Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Nghĩa Tình của Mẹ - truyện ngắn.

   Hằng năm, như bao nhiêu ông bố, bà mẹ, tôi thu xếp đi dự họp phụ huynh học sinh cho con mình. Quan tâm đến con thì sốt sắng nhưng nếu bảo bầu ai đó vào Hội phụ huynh học sinh thì khi phần lớn bậc cha mẹ ra đủ lý do để né tránh cái chức uỷ viên, chủ tịch, phó chủ tịch chi hội….  .
Bởi lẽ, công việc thì phức tạp mất thời gian và hầu như 100 % là“ vác tù và hàng tổng“. 
Năm ấy, tôi đến trường sớm, dự định sẽ kiếm ngồi ở góc khuất bởi tôi rất sợ người ta đề cử mình. Vả lại, trong cái sự ẩn mình này còn có một lý do cực kỳ tế nhị nữa. Số là, bữa trước trong lúc đóng tiền học hè cho con, tôi đã gặp một người mà thú thật không muốn gặp ở những nơi thế này tí nào: đó là cô tiếp viên nhà hàng N. Vâng, chỉ có những kẻ thi thoảng đi uống bia bằng tiền chùa, có màu, có mỡ như tôi mới biết Kim Hoa là tiếp viên chứ với đa số người thì bề ngoài cô thật lịch sự, đúng mức và… đẹp! Oái oăm là thằng bé con trai cô ta lại học cùng lớp với con gái út nhà tôi.
Chúng tôi nhận ra nhau ngay. Hai cặp mắt sững nhìn nhau một giây và tôi thực sự khen mình quá tài khi dứt khoát nhìn ngơ sang hướng khác. Đúng là phải thế vì có gì nói nữa đâu khi mọi chuyện của tôi và cô bên trong cái nhà hàng máy lạnh kia vốn là‘ thằng bia, thằng rượu” nó nói, nó làm chứ có phải tôi đâu. Vả lại cái sự đổi chác, bo bốc hình như đã rất sòng phẳng khi em vuốt má tôi hẹn hò: ” Bữa nào mình gặp lại anh nhé!“. Chà! cái gì cũng đã hợp lẽ trừ phi bữa nay gặp lại trong hoàn cảnh như thế này!…
 
Lạ chưa kìa! khi tôi dựng xe toan vào lớp học thì lại nhận ra Kim Hoa cũng có mặt khá sớm. Hay là chúng tôi cùng chủ động tránh nhau nên ai cũng định đến sớm để kiếm ngồi chỗ khuất? Không! tôi hơi hoảng khi cô chủ động tiến tới gật đầu chào thật duyên dáng. Hôm nay, cô thật giản dị: tóc buộc bím thả xuôi để lộ cái trán hơi cao vẻ bướng bỉnh. Khuôn mặt nguyên thủy không trang điểm khiến đôi chân mày hơi nhạt hơn, nó làm vẻ đẹp nơi cô giảm đi nhưng cho cô vẻ thực thà dễ gần. Có điều lạ là cái dây chuyền lồng thánh giá, chuỗi vòng cimen và cái nhẫn mặt giả bích ngọc không thấy trên người. Ngay cả cái bóp giả da màu môn thục vốn rất hợp với tạng người thanh mảnh và cặp chân dài của Kim Hoa cũng không thấy mang. Cô mặc chiếc áo bà ba màu sậm hoa chìm với quần dài đen dân dã. Trên tay cô duy nhất chỉ có tờ nhựt trình buổi sáng.
-Anh cố tình không nhận ra em sao?
-…!
- Cũng phải thôi! một bậc chức sắc gần dân đầy đạo mạo như anh khó có thể tỏ ra quen biết, thân thiện với một tiếp viên kiêm ca ve như em. Em cũng hiểu điều này! nhưng em cần đến anh. Đúng ra là nhờ anh. Vâng! từ mắt anh em đã thấy ý định từ chối nhưng mà không thể được! em nhờ chân thành và cầu thị. Hãy giúp em…! Còn chuyện vui vẻ của chúng mình hình như đã đâu đó từ lâu lắm!
- Vậy chúng ta không quên nhau được sao?
Giọng nàng thảng thốt:
       - Em đã quên rồi. Quên vì anh cũng như hàng trăm người khách khác vần vò trên cơ thể em. Nhớ làm chi một lũ bia bọt ấy! Có điều, em thoảng nhớ anh bởi anh có những nét vuốt ve khác hẳn đa số người. Nhưng bấy nhiêu anh không đủ sức nặng để em gặp chào nơi công cộng thế này. Tất cả có nguyên do của nó…
       - Nếu tôi không giúp cô thì sao?
       - Anh sẽ giúp mà! Em nhớ in câu nói anh dạy đệ tử trong quán bia bằng men bia: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã/Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng!
        - Thôi được! Cô nói đi. Lâm nguy thế nào?
 
Đến khi Kim Hoa bảo: “em cần anh giới thiệu cho em làm trong chi hội phụ huynh học sinh“ thì tôi thở phào. Thở phào là cái sự nhờ vả không có gì khó khăn và ghê gớm và cũng chả thấy cái gi gọi là…lâm nguy của cô. Mà lạ chưa, cái công việc ai cũng muốn từ chối thì cô này lại tìm cách nhận bằng được. Ngay lập tức tôi nâng quan điểm và cảnh giác bản thân, đặt câu hỏi: vì lẽ gì mà cô chủ động tham gia công việc này như thế? Liệu có mất quan điểm không? Liệu có ảnh hưởng uy tín của tôi khi người ta phát hiện ra cô uỷ viên ban chấp hành PHHS lại là cô tiếp viên nhà hàng kiêm ca ve?? Những câu hỏi này về sau xem ra buồn cười nhưng vào cái thời kinh tế thị trường mới mở vài năm thì không có gì lạ.
Rồi tôi cũng thở phào khi cô nêu lý do: ’’Thằng con em nó rất cực đoan và thực sự mặc cảm khi nó là đứa trẻ không cha. Nó vẫn chê những yếu đuối và tự ti hèn mọn của mẹ. Em muốn nó hiểu là mẹ nó có thể… Người ta có ba, có bảy còn em thì. . .
       - Tại sao em không nhờ ai khác?
       - Anh thông cảm vì anh đích thực đang là cán bộ địa phương. Tiếng nói của anh xứ này có sức nặng. Vả lại, trong số những gã khách em quen biết thì anh là một trong những kẻ còn nói được vài câu tử tế trong bọt bia.
 
            Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà tôi và Kim Hoa cùng được bầu vào ban chấp hành chi hội phụ huynh học sinh và thường gặp nhau những khi hội họp. Công bằng mà nói, nếu không có cái quá khứ của hai chúng tôi thì có lẽ chúng tôi sẽ là những người bạn tương đồng trên mọi phương diện và Thoa cũng là một cán bộ hội không chê vào đâu được.
            Với tôi, những ngày này thực sự phiền lòng, lo lắng. Chỉ cần cô ta có ý đồ xấu bắt vạ, tống tiền, dọa làm mất uy tín là đời tôi hỏng hẳn. Chết thôi! kiểu này lâu lâu em lại chèo kéo “anh ơi em đói(?)“ thì nan giải cho thằng tôi lắm thay!!
Không! không thể! ngàn lần tôi tự xỉ vả và trách mình tại sao trước đây lại dễ dãi khi để mấy tay bên B rồi Bê phảy mời mọc, rủ rê đi nhà hàng tươi mát. Cho đến lúc ấy, tôi mới thấm thía cái đạo đức của chức phận, cái khoảng cách tự do của người công bộc của dân không phải chỉ ước lệ khơi khơi?!
            Suy nghĩ mãi rồi tôi cũng nghĩ ra cách: phải làm thân với cô ta, phải cởi mở, tìm hiểu nhằm tìm ra những điểm yếu, những khiếm khuyết của con người này để chủ động đối phó (thậm chí có thể khống chế từ xa) khi nàng rắp ranh mưu toan những ý đồ bất lợi cho tôi.
            Vâng! đúng là tôi đã phòng thủ, đã đề ra đủ phương án xủ sự để rồi theo thời gian phát hiện ra rằng: Kim Hoa là một người bạn khá đúng nghĩa…
           
            Bí mật đời em chẳng có gì ghê gớm. Em là cô gái quê trốn nhà theo anh chàng kỹ sư thực tập đẹp trai và dẻo miệng. Tại sao trốn ư? Chả có gì lạ bởi quê em đất trũng mỗi năm nước ngập cứ mênh mông. Giông gió trên trời vần vũ. Nước đỏ cháy dưới sông vần vũ, ngay cả con thuyền trốn lũ cũng ngả nghiêng. Đàn ông ư? Những chàng trai nắng cháy lưng trần cụng ly đế chăm phần trăm quen quá. Em thích cái gì nhẹ nhàng, nhàn hạ hơn. Cái anh kỹ sư kia nom sạch sẽ, cao ráo, toàn thân cứ như ướp bằng xà bông ca may và nước hoa Brút. Anh ấy cười! anh ấy hứa đưa em về thành phố, hứa xin việc, hứa giới thiệu với gia đình… Thế là em đi Cái trần nhà trọ xơ tướp ngả nghiêng. Em đắm đuối trong vòng tay riết róng và muôn lời yêu thương để rồi em rùng mình thảng thốt khi biết mình bị chiếm đoạt. Vâng! tới lúc đó em vẫn tin và em không tiếc. Cái con gái của đời người trước sau cũng dâng hiến hay gả bán. Có mấy đứa từng rủ em đem thân con gái gieo giá gả bán lấy tiền trả nghĩa sinh thành rồi mặc đời đến đâu thì đến. Em thì không! em có anh ấy. Học vị kỹ sư là vốn quí. Đồng lương của anh là căn bản. Bấy nhiêu và tình yêu đủ đẹp để cho lòng em dâng hiến. Nhưng mà em nhầm! khi cái thai trong em lớn dần cũng là lúc anh ấy sổ ngôi thành họ Sở. Một sáng trở dậy, em thấy bên mình là cục tiền còm và lá thư vĩnh biệt. Khốn nạn cho em! cái trần nhà bao nhiêu ngày tháng xoay tròn, ngả nghiêng trong lạc thú và say mê thì hôm nay chòng chành hoảng loạn. Như anh biết đấy! đời em vốn sợ những việc nặng nhọc, lam lũ. Thế là em thành tiếp viên nhà hàng …
            Không sao cả! em luôn nhớ mình có trách nhiệm với cái thai đêm ngày quẫy đạp. Em hận anh ấy nhưng cũng tự trách mình. Giá em đừng dễ dàng nằm ngửa ra giường chắc gì nên nỗi. Mà trời ơi! anh ấy đẹp trai vô cùng. Đôi lúc, em vụt khùng tự hào một cách chập mạch rằng con mình sau này sẽ đẹp trai như một thiên thần …
           
            Nghe cô kể đến đó, tôi hiểu rằng cô vẫn còn yêu người kỹ sư kia lắm và mọi lo nghĩ của tôi trở thành thừa. Té ra, tôi chỉ là một trong những lão già có tiền rửng mỡ tìm ăn phở nhưng lại cứ nghĩ mình phong độ, giỏi giang không khéo bọn con gái bấu vào đến nơi!
             Sau này khi đã thân nhau hơn, cô bảo rằng: cái đùi, cái ngực, cái mặt của cô là của thiên hạ, của bọn đàn ông sẵn tiền. Mà cái thằng đàn ông vào phòng nhậu có tiếp viên thì mười người đểu hết tám chín. Họ dòm sơ cái mặt, ghì mắt vào khoảng ngực, đưa tay nắn thử cặp đùi rồi mới gật hay lắc. (Đúng quá vì nếu chỉ có nhậu thôi ai chui vào những chỗ giá chém cắt cổ như thế? ) Họ đểu từ cái cách để móng tay dài đểu đi. Họ là cái thá gì mà có quyền tuyển lựa trong khi bản thân phát tởm từ cái miệng hôi hám vì nha chu, vì men bia và hơi nồng thuốc lá. Đểu từ cái cách móc điện thoại nói dối vợ, dối cha mẹ là mắc họp, bàn chuyện làm ăn, bận nghiên cứu, hội thảo … Ôi! giá như bọn em có đủ tiền mua ngược lại thì cứ là… mà không bao giờ! Sao ư? Chả sao cả vì làm đàn bà xứ mình dễ thua thiệt quá!
            Cô bảo rằng: phụ nữ không bao giờ ai thấy ham muốn với cảnh đời tiếp viên như thế. Vậy mà vẫn phải cười. Cười đến khô môi trong khi họng xót ngàn lần bởi nước mắt đã nuốt vào trong. Xót cho đời mình. Xót cho đồng tiền rẻ rúng. Xót cho những nhiễu nhương, những hai mặt của một số người tự cho là đạo mạo và đức độ. Xót cho vợ con họ. Cái xót xa kịch nhất chính là sự dối trá: đàn ông dối vợ con, dối cơ quan, dối nhau còn các cô dối lòng. Người phụ nữ ở quán lừa người phụ nữ ở nhà và biết đâu người phụ nữ ở nhà kia lại đinh ninh rằng mình từng qua mặt được chồng để đi với kép trẻ đôi lần???
            Cô bảo rằng: đôi khi sau lúc khách bo. lòng những muốn nổi loạn cầm tờ năm chục, hai chục ném thẳng vào cái mặt dày bì hay trơn láng kia mà về với con còng, con cáy, triền sông nhưng lòng lại cố giằn. Anh có tin không? cố giằn không chỉ mỗi chuyện sợ làm việc năng nhọc mà còn sợ rằng mình đi rồi lại có cô gái khác thế chỗ theo nghề moi tiền khách mà hút hít, mà truyền bệnh xã hội. Vâng! bọn đàn ông có tiền dễ sinh hư. Ví thử bây giờ anh đột nhiên trong tay những cọc ngân phiếu, những vé ngoạt tệ dễ kiếm hoặc giả trong tay có cả ngàn cây vàng dễ gì hàng ngày ngồi quán cóc uống cà phê hay hè đường dùng cơm bụi???
                                                            oOo
Cuộc sống của hai mẹ con Kim Hoa không suôn sẻ gì. Thằng bé càng học lên lớp trên, nhu cầu sinh hoạt càng lớn hơn trong khi đó tiền em kiếm được càng ít đi. Thoa than rằng các nhà hàng ngày càng đông các cô gái trẻ, có nhan sắc, sẵn sàng chiều khách mọi công đoạn. Những tiếp viên đứng tuổi như cô trở nên lép vế. Đôi khi gặp nhau, qua những nếp nhăn đột nổi hay vết quầng mất ngủ trên mặt tôi hiểu cô đang cố sức.
            Đôi khi, nhìn cảnh cô, tôi chạnh lòng nhưng giả sử có đưa tiền, Thoa dứt khoát không cần mặc cho tôi năn nỉ cỡ nào. Cô bảo: ”Chẳng thà như ngày xưa, anh ôm em rồi bo cho em lại đi một nhẽ. Dù sao như thế, em cũng thấy còn có cái để đổi, để bán tương đồng chứ nhận chay thế này cứ như kẻ hành khất hay tầm gửi”. Tôi cười: ”Coi như anh cho vay hay tặng quà cho cháu!”. “ Vớ vẩn! Thằng bé tư cách gì nhận qùa? Còn vay phải trả mà em lấy gì trả. Tại sao anh không ôm em? Tại sao? tại sao?
            Lời của em thật nồng nàn, tha thiết. Thú thật, tôi không còn đủ lý trí để phân biệt trong lời lẽ kia đâu là sự mời chào nghề nghiệp, đâu là tiếng gọi tha thiết của một tâm hồn từng cô đơn và tâm trạng cùng quẫn muốn bán đổ bán tháo bản thân mình của em, nhưng tôi còn đủ lý trí để nhận ra rằng nếu tôi dang tay ôm em vào lòng như những năm trước từng ôm em thì tôi không thể buông em ra được nữa. Không! tôi sẽ không yếu lòng! Tôi đang là kẻ có tất cả: hiện tại và phía trước là một công việc, chức vị được xã hội tin cậy và nể trọng. Sau lưng tôi là một gia đình yên ấm. Bên cạnh tôi là những bằng hữu danh giá, thân thiết. Tất cả đang tồn tại và tiến triển song hành với thân thế, sự nghiệp của tôi. Đó là tất cả thực tại và tôi không thể giũ bỏ chỉ vì chút tình cảm say mê trong giây lát. Thêm vào đó, tôi hoàn toàn không muốn xao nhãng nghĩa vụ làm chồng, làm cha. Thêm nữa: tôi sợ những bi kịch. Hỡi tim ơi! hỡi cái tình thật chân tình của tôi ơi! Hãy tha thứ cho thằng tôi bởi tôi không thể!!!
                                                            oOo
            Nhìn thằng bé khôi ngô, linh lợi con Kim Hoa, tôi thực sự có lúc mềm lòng. Nó học giỏi và ngoan. Không ngoan sao được khi có một người mẹ gần như là người làm việc công ích cho nhà trường. Bất cứ biểu hiện gì khác lạ ở thằng bé thì Kim Hoa đã nắm được và nàng có phương pháp rèn cặp con khá bài bản. Ở lớp, đôi lúc cô giáo còn dùng nó làm chuẩn để khuyến khích học sinh.
            Với cương vị và quyền hạn của mình, tôi chỉ có thể giới thiệu giúp nàng những công việc lao động chân tay nặng nhọc. Đáng tiếc, Kim Hoa hoàn toàn không phù hợp.
Lao động tay chân, nàng không thể. Còn lao động trí óc và việc văn phòng càng không thể vì văn hóa thấp, không có bằng cấp. Nàng không thích hợp mặc cho bàn tay thon nhỏ, cánh tay nuột nà, gương mặt khả ái và cặp giò dài đầy ấn tượng.
            A! cuối cùng thì tôi cũng nghĩ ra cách giúp em. Vâng! cái cách làm chẳng sạch sẽ gì. Đối với người có liêm sỉ có lẽ đã không làm nhưng tôi thì … cũng là bần cùng mà làm. Bởi lẽ công việc xem ra phù hợp với suy nghĩ của em. Thế là, tôi đã biến em thành một cô gái gọi và tôi trở thành thằng ma cô bất đắc dĩ.
            Sự việc thật đơn giản là tôi giới thiệu với vài người bạn có tật ham vui: Thoa là cô em họ, chịu chơi do hoàn cảnh khó khăn nên “phá rào kiếm cửa “. Vai diễn vốn là nghiệp vụ của Thoa và cương vị của tôi đã khiến những người bạn không hề mảy may nghi ngờ. Những cuộc hẹn hò, những tua du lịch… của em xem ra đắc địa bởi những người bạn tôi đâu còn son trẻ. Họ vẫn thường khó chịu với típ gái quá trẻ lệch pha nhõng nhẽo moi tiền. Thoa khác! em kinh nghiệm và thượng thặng hơn nhiều. Trang phục, mỹ phẩm, lời giới thiệu đôn em lên hàng quí phái. Em thừa phương thức để hoàn chỉnh vai bò lạc và mấy khứa kia cứ đinh ninh mình đang chinh phục gọn gái nhà lành. Cái hợp lẽ nhất là từ khi vấn nạn HIV nguy cơ bùng nổ thì đám khách chơi không yên tâm với đám con gái xả láng cuộc đời. Thoa thì khác vì ít ra nàng còn có … tôi. Khốn nạn! mấy thằng bạn nhậu cứ mơ hồ coi tôi như cái dấu KCS trước Kim Hoa!
            Phần mình, như đã nói tôi chẳng thấy sạch sẽ và hay ho gì. Điều an ủi của tôi là giúp được cho người khác và những đồng tiền của đám bạn chi ra cho những lúc vui kia vốn dĩ vẫn xuất phát từ những khỏan phong bì “bôi trơn xã hội“. Thật thế bởi nếu chỉ sống bằng đồng lương không thôi thì ngay chuyện mỗi ngày có tô phở sáng cũng là cố gắng lắm nói chi các khoản động trời…?
 
            Cho đến ngày Kim Hoa tiễn con vào đại học thì chúng tôi bặt tin nhau. Yên ả quá và tôi cũng muốn quên đi mọi chuyện.
 
            Nhưng rồi ba năm sau, tôi nhận được lời nhắn của em: Thoa đang hấp hối trong nhà thương và muốn gặp tôi.
            Thoa nằm trong một khung cảnh tồi tàn hơn tôi tưởng. Cái đầu trọc lốc trắng xanh vì cớm nắng. Hai bờ môi khô rộp, xám ngắt. Tôi chỉ nhận ra em nhờ cặp mắt. Cặp mắt vẫn còn như muốn nói bao điều dù cảm giác tử biệt đã cận kề. Đôi chân nàng như dài hơn, móng tay ngả màu thâm ngoét. Đôi tay nuột nà xưa giờ khẳng khiu bợt bạt. Từ đôi môi khô rộp, giọng em khàn khàn:
            -Anh! Anh thật ư anh?
            -Anh đây! con em đâu?
            Hai giọt nước mắt ứa ra đùng đục:
               -  Nó ở trường. Em vẫn giấu không cho nó biết em bệnh nặng.
               -  Trời đất! cực đoan đến vậy sao em?
               -  …
               -  Anh giúp gì cho em bây giờ?
               -  Em … em chẳng còn ai thân thích.
               -  Anh hiểu!
               -  Em nhờ anh đến đây chính là việc con em. Em không còn hi vọng sống. Đây là cuốn sổ tiết kiệm có ít tiền dành cho cháu học tiếp.
               -…
               - Đây là lá thư em viết cho con … Xin anh khi nào cháu tốt nghiệp đại học, có việc làm và tìm về thì anh trao lại. Kể với cháu thế nào tùy anh.
               -   …
               - Còn đây là danh sách đàn ông… Anh ơi! em phải chết! chỉ tiếc là giá nó đến muộn hơn em có thể nhìn thấy con trưởng thành và tìm lại người cha về cho nó…
               - Thôi em đừng nói nữa!
               - Ôi! em đau! Anh ơi! nếu được có kiếp sau chắc em sẽ yêu anh. Vâng trọn vẹn và không bao giờ chia sẻ. Trời ơi! đời này có mấy ai nhuốm vào mức nhục nhã sống với cả trăm ngàn đàn ông chỉ để nuôi một đưa con như em không …
            Kìa, cánh tay gầy khẳng của em vươn ra, đôi mắt dại đờ vì thần kinh không còn tự chủ. Từ cặp môi khô rộp, em gọi vào không gian câu nói cuối đời: “Anh ơi! Có ai khổ như em không?! “. Bàn tay em vươn ra chới với rồi chuyển sang giần giật tựa hố như bị rút gân. Nắm bàn tay đang dần nguội của nàng, tôi hiểu hơn ai hết một điều: nếu không hy vọng, nếu không có những giấc mơ, không vì tương lai đứa con có lẽ cô không sống được ngần ấy năm trời …
            Lại một lần nữa, tôi quay lưng với em sau vài giờ suy nghĩ. Bởi, tôi không thể bỏ ra một số tiền lớn để chôn cất em mà vợ con, cơ quan tôi không biết. Đành vậy! Tôi báo cho bệnh viện biết em là kẻ vô gia cư, chôn cất theo phép thí. Đứng từ xa, tôi thấy người ta đặt lọ tro hài cốt em trong góc chùa. Tôi phải nhớ như in nơi ấy!!
 
            Cuối cùng thì cuộc đời tôi cũng hạ cánh an toàn. Tôi được về hưu đúng tuổi, được nâng lương và hàng loạt những ưu đãi và ngàn lời chúc tụng chia tay. Các con tôi đứa bác sĩ, đứa kỹ sư có lương cao, có nhà cửa. Hàng ngày, tôi chỉ đánh cờ, bàn chuyện công ích, xem thời sự, đọc báo và ghi nhật ký…
            Mọi chuyện dần đi vào kỷ niệm thì một bữa có người tìm. Gần chục năm trời nhưng tôi nhận ngay ra chàng thanh niên kia là con trai Kim Hoa dù anh tự giới thiệu bản thân là ceo của một công ty. Cháu lao ập vào tôi mà khóc. Sau những phút giây xúc động cháu bảo:
             -  Cứ như mẹ con dặn trong thư thì bác là người biết rất rõ cuộc đời mẹ?
             -  Đúng như thế!
             -  Vậy rốt cuộc mẹ con là ai? cha con là ai? Vì sao mẹ con phải mất sớm?
 
Tôi đứng dậy, mở ngăn tủ lấy ra cái truyện ngắn này đưa cho chàng trai:
         - Đọc đi và bình tĩnh. Không ai có quyền lựa chọn nơi mình sẽ sinh ra. Nhưng theo bác thì cháu được sinh ra và được nuôi dạy trong một môi trường đầy ý nghĩa. Cháu được chăm sóc về vật chất có thể nói là không có gì phải phán nàn. Những suất học bổng, trợ cấp dành cho cháu chính là tiền của Mẹ cháu. Có lẽ, bác không đủ tư cách để dạy cháu bất cứ lời giáo điều nào. Nhưng cuộc sống vốn dĩ thường nghiệt ngã và con người ta có khi lại đẩy thêm khoảng cách nghiệt ngã cho xa hơn. Nhưng cuộc đời cũng có vô vàn những góc khuất. Bác, Mẹ cháu, Cháu… và xa hơn nữa dù là một người hành khất thì đời có thể còn nhiều những góc khuất. Cháu hãy đọc câu chuyện này và chờ cha cháu, Biết đâu còn sống, ông ta đọc được mà kiếm tìm …À! Đợi đã! Có một bản thống kê những người đàn ông mà bác nghĩ rằng có thể ai đó là cha cháu…Ừ! Cha cháu vốn là một kỹ sư! Một người có học ...

                         
VietHoa
Tháng 12 năm 2000
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất