Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Tìm hiểu TG 4: Những Nhà Sư - Ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy

  Ba vị Hòa Thượng:
* Hòa thượng Hộ Tông (1893-1981) từng học ngành thú y ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ngài trở về Phnom Penh làm việc với chức vụ bác sĩ thú y. Năm 34 tuổi, ngài phát tâm hướng về nghiên cứu con đường tu hành, con đường giải thoát.
.

Do nhân duyên đưa đẩy, ngài đến gặp vị Phó Tăng Thống Cam Bốt tại chùa Unalom. Vị sư giới thiệu ngài tìm đọc một quyển sách viết về Bát-Chánh Đạo bằng tiếng Pháp. Từ đó, ngài quyết tâm hành trì theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada.

Năm1949, ngài xúc tiến xây cất Chùa Kỳ Viên (Jetavana Vihara). Chùa Kỳ Viên được hoàn tất vào năm 1950. Đồng thời, chùa Bửu Quang cũng được trùng tu lại vào năm 1951.

Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam được chính thức thành lập; toàn thể chư Tăng suy cử ngài vào chức vụ Tăng Thống của Giáo Hội, khóa I.

Trong suốt bốn mươi mốt hạ của tỳ kheo, ngài không bao giờ rời kinh sách. Mỗi nơi ngài đến ngụ đều có một tủ kinh. Ngài sống một đời giản dị, ba y một bát như một vị tỳ kheo mẫu mực của truyền thống Nguyên Thủy.

 * Hòa Thượng Giới Nghiêm (1021-1984), (Nguyên quán huyện Hương Phú, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 9 tuổi (1930), Ngài xuất gia tại chùa Bãng Lãng - Huế thuộc hệ phái Bắc truyền. Sau đó Ngài được thọ giới Sa Di. Ðến năm 19 tuổi, Ngài thọ giới Tỳ Kheo.

Khi Phật giáo Nam Tông bắt đầu du nhập vào Việt Nam, Ngài nghiên cứu giáo lý Nguyên Thủy.

Ngài du học tại Campuchia, Thái Lan và Miến Ðiện.  Sau hơn mười năm du học, Ngài trở về Việt Nam để hoằng khai Phật Giáo Nguyên Thủy.

Năm 1957, Ngài cùng các vị Trưởng lão Hòa thượng Hộ Tông, Bửu Chơn, Thiện Luật, Tối Thắng, Giác Quang, Kim Quang, pháp sư Thông Kham vận động thành lập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Ngài giữ chức vụ Phó Tổng thư ký, nhưng vì Ngài có khuynh hướng cách mạng nên chính quyền Ngô Ðình Diệm không duyệt cho Ngài giữ chức vụ trong Giáo Hội. Khi chính quyền Ngô Ðình Diệm sụp đổ, Ngài được bầu làm Tăng Thống trong bốn nhiệm kỳ từ năm 1964-1971. Năm 1975, Ngài tham gia Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố HCM và giữ chức vụ Phó Chủ Tịch.

Năm 1979, Ngài được tái cử chức Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời, Ngài được thỉnh vào Hội đồng Chứng minh và được đề cử làm Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Về sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng lữ, Ngài đã mở một Phật học viện sơ cấp tại chùa Tam Bảo - Ðà Nẵng và một Phật học viện Trung đẳng tại chùa Phật Bảo tại quận Tân Bình - Sàigon, nơi Ngài làm viện chủ và tiến sĩ Thiện Giới làm Giám Ðốc. Phật học viện đào tạo nhiều Tăng tài cho hệ phái Nam Tông.

Ngài là người viết, biên dịch và xuất bản nhiều sách kinh và Pháp. Các tác phẩm:
Hạnh phúc kinh, Tiểu sử Phật Thích Ca, Giải về kiếp,Thiền Tứ Niệm Xứ.Giải về bạn, Mi Tiên Vấn Đáp (Quyển I, II, III), Pháp Đoàn kết, Giải thoát giáo, Giải về cõi trời, Phật bổn sanh, Giải về lửa, Dạ Xoa hỏi Phật, Nhà của Tâm, Vô Ấn Tượng Pháp, Kinh Ổ Mối, Vi Diệu Pháp vấn đáp, Ba mươi bảy Pháp trợ Bồ-đề, Pháp Số giảng giải, Vi Diệu Pháp vắn tắt, Tam Tạng, quyển 1, 2, 3…
Ngoài những sự nghiệp vĩ đại ấy, Ngài lại còn có số đệ tử xuất gia đông đảo nhất của Phật giáo Nam Tông.

Ngài đã kiến lập các tự viện như chùa Ðịnh Quang (Ở làng Giạ Lê), Tăng Quang (Huế), Tam Bảo (Ðà Nẵng), Nam Quang (Hội An), Tăng Bảo (Quảng Ngãi), Bửu Sơn, Pháp Quân (Ðà Lạt), Pháp Bảo (Mỹ Tho), Bình Long (Phan Thiết), Phước Sơn (Ðồng Nai), Tam Bảo Thiền Viện (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phật Bảo Thành phố Hồ Chí Minh).

* Hòa thượng Hộ Nhẫn đến với Phật Giáo Nguyên Thủy khác hẳn. Ngài xuất thân dòng dõi quan tộc. Năm 15 tuổi, ngài đã làm thư ký cho Tôn Nhơn Phủ, trông coi sổ sách, văn từ cho Thế Miếu. Năm 18 tuổi, ngài đi tu thtại chùa Cao Minh.

Khi Phật giáo Nguyên Thủy có mặt tại Miền Trung (vào khoảng những năm 50), ngài Hộ Nhẫn chuyển qua tu theo Phật Giáo Nguyên Thủy và xuất gia sadi năm 1952.

Năm 1958, Ngài về trụ trì chùa Tăng Quang Gia Hội Huế. Năm 1960, Ngài rời chùa Tăng Quang để lên đồi Quảng Tế lập một Cốc nhỏ để tu hành.

Tại Nơi Cốc nhỏ, năm 1961 chùa Thiền Lâm được xây dựng và các năm sau đó, được tôn tạo và tu sửa, đúc Chuông…

Năm 1982, khi tỉnh Bình Trị Thiên thành lập Ban trị sự Giáo Hội PGVN, Hòa Thượng Hộ Nhẫn được thỉnh vào hàng Giáo Phẩm Chứng Minh; sau đó khi Đại Hội Phật giáo toàn quốc, ngài được cử làm Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội PGVN.

Năm 1998, Hòa thượng Hộ Nhẫn được toàn thể Chư Tăng duy tôn lên ngôi vị Tăng trưởng Phật Giáo Nguyên Thủy.

Nhìn vào chức vụ, những lần cung thỉnh, chắc chắn người đọc sẽ tình dung một vị “quan” sư đầy quyền hành và cao cấp? Hoàn toàn không phải như vậy. Đối với Hòa Thượng Hộ Nhẫn, việc ngài nhận lãnh chức vụ và danh tính xuyên suốt là vì công việc của Giáo Hội, nhu cầu của Hệ Phái, uy tín của dòng Phật Học mà Ngài và những vị tiền nhiệm dày công vun đắp và tu nguyện. Còn thực chất, ngài vẫn sống một cuộc sống thanh tịnh, hàng ngày trì bình khất thực, tụng niệm, giảng giải sách tấn ôn hòa. Các đệ tử, Phật tử đều kính trọng đạo hạnh thanh cao, pháp lực nghiêm minh, giới luật tinh khiết của một nhân cách tu hành kiệt xuất của ngài Hộ Nhẫn.

Chuyện mọi người kể lại rằng: hình như Ngài đã đoán định được phần số của bản thân. Nhất là thời gian ngài dời dương thế. Dù gần 80 tuổi, Hòa thượng Hộ Nhẫn vẫn hàng ngày trì bình khất thực trong các xóm làng mà không bỏ sót buổi nào. (Bởi vì: Đi khất thực là gần với mọi người có hoạt động xã hội, tạo duyên lành cho chúng sinh gieo duyên lành trong chính pháp; Khất thực là hình thức thể hiện hạnh Từ bi bác ái, tinh tiến và nhẫn nại trong giáo lý đạo Phật).  Vào buổi sáng cuối cùng, trước khi đi khất thực, ngài dặn lại:”Sáng nay từ khoảng 9 giờ, Sư chưa về là Sư đi luôn đó nghe!”.

Khoảng 8 giờ sáng hôm ấy, khi đang đi trên đường khất thực, một tai nạn đã xảy đến. Một thanh niên chạy xe đã va quyệt vào nhà Sư Hộ Nhẫn. Ngài ngã xuống  và không bao giờ dậy nữa.

Trên đất Thần Kinh Huế - nơi mà đời sống tâm linh thể hiện sâu sắc và lắng đọng nhất. Những người theo Phật Giáo Nguyên Thủy (và cả những người ngoại đạo) rơi nước mắt trước những dòng nhận định về Đại Hòa thượng Hộ Nhẫn: “Ngài chỉ im lặng trì bình khất thực, đời sống vô sản bần hàn; im lặng, cô liêu thiền định mà để lại một gia tài tinh thần vô giá, như một vầng trăng sáng dịu giữa cuộc đời và giữa lòng người…”

Viết đến đây, người soạn bài này cũng thấy ngậm ngùi. Càng ngậm ngùi cảm thán xót xa cùng với cái cuộc đời này: Liệu có còn mấy ai ngoài xã hội bon chen kia được dân tình, bà con lối xóm, anh em họ mạc suy tôn dù chỉ vài chữ rằng: Liêm khiết – Mật hạnh bất khả tư nghì??

 

Người viết xin được bình luận rằng:

Hòa thượng Hộ Tông: Là người đầu tiên mang Giáo Pháp, dịch kinh kệ để chuyển về thuyết pháp dòng Phật Học Nguyên Thủy cho người Việt tại Việt Nam. Có thể nói: Ngài là người khai sáng Phật Giáo Nguyên Thuỷ ở Việt Nam
 
Hòa Thượng Giới Nghiêm hoằng pháp bằng một bề dày tri thức. Những tác phẩm của Ngài để lại thật vô giá cho Chư tăng ni và phật tử. Ngoài ra, Ngài còn được biết đến như một người phấn đấu suốt cả cuộc đời cho Hội Tăng Già Việt Nam; góp công sức xây dựng lên hàng chục ngôi chùa.
 
Hòa thượng Hộ Nhẫn, người đời ấn tượng và sâu sắc nhất với trọn đời của một vị Chân Tu. Sự học tập của Ngài Hộ Nhẫn thì thật sâu, thật rộng nhưng sự sống của ngài thì im lặng như Chánh Pháp. Khiêm một đời! Nhắc đến ngài, bà con, dân tình không thể nào quên một vị Sư khô gầy “thất thập cổ lai hi” nhưng luôn sống một cuộc đời khổ hạnh; tam thường, bất túc, mang bình bát đi sâu vào thôn xóm với một tấm lòng cảm thông, chia sẻ cùng quần chúng, nhân sinh…
 

----

Phần trên, người viết nhấn mạnh đến ba vị Hòa Thượng. Lý do rằng: họ đều trở thành những vị Tăng Thống của Phật Giáo Nguyên Thủy. Không chỉ là sự công nhận mà còn là sự suy tôn, kính trọng. Đồng thời, dù xuất gia ở những lý do khác nhau nhưng tâm của họ đều hướng về Phật Tổ và hết lòng truyền bá Phật Pháp, tụng niệm cho chúng sinh. Ngài Hộ Tông, những năm cuối đời trở về Tổ Đình Bửu Long. Ngài Hộ Nhẫn, từ trụ trì ngôi chùa Tăng Quang – cổ nhất của Phật Giáo Nguyên Thủy Huế và sau đó xây dựng chùa Thiền Lâm trên một vùng đất gò tha ma tại đồi Quảng Tế. Họ là những người không chỉ là Đức Hạnh đầu đà mà có công lao rất lớn đối với Phật Giáo Nguyên Thủy. Có lẽ, không cần phải viết thêm và suy luận thêm rằng: Nhờ bóng dáng tam y đắp mỏng, nhất bát trì bình của các ngài; nhờ câu kinh như lời răn, lời nguyện của các ngài; nhờ những Chánh Pháp, từ tâm của các Ngài tác chuyển mà giúp biết bao nhiêu tâm hồn đang manh nha thiếu thiện nguyện trở lại thăng bằng. Lời kinh, tiếng kệ cùng những thiền định, nâu sồng…đã giúp cho bao nhiêu tâm hồn từng lạc lối trở về trong vòng tay nhân ái của đời thường; lời tụng niệm cần mẫn từng giúp cho biết bao nhiêu linh hồn siêu thoát…

Đã hơn một lần, tôi cũng giật mình tự hỏi rằng: nếu một cái xã hội này của mình không có Phật giáo, Thiên chúa Giáo và những đức ĐỨC TIN thì con người sẽ ra sao đây?

----
Trở lại với những ngôi chùa…

Dọc theo con đường thật lớn vòng về Gia Hội và đi vào con đường nhỏ, chúng tôi tới chùa Tăng Quang

Chùa Tăng Quang tọa lạc đại chỉ 1/1 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Chùa được chính thức thành lập vào năm 1956, theo hệ phái Nam tông, mang phong cách Ấn Độ. Chùa do Hoà thượng Giới Nghiêm, ông Nguyễn Thiện Ðông và bà Nguyễn Thị Cúc là những người chủ trương xây dựng.

Nếu như các chùa hệ phái Đại Thừa Bắc Tông thường thờ Phật Tam Thế (quá khứ, hiện tại,vị lai), cùng với việc thờ tự các Ngài như: Phật Di Lặc, Ca Diếp Tôn Giả, An Nan Tôn Giả... Các vị Bồ-tát như Văn Thù, Đại Thế Chí, Quan Âm, Địa Tạng … Thì chùa Tăng Quang – ngôi chùa thuộc hệ phái Nam Tông lại có nét khác biệt, trong Chánh điện chỉ tôn thờ duy nhất Phật Thích Ca.

Trên bệ thờ là tượng Phật toạ thiền. Bên phải là tượng Phật thời niên thiếu, bên trái là tượng Phật lúc nhập diệt. Cách thờ tự này cho ta thấy rõ tư tưởng cũng như giáo lý của hệ phái Nam Tông rất trung thành với giáo lý Nguyên Thuỷ, chỉ tôn thờ Phật Thích Ca.
Ngoài ra, hiện nay trong Chánh điện của chùa Tăng Quang phía dưới bệ thờ Phật Thích ca còn có bàn thờ các vị sư có công đức với việc truyền bá. Bên phải là bàn thờ Hoà thượng Hộ Tông - người khai sáng Phật Giáo Nguyên Thuỷ ở Việt Nam. Bên trái, là bàn thờ Hoà thượng Giới Nghiêm – người có công đầu trong việc du nhập và truyền bá Phật Giáo Nguyên Thuỷ vào Huế. Phía dưới khu vực bệ thờ, nơi chư Tăng và Phật tử hành lễ hàng ngày, bên phải là bàn thờ Hoà thượng Định Lực - một trong những vị trụ trì chùa Tăng Quang đã viên tịch năm 2005.
Từ khi thành lập cho đến nay chùa Tăng Quang trải qua những đời trụ trì: Hoà thượng Giới Nghiêm; Hoà thượng Ẩn Lâm; Hoà thượng Hộ Nhẫn; Đại đức Giới Hỷ; Hoà thượng Định Lực; Đại đức Tánh Hiền 

Như vậy Chùa Tăng Quang là ngôi cổ tự đầu tiên của Phật Giáo Nam Tông xứ Huế. Chùa là minh chứng cho sự thành công trên con đường truyền nhập đạo pháp của các vị tiền sư, đặc biệt là đại đức Giới Nghiêm.

Cũng từ ngôi chùa Tăng Quang này, cách nay khoảng nửa thế kỷ, có một người thanh niên theo sư huynh của mình đi vấn đạo. Người thanh niên ấy đã gặp nhà Sư Hộ Nhẫn tại chùa này và sau đó, trong suốt  quãng đời tu tập nhiều dâu bể, nhà sư đã làm nên nhiều điều cho Phật Giáo Nam Tông. Mặc dầu, đứng về phía chức vị, nhà sư này không giữ địa vị gì lớn trong Giáo Hội. Thế nhưng, đối với đa số các Chư Tăng Ni và Phật tử Nam Tông, vị hòa thượng này chính là Tăng trưởng đối với họ. Đó chính là Hòa Thượng Viên Minh – có thế nói, ông là linh hồn của những Hoằng Pháp hiện tại và cũng là một tôn túc, một cội tùng vững chãi nhất đang tỏa che bóng mát của dòng Phật Học Nam Tông hiện tại.
 
 
Hòa thượng Viên Minh (ảnh trên); Chùa Tăng Quang, Huế (ảnh dưới)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
(Xin xem ở bài viết sau)
VietHoa bài và ảnh lớn. Ảnh nhỏ chân dung: sưu tầm


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất