Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Học bổng 2013- 2014: Về Phú Mậu, nhìn các em thương lắm Vạn Đò...

  Trong một lần đi khảo sát, Sư Pháp Tông nói với anh em chúng tôi: Ở Huế bây giờ, bà con Vạn chài, Vạn đò được động viên lên bờ an cư, lạc nghiệp. Có những ngôi trường các cháu con em vạn đò, vạn chài khá đông nhưng hoàn cảnh khó khăn lắm. Trường Phú Mậu 1 là một ví dụ. 
.
Sư tâm sự rằng: “Cô giáo Hiệu trưởng của trường này hiện đang theo học Cao học cùng với Sư. Là một hiệu trưởng tâm huyết với nghề…”.

Thế là như một cái duyên, một buổi chúng tôi ăn sáng ở tiệm cơm chay Liên Hoa. Một cô giáo mặc áo dài tím Huế đích thị tên là Huế. Qua cô giáo, chúng tôi được nghe nhiều chuyện về cái nghèo, cái khó của học sinh Phú Mậu 1.

Các anh về với xóm Lại Tân của học sinh chúng tôi nhé. Lại Tân? Tên lạ hè!?. Không lạ đâu anh. Lại là LẠI VỀ, Tân là mới. Nôm na là: Lại về Xóm Mới. Cái xóm này người ta dựng lên để giúp bà con Tái định cư. Nhưng khi lên định cư rồi thì nghề nghiệp cũng bấp bênh. Họ có biết làm gì ngoài sông nước? Thế cho nên, nhiều gia đình lại trở về cùng tá túc trong những con đò nhỏ hẹp cho tiện và đơn giản bề sinh sống. Rồi Chính quyền lại động viên, gom họ lên bờ. lại về Xóm Mới. Thế là cái tên LẠI TÂN ra đời…

Chúng tôi theo cô giáo về trường Phú Mậu 1. Thì ra, đây là một ngôi trường được xây cất rất đẹp ở làng Sình –Nơi có nghề làm tranh thờ cúng truyền thống. Nếu cứ nhìn ngôi trường bề thế, nhìn đồng phục của các em học sinh thì không ai nghĩ có những hoàn cảnh nghèo đến …rớt nước mắt.

Với kinh nghiệm khảo sát, chúng tôi xin cô danh sách đại khái: Có bao nhiêu anh em ruột của một gia đình cùng học một lớp? Cái này nhiều. Chả là, cả gia đình họ trên thuyền trôi dạt. Trẻ con có biết chữ mô? Nay tái định cư lên bờ, họ mới tìm cách cho con học chữ. Vậy nên nhiều gia đình 3 anh em từ 12, 10, 8 tuổi cùng học chung lớp 1. Có trường hợp con bé Út Đào thị Quy học sáng dạ hơn hai ông anh nên được cô giáo phân công “dạy kèm” các... sư huynh (!).
Rất nhiều em học sinh thiệt thòi đến mức trong giấy khai sinh phần: Họ và tên Cha thì...bỏ trống. Rất nhiều gia đình có đến 5 -6 đứa con. Tên nôm na cũng sẵn Út Bìa, Út Rìa. Hỏi sao đông con thế? Chỉ biết văn vò vạt áo rồi lí nhí: Trên đò mà bác. Cứ khó ngủ là lại...đố em!!!!

Một cậu bé cao ngòng, đen thậm nhưng nét mặt rất phong sương đi qua chỗ tôi đứng. Cháu tên là gì? Dạ con là…. Học lớp mấy hả cháu? Lớp 3 bác. Lớn vậy học chắc giỏi hè? Dạ không con…khó mà giỏi. Sao kém à? Cậu bé gãi đầu: Dạ! mỗi sớm con phải dậy từ 4 giờ 30 đi đổ đơm cho mẹ tới sát 7 giờ con mới chạy về lớp học. Con buồn ngủ…

Vậy đó. 16 tuổi, mới học lớp 3 nhưng đã là lao động chính vài năm rồi. (tên cháu là TVT)

Tôi nhờ cô hiệu trưởng dẫn vào thư viện nhà trường. Đẹp, ngăn nắp thì đã hẳn nhưng sách chỉ lèo tèo ít cuốn. Nhìn những cuốn sách giáo khoa tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5 trên giá, tôi hỏi cô giáo:” Sách này cũng phải cho các em mượn sao?”. Cô giáo bảo:” Trường tui nhiều em gia đình nghèo lắm, việc bỏ 66 ngàn mua một cuốn sách giáo khoa Anh Văn với họ cũng khó khăn lắm. Nhà trường đành để giải pháp: Cho mượn…Qua kết hợp địa phương khảo sát và thống kê, trường chúng tôi có tới ba trăm hộ gia đình nghèo và cận nghèo…”.

Sau 2 ngày làm việc, xem xét và tìm hiểu, Quĩ Ước Mơ Nhỏ quyết định cấp 30 xuất học bổng mỗi xuất trị giá 500 ngàn đồng. Đồng thời, xem xét trợ giúp khoảng 100 cuốn sách giáo khoa cho 100 em có hoàn cảnh khó khăn chưa có sách giáo khoa Anh Văn để học ngoại ngữ (khoảng 7 triệu đồng).

Trong buổi gặp gỡ, thật đúng là Tùy duyên hay…”vị cây, dây quấn”, thầy Xuân, giám đốc xưởng mộc Lê Gia – một nhà hảo tâm âm thầm của xứ Huế biết chuyện, thông qua Ước Mơ Nhỏ, anh gửi tặng quĩ khen thưởng 3 triệu đồng.

Buổi trao học bổng diễn ra trong không khí thân mật tại Hội trường Phú mậu 1. Vẫn mưa rây dây nhưng nhìn nụ cười của Thượng Tọa Pháp Tông rạng rỡ - Trong khán phòng, từ Ban giám Hiệu, Các Cô, các Thầy, Đại diện Công Đoàn, Đại diện Địa phương ...tất cả! - Những tấm lòng đang cùng ấm lại.

Thật xúc động khi vừa tan buổi lễ, hai cô bé lớp Một cầm phong bì học bổng chạy đến ùa vào lòng cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Huế, miệng khoe:” Cô ơi! Con có tiền đóng học rồi nè cô…”.
Hình ảnh:
 
 
 
 
 
Trong giờ học của các em
 
Cảnh trao học bổng tại Hội trường
 
 
 
Thầy Võ Phụng Sự Chủ tịch Công Đoàn khai mạc
 
 
Đại diện UMN phát biểu
 
Thượng Tọa Pháp Tông trao học bổng cho các em
 
 
 
Cô Nguyễn Thị Kim Huế và Đại diện Chính quyền địa phương
 
 
 
Cô giáo Hiệu trưởng phát biểu
 
 
 

 
Chụp hình lưu niệm 
 
Nhận quà lưu niệm (tranh làng Sình) 
 
Bác Xuân Lê Gia
 
Xí nghiệp Mộc của bác Xuân, chuyên sản xuất đồ thờ cúng cao cấp: Câu đối, Liễn, Hoành phi, Mâm triện, Nhà Rường, Mái đao, Tổ ong, song, bản...với đủ hình tượng Long, Lân, Qui, Phụng, Rùa rùa...và kiến thức Hán -Nôm thâm sâu và chiết khúc!
 
Đi đường, bạn sẽ thấy rất nhiều: Lê Gia, 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Huế

Lời: VietHoa; ảnh: Mạnh Hùng


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất