đồng chí Ý này là mắc mưu Gia Cát Lượng khi ông này dùng kế coi đồng chí là…đàn bà!

Trong các bài luận bàn sau, chắc chắn chúng ta còn gặp lại Tư Mã Ý thật nhiều. Bởi vì, chí ít, ông ta cũng là Tổ Phụ của nhà Tấn sau này khi ông cháu Tư Mã Viêm lên ngôi…
Nói đến vai trò quan trọng của Tư Mã Ý, theo như trong truyện, thì được cả Tào Tháo, Tào Phi, Tào Tuấn (Duệ - bản dịch cụ Tử Vi Lang) đặt vào nhóm đại thần thác cô, mà trang trọng nhất là Nguỵ Minh Đế Tào Tuấn.
Bốn người được Mạnh Đức triệu vào lúc sắp chết thì có Tào Hồng (chịu trách nhiệm việc võ) và Giả Hủ, Trần Quần và Tư Mã Ý.
Quan trọng vì lúc ấy của Tháo (Ấy ở đây là hấp hối, thác cô) còn một số tham mưu đã từng theo Tào Tháo suốt 30 năm như Mãn Sủng, Lưu Hoa, chắc cũng có mặt ở Hứa Đô mà lại không được gọi. Số tướng cũ trấn thủ ở ngoài như Từ Hoảng, Trương Liêu, Trương Cáp thì càng không.
Đời sau, có nhiều câu hỏi rằng Tư Mã Ý giỏi thế và người đố kỵ, thông minh như Tháo làm sao không hình dung được sự nguy hiểm của Ý như đã hình dung sự nguy hiểm của Dương Tu. Vậy sao Tháo Giết Tu mà không giết Y?
Dương Tu phải chết vì “dám” thông minh hơn Tháo, nhưng vì tội danh “làm loạn quân pháp”. Còn Tư Mã Ý? Anh này khôn ngoan không trực tiếp tham dự vào việc quân cơ, nên nguy cơ không rõ rệt với Tào Tháo. 
Về việc Tư Mã Ý đến dưới trướng Tào Tháo, sử sách ngoài đời cũng đã có nhiều trường đoạn chép, cũng lâm ly bi đát lắm. Tư Mã Ý bị họ Tào nghi từ đấy, mà vẫn toàn mạng, vẫn lên làm Văn học duyện, rồi Chủ bạ, rồi tiếm quyền mở đường cho cháu nội xưng Đế.
Tuy nhiên, xét kỹ thì  thấy Tháo cũng khôn lật cối đá. Biết tài Ý, nhưng lúc quyết việc lập thế tử, Tháo không hỏi Ý mà hỏi Giả Hủ. Chi tiết này suy ra Tháo vừa nghi Ý, vừa coi thường Ý, vừa tiện tay cắt đứt luôn đường tiến thủ của Ý.
Khi Tháo chết, Giả Hủ mới là đại thần cố mệnh quan trọng nhất của Tào Phi, Ý vẫn chỉ là chức quan văn không quyền không tước. Phải sau khi cả Tào Phi, Giả Hủ chết, Ý mới vẫy vùng được. Ấy là Ý khôn ngoan biết ngậm cỏ chờ thời…

Tào Phi thực ra ở ngôi được có bảy năm. Tào Tháo lúc luận các con, chỉ trích Tào Hùng là lắm bệnh khó thọ, chắc cũng không nghĩ rằng ông con trưởng giống mình nhất, “có thể nối nghiệp Cô”, lại cũng đoản thọ thế! Đấy phải chăng mới là điểm không thấy xa được hết của họ Tào? Tin là ông con mình vững ngôi cũng phải cỡ mười lăm hai mươi năm, tin là con mình đủ sức làm chủ tình thế, nên Tào Tháo mới không cần phải có mật kế hay cẩm nang gì để lại, nhất là để đối phó với một viên quan không quyền như Tư Mã Ý.
Niềm tin ấy không phải là không có lý. Tào Phi, lúc ở ngôi vẫn thừa sức trị Tư Mã Ý, nhưng vừa chết thì mầm loạn bắt đầu. Nếu không có thất bại thảm hại của Hạ Hầu Mậu và Tào Chân ở chiến cuộc Kỳ Sơn I, Tư Mã Ý trọn đời cũng đi cày ở quê thôi. Tháo nhìn được con, không nhìn được cháu. Mà ở đời, ai chẳng muốn tin rằng con cháu mình cũng giỏi giang, “con nhà tông lông mao cổ cánh giống đôi phần”. Chúng nó cũng đủ sức ngang dọc, thập diện chế cường địch. Cho nên, đến những biến loạn của đời thứ ba nhà Tào thì quả thực làm sao mà Tháo tính cho cạn nhẽ nổi??

Vả lại lúc trẻ thì còn xông pha tìm kiếm tả hữu, giờ già rồi, đụng ai cũng nghi rồi giết ngoéo đi, bất kể lý mà làm thì cũng được, nhưng nhỡ có việc cần thì lấy ai giữ nước? Như sáu trận Kỳ Sơn, không có Tư Mã Ý thì Trường An, Hứa, Lạc về tay quân Thục cả, còn ngôi nữa đâu mà lo mất. Quả này lại bắt chước ông nhà văn Việt Nam (Nam Cao) hô phát: Sợ luôn anh Tào Tháo!
 
Tư Mã Ý
 
Bàng Đức (170-219) tự Lệnh Minh là vị tướng quân đội của phe Ngụy sống vào cuối đời Hán, đầu đời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng trong việc tham gia 2 trận chiến lớn trong đời Tam quốc là trận Đồng Quan (năm 211) và trận chiến tại Phàn Thành (năm 219).
 Bàng Đức sinh năm 170 tại Thiểm Tây. Lúc đầu, ông là tướng của Mã Đằng, thứ sử Tây Lương. Khi Mã Đằng bị Tào Tháo giết hại năm 211, ông cùng con trai của Mã Đằng là Mã Siêu cất quân đánh Tào Tháo báo thù. Quân Tây Lương chiếm được Trường An và ải Đồng Quan nhưng sau đó Tào Tháo phản công thắng lợi đánh bại quân Mã Siêu. Bàng Đức cùng Mã Siêu chạy trốn về phía tây. Năm 213, Bàng Đức và Mã Siêu lại lần nữa bị quân Tào đánh úp, chạy đến Hán Trung đầu quân cho Trương Lỗ.
Năm 214, Trương Lỗ sai Mã Siêu tiến đánh ải Hà Manh giải vây cho Lưu Chương. Bàng Đức vì bệnh nên không đi được. Sau đó, Mã Siêu đầu hàng Lưu Bị. Năm 215, Tào Tháo tấn công ải Dương Bình nhằm chiếm Hán Trung. Trương Lỗ sai Bàng Đức ra địch Tào Tháo. Tào Tháo thấy Bàng Đức có tài nên tìm cách bắt Bàng Đức và chiêu hàng ông. Bàng Đức theo về với Tào Tháo. Đầu năm 219, Bàng Đức hộ tống Tào Tháo từ Hán Trung về Hứa Đô an toàn khi Tào Tháo bị quân Thục truy kích. Chúng ta sẽ còn gặ lại dũng tướng đầy quả cảm và mưu lược này trong các trận đánh. Cay cho Đức nhất là khi ông sắp thanh toán gọn Quan Công (bị mũi tên của Ông) thì lão Vu Cấm GATO (ghen ăn tức ở) lại gióng trống thu quân nên Đức đành phải quay về. Nếu không thì làm sao mà sau này Đức lụy ở Phàn Thành bởi chính tay Quan Công? Âu cũng là cái số nó thế. Tặc lưỡi thay cho nhời bình: Ờ! Đến giày dép nó cũng còn có số nữa là ông Bàng Lệnh Minh.
 
Bàng Đức

VietHoa (Còn tiếp)


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất