Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Tìm hiểu TG 3: Những Nhà Sư - Ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy

  Từ rất lâu rồi, ờ nước ta các dòng Phật học cũng chia ra nhiều Tông phái: Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông… Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước thì phát sinh thêm hàng loạt (vài chục) những dòng tu mà người viết đã đề cập ở những bài viết trước.
.
 Nhận xét của người viết: Dù có tôn trọng tín ngưỡng đến mức nào thì với trình độ của một người dân bình thường thật khó phân biệt các Tông phái. Phần riêng tôi, cái cảm tưởng e ngại khi cầm bút viết về họ là rất rõ. E ngại không đồng nghĩa với lo sợ; nhưng gần với chữ: không đồng tình.

Ví dụ nói về một tông phái có thuật trấn yểm, bùa chú chẳng hạn. Cứ giả sử có một cõi âm có thần linh và những âm binh và những vong hồn? Tôi vẫn không nghĩ trấn yểm, xua đuổi là biện pháp tốt. Bởi lẽ: Một khi anh đã “cao tay” thì cũng còn có kẻ khác “cao tay” hơn anh. Hoặc giả: hôm nay anh cường lực, anh dùng sức mạnh và linh thuật trấn yểm được kẻ khác. Nhưng khi anh yếu đuối, anh hết linh nghiệm thì thực trạng kia sẽ như thế nào? Ai thắng ai?  Ai sẽ phải nhận lãnh hậu quả? Ai sẽ là “ruồi muỗi chết” trong cuộc chơi tay bo giữa một ông thầy pháp và đối tượng cần trấn yểm?? Vv và vv…

Chính vì vậy, từ bài viết này, tác giả xin đi trực tiếp vào một dòng phật học dù chỉ mới du nhập vào người Việt chúng ta vài chục năm nay thôi nhưng họ phát triển, họ hoằng pháp và trong số những chư tăng ni xuất hiện những người có thể nói là có tài (còn cái tâm thì xin mọi người đọc bài và tham khảo thêm về họ từ nhiều nguồn).

Đó chính là dòng phật học Nam Tông (tức Phật giáo Nguyên Thủy)

Tôi nói rõ rằng: du nhập vào người Việt chúng ta. Bởi vì, từ lâu lắm rồi, người Khơ Me tại phía Nam đã có các chùa như chùa Samrông Ek ở tỉnh Trà Vinh, chùa Sanghamangala ở Vĩnh Long… là những ngôi chùa khá lâu đời mang đậm nét của phật giáo Nam Tông.

Cũng cần nói thêm rằng: người viết không muốn lan man theo truyền thuyết này hay theo sách nọ, sách kia của ai rồi khẳng định tính lịch sử. Tôi muốn thấy tài liệu chính danh của sử. Mà chính sử Việt Nam còn lại tới bây giờ chỉ thấy từ thời nhà Trần (chắc sử trước đời Trần đã bị đốt hết, hủy hết theo kiểu “nhổ cỏ tận gốc” của Thái sư Trần Thủ Độ khi nói về ông vua tu Lý Huệ Tông). Tại sao tôi muốn nói và mong thấy chính sử? Bởi vì, cho tới hôm nay, tôi cũng không biết thân phụ của ngài Lý Công Uẩn chính xác là ai? Rồi thân phụ của ngài Đinh Bộ Lĩnh là ai? Sách giáo khoa một thời cũng bảo dị bản là mẹ Đinh Bộ Lĩnh bị con rái cá nó hiếp rồi có mang. Có chuyện kể thì thần thoại rằng: đi làm đồng thấy vết chân ướm vào rồi thụ thai…vv. Có bản nói về Ngài Lý Công Uẩn thì nói ông là con của Lý Đạo Hạnh; người nói 3 tuổi ngài đi làm con nuôi… và nhiều giả thiết khác. Nhưng khi đi tìm chính sử về những điều trên thì không biết bọn nào nó đã đốt sạch rồi…
 
 

Vậy thì, mọi chuyện để dành cho những nhà nghiên cứu đi theo các giả thiết và suy luận. Chúng ta hãy tính từ những gì chúng ta đang có. Cái tôi nói "đang có" chính là bộ sử chính biên đầu tiên của nước ta do Chưởng sử quan Lê Văn Hưu ghi theo mệnh của vua Trần Thái Tông năm 1262 (Lê Văn Hưu 1230 - 1322, chức vụ cao nhất là Binh Bộ Thượng Thư thời Trần)

----
 
Hệ phái phật giáo Nam tông có 519 ngôi chùa, trong đó có 67 ngôi chùa Nam Tông Việt và 452 ngôi chùa Nam Tông Khmer; Với sự phát triển từ năm 1939 đến nay, phật giáo Nam Tông của người Kinh phát triển 66 ngôi chùa cho thấy một sự lớn mạnh, phủ pháp (chùa Bửu Quang xây năm 1938). Trước khi đi sâu vào vài ngôi chùa tiêu biểu, chúng ta hãy nhìn lại trang sử mà phật giáo Nguyên Thủy viết lên. Trong đó, những người đi tiên phong và cả những ngôi chùa hoặc cốc niệm hình thành buổi ban đầu…

Nhắc đến lịch sử của phật giáo Nam Tông Việt Nam thì ngôi chùa Bửu Quang là chùa đầu tiên của hệ phái.

Chùa tọa lạc ở số 171/10 quốc lộ 1A, Gò Dưa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Tp.HCM. Chùa được xây dựng vào năm 1938 do cụ Nguyễn Văn Hiểu chủ quản. Đất chùa vốn của bà Cả và ông Xã trưởng Bùi Ngươn Hứa, đã cho nhóm các cụ Nguyễn Văn Hiểu, Nguyễn Văn Quyến và Văn Công Hương khai phá hơn hai mẫu đất để xây chùa mà không lấy tiền.

Ban đầu, chùa chỉ xây tạm ngôi chánh điện thờ phật và một số thất nhỏ để chư tăng cư ngụ. Đến năm 1940, cụ Nguyễn Văn Hiểu đã dùng số tiền bán căn nhà riêng của mình để xây lại chùa và tăng xá. Năm 1947, chùa bị hư hỏng nặng và được xây lại. Chùa được trùng tu năm 1981, 1996. 

Chư vị trụ trì tiền nhiệm là: HT.Thích Hộ Tông, HT.Thích Ấn Lâm, HT.Thích Hộ Luật, HT.Thích Pháp Tịnh, ĐĐ.Thích Thiện Quang, ĐĐ.Thích Sán Nhiên, TT.Thiện Nghiêm. Trụ trì hiện nay là tỳ  kheo Thích Thiện Minh.

Năm 1939, đại đức Hộ Tông, Thiện Luật, Huệ Nghiêm và vài nhà sư Cam-Pu-Chia theo lời thỉnh của cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu, về Sài Gòn bắt đầu cho việc truyền bá phật học Nam Tông.

Theo tỳ kheo Thiện Minh, Những người Việt Nam đầu tiên phát động phong trào nghiên cứu phật giáo Nguyên thủy có thể nói là cụ Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương và Bác sĩ Lê Văn Giảng ( tức hòa thượng Hộ Tông 1893-1981). Các người này là những nhà nho, có học thức thời bấy giờ, vì tuổi đời chồng chất và ngán ngẫm thế sự nên tìm đến sự êm dịu, thanh tịnh và mát mẻ của tâm hồn bằng con đường sách vở. Ba vị trên đã mở đạo pháp Nguyên Thủy tại Việt Nam, nhiệm vụ của từng người là:

-Cụ Nguyễn Văn Hiểu tìm đất xây chùa tạo tháp để có địa điểm chư tăng hoằng dương chánh pháp.

- Cụ Văn Công Hương nhận trách nhiệm in ấn những tài liệu kinh điển cần thiết để truyền bá chánh pháp.

- Bác sĩ Lê văn Giảng vì đang còn làm việc ở Campuchia nên nhận trách nhiệm khảo cứu kinh điển Phật giáo và tìm biện pháp truyền bá phật giáo Nguyên thủy về Việt Nam.

 

Từ ngày chia tay bác sĩ Lê Văn Giảng trở về Nam Vang tầm sư học đạo, sôi mài kinh sử. Với chút vốn liếng hiểu biết về đạo pháp, bác sĩ chia sẻ cho những người bạn của mình. Nào có ngờ đâu, phật pháp nhiệm mầu nên những người bạn của bác sĩ hoan hỷ đến mức độ bỏ tất cả trần duyên cuộc sống xuất gia theo phật giáo Nguyên thủy ( cũng chính ông bác sĩ này xuất gia ngày 15 tháng 10 năm1940- sau trở thành hòa thượng Hộ Tông).

Người đầu tiên tu theo phật giáo nguyên thủy là hòa thượng Thiện Luật, thế danh Ngô Bảo Hộ, sinh năm 1898 tại Sa Đéc, xuất gia sa di năm 1934 và xuất gia tỳ kheo năm 1937. Người thứ hai là hòa thượng Huệ Nghiêm, thế danh Hồ Văn Viên, sanh tại Sa Đéc, xuất gia năm 1938. Người thứ ba là hòa thượng Bửu Chơn, thế danh Phạm Văn Tông sinh 1914 tại Hội An, Sa Đéc, xuất gia ngày 19 tháng 7 năm 1940.

Chùa Sùng Phước ở Nam Vang thành ngôi chùa của phật giáo Nguyên Thủy đầu tiên. Đây là trung tâm đầu tiên để nhóm cư sĩ phật tử hội họp bàn thảo về đạo pháp. Ban dịch thuật lần đầu được thành lập tại đây để dịch những kinh sách cần thiết giúp ích Phật tử Việt Nam hiểu về đạo phật Nguyên thủy. Nhóm dịch thuật này do Cư sĩ Lê Văn Giảng (sau là hòa Thượng Hộ Tông) làm trưởng ban. Trong số này có Thầy Sáu Hoa, thầy Ba Diên và thầy Ba Lý là những nhà dịch thuật. Thầy Ba Lý dịch nhiều bài kinh trong quyển Nhật tụng bằng lối văn vần bất hủ như tiểu sử Phật Thích Ca, kinh Phật Nhập Níp bàn, kinh Vô Thường Khổ Não, Vô Ngã. Nhóm dịch thuật này thành lập tạp chí Ánh Sáng Phật pháp đầu tiên để phổ giáo lý cho người Việt Nam. Nhờ hoạt động phật pháp tốt nên đã gây tiếng vang rất xa, chẳng bao lâu nhiều nhà trí thức đến cộng tác và hỗ trợ cho công việc truyền bá phật pháp về Việt Nam. Trong số những người đến tham gia có ông Sáu Tông sau này xuất gia trở thành hòa Thượng Bửu Chơn, một vị cao tăng đóng góp rất nhiều công trình cho phật giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam trong giai đoạn đầu.

Về phía cụ Nguyễn Văn Hiểu thì cố công tìm đất xây chùa, ông tìm một khu đất khá lý tưởng và rất thích hợp, đó là chùa Bửu Quang ngày nay. Ông và người bạn của mình là bác sĩ Lê Văn Giảng (tức hòa Thượng Hộ Tông) nghĩ đến việc truyền đạo về Việt Nam.

Lần đầu tiên ở Việt Nam có một vị danh tăng tướng mạo trang nghiêm y bát chỉnh tề đi vào xóm khất thực mỗi buổi sáng ở ngoại ô thành phố.  Việc khất thực còn là để cho phật tử gieo duyên lành trong chánh pháp. Hình thức khất thực rất đặc biệt vừa giới thiệu phật tử hình ảnh cao đẹp của chư phật trong quá khứ, vừa nêu cao nếp sông dung dị của chư tăng và gần gũi với đồng bào phật tử. Buổi sáng khất thực còn buổi chiều thuyết pháp giảng đạo dạy thiền cho phật tử. Chẳng bao lâu số phật tử đến quy y theo phật giáo Nguyên thủy rất đông.

Nhờ vậy không bao lâu có được một số Phật tử nồng cốt biết cung kính chư tăng, biết bố thí và tham thiền.

Càng ngày số tín đồ đông đảo nên mỗi buổi chiều là các ngài luân phiên nhau thuyết giảng phật pháp và mở lớp dạy giáo lý cũng như hướng dẫn phật tử pháp môn thiền. Không khí mỗi ngày ở tổ đình Bửu Quang lại thêm sinh động.

Một cư sĩ là ông Dương Văn Thêm nhờ hấp thụ phật pháp quyết định cất cốc tu tại gia ở Bình Đông. Cốc của ngài ở Bình Đông sau này trở thành chùa Giác Quang là một trung tâm truyền bá phật pháp rất mạnh trong giai đoạn đầu. Tại đây nhiều phật tử đã quy y trở thành cận sự nam và cận sự nữ hộ trì phật giáo Nguyên thủy, có rất nhiều vị tăng tài xuất gia tại ngôi chùa này và phụ các ngài trong công cuộc xây dựng ngôi nhà phật giáo Nguyên thủy.

Cho đến nay, nhiều tài liệu và các bậc trưởng lão khẳng định rằng: đoàn truyền giáo do hòa Thượng Hộ Tông làm trưởng đoàn du nhập phật giáo Nguyên thủy vào Việt Nam năm 1939 là một thành tựu lớn. Mặc dù lúc đó người ta chỉ thấy có một vài nhà sư áo vàng mỗi buổi sáng khất thực trên đường phố.
Việc du nhập phật giáo NT vào Việt Nam, về phương diện tín ngưỡng, phật Giáo Nguyên Thủy đã mở ra một chân trời mới trong tư tưởng phật học Việt Nam; Về phương diện văn hóa, phật giáo Nguyên Thủy đã đóng góp cho nước nhà kho tàng trí tuệ của một vị Phật lịch sử.
Ngày nay phật giáo Nguyên Thủy đã trở thành một tổ chức hệ thống của phật giáo Việt Nam được nhà nước công nhận.
(còn tiếp)
 
Những ngôi chùa:
 
Chùa Bửu Quang (TPHCM) ngôi chùa đầu tiên của PG Nam Tông người Việt
 
 
 
Khất thực (ảnh trên); nghe thuyết pháp (ảnh dưới)
 
Các ngôi chùa cổ Nam Tông của người Kh'me ở Trà Vinh và Vĩnh Long
 
 
 
 
 
 
Nam mô Phật
Bài: VietHoa; ảnh sưu tầm  (Còn tiếp)

Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất