Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Tản mạn về cá Bống

  Có lẽ chưa thấy loài cá nào lại đi vào đời đến sâu sắc và ấn tượng như loài cá Bống.

Khi chúng ta còn nằm trong nôi đã nghe giọng mẹ ru hời: "bống bống bang bang...". Chập chững những bước đi đầu đời đã nghe Nội, Ngoại gửi gắm chữ Hiếu, nhắn nhủ cái Tình bằng những câu thiết tha:

.

Cái Bống là cái bống bang

Khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm

Mẹ Bống đi chợ đường trơn,

Bống ra gánh giúp chạy cơn mưa rào...

 

Và khi cắp sách đến trường, con bống nhỏ là sứ giả của bà Tiên đem lại niềm vui, niềm hi vọng và cả áo đẹp, hài thêu cho cô Tấm (hay cho cả chúng ta). Bống đi âm nhạc (Bống Bồng -Trịnh Công Sơn). Bống giúp người ta thành tỷ phú (những người nuôi Bống Tượng) và kìa, ngay cả nói về sự hấp dẫn của cái đẹp khoẻ mạnh của những cô gái dậy thì, có người cũng ví von: Sao mà cô ấy tròn trịa nạc nề cứ như con mùn mũn (mùn mũn : tên một số địa phương gọi cá bống)...

Bống trong đời sống tinh thần đã định hình một nhân cách và tư cách: hiền lành, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó và nhân thiện.

Loài Bống trên thực tế thì vô cùng đa dạng.

Tôi muốn đặt riêng cho cá bống một chuyên đề. Ngay từ khi còn cắp sách đến trường, tôi đã say mê Đoàn Giỏi bởi ông không chỉ có Đất Rừng Phương Nam mà còn có tác phẩm Cá Bống Mú sống động vô cùng.(Và một số tác phẩm khác như Bến nước Mười hai, chuyện Thằng Cồi, Cây Đước Cà Mau...). Dẫu rằng, Đoàn Giỏi có hẳn cả một cuốn ghi chép: Chuyện lạ về Cá nhưng ở đây tôi muốn nói về Cá Bống. Tôi đọc Cá Bống Mú và vẫn nghĩ rằng tác giả hư cấu rồi phổ vào đó cái hồn đời. Nhưng mà không! Mấy chục năm sau, tại một khu đầm bên biển Cần Giờ, tôi đã được thấy từ đường nét và trọng lượng, tính cách và đặc tính ăn mồi kéo mồi, hình dáng và màu sắc của Bống Mú. Rồi trên rạng biển Nha Trang và kỳ vĩ Côn đảo, tôi được tự tay kéo nhổ lên khỏi hang những con bống mú nhiều màu sắc và đặc biệt có cả một chú Mú Thông mượt mà như một con Chẻm lá loi doi. Lạ chưa kìa, những con Bống Mú cứ như là vừa nhảy từ trong trang sách của Đoàn Giỏi ra, thoắt đó thay đổi màu sắc, thoắt từ màu vàng biến ra sắc đỏ bầm như gạch, vằn đen ngời ngời nằm chình ình trên sàn tàu, rằng móc vội cân tay chỉ số mới vài đôi ký.(Những dòng chữ hồng là nguyên văn của Đoàn Giỏi). Ôi! văn chương! Đoàn Giỏi ơi! Thêm một người nữa hiểu ông! Để viết được những dòng văn kia, tác giả phải dấn thân biết bao nhiêu, phải lăn lộn với con cá, con cua, với đất, với nước... biết bao nhiêu! Xin cho một dòng nhận định là: nếu tôi được là người phê bình văn học thì nói về Đoàn Giỏi, không ngại ngần gọi đời ông là một tảng văn mà bàn tay cầm bút của ông chỉ việc bóc tách, sắp xếp sao cho thoả mãn đến mê hồn không chỉ một mà nhiều thế hệ thanh thiếu niên.
 
 
 

Loài Bống có vài chục loại (Có người hỏi chay thì không nhớ nhưng nhìn thấy mặt là nói trúng phóc loại bống tắp lự), Từ những con Bống Mít, Bống Rậm nhỏ xíu như con ròng ròng mà mẹ ta vẫn thường mua cả mớ về xát vỏ kho niêu đến những thằng Bống Sao, Bống Xệ, Bống Thùng... thích chui nhủi dưới sình. Biết bao nhiêu du khách đã ngạc nhiên đến thích thú trong những chuyến đi về vùng Du lịch sinh thái thấy trên sình non, những chú Thòi Lòi cà rỡn đuổi nhau lúc thì ngoe nguẩy đuôi bỡn cợt, lúc rào rào như chạy giặc để lại những vết vẽ ngộ nghĩnh trên mặt phù sa. Xa hơn một chút, nhân vật bắt Bống áo là bùn tay xách giỏ tre, bóng đổ nghiệng nghiêng và khi gặp cái hang Thòi Lòi lớn thì cái bóng đổ hẳn và chỉ trong nháy mắt đôi cánh tay thợ kia lúc chặn đầu, lúc khóa đuôi và móc ra một Thòi lòi cỡ ngón tay trỏ. Gã thản nhiên thảy vô giỏ tre và nặng nề đứng dậy...

Mùa nước đổ đóng đáy vô số Bống Kèo và cánh này đem nấu canh lá Giang hoặc hấp nguyên con rồi phơi khô, như nhìn thấy trước món cá này tàn phá từng chai từng chai nếp mới gạo đầu mùa. Những con Bống Tre, bống Tượng, bống Thùng ướp nghệ kho tộ hay nướng vỉ rồi chất vào ngọn cơm trắng Nàng Hương khiến đôi trẻ hít hà bởi thơm nhức mũi...

Trong lĩnh vực câu, từ xa lắm rồi có cụm danh từ THỢ CÂU CÁ BỐNG và có những người câu cá bống giỏi thành danh đến chết tên. Ví như muốn kiếm cái xe ba gác máy ở thị trấn Nhà Bè người ta bảo ghé cầu đôi hỏi ông Vũ Bống kèo. Tôi gặp ông lão gầy gầy, da đen, mắt nhìn trô trố. Ông cười khơ khơ bảo:”Tớ nghĩ mình mèo nhỏ bắt chuột con. Người ta chơi Bông Lau, Tai tượng... chứ tớ cứ bống với lìm kìm, rô mề, sặc nhí. Cậu có câu quái đâu mà biết nó thú thế nào. Chỉ nội cái chuyện mắt được nhìn phao nhấp bấp, tay cần nghe nhấm nháy và rồi giựt búng con cá phát mê. Đó coi đi, mới chừng mươi lăm phút mà bống dừa đã nằm bóng lưỡng đáy xô khoái mắt chưa. Chú câu đi. Ham liền cho mà coi?

                                                                                ***

Như thường lệ, tôi bắt đầu từ con bống hiền lành nhất: BỐNG CÁT. Bống Cát là phía Nam gọi chứ phía Bắc gọi là con mùn mũn. Non hiền khô vậy mà thích ứng kinh người. Nó sống được ở mọi môi trường nước. Tôi còn nhớ ở vùng Suối Rút tỉnh Hòa Bình có khá nhiều cá Bống. Nước hắm, nước chảy như thế nhưng Bống nhà ta muốn ngước là ngược. Con trắng phau phau, con nâu, con xám và thậm chí có con ngụy trang bằng màu da loang lổ nom rất vui mắt. Bống cát to nhỏ vô cỡ. Có con chỉ ngón tay út, có con cỡ cườm tay. Thế nhưng trời phú cho chúng tính mắn đẻ. Với một ao tự nhiên có nước bọng ra vô bỏ vằng dăm tháng thì một cần thủ rề rà đôi tiếng đồng hồ có thể tóm lên lưng giỏ như chơi.

Câu bống cát cực dễ, chỉ cần cái lưỡi câu bất kể (vì miệng nó gang ra to lắm) gắn chì, móc miếng thịt tôm lột vỏ hay tí chả lụa vào mũi lưỡi thảy ra vùng trống, quay lon câu hoặc máy chận sà sà sát đáy hoặc rề rề, nhắp nhắp như ta vẫn thư thái nhắp, rồi nghe nơi tay thấy sừn sựt là chính hắn. Khỏi dừng, khỏi dụ, khỏi kỹ thuật công phu gì mà cứ thế cuốn nhanh và phía dưới cu cậu không biết làm gì bởi có chừng ấy mồi thì nó đã nuốt tuốt vô bọng họng. Lên bờ rồi, bống cát có thái độ rất không giống ai. Nó vẫn phùng mang há miệng dọa người ta nhưng toàn thân trắng ngà, cứng đơ không biết uốn giãy mà xuội lơ như anh hề rạp xiếc uốn trò. Thái độ tội nghiệp này đôi khi mủi lòng bà xã (hay bạn gái) đi kèm. Đã hơn cả chục lần tôi nghe cái điệp khúc rất chi nhà phật:” Thả nó xuống ao lại đi anh ạ!”. Nhưng mà, Bống Cát vốn chuyên về kho tiêu, kho tộ và chưng cách thủy. Có lúc, Bống Cát đóng vai kẻ phá thối: những thợ câu rê cá lóc (câu rê chìm sát đáy) mà gặp Bống cát thì giận cành hông. Bời, mấy ông nhóc này cứ phom phom theo con nhá mà phá mồi. Hai hàm răng sắc lẻm của nó cứ nhè bụng con nhái mà nhể ruột mới nóng gà cần thủ. Đành phải dùng cái lưỡi nhỏ, móc kín khúc chân nhái rồi rà tới rà lui mang chú ấy lên bờ! Lên bờ rồi, gã cần thủ đang điên tiết muốn giậm chân cho một nhát phòi ruột ra nhưng nhìn cái bộ vó dễ thương vốn dĩ của Bống cát lại tặc lưỡi tuồn vào giỏ.

Con bống Tượng ăn mồi còn hỗn hào hơn nhiều. Thi thoảng trong đầm, ao, ven sông các cần thủ vẫn mai phục câu được những con Bống Tượng lạc đàn. Với màu da phong trần xám đen bóng lưỡng và mập ú rất xấu trai, thế nhưng Bống Tượng lại là dân hay chơi bất thình lình. Chúng không thèm nhắp hay nhấm nháy mà gặp mồi là alê kéo. Nghe ghị chúi một nhát cong đầu cần thì khỏi giựt. Có khi ta sơ ý chúng kéo cả cần của ta xuống nước dẫu rằng trọng lượng tịnh không tới 1 ký lô. Mồi câu Bống Tượng vẫn là tôm lột vỏ hoặc nếu gặp con Hà đỏ thì còn gì bằng. Tuy nhiên, với những ao, lồng nuôi mé đầu nguồn thì bất kể, có khi ta đưa ngón tay xuống, mấy thằng bống Tượng cũng gườm gườm định...xơi luôn! Khi đi thực tế tìm hiểu để viết bài này, tôi cố công gặp cho được một Đại gia chuyên nuôi Bống Tượng xuất khẩu bên Dương Minh Châu. Đáng nể! đáng nể một cách trịnh trọng với đại gia này. Nom củ mỉ cù mì vậy mà kỹ thuật Bống Tượng còn bán công nghệ sang tận vùng Pua-Sat CamPuChia. Dứt khoát anh ta không cho nêu tên. Anh bảo tớ đang phải làm ăn chứ chưa có thời gian vui vầy câu kéo. Từ chuyện cấy trứng, ép động đực, soi kính lúp phát hiện nấm bệnh đến việc cho bống ngủ Đông nhân tạo bằng những hộp nhựa rồi xuất sang EU, Bắc Mỹ, Tây Á... lung tung xoè nghe anh kể phát khoái lỗ nhĩ. Khiếp! Với anh ta mấy thằng Bống Tượng đúng là chui ra từ cái giỏ tre của cô Tấm với cái giá sơ sơ vài trăm ngàn/ký lô. Nói chuyện với anh cũng hơi bực bởi 2 cái ĐTDĐ cứ liên tục kêu như dế cuồng.

Ở Duyên Hải, có một cần thủ hơi đặc biệt. Anh ta người Bắc nhưng vào Nam công tác ở ngành Công an và chỉ say mê kiếm cá. Anh ta tên là Lâm. Tài bắt Lươn, câu Rắn của gã thì ve kêu. Lươn thì chỉ tha thủi hai đường bờ ruộng là đã thấy có một xâu loằng ngoằng. Rắn thì mỗi dịp qua xuân, gã cầm cần câu đi dụ rắn. Những con rắn nước uốn xoắn kiểu gì rồi cũng bị anh ta chẹn ngang cổ rồi bẻ răng tuồn vô giỏ thản nhiên trước những cái le lưỡi của mấy bà, mấy cô. Thế nhưng cái cách Lâm dùng Bống kèo câu cá Lìm Kìm thì tôi mới thấy. Gã bươi một con thòi lòi nhỏ rồi dây cước nhỏ một đầu buộc ngang con cá, một đầu buộc đọt cần trúc Đà Lạt. Lìm kìm ngoài sông thường đi cặp đôi như hai cái đũa ngà bị lệch. Hai cái đuôi chúng vẫy vẫy nom vui vẻ ra trò và Lâm chỉ việc đưa chính xác con thòi lòi đón đầu từng cặp cá. Tức thì hai cái mỏ kìm há ra sẵn sàng và gắp con mồi. Lạ chưa kìa, dẫu không có lưỡi câu nhưng anh bạn Lâm cũng thong thả nâng cá lên bờ mà không thèm sợ xảy. Té ra mấy ông mãnh Lìm kìm này cái mỏ đã cặp được cái gì thì không quen há ra nữa.(đúng là bọn cá ngu di truyền) Chỉ khi chạm đất giật mình há miệng thì than ôi chậm có một giây mà lỡ đời mãi mãi...

 

Thế nhưng, bao nhiêu năm qua loài Bống được các cần thủ say mê câu và say mê luôn cả những món chế từ loài cá này lại chính là những chú cá Bống đen bóng, mập mẩy đến ngắn lủn luôn luôn xuất hiện rất nhiều đủ cho ta chãi nắng đi theo: đó là cá Bống Dừa! 

Để câu cá Bống Dừa, người câu phải chuẩn bị cái cần câu rất vừa ý. Tại sao thế? Tại vì chiếc cần câu ấy cần thủ phải cầm, nhấp suốt cho nên nó không chỉ dẻo, đầu ngọn thẳng chính xác mà còn có chuôi cân đối giảm thiểu sự mỏi mệt. Thường thì người câu hay dùng cần câu trúc Đà lạt. Loại trúc này bây giờ bán sẵn tại các điểm câu, lưỡi câu cho Bống dừa hẹp miệng hơn lưỡi câu tôm nhưng đai lưỡi phải dài thì mới dễ gỡ ra khỏi họng con cá vì Bống dừa đã ăn mồi thường có xu thế nuốt sâu.(có thể dùng cái lưỡi câu tôm sửa cho hẹp lại) Chì các lưỡi câu khoàng 4- 6 cm, cục chì nhỏ khoảng 10-20 gram. Câu ống dừa bằng mồi trùn đỏ, tép bạc hay con hà ruộng thường bán ở những tiệm đồ câu.Câu Bống dừa phải canh lúc nước lên, câu ở những kệt hang ngoài sông, rạch hay những miệng cống tháot nước ra sông rạch. Cũng là những địa điểm câu ấy nhưng những ngày nước ương dâng nhè nhẹ thì loài cá này theo mồi mười con đủ cả chục theo nhau vào giỏ. Cá biệt, có những chú bống dừa xảy vuột rồi nhưng chỉ trong ít phút là lại theo hơi mồi dò đến và ăn mồi vui vẻ như phút giây đầu mới gặp. Câu Bống Dừa mê nhất là đoạn tìm trúng ổ. Mỗi ở chừng mươi con hơn và có con to bằng chuôi cần câu. Mà tìm câu chúng lại dễ nữa. Ngay các ao nuôi cá cứ quanh quẩn mé trước, sau mấy bọng xả nước cũng có bống dừa khá to. Điều người câu mê nhất (có lẽ đúng hơn ở những tay mới biết câu) là nếu đã đi câu bống dừa thì không bao giờ phải về mà trong giỏ không có cá. Nói là giỏ là quen miệng chứ câu bống dừa người ta ưa mang theo cái thùng thiếc. Chỉ sau hơn tiếng đồng hồ, trong cái thừng thiếc kia Bống dừa đã nằm sắp lớp. Con nào con nấy béo rụt theo kiểu béo của Bống dừa(!). Thi thoảng lười biếng ngáp vặt một nhát cho bọt sùi ra, vẫy đuôi đua chen, đôi mắt bé tí như cười giễu trên cái đầu không có cần cổ xuôi xuống toàn thân đen láng lức khiến chúng ta đôi lúc dừng câu ngó xem chừng. Ở đâu thì tôi chưa thống kê được chứ nguyên vùng Quận 7 qua Nhà Bè, tôi ngồi bấm tay sơ sơ đã ghi được chừng 30 tay câu Bống dừa thượng hạng. Ngay cô em họ tôi vốn tinh nghịch trong một lần đã chọc ghẹo một cần thủ Bống dừa bằng câu hát thế này:” Nếu mai thất nghiệp, anh về Cầu Đôi anh cắm câu, Bắt con Nhái Bầu...” Hai chữ thất nghiệp nghe có vẻ chua chát quá và đôi khi cũng là thực cho vài tay câu Bống Dừa chờ thời. Nói tiếp chuyện cô em họ kia, sau những nanh nọc của con gái trồng trộng tuổi là cái duyên cháy vỏ mới hay. Anh chàng kia lập tức điều tra và biết cổ là em họ của tôi thế là suốt ngày gã xuống rủ tôi... Bống Dừa! Chỉ sau 3 tháng, anh ta hát nốt câu cuối :” Bắt con Nhái Bầu, chờ em đi tới anh liền...câu, chóng lâu chi rồi em cũng dính câu...”Bây giờ thì họ đã có hai thằng con trai đen nhẻm có nguy cơ sút học vì ham câu bởi chúng nó ngồi học mà mắt cứ nhìn ra rặng cóc kèn nơi có những cái ống bọng khi nước lặp ặp là bao la Bống dừa và cả bống Sao thậm chí có khi là đôi con rùa lạc.

Bống dừa các bà nội trợ thích lắm bởi nó làm ra được nhiều món. Tôi xin liệt kê sơ sơ những món được bà xã mình và bà xã người nấu cho ăn bằng Bống dừa(mà món nào cũng ngon cả) từ kho tiêu, kho tộ, chiên xù trầm nước mắm Phú Quốc quấn rau muống luộc đến dùng nấu canh rau dền, mồng tơi, rau má, rau đắng biển… Đặc biệt, hai món Bống dừa Khổ qua (mướp đắng) và nấu với rau đắng đất nếu đã ăn cũng có thể nhớ nửa đời. Sẵn trớn, tôi xin chép ra đây hầu bạn đọc: Bống dừa nửa ký, Khổ qua 4 trái bào mỏng rửa sạch. Chà bống xuống nền ciment cho sạch vỏ, rửa sạch dùng kéo cắt vây đuôi. Đun một nửa nồi nước sôi, cho bống dừa vào chờ nước sôi lại, vớt bống ra xỉa bỏ xương, nêm bột ngọt, muối, tiêu, thêm tí đường, hành, ngò rồi xào lên. Cho khổ qua vào nồi, chờ nước sôi tới thì cho thịt bống dừa vào. Quậy sơ một nhát đủ cho váng mỡ sao vàng lên dậy mùi hấp dẫn là tiến hành ăn nóng. Cả nhà sì soạt. Bố bảo được! thằng anh bảo tuyệt! cậu em nhấp nhác lo hết phần canh của mình và ông bà Nội gật gù còn mẹ cháu thì cười tươi như…Mỹ! Thế nhưng, ngon một cách hiếm hoi phải kể đến Bống dừa nấu canh với rau đắng đất. Đây là một loại rau hơi hiến và nó hay mọc trên những nền nhà cũ. Món canh Bống dừa rau đắng đất ư? Tôi xin kể một câu chuyện có thật: Bạn tôi, một ông Việt Kiều gốc Bắc bay nửa vòng trái đất về Việt Nam chỉ để ăn hai bữa canh rau đắng đất nấu Bống dừa với vợ chồng tôi và đón taxi lên Sài Gòn ghé bạn bài bạc cũ chơi hai canh Tổ Tôm rồi lại bay sang xứ người trong ngậm ngùi bịn rịn. Phải chăng bài hát “Còn thương rau đắng sau hè”, cảm xúc của diễn viên điện ảnh BS bắt nguồn từ món ăn này?? Ông bạn Việt Kiều thì nói trăm câu một giọng:” Tôi đi nát nửa vòng trái đất mà không tìm thấy xứ nào vừa có canh rau đắng Bống Dừa, vừa có Tổ Tôm lưng với Mạt chược quân ngà…”.Đương nhiên, tôi có thể tạt nước lạnh lão mà nói nhưng cái xứ ta chưa bao giờ có khu đèn đỏ lại cũng có khu đèn xanh như xứ người ta (Hihi cãi mà!)

 Bây giờ tôi xin đề cập đến loài cá Bống kinh hãi nhất mà đã đề cập ở đầu bài: Bống Mú! Kinh hãi bởi ông Đoàn Giỏi viết rằng con bống mú đã “to bằng gian nhà một căn, ngoài khơi ù ù lội vô, nhanh như chớp, quạt hai cái vi ngược ra sau, nước giật lại, nó há họng to gần bằng chiếc đệm, đớp anh Bảy Phát như thia lia đớp loăng quăng. Nó quẫy đuôi một phát nổi bùn đục ngầu…”. Mà có lẽ đúng như thế thật vì cách nay hơn nửa thế kỷ tại khu vực dưới cầu Phú Xuân cũ bây giờ có nguyên một cái hang to và có cặp Bống Mú ấn tượng kinh khủng. Bác Năm Phương chủ tịch hội câu cá Xi vin– nguyên Giáo sư giảng dạy - sau khi dời nhiệm sở (1964) về Nhà Bè sinh sống theo thầy học câu, đã nghe ông thầy Tám kể về cặp cá này trước đây từng bơi ra gặm mạn thuyền của khách thương hồ cho… vui! Rồi một lần, không hiểu vợ chồng nó bực mình ra sao mà làm lủng thuyền dẫn đến chết người ta. Lúc ấy, một số người có trách nhiệm mới giựt mình và thật kinh khủng khi phát hiện ra một cái hang cá Mú nằm dưới chân cầu PX. Người ta thí nghiệm bằng cách nhồi vào hang những quả dừa đánh dấu và thật e ngại khi những qủa dừa này lại nổi lên tít mé sông Nhà Bè cách đó cả cây số. Người ta đoán già, kẻ đoán non rằng có một cái hang cá Mú dài suốt dọc sông Phú Xuân. Ngay lập tức, mọi nỗ lực lấp miệng hang được tiến hành bởi bà con thủy lộ e ngại có thể lún cầu vì 4 hàm răng cạp đá nhai rông rốc như trẻ con ăn kẹo dồi chó của cặp cá Bống Mú. Nhiều trăm tấn đá hộc được Hãng Esso cho đổ mé kè ven sông Nhà Bè (nơi ngã 3 đầu vàm nghi cửa hang thông ra) thế nhưng đá cũng chả là gì. Từng sọt, từng sọt đá hộc cứ lịm lủm tại khu vực này. Ác liệt hơn, trong một đêm nguyên cả quầng đá khu vực và cả một vọng gác của Cảnh sát sụt chìm sâu xuống vắng hẳn cứ như ông nội Alađin quệt nhẹ cây đèn thần.

Sau vụ lấp cửa hang, cặp cá Bống Mú chết hay rủ nhau về Rừng Sác rồi thì không nghe nói nhưng mấy chục năm không nghe gì đến chúng và câu chuyện này tôi kể hôm nay tưởng đã như thẩn thoại.

Còn cái cầu Phú Xuân thì đã mấy bận thay cầu. Vật đổi, sao dời đã từng dưng mà cái cánh thợ câu mài đít trên cầu Phú Xuân canh me Tôm Càng  xanh với Bống Tượng lạc đàn thì chiều thứ 7, chủ nhật nào chả có vài ông có trẻ, có già…
Bai:VietHoa; Ảnh: suutam
 
 
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất