Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bình Tam Quốc 3: Lưu Bán Dép đi lên nhờ La Quán Trung

  Người ta bảo Tam Quốc diễn nghĩa “bảy phần thực ba phần hư”, nhưng đọc rồi ngẫm nghĩ mới thấy rằng trong cái bảy thực ấy chỉ có ba phần là thực, còn bốn phần là khoa trương lên, còn lại ba phần là tác giả múa bút suy diễn mà thành.
.
 Bởi vì vốn dĩ Tam Quốc diễn nghĩa được xây dựng mang đậm sắc thái truyền kỳ lịch sử dân gian (theo kiểu kể của các thầy đồ giảng tích cũ được lưu truyền trong dân gian), tính cách nhân vật thể hiện theo chủ quan của tác giả. Nó không còn sự thực khách quan của lịch sử như vài người ngộ nhận. Đặc biệt, những chỗ bôi đen, tô hồng hay thần thánh hoá nhân vật lúc nhỏ chúng ta đọc thấy thích nhưng càng sau này càng thấy những chi tiết thần thoại ấy làm giảm đi giá trị cảm thụ của tác phẩm. Người đọc không thấy đang theo dõi một câu chuyện dã sử bản thân các sự kiện đã hấp dẫn rồi, mà như cảm thấy đang coi một vở tuồng do một nhà văn nhào nặn theo ý chí bảo hoàng và thị hiếu đương thời của họ. Thế nhưng, cũng phải nói rằng nhiều đoạn ông La Quán Trung “bịa như thật” đọc sướng quắt tai. Ví như cái khúc Quan Công đi chém Hoa Hùng mang đầu về mà chén rượu trên tay Tháo vẫn còn nóng giãy!

Liệu Quan Công có phải là viên võ tướng tuyệt vời nhất trong thời Tam Quốc? Lỗ Túc có phải là người kém cỏi như Tam Quốc diễn nghĩa mô tả hay không? Tài năng của Bàng Thống, Pháp Chính thực sự đến đâu? Chu Du có phải nhỏ nhen và ích kỷ? Viên Võ tướng Nguỵ Diên nhà Thục Hán có phải là người có tuớng làm phản? Tài năng thực sự của Gia Cát tiên sinh có ghê gớm như thế hay không? Tại sao đời sau cứ nhắc đến Gia Cát Lượng là người ta hình dung ông luôn xuất hiện với cỗ xe đẩy cùng quạt lông, khăn cuộn?

Tuy nhiên, như đầu bài khẳng định rằng loạt bài Tam Cuốc này căn bản luận Anh Hùng và phân tích các trận đánh cùng lòng người. Vậy nên, chẳng lẽ bài trước VietHoa tổng hợp bình biên về Ngụy Vương Hạ Hầu …Tháo Tào mà lại không đề cập đến một đế vương đối lập là Lưu Văn Bị?

Bài này xin lan man ít dòng về ông vua xuất thân Dệt chiếu và bán dép cỏ này…
Do bài bình bủm về bác Lưu Bán Dép hơi dài nên chạy 2 kỳ cho nhẹ chuột các bác hỉ?

---

Lưu Bị là người ở Trác huyện thuộc U châu, là người dòng dõi hoàng tộc nhà Hán (cái này trong Tam Cuốc gặp ai ông Bị cũng mang ra giới thiệu chém gió). Tổ phụ của Lưu Bị là Lưu Hùng làm quận lệnh huyện Đông Phạm, bố là Lưu Hoằng làm chức thư lại ở huyện (bằng với chức của anh Tống Giang đời Tống thì phải), nhưng mất sớm. Gia cảnh bần hàn, thủa nhỏ Lưu Bị phải làm nghề dệt chiếu có, đan dép cỏ làm kế sinh nhai.
Góc vườn nhà Lưu Bị có một cây dâu to, cành lá xoè ra như cái lọng. Khi còn bé con, lưu Bị thường chơi trò mở quán bán rượu với bạn bè cùng trang lứa dưới gốc cây, có lần nói rằng: “Ngay sau sẽ có ngày ta ngồi cái xe có lọng như thế này!” (xe của thiên tử có lọng). Người chú của Bị nghe thấy thế thất kinh bảo: “Mày không biết câu nói vọng ngôn này sẽ giết cả nhà ư?”. Song người chú của Bị thấy lạ nên vẫn thường chu cấp cho.
Do có xuất thân dòng dõi quý tộc nên dù nghèo hèn, nhưng Bị vẫn kết giao được với một số thanh niên quyền quý như Công Tôn Toản, Lưu Đức Nhiên ...
La Quán Trung tiên sinh khi xây dựng Tam Quốc đã có mục ý vẽ lai lịch Lưu Bị và Tào Tháo với tính cách rất khác nhau, nét bút thiên lệch thấy rõ. Một bên nâng bi khúm khé; một bên dìm hàng bình bỉu:
-  Lưu Bị nghèo, dòng dõi quý tộc, nhưng tính tình phóng khoáng, thờ mẹ rất hiếu.(hạt giống đỏ cơ cấu)
Tào Tháo là dòng dõi hoạn quan, chỉ thích chơi bời, thích săn bắn, hát xướng, phóng đãng, gian dối.(tên đại nghịch mỏ nhọn từ thuở bé)
Sau này khi bình giảng Tam Quốc, Mao tiên sinh đã nhóm lò quạt lửa thêm cho cái tư tưởng bảo hoàng của ông La rằng: So sánh giữa Tháo và Huyền Đức thì ngay từ lúc nhỏ, cái hơn cái kém đã rõ ràng. Một người thì dòng dõi quyền quý, tư cách vĩ đại. Một người thì dòng dõi hoạn quan, tư cách xảo trá khôn lường. Còn thực tế lịch sử có như vậy hay không thì lại là chuyện khác. Nhiều tài liệu cho thấy viết vậy mà không phải như vậy.
Từ nhỏ, Tháo đã rất chăm đọc sách, kiến thức quảng bác, thông minh lanh lợi, còn Bị thì ngay từ thủa nhỏ đã không thích sách vở, chỉ khoái chó ngựa, đàn hát, mặc áo đẹp, không hề để ý đến gia cảnh bần hàn, chỉ là một kẻ lãng tử mà thôi.
Ngay một đoạn viết đầu tiên về những người đứng cùng nhau chia ba thiên hạ sau này đã thấy ngòi bút của La tiên sinh và sự tô vẽ của anh Mao có ý thiên lệch thế nào rồi.
Kể từ khi bắt đầu tuổi thanh niên, Lưu Bị có nhiều biểu hiện rất được lòng người đương thời, thường khảng khái giúp đỡ người khác mà không để ý làm gì (rất phù hợp với cá tính lãng tử của Bị), do đó có khá nhiều bạn hữu. La Quán Trung ca Lưu Bị nè: “Lưu Bị là người ít nói, hoà mình với kẻ dưới, vui buồn thường không để lộ ra mặt, thích kết giao với hào kiệt, có nhiều thiếu niên cùng tuổi vây quanh”.

Khi khởi nghĩa Hoàng Cân nổ ra, Lưu Bị hưởng ứng ở Trác quận, tham gia đội quân của Trâu Tĩnh và giai đoạn đó đã để lại một giai thoại sáng mãi nghìn năm về tình anh em khác họ, đó là câu chuyện kết nghĩa Đào viên nổi tiếng được mô tả trong Tam Quốc Diễn nghĩa. Khi đó Bị 24 tuổi. Chuyện kết nghĩa này có thể không có thực nhưng bác La Nhà Văn kết cấu vào quả là đại tài và hấp dẫn.

Do đánh thắng Hoàng Cân mấy trận, Lưu Bị được phong làm Huyện uý huyện An Hỷ, tuy nhiên sau đó do không có tiền đút lót cho quan tham nên đã đánh giám quan của triều đình rồi bỏ chức mà đi. Riêng điều này cũng đã thể hiện phẩm chất nam hán tử của Lưu Bị. Trong khi đó, tiền nhân của Tào Tháo lại là người bỏ tiền ra mà chạy chức, mua quan.

Không lâu sau đó, do Bị lập được công đánh giặc ở Hạ Phì, được tha tội cũ, và ban cho chức huyện thừa ở huyện Hạ Mật, rồi lại làm Huyện lệnh huyện Cao Đường. Nhưng lúc đó chính quyền nhà Hán đã quá rệu rạo, Lưu Bị cũng không ngăn nổi cảnh dân tình nổi loạn tứ tung và lại bị triều đình tước mất chức quan, đành phải theo về với Công Tôn Toản. Toản phong Bị làm Biệt bộ tư mã, lưu ở dưới trướng, sau đó phái Bị đến chống Viên Thiệu, lập được công lao. Toản tiến cử với triều đình phong Bị làm tư lệnh quân Bình Nguyên, rồi thăng lên Bình Nguyên tướng.

Trong thời gian này, Lưu Bị có xích mích với một người ở trong quận là Lưu Bình, Lưu Bình hết sức tức giận nên đã phái thích khách đến ám sát Bị. Bị vẫn không biết, lấy lễ long trọng đáp lại, Thích khách hết sức cảm động cáo từ mà đi. Một chi tiết nhỏ này có thể thấy Bị có ma lực hấp dẫn người khác đáng kể.
Khi Viên Thiệu đánh Công Tôn Toản, Lưu Bị đến cứu. Cũng thời gian này, Bị gặp được Đào Khiêm (thứ sử Từ Châu), một quý nhân có ảnh hưởng lớn đến bước đường sự nghiệp của Lưu Bị.
Từ Châu nằm giữa Sơn Đông và Giang Tô, vào thời ấy là một vùng đất đông đúc dân cư và giầu có vào bậc nhất Trung Hoa, bởi vậy chính là nơi các anh tài cát cứ tranh giành để kiếm nguồn nhân lực và tài lực.

Đào Kiêm là người trưởng thành từ quân ngũ, khi làm việc chỉ lấy cái lợi trước mắt làm đầu. Do có nhiều sơ xuất trong việc điều hành nhân lực nên dẫn đến sự việc Trương Khải giết chết bố Tào Tháo khiến Tháo tức giận khởi binh đánh phá Từ Châu dữ dội, lê dân chịu cảnh lầm than, thực là điên đảo lưu ly. Đào Khiêm mặc dù tận lực chống đỡ, nhưng thua một trận lớn ở Đàm Thành, lãnh địa bị mất, buộc phải cầu cứu Công Tôn Toản. Bấy giờ Toản đang cự nhau với Thiệu ở U châu nên đã phái Lưu Bị đến giúp. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Tào Tháo bị Lã Bố đánh mất đại bản doanh ở Duyện châu nên phải bỏ Từ châu về cướp lại Duyện Châu.

Vì Lưu Bị đã có công giúp đỡ Đào Khiêm, lại có một bằng đỏ rất uy là mác “Tôn thất nhà Hán” nên Khiêm đã dâng thư lên triều đình tiến cử cho Bị làm Dự Châu mục, đồng thời đóng quân ở Tiểu Bái là một căn cứ rất quan trọng che chở cho Từ Châu. Thời gian ngắn sau, Đào Khiêm bị bệnh, muốn Bị thay mình lĩnh chức Từ Châu mục. Lưu Bị tự nhận thấy thực lực của mình còn yếu nên kiên quyết từ chối, song được các nhân vật trọng yếu ở Từ Châu như My Trúc, Khổng Dung, Trần Đăng ra sức thuyết phục nên Bị nhận lời. Cái chuyện từ chối khiêm nhường hai ba lần rồi cũng nhận của Lưu Bị còn diễn tiến dài dài. Nhưng qua đó, người tinh ý đã thấy ở trong đó chứa chất những khách sáo và cố ra vẻ nhún nhường

Như vậy là chỉ sau ít thời gian, Lưu Bị từ một chức quan nhỏ nhoi không chính thống đã leo tót lên hành tướng quân, đứng đầu một quân khu trọng yếu trong toàn quốc. Khổ nỗi đang từ cái chức con con bỗng nhiên khoác lên mình cái áo rộng quá khổ, Lưu Bị thiếu tầm nhìn đại cục để chỉ đạo, lại không khéo xử lý mối quan hệ giữa các quân khu. Hơn nữa Từ Châu lại là nơi các quần hùng tranh giành cát cứ nên Lưu Bị luôn bị các thế lực xung đột tranh giành khiến Từ châu bị chao đảo mấy lần, khi thì Thuật ở Hà nam đánh phá, khi thì bị Bố và Cung đánh cướp. Và kết cục là chân trắng vẫn hoàn chân trắng, Lưu Bị đánh mất cả cơ ngơi Từ Châu, thật là cùng đường bí lối không thể không theo về với Tào Tháo.

Tuy qua nhiều sóng gió gian lao, nhưng con bài “nhân nghĩa” và cái danh “tôn thất nhà Hán” khiến Lưu Bị ngày càng nổi trội và có uy tín lớn trong đám quần hùng lúc bấy giờ. Cái mất Từ Châu là một kinh nghiệm lớn và là bài học đắt giá đối với Bị về cách điều hành chỉ đạo một quân khu, điều đó có lợi không nhỏ đối với Bị sau này.

Giai đoạn khuất thân ở với Tháo quả là một giai đoạn rất đặc biệt trong cuộc đời chính trị của Lưu Bị. Đời sau cũng đã đặt dấu hỏi rất nhiều về giai đoạn này khiến các nhà phân tích lý giải nhiều sự kiện xảy ra với Bị và Tháo rất khác nhau. Đây chính là giai đoạn phát sinh hai sự kiện lớn là vụ “huyết chiếu” của Hán Hiến Đế và vụ “luận anh hùng” giữa Tháo và Bị. Hai sự kiện này đã khiến tiếng tăm của Bị nổi lên như cồn. Những điều này đã tác động không nhỏ đến việc Gia Cát Lượng sau này đã có những ảnh hưởng nhất định từ những sự kiện này nên đã chọn người chủ không có cơ nghiệp để thờ. Nhưng đấy là chuyện về sau ...

Về vụ “huyết chiếu”, Tào Tháo tỏ ra rất lộng quyền, lấn lướt Hán Hiến Đế. Lưu, Quan, Trương và một số trung thần khác như Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Mã Đằng... rất tức giận, quyết lập mưu trừng trị. Khi nhận được mật thư bằng máu của Hán Hiến Đế xin giúp giữ gìn nhà Hán thì mọi người quyết sẽ chờ cơ hội khởi sự. Đổng Thừa được áo gấm vua ban, bên trong có gài mật chiếu bền cùng với Lưu Bị âm mưu diệt trừ Tào Tháo”. Nhưng khi ấy quân quyền nằm trong tay Tháo, vua Hán chỉ như con rối trên bàn cờ toan tính của Tháo mà thôi. Với một Đổng Thừa như cào cào mổ đống mối thì làm sao Thừa có thể trừ được Tháo? Chính vì vậy nên Đổng Thừa đã lôi kéo vào hàng ngũ của mình một số công khanh khác như Vương Phục, Chủng Tập, Ngô Thạc để dự mưu. Vấn đề là làm sao để tiếp cận Tháo để dễ dàng hành động? Ắt phải có thêm người ngay ở trại Tào, lại phải không có quan hệ thân thích với Tháo, người ấy có thể là ai khác ngoài Lưu Bị?

Chuyện thứ hai là “luận anh hùng”:

Để tránh bại lộ âm mưu, Lưu Bị về làm một vườn rau để giả vờ chỉ thích tiêu nhàn. Tào Tháo muốn dò ý coi thật thế Lưu Bị có chí lớn hay chí nhỏ nên cho mời tới uống rượu, bàn chuyện thế sự. Trong tiệc rượu, Tào Tháo nói về cái uy lực của con rồng rồi hỏi Lưu Bị xem trên thế gian này ai là anh hùng.

Lưu Bị nói là anh em Viên Thuật ở Hoài Nam, Viên Thiệu ở Hà Bắc thì bị Tháo chê đại khái Thiệu giống như tay xăng pha nhớt nửa đàn bà, người thiếu quyết đoán, không biết nghe lời người tài nên không đáng ngại. Lưu Bị nói là Lưu Cảnh Thăng (Lưu Biểu), Tháo chê như cái đụn rạ Nam Việt không có thực tài. Bị nói Tôn Sách, Tháo chê chỉ nhờ có tiếng con ông cháu cha từ bố là Tôn Kiên chứ chưa phải anh hùng. Bố nó là anh hùng liều mạng ôm ngọc tỷ chứ nó tuổi gì đứng ngang hàng chú bác?. Bị nói Lưu Chương, Trương Tú, Trương Lỗ, Hàn Toại thì bị Tháo chê là "lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì"...
Lưu Bị chịu thua thì Tháo mới chỉ Bị rồi chỉ mình và nói:" Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi"
Lưu Bị nghe nói giật cả mình, rơi cả đũa và thìa. May sao lúc đó đang có cơn giông, có một tiếng sét lớn vang lên cùng lúc. Bị nhanh trí nói tảng ra rằng:"Gớm ghê! Tiếng sét dữ quá".

Tháo nghe thế thì cho Bị là thứ nhát gan, không thèm để ý tới nữa. Hặc! Đọc đến đây VietHoa mới nhớ ngay tới Me xừ Xuân – một người bạn của tui ở Huế. Trong một trận nhậu tại quán nhà, bạn tôi và tôi cùng chém gió thành bão. Nhưng Xuân chém thế này:” Em nói thực với bác, ở Huế này một dạo cứ khôn cũng chết, dại cũng chết mà biết cũng chết. Chỉ có…giả chết là sống tạm bác ạ!”. Kinh nhể! Hôm nay luận tới “anh hùng” của Tào A Man và Lưu Bán Dép thấy tích xưa học tập Me xừ Xuân chứ không có nhẽ bạn mình lại dùng sách của…Lưu Bán Dép?
(Còn tiếp Lưu Bị một kỳ)
Tổng hợp- Bình bủm- Chua chát: VietHoa



Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất