Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Bài PG 8: Huyền Không Sơn Hạ - Nhà sư Thầy Thuốc

   Đã có rất nhiều những lời ngợi ca, dòng tri ân và cả những dòng thơ với từ ngữ đẹp nhất để ca ngợi và tôn vinh sư ông Tuệ Tâm; tôn vinh trung tâm Y học Cổ truyền – Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa. Địa chỉ: số 03 Lê Quý Đôn, Thành phố Huế.
.
 Nhưng có lẽ bấy nhiêu là chưa đủ.

Thật vậy! đây là một vị Thượng Tọa theo dòng Phật Học Nam Tông; đồng thời Tỳ Kheo Thích Tuệ Tâm cũng là Giám đốc một Trung tâm y học cổ truyền đặc biệt có một không hai ở Việt Nam. Thật là diễm phúc và cảm ơn cơ duyên đã giúp tôi quen biết với sư ông. Sự Tùy Duyên (như lời nói của Thượng tọa Giới Đức) thật thiện nguyện: Chúng tôi và Sư ông cùng gặp nhau từ những chuyến đi trao học bổng hàng năm cho một số sinh viên trường Đại Học Y Dược Huế.

Xin gửi vào bài vài con số thống kê của quãng thời gian hơn 30 năm hành nghề chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và hoạt động 40 năm cuộc đời tu tập của Sư ông Thích Tuệ Tâm:

Từ năm 1982 đến 2012, TT kế thừa YHDT – Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa khám chữa bệnh cho 1.177.316 bệnh nhân; cấp thuốc miễn phí tại chỗ: 2.085.505.000 đồng. Tổ chức các chuyến đi khám, chữa bệnh, châm cứu miễn phí cho 84.759 người; cấp phát thuốc miễn phí trong các chuyến đi: 3.214.548.000 đồng. Phối hợp Hệ phái Nam Tông (Phật giáo Nguyên Thủy) tặng nhiều phần quà, xe lăn, gạo, muối, thực phẩm…cho bà con nghèo, thiên tai, lũ lụt giá trị 12 tỷ đồng. Tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cho bệnh nhân HIV mỗi năm 100.000.000 đồng. Mở 12 khóa học Y học cổ truyền với các phần học cơ bản: Lý luận, châm cứu thực hành, được tính học, phương tế học, bệnh học…Tổ chức  dịch sách, bồi dưỡng kiến thức Hán- Nôm, làm các đề tài, mở các chi nhánh hoạt động. Xây dựng cơ sở vật chất khám chữa bệnh lớn mạnh với đầy đủ bộ máy và các phòng điều trị như khám, cấy chỉ, bào chế, châm cứu nam, nữ; phòng tĩnh tâm với các loại máy móc phục vụ cho khám, chữa trị Đông y, Y học Cổ truyền…vv và vv

Nhìn vào khối lượng cơ sở vật chất qui mô, quản lý minh bạch; thành phần nhân sự gồm nhiều Lương y, Dược sĩ, Y sĩ tận tâm, có tài và đầy trách nhiệm của Trung Tâm Kế thừa Y Học dân tộc do sư thầy Thích Tuệ Tâm làm giám đốc hôm nay, ít ai thấu hiểu và biết rõ về quá trình hình thành, phát triển và nhất là thấu rõ tâm nguyện phục vụ chúng sinh cháy bỏng của vị Thượng tọa chân tu này…

MỘT CHIỀU HOÀNG HÔN BÊN CHÙA MÁI LÁ BẮC HẢI VÂN

Trong những lần gặp gỡ, tôi mạnh dạn hỏi Sư về cơ duyên nào Sư lại đi làm thầy thuốc. Sư ông Tuệ Tâm cười thật hiền và kể:” Tôi ở Huế đi tu từ nhỏ. Gia đình có truyền thống về Y học cổ truyền. Năm 1974 tôi có duyên theo học một lớp châm cứu do thượng tọa Tâm Ấn hướng dẫn. Học với các vị danh y như lương y Nguyễn Đồng Di, lương y Định Ninh Lê Đức Thiếp. Tại ngôi chùa lá mà tôi tu bên bắc đèo Hải Vân, một đêm vắng tôi chợt nhớ câu đối viết ở đền Bia tại chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng: “Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh. Sống nhờ cửa Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm giang!”. Tôi mơ thấy mình có một “sứ mạng”, tâm tư bừng lên một hạnh nguyện …

Thế rồi, như đã quyết định, tôi vào điện Phật thắp hương, đánh chuông và phát nguyện:“Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện dâng hiến xác thân nầy để phục vụ tha nhân cho đến khi còn hơi thở cuối cùng”.  Thuở ấy tôi là một thanh niên 20 tuổi!
Nhưng cũng nhờ lời nguyện ấy, tôi chuyên tâm nghiên cứu về Đông Y và châm cứu. Bệnh nhân của tôi là dân làng Lộc Hải cùng với bộ đội biên phòng. Phần nhiều các bệnh nhân đến chữa đều được lành bệnh một cách nhanh chóng, có lẽ là do “tổ đãi” chăng?

Tôi theo học nhiều thầy. Đặc biệt, ông cụ thân sinh anh Tôn Thất Đức. Ông cụ đã truyền lại cho tôi bài thuốc chữa bệnh hen suyễn và bài thuốc chữa về bệnh can khí uất kết

 

THẦY TRÒ XUỐNG NÚI

Thời khắc đáng nhớ nhất là tháng 6/1982, được sự cổ vũ động viên của các nhà sư đàn anh. Sư Tuệ Tâm cùng 6 đệ tử xuống núi chữa bệnh cho bà con. Lúc này, chủ trì Huyền Không Sơn Trung là Sư Giới Đức (tức tiến sĩ văn chương Minh Đức Triều Tâm Ảnh) đã cấp vốn cho nhóm lương y Hạ Sơn 20 thùng lúa và 2000 đồng để làm vốn.

 Sư và đệ tử về chùa Tăng Quang mở phòng khám chữa bệnh. Biết mục đích và tâm nguyện của Sư, ông Nguyễn Hữu Vấn, chủ tịch Mặt Trận thành phố Huế, ông Nguyễn Quốc Vượng, chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Bình Trị Thiên hết sức giúp đỡ. Tổ Chẩn trị Y học Dân tộc ra đời. Mỗi ngày, khoảng hơn một trăm bệnh nhân đến điều trị.

Những ngày đầu chưa biết cách làm từ thiện, ai nghèo đến khám - chữa bệnh cũng miễn phí hết nên chỉ hơn 3 tháng sau, 20 thùng lúa và 2000 đồng vốn liếng khởi nghiệp đã không cánh mà bay. Các thành viên trong tổ chẩn trị phần lớn phải ăn cháo bo bo nấu với rau muống, rau khoai. Thiên tai, lũ lụt khiến địa điểm chữa bệnh rất bất tiện. Tổ chẩn trị tìm cách chuyển qua khuôn viên chùa Diệu Đế. Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, khu chẩn trị được tu sửa và nâng cấp. Trong lúc khó khăn nhất, những người trong tổ Chẩn trị cũng không ngã lòng. Tiền vốn hết, họ đi vay. Nhiều phật tử và cả những người được chữa khỏi bệnh tình nguyện làm công quả. Họ phát tâm trồng cây thuốc Nam, lên rừng tìm cây thuốc theo hướng dẫn của Lương y; kêu gọi sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Từng bước, từng bước…Tổ chẩn trị Y học Dân tộc gắng gượng cùng xã hội vượt qua giao đoạn khó khăn nhất…

Theo yêu cầu của tỉnh Giáo Hội Phật Giáo tỉnh, tháng 4 năm 1989, Tổ chẩn trị Y học Dân tộc đã sáp nhập với phòng Tây Y và thành lập Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế.

Từ năm 1994, Sư Tuệ Tâm được Hệ Phái Phật Giáo Nam Tông ủy giao trách nhiệm với chùa Pháp Luân. Khi đất chùa Pháp Luân được trả lại, Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế chuyển về và đổi tên Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa. (quyêt định công nhận 3099/2007/QĐ-SYT của Sở Y tế TTH).

Hoạt động của Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa chủ yếu chữa trị các bệnh đặc thù như hen, suyễn,cột sống, khớp, châm cứu, suy nhược thần kinh, thần kinh tọa, đại tràng, di chứng tai biến…. Các Bác sĩ, Lương y, Y sĩ YHDT cộng tác với Trung tâm trên tinh thần thiện nguyện, thỉnh mời…đa số nhận thù lao tượng trưng. Bệnh nhân diện Chính sách, hộ nghèo (có sổ nghèo) miễn phí; nghèo không có sổ thu 50% chi phí; chỉ thu phí thuốc men đối với bệnh nhân có đủ điều kiện kinh tế. Các dự án, tài chính, hỗ trợ của các nhà hảo tâm dùng cho những chuyến khám, chữa bệnh lưu động vùng sâu, vùng xa. Toàn bộ thu, chi có phòng Kế toán quyết toán minh bạch. Ngoài ra, Sư Tuệ Tâm còn cho trồng vườn 5000 m2 thuốc Nam và mở quán cơm chay Liên Hoa để hỗ trợ công tác chi phí khám chữa bệnh.

Các cụ ngày xưa nói: 2 lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà. Với Trung tâm Kế thừa & Ứng dụng YHCT Liên Hoa và các nhà sư phải chuyển nhà tới 3 lần. Khó khăn, tình huống và kể cả những đau buồn thì thật vô cùng. Nhưng với sự nhẫn của Nhà Phật dạy, Sư Tuệ Tâm và các đệ tử của mình cứ âm thầm Hoằng Pháp. Dù xuất gia tu theo hệ phái Nam Tông, nhưng Sư luôn hạnh nguyện rằng: Giúp đỡ chúng sinh là cúng dường Chư Phật! và làm theo lời Phật dạy:” Hãy làm những gì lợi mình, lợi người”.

Đối với Hệ Phái, Sư là một Thượng Tọa đầy uy tín và mẫu mực. Sư Tuệ Tâm có một nền tảng vững vàng về Phật Học. Sư có một niềm tin vững chắc vào Phật pháp trước khi dấn thân vào Đạo để phục vụ chúng sinh. Chính vì vậy, người ta luôn thấy Thượng Tọa thong dong, từ tốn và đứng ngoài danh lợi. Ngài không vắng mặt trong một buổi lễ quan trọng nào. Hàng tuần, trong chùa Pháp Luân, ngài vẫn tổ chức thuyết pháp, đưa ra những lời khuyên Chánh Pháp cho Phật tử.

Nhưng hơn bao giờ hết, Sư lấy việc chữa bệnh cho mọi người làm ưu tiên hàng đầu. Sư từng tâm sự:” Một người đau  trước mắt cần chữa bệnh, uống thuốc hơn là nghe thuyết pháp

Đối với Chính quyền, Giám đốc trung tâm Y học Cổ truyền Quách Cà (Tức sư Thích Tuệ Tâm) là một người cầu thị, khiêm nhường. Dù được cử giữ những chức vụ quan trong trong Phật giáo, Y học, Châm cứu…nhưng ông vẫn giữ lời khiêm của Phật Giáo. Để có được những thành quả hôm nay, Trung tâm có sự ủng hộ, hỗ trợ và chia sẻ đầy trách nhiệm của Chính quyền địa phương.

Đối với đồng nghiệp, Sư mời các lương y, giáo sư về thỉnh giảng, trao đổi về kinh nghiệm. Trong lĩnh vực châm cứu, vị Giáo Sư đầu ngành Nguyễn Tài Thu sau khi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đã đánh giá rất cao khả năng và tay nghề của Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa.

Đối với bà con lao động và bà con phật tử và bệnh nhân, Sư Tuệ Tâm chẳng khác nào ông Bụt mặc áo choàng trắng (lúc khám, chữa bệnh sư không đắp y vàng mà mặc áo choàng vô trùng màu trắng). Mỗi ngày, nơi đây tổ chức tiếp nhận, khám, chữa bệnh, châm cứu cho khoảng 250 người. Đặc biệt, có những người ngồi chờ xin được gặp Sư, họ đưa ra một chiếc vòng, một chuỗi hạt nho nhỏ của em bé mong Sư khi nào lên Chánh điện niệm Kinh giúp cho cháo bé đeo vào cho tâm an, vía lành…

Đối với các sinh viên YHDT, YHCT của Đại Học Y Dược Huế, Cao Đẳng Y, Dược Huế, sư là một người thầy tận tụy. Mỗi năm, ngài nhận nhiều sinh viên thực tập và duy trì cấp nhiều học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.


NHỮNG LỜI NGỢI CA

Hôm nay, đến với Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa, chúng ta thấy cơ sở vật chất thật khang trang. Ban điều hành với 8 phòng nghiệp vụ, chẩn trị, châm cứu và làm thuốc…cùng hơn 40 lương y, dược sĩ, y sĩ, nhân viên..Nghị lực phi thường, niềm tin bất diệt, đức tin vô bờ để vượt lên chính mình của thầy trò Sư Tuệ Tâm

Nếu chỉ thống kê các trường hợp khỏi bệnh, thoát hiểm nghèo…trong mấy chục năm qua nhờ Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa thì danh sách thật dài. Chỉ cần nói rằng: không chỉ bà con ở Thừa Thiên Huế mà bà con ở các tỉnh Quảng nam, Quảng Bình, Quảng Trị thậm chí Tây Nguyên, Hà Nội và Việt Kiều về nước cũng tìm đến chữa trị. Không phân biệt giàu, nghèo sư Tuệ Tâm cứ âm thầm mở rộng vòng tay yêu thương tận tụy cứu giúp. Hơn 30 năm qua, hàng ngàn người bệnh vượt qua cơn bĩ cực của bệnh tật, trở lại cuộc sống bình thường. Trong tâm khảm của họ nhà Sư như một giác phúc. Anh Thịnh, nhà ở Quảng Điền có 5 đứa con thì 3 bệnh tật; anh và vợ đau lưng, đau thần kinh tọa do làm lụng quá sức. Đến Tuệ Tĩnh Đường, được chữa trị ổn định, anh rớm nước mắt kể:” Chúng tôi khỏi bệnh rồi. Lương y Tuệ Tâm miễn phí cho vì nhà nghèo. Cả nhà tôi biết ơn lắm…”.

Thầy thuốc giỏi thì nơi nào cũng có, nhưng thầy thuốc giỏi mà có tâm Phật hết lòng vì người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như chính bản thân mình, ân cần, gần gũi, không phân biệt sang giàu, “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật” thì không phải phòng khám nào cũng có!

Nhà sư thường dẫn đầu hơn 40 tình nguyện (trong đó có các Soeur bên Thiên Chúa Giáo) viên đến thăm hỏi, chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Nhìn bệnh nhân đón viên thuốc từ tay Thượng tọa Tuệ Tâm; đón từng thìa cháo của Soeur Lý, một người đi cùng đã thốt lên: “Tôi nhìn thấy những đệ tử của hai tôn giáo lớn nhất thế giới cùng đúng chung dưới mái nhà để mang lại phước lành cho chúng sinh…”. Vâng! Chỉ có hai chữ: VÌ NGƯỜI! mới nói hết được hình ảnh đó. Còn sư Tuệ Tâm? Ông bình thản giảng giải: “ Không có niềm tin mà để cho con người sống trong cô đơn, mọi tôn giáo đều không có giá trị! Bên Phật có tâm từ bi thì bên Chúa cũng phép lạ cứu người như cứu mình. Chúng tôi vốn có chung một con đường đến với Nhân Loại này!”.

Cá nhân nhà sư và Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đã được đón nhận Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ và Bằng khen của Bộ y tế. Ngoài ra, còn nhận được nhiều Bằng khen và Huy chương, Kỷ niệm chương của trung ương Mặt Trận, Bộ y tế, Hội Liên Hiệp Khoa Học và Kỷ Thuật, Hội Đông y, Hội châm cứu, Ủy Ban nhân đân tỉnh và Thành phố, Mặt Trận tỉnh và Thành phố…

VẪN CÒN TRĂN TRỞ…

Sư thầy Tuệ Tâm bảo: “Với tui, đây không phải là nghề, mà chỉ là phương tiện để giúp đỡ người nghèo”.  Trò chuyện với chúng tôi, nhà sư thủ thỉ: “bà con mình nghèo lắm. Chúng ta ráng lo cho họ được thì cứ ráng. “phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật” mà. Điều trăn trở nhất đối với tôi bây giờ chỉ có Hai Điều. Một là: Xây dựng cho được một cái bệnh viện điều dưỡng Y học Cổ Truyền, có vườn thuốc Nam. Hai là tìm người kế thừa cho tôi. Khó lắm! tôi đi tìm mấy năm rồi đó. Cái khó chính là ở chỗ, người thay thế mình phải là người Xuất Gia. Có xuất gia, tu tập chánh đạo thì mới toàn tâm toàn ý hoằng dương chính pháp và phục vụ chúng sinh.

Khép lại bài viết, tôi tin rằng Sư ông sẽ toại nguyện hai điều trăn trở. Bởi vì tôi dù không duy tâm nhưng tâm đắc câu của các cụ dạy: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Những ngày gian nan nhất đã qua rồi; với nghị lực phi thường, niềm tin bất diệt, đức tin vô bờ để vượt lên chính mình của thầy trò Sư Tuệ Tâm thì hai điều trăn trở kia chắc chắn sẽ thành hiện thực...
bài và ảnh: VietHoa
hình ảnh:
 
 
Các Nhà sư dự Chu Niên lần thứ 3 -Hội Phật tử Huyền Không
 
 
Sư Tuệ Tâm trao phần thưởng cho học sinh
 
Trao phần thưởng cho sinh viên Đại học Y dược Huế
Trao thưởng cho học sinh Anh Ngữ
Sư Pháp Tông và sư Tuệ Tâm
 
Tác giả và Sư Thích Tuệ Tâm

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất