Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Hai đầu của thế giới phẳng (Truyện Phim)

 Nói về những chuyến vượt biên, những cuộc tranh giành ảnh hưởng của giới làm ăn bên trái của xã hội (VietHoa biên soạn)
Sân bay Tân Sơn Nhất một trưa nắng giãy. Một người đàn ông trạc 35 tuổi lịch thiệp cùng chiếc va ly thật nhỏ xuất hiện tại nơi cửa ra.
.
Đứng trước một dãy taxi đủ màu của các hãng, người đàn ông luôn lắc đầu với mọi lời chào mời của tài xế và người điều phối xe tại sân bay. Một tài xế của ViNa taxi bực dọc:” Vậy cái thằng cha này muốn gì? Vị nào biết tiếng Nhật hay tiếng Anh hỏi giùm coi sao?”. Tức thì, người đàn ông lịch thiệp mỉm cười hiền lành. Anh ta nói bằng giọng Sài Gòn chuẩn: “Làm ơn giúp cho tui một chuyến xe ôm!”. Ngay tức thì, trong đám 5 người gần đó có đến 2 cái bĩu môi. Hừ! nhà ga quốc tế. Hành khách quá cảnh từ Canada, Samsonite cao cấp; giày Italia da thỏ, sơ mi Pháp…điệu đàng như kia mà lại chọn xe ôm thì đám người không ngạc nhiên mới là lạ.

Rồi anh ta cũng có một chiếc xe ôm. Người tài xế trờ tới với chiếc way Tàu và gương mặt khắc khổ nhưng lại có nụ cười cầu tài hồi hộp. Chờ vị khách gật đầu là bác tài xe ôm ôm cứng cái vali đặt lên xe. Tiện tay đưa cho ông khách chiếc nón bảo hiểm cũ kỹ rồi nổ máy chờ đợi.

Vị khách thành thạo tót lên ngồi sau bác tài như từng quá quen thuộc.

Không chờ hỏi, vị khách vỗ vai bác tài: Cho đến Ngã Bảy. Vâng! Đường nào? Cứ đến Ngã Bảy, khúc đầu Lý Thái Tổ. Vâng! Chiếc xe phụt làn khói xanh mỏng. Họ hòa vào dòng người đông đúc của Sài Gòn.

Phạm Hưng, người khách từ sân bay đó hôm nay sau 20 năm trời mới trở lại chốn xưa. Hơn 20 năm qua, anh không bao giờ quên hình dung ra nơi cũ, người xưa. Hầu như hàng tuần, anh vẫn thường lục lọi trên mạng đọc những tin tức về Sài Gòn – Thành phố nơi sinh ra anh và quê hương gia đình anh. Rồi Ngã Bảy – Nơi anh sống như một đứa bé bụi đời, chăm chút, nhẫn nhịn, tích cóp từng đồng bạc, từng đồng bạc lẻ để đổi lấy từng phân vàng, chỉ vàng góp cùng gia đình cho những chuyến vượt biên mạo hiểm đánh đổi mạng sống lấy tự do…

Hôm nay, sau hơn 20 năm, anh mới có dịp trở về. Lúc này đây, trong chiếc cặp trên tay anh là một chiếc khăn, một đoạn dây chuyền có gắn cây thánh giá và nhất là cuốn sổ nhật ký ghi lại những ngày hiểm nguy, chìm nổi xứ người cùng những suy nghĩ thân thương, tha thiết về của người chị - Hay đúng hơn là một người con gái anh coi như người chị ruột của mình.

Hôm nay anh về đây, trước là thăm lại chốn xưa, hai là tìm đến người cũ. Nếu gặp chị, có lẽ anh sẽ quyết tâm mời chị ra nước ngoài du lịch một chuyến để anh được trả nghĩa cho những ngày chị cưu mang anh. Trong túi áo ngực của anh còn nguyên một tấm hình duy nhất hai chị em chụp chung. Thực chất, đó chỉ là tấm hình hai đứa trẻ một trai, một gái. Thằng bé trong ảnh da trắng, dù rách rưới nhưng không mờ đi vẻ tuấn tú và đôi mắt thông minh. Đứa con gái da đen đúa, nét mặt thật từng trải. Dù trên mặt có nhiều nét phong trần, thô nhám nhưng đôi mắt cô bé ánh lên sự quả quyết và chân tình. Đây là tấm ảnh mà Phạm Hưng giữ gìn như một báu vật. Anh hiểu rằng, nó chính là đầu mối thân thiện nhất để anh tìm ra người thân quen của mình…

Ngã Bảy đây rồi. Hưng thoáng thất vọng. Cảnh cũ không còn nữa. Bến xe đã dọn đi. Những hàng quán, những hàng hiên xưa Hưng từng ghé lưng ngủ đêm, đã được nâng cấp biến mất. Nguời xưa cũng chả còn ai. Hưng  ghé vô cây xăng gần đó hỏi thăm. Ông trạm trưởng già nua sắp nghỉ huu, trễ cặp kính lão để nhìn Hưng  - anh Việt kiều Mỹ. Ông dụi mắt hai lần, đến gần Hưng  nhìn cho rõ: "cháu là... là... là thằng bán trà đá hồi xưa đó hả?"
Hưng  gật đầu, tháo kiếng cận ra, hy vọng ông tìm lại trên mặt Hưng  nét gì đó quen thuộc. Ông nhìn Hưng  thật lâu, rồi gật gù: "Đúng là cháu rồi. Cái sẹo trên mặt, bác nhận ra đúng là cháu rồi”.  Ông chợt đổi giọng thân mật của ngày xưa: "Cha cha, bây giờ mày nhìn ngon quá nha. Bây giờ sao mày khác vậy? Khó mà nhận ra được. Tao nghe con Út bảo là mày đi vượt biên rồi chết ngoài biển mà?" Hưng thoảng thốt la lên:"Đâu có, con Út sao ác miệng vậy bác Hai? Ô, mà bác có địa chỉ con Út không? Bây giờ nó ra sao hở bác? Nó có chồng con gì chưa bác?"
Bác Hai nhìn Hưng một lúc lâu: "Cháu à, chác mày không biết, đúng rồi, mày không biết đâu! Con Út chết rồi". Nói xong câu ấy, ông lặng đi lúc như để tưởng niệm đến người quá cố. Rồi ông tiếp giọng trầm xuống: "Nó ngủ đêm trên nóc xe đò, trúng gió rồi chết. Đến sáng ra, lơ xe đánh thức nó thì nó đã chết lạnh cả thân rồi. Hình như chết sau khi mày đi được 1 năm hay 2 năm sao đó".

Thoảng thốt buồn.... ập đến trong lòng Hưng ! Rồi tiếp theo là một cái gì đó, chết lặng trong tim Hưng ... Có lẽ, cái chết lặng đó là cái chết của những kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm của Hưng  với Út, có lẽ vậy!

Làm sao Hưng  quên được cái lần cuối Hưng nói với Út nhỉ.

Đêm hôm anh trai  tìm Hưng để mang theo ra tàu vượt biển, Hưng nán lại để tìm gặp cho được Út. Những dạo sau này, con Út ít khi ngủ chung một vỉa hè với Hưng. Nó hay tìm những xe đò để ngủ trên nóc xe cho mát. Nó bảo an toàn hơn. Nó nói nếu có đứa nào quấy rầy nó, nó đạp một cái là rớt xuống mui xe ngay. Tìm được cái mui xe có nó, Hưng lay nó dậy, nói với nó là chắc Hưng sẽ đi luôn, không bao giờ có dịp gặp lại nó nữa. Những người ra đi vượt biển tìm tự do, mấy ai hẹn được ngày về với quê hương nhỉ? Con Út nhìn Hưng trong màn đêm. Chắc nó còn ngái ngủ, hay có khi nó không hề tin Hưng đi là đi luôn, đi thật, đi xa mãi mãi khỏi nó. Hưng  chả biết bắt đầu thế nào, lát sau anh nói được một câu: "Tao đi thoát, sang bờ bên kia, tao sẽ gửi thư về nhà bà Ba cho mày. Thôi mày ngủ lại đi Út. Tao đi đây". Rồi chả hiểu sao, Hưng  hứa tiếp: "nếu không gửi thư được, có cơ hội, tao cũng sẽ về lại đây thăm mày". Con Út cầm tay Hưng , thoáng thấy nó nấc nhẹ. Lạ! con bé chả bao giờ thèm khóc vô duyên như thế. Lát sau, nó chỉ nói:” Tao nghe người ta nói vượt biên nguy hiểm lắm Hưng à. Sao mày không ở lại SaiGon với tao. Rồi chúng mình nhờ anh Tâm khu vực nhập khẩu. Tao sẽ đi thanh niên xung phong. Mày có thể đi Công an như anh Tâm…”. Hưng ngắt lời nó: “Muộn rồi! tao phải đi. Mày không biết đâu. Lý lịch nhà tao thì muôn đời không ngóc đầu lên nổi. Anh Hai tao kìa, sinh viên năm Nhất của trường Y bây giờ chỉ biết đi làm phụ tài công thôi đó. Mày ở lại giữ gìn sức khỏe. tao đi…”. Con Út choàng ôm Hưng vào lòng. Nước mắt nó ướt đẫm vai áo bụi bẩn của Hưng. Anh cũng hiểu rằng: từ phút này, có lẽ Hưng phải xa người mà anh coi như chị nuôi mãi mãi…
Trong ánh đêm mờ ảo từ ngọn đèn đường lờ nhờ xám, hai bóng nhỏ gục đầu vào nhau cùng ứa lệ…

Thế nhưng, Hưng đã không thực hiện được lời hứa gửi thư đó. Có lẽ không thấy thư Hưng  gửi về, nó nghĩ chắc Hưng  đã chết bỏ thây ngoài biển cả rồi. Chính nó là người nói ra cho bến xe biết: "thằng trà đá" vượt biên sang Mỹ nhưng chết rồi..’.

Ai ngờ, giờ Hưng  về lại quê hương, đứng nơi bến xe, chính nó lại là người ra đi....
Trời trưa Sài gòn nắng như đổ lửa khi ấy, nhưng lòng Hưng lại buồn man mát những cơn gió lạnh ngày xưa của những dịp xuân về chỉ có Hưng và Út đón giao thừa bên vỉa hè bến xe...

Còn đâu nữa, một thời đất nước giao ban, cảnh đời xiêu vẹo, bến xe lang tạp, hai bóng nhỏ từng nương vào nhau trong những góc tối mịt mù...?
Hưng  đốt cho con Út một nén hương, cắm ở vỉa hè. Cũng chả ai biết mộ nó ở đâu để Hưng viếng ghé. Anh ngồi bên cái vỉa hè năm xưa nay đã trở thành tam cấp của một Công ty TNHH ôm đầu mà khóc. Hưng mặc cho mọi người qua lại nhìn lạ lẫm cho một thanh niên áo quần sang trọng khóc lu lu bên đường thế này. Có còn nghĩa lý gì đâu. Có còn nghĩa lý gì với những tặng vật, những dự định cho người bạn mình. Con Út chết đi. Không biết nó có mang theo trong người tấm ảnh kết nghĩa chị em như Hưng đang cầm một tấm trong người không? Xa xưa ấy, trong một lần kiếm được khá tiền,đi ngang qua một tiệm chụp hình gần rạp Long Vân, hai đứa rủ nhau chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm. Chúng nó yêu cầu ông thợ chụp hình chỉ in ra 2 tấm cho hai đứa...

Và từ đó, Hưng  không dám quay về lại cái bến xe ngã 7 đó nữa, trong những lần sau này ghé Việt Nam công tác.

 ----

Hưng là một đứa bé sinh ra và lớn lên ở Sàigon.

Ba Hưng  đi học tập cải tạo. Mẹ Hưng  và chúng Hưng  bị đi vùng kinh tế mới. Xe đổ gia đình Hưng xuống một vùng đất đỏ với cuốc xẻng trong một chiều mưa thật ảm đạm và lạnh buốt. Chỉ vài ngày sau, các anh Hưng  trốn về Sàigon. Rồi sau đó, Hưng cũng trốn luôn. Hưng  trốn trên nóc một chiếc xe đò đi về Sàigon. Khi ấy, hình như Hưng được 9 hay 10 tuổi gì đó.

Sống lang thang ở bến xe ngã 7, làm đủ mọi nghề để kiếm ăn, chỉ trừ hai chuyện Hưng không hề làm: móc túi và ăn mày.  Cái nghề đầu tiên trong đời Hưng làm là nghề bán trà đá. Sau rồi cái tên “Thằng Trà Đá” thay cho cái tên Hưng. Biệt danh ấy cũng là do con Út đặt cho.

Mọi chuyện đều có cái duyên của nó. Khi Hưng  mới trốn về Sàgon, thấy nó lén lút nhảy từ nóc xe đò xuống, con Út, con bé bán trà đá trạc tuổi Hưng, nó lân la lại làm quen:"Phải mày trốn trên kinh tế mới lên đây khộng, nhóc con?"

Hưng  lo sợ rồi gật đầu. Thế là con bé lôi tay Hưng tuồn tuồn theo nó đến gặp một bà cụ có cái hàng trà đá bánh kẹo xa xa. Nó giới thiệu Hưng  là em trai nó với bà, rồi chỉ cho Hưng  cầm cái mâm trà đá, theo nó, đeo các cửa sổ của xe bus để chào bán. Bây giờ nhớ lại lúc đó, Hưng vẫn còn tức cười. Vì bà cụ nói: "Mày tên Út, là út rồi mà còn có em trai gì nữa mảy? Giỡn mặt với tao đúng không?"

Con Út vênh mặt đanh đá lại liền: "Cái bà này nhiều chiện ghê chưa? Con tên Út nhưng má con sinh thêm út nữa không được sao? Bà lo gì chứ. Tụi con bán cho bà, là bà cũng có lời chứ bộ. Bà ngồi đây bán, sức mấy mà bán lại tụi con. Con bảo kê cho nó, không mất vốn của bà đâu mà bà sợ".
Thế đó. Hưng  bán đủ loại cả. Sau này, mỗi khi đi công tác về Việt Nam, Hưng  nhìn những đứa bé bán rong bến xe mà lòng Hưng lại nao nao bao kỷ niệm của một thời thơ ấu...

Bữa ăn của hai đứa thường là cơm sườn! Cơm tấm bì. Có khi ăn bánh mì thịt. Ăn uống thì suớng lắm. Sống ở bến xe mà. Có điều, ban đêm thì không có ngủ giường. Tụi Hưng ngủ vỉa hè. Chính xác là ngủ ở hàng hiên của nhà bà bán cơm, cái bà mà tui Hưng ăn cơm trưa cơm tối thường xuyên đấy. Có hôm, tụi Hưng ngủ trên nóc xe đò. Mưa xuống tầm tã ướt như chuột lột mà Hưng  vẫn ngủ say sưa. Có lẽ, tuổi thơ dễ ăn dễ ngủ và gan góc chịu đựng.

Sống ở bến xe lúc nào cũng lo bị tụi móc túi bến xe chận đánh cướp hết tiền vốn. Hay là lo bị công an dẹp lòng lề đường đến dẹp đi, bắt mang về lại vùng kinh tế mới. Nói chung, thấy bóng áo vàng là khiếp vía. Mãi đến sau này, nhiều đêm nằm ngủ, thỉnh thoảng vẫn nằm mơ thấy mình còn đang sống ở bến xe, bị ác mộng rượt bắt tùm lum.

Có một lần, Hưng và con Út bị gần chục đứa móc túi chận đường trong để trấn lột. Có nhiều đứa lớn tuổi và to gấp đôi Hưng. Giả sử nếu chỉ có mình Hưng như những lần trước, Hưng đã móc hết ra cho tụi nó để được tha mạng. Nhưng lần đó, chả hiểu sao, Hưng tức uất, sách gạch đánh lại um sùm. Máu me tùm lum cả. Hưng  không muốn con Út, con bé kết nghĩa bến xe của Hưng, bị mất hết tiền vốn. Hưng biết nó để dành được khá nhiều tiền, mong đến ngày về quê thăm mẹ nó (hình như ở miền Tây xa xôi lắm). Kết quá lần xung đột đó, trên thái dương của Hưng để lại một vết sẹo dài. Mãi đến giờ, vết sẹo đó vẫn còn trên mặt Hưng.

Mấy đứa bé trạc tuổi Hưng ở bến xe, tụi nó vẫn cảm thấy Hưng  khác chúng nó lắm. Con Út hay nói với mọi người, Hưng là thằng bạn duy nhất của mà nó thấy không hút thuốc, đánh bài hay uống rượu. Nó biết Hưng có tâm sự riêng. Nhất là mỗi đêm khi Hưng ngồi một mình, ké ánh đèn điện trắng của xe bán bánh mì đêm, để học Anh Văn. Hưng  học anh văn từ một cuốn tự điển nhỏ xíu.

Chả là, hồi sau khi Hưng  trốn đi, anh trai lớn có đi kiếm. Gặp Hưng ở bến xe, anh ấy yên tâm. Anh bảo, Hưng  ráng đừng để bị ảnh huởng xấu, đừng để bị công an bắt, ráng học anh văn. Vì anh ấy nói là anh đang tìm đường đi vượt biên. Sống ở đây, anh bảo, gia đình mình không có tương lai. Vì nhà nước không bao giờ trọng dụng cả. Anh giao cho Hưng một cuốn tự điển anh văn, bảo ráng học đế thuộc mặt từ, học nghĩa. Sau này mới bôn ba xứ người được. Trong lòng Hưng mang mộ nung nấu là sẽ ra đi, sẽ trốn đi xa nữa.

Chính vì bí mật này, Hưng  không hút thuốc, không chơi gái (bến xe đĩ điếm rất nhiều, những đứa trẻ 11 hay 12 tuổi là biết những trò người lớn rồi) chỉ bươn chải kiếm ăn, sống qua ngày, mong đến tối để học từng trang tự điển mà thôi. Các học của Hưng đơn gián lắm: chép lại từng trang tự điển. Mỗi ngày, chép một trang, chép đi chép lại cả trăm lần. Chép đến mức không cần nhìn tự điển, Hưng có thể tự chép từ trong trí nhớ …
Một hôm, các anh Hưng  ghé lại bến xe lúc khỏang 3 giờ sáng. Và anh em Hưng vượt biên.
Chuyến vượt biên đem đến cho anh em Hưng muôn vàn nguy hiểm, nhục nhã, kinh rợn.Sau khi sang nước người, ba anh em Hưng còn trải qua biết bao nhiêu cay đắng, cực khổ, chịu đựng…để thành người và thành tài...
Xuyên suốt các tập phim nói lên sức chịu đựng, uốn mình vào môi trường sống, ý chí vươn lên, lòng ham học và quyết tâm học thành tài và hơn hết là ý thức: một ý thức chịu khổ chứ không chịu nhục. Hèn nhưng không thẹn và lòng bao dung, tình cảm ruột rà đậm nét. Tất cả, tiêu biểu cho ý chí vươn lên của người Việt nam dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào…

Tập 2:

 Thế là quãng dài ấu thơ bỏ lại sau lưng. Trước mặt Hưng là một chân trời mới. Chân trời tự do. Nếu giỏi thì được trọng dụng. Nếu lười thì.. sẽ nghèo…
(còn tiếp nhiều kỳ)

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất