Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Cô Điếc -Truyện ngắn

  Thật lòng, tôi rất sợ sáng tác. Bởi vì, không hiểu sao giống như con chữ nó có ma vậy. Khi tôi viết thất tình: có thất tình! Khi viết hi sinh: có chết chóc! Khi viết chia ly: có chia ly! Và cái truyện ngắn Cô Điếc này cũng vậy! Khi viết xong, đến khi mục Đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng Nói Việt Nam đọc được 3 tháng thì Bà Điếc ngoài đời chết.
.  Thú thật! tôi cứ như người có lỗi. Giá mà tôi không viết, có lẽ bà Điếc khốn khổ kia còn sống thêm vài năm nữa…Nhưng thôi Cô Điếc ơi! Nơi cô đến chắc là miền Cực Lạc, ở đó, đời cô sung sướng và được công bình hơn chán vạn cái cuộc đời này. Hãy tha thứ cho cháu…(VH) 

Đám ma cô Điếc chuẩn bị di quan. Cờ phướn đã sẵn sàng. Bốn chân cái võng chủ đã lắc lư. Mười hai vị đạo tỳ quần chân áo chít đang chắp tay, khuỳnh vai làm những thủ tục trước linh cữu trong nhịp sênh dạo đầu thì ngoài cổng nhốn nháo. Một đoàn người cũng áo xô, khăn chít trắng do ông cháu ruột người quá cố rùng rùng tiến vào. Từ trong đám người đầy khí thế ấy, một giọng đàn ông dõng dạc cất lên:” Thưa các ông các bà, các anh, các chị. Chúng tôi đây là họ hàng cật ruột với bà cô xấu số. Hôm nay biết tin đau lòng này có khí muộn, xin sang chở tang và thu xếp cho cụ mãn phần về nước Chúa. Thế nhưng trước khi đưa thi hài cụ tôi về miền cát bụi, dám mạo muội xin bên gia đình anh Nghị giải thích cho họ mạc bên này đôi nhời cho ra nhẽ. Phiền cho hỏi gia chủ về việc khai tử, về ngày giờ cụ tôi qui tiên, về tài sản cụ tôi giao lại…“.

            Cậu Nghị nóng mặt:

Chuyện gì thế này? Làm loạn hay sao?

            Tức thì, một giọng lào thào phả bên tai cậu Nghị:

-  Ông anh! Mớ đồ cổ tràn trề bà cụ để lại xin cứ chia đôi mới yên được! Hiểu chứ?

            Hiểu cái quái gì? Cậu Nghị càng nóng tiết trong đầu: Cái lão cháu ruột của cô Điếc kia. Hôm qua ta đã mời ngươi ra khỏi cửa rồi cơ mà! Hử? Tính giở trò làm vạ chia phần ở đây hử? Tốt! cơm chưa ăn thì gạo còn đó nhưng giở quẻ ba que giữa giờ động quan thế này thì không được! Vừa nghĩ cậu Nghị vừa săn tay áo.

Mọi ngưòi nhìn đôi mắt tròng trắng đổi ra màu gạch nung, chiếc cằm bạnh rung rung, nhúm râu tài giật giật bên má cậu Nghị – một tài xế đường rừng thứ thiệt - thì hiểu là sắp có chuyện rồi đây! Can ra! hẳn nhiên rồi nhưng có lẽ cứ để cho cậu Nghị quại cho cái lão cháu ruột mặt mẹt kia vài qủa rồi can cũng không muộn.

            Nhưng mà may làm sao, ông Trưởng công an thị trấn xuất hiện kịp thời. Ông huơ lên một tờ giấy:” Thay mặt chính quyền, tôi xin giải thích những thắc mắc bằng tờ khai tử này. Còn tài sản của người chết, từ phút này anh em công an tạm trông nom để xử lý sau. Tôi tuyên bố đám tang phải được tiếp tục. Ai ngăn cản là ngăn cản thuần phong mỹ tục, là xúc phạm chính quyền, xúc phạm vong linh người chết… “

            Đám người im lặng rồi cùng đồng thanh ới éo, hu hụ lên mà gào khóc. Cá biệt, vị cháu dâu còn lăn lộn vòng vèo ra chiều thương thảm lắm. Chả bù cho ngày hôm trước, cái ngày mà cô Điếc chết, cũng những nhân vật này khi được thông báo, họ nhạt tanh như nước ốc…

Cái chết ở đời này chả ai tránh được. Vả lại, cô Điếc đã xấp xỉ bảy mươi. Gọi là cô bởi ở cái thị trấn huyện lẻ quê ngoại tôi người ta vẫn gọi những người phụ nữ không có chồng với cách gọi ấy. Mà lạ, bảy mươi tuổi mà tóc cô chỉ liểm điểm vài sợi bạc, đôi mắt còn tinh nhanh đến độ biết tự xâu kim để khâu vá và trên khuôn mặt sáng rỡ chỉ mới đôi ba nếp nhăn. Mấy người già bảo:” Trời cho đấy! Trời cho những người đơn chiếc, cô quả không chồng con cái sức mạnh trinh nguyên để họ đủ khả năng đương đầu với những xâm thực của cám dỗ và những tàn phá nghiệt ngã của cuộc đời…

            Mà có lẽ thế thật. Cô Điếc sinh thời chẳng bao giờ ốm đau. Của đáng tội! với hoàn cảnh gia đình này thì phải nói là cô không được ốm đau thì đúng hơn. Khoan hãy nói đến thân thế của cô mà chỉ lướt sơ về hoàn cảnh: nhà một đống người, chi tiêu nhất nhất trông cậy vào cái vô lăng của cậu Nghị. Từ giỗ chạp đến may sắm, học hành… đều nhờ sự nỗ lực của chiếc zin hóa giá già cỗi mỗi lần nổ máy là phành phành nhức óc hàng phố. Một hoàn cảnh mà trẻ con không được phép ốm thì người già như ông bà ngoại tôi lúc sống cũng cố đừng trái gió trở trời. Người già đã vậy thì cô Điếc càng phải “ điếc “ theo nghĩa đen.

            Trước ngày mất, cô vẫn còn khoẻ lắm. Cô giã và uống một bát nước lá nhọ nồi như mỗi lần nghe người nóng bức. Nhưng hôm ấy, uống xong cô ra hiệu cho bé Quí vào buồng, nhờ lấy mấy cái áo cánh, rồi lần lượt, cô mặc vào người chiếc phin nõn chuối, chiếc cánh nâu và ngoài cùng là cái áo hoa nhuôm cổ bẻ mà cô thích nhất trong đời. Sau chót, cô tỉ mẩn trước guơng gắn bằng được đôi bông tai tòn teng bằng vàng tây bé xíu mà cô từng gói tới ba lần giấy báo cất trong nẹp áo, chặn kim tây. Cầm cái quạt nan, cô nhẹ nhàng phẩy chiếc chõng tre, kê cái gối đơn và nằm xuống để không bao giờ ngồi dậy nữa. Khi nghe tiếng kêu thảng thốt của bé Quí, cả nhà mới bổ ngửa thì cô đã yếu lắm. Nhìn bộ ngực lép xẹp đang phập phều thì biết chứ cô vừa câm, vừa điếc cả đời có bao giờ nói? Thế nhưng bao nhiêu năm sống bên nhau, với cô Điếc (và cô Điếc với gia đình) chỉ cần đưa mắt, ra hiệu kể như mọi người cũng hiểu ý nhau đến chín chục phần trăm.

            Cô ra hiệu cho bé Quí. Thằng bé kệ nệ ôm ra một tráp nặng. Cái tráp gỗ từ thời ông nội tôi còn sống trao cho cô. Khi thấy nó, nhìn nét mặt cô thì ai cũng hiểu rằng cô muốn bảo:” Cô sắp đi. Cô nghèo chẳng có gì. Suốt một đời cô dành dụm của nả chỉ được có bấy nhiêu. Nay xin gửi lại gia đình để nếu có thể làm ma chay cho cô… “. Nhìn vẻ mặt hồn nhiên của cô lúc này, không ai nỡ mở tráp ra vì ai cũng biết trong ấy chỉ là những đồng tiền lẻ, những đồng tiền từ xa xưa lắm như: xăng căng, chinh, cụ bô, những tờ tiền Đông Dương nhàu nhĩ… cùng bao thứ trang sức rẻ tiền, vô ích mà cô thu lượm và tích trữ một đời. Xưa nay trong nhà này, chỉ có cô cho những thứ ấy là có giá trị và năng niu cất giấu chứ ai cũng hình dung tài sản của bà Điếc chỉ là những món đồ chơi lỗi thời lẩm cẩm. Không khí im lặng. Duy người cháu ruột của cô Điếc bưng miệng che một nụ cười ý nhị. Không ai hưởng ứng cái ý nhị lầm chỗ ấy và ông ta tẽn tò lùi lại phía sau. Cậu Nghị qùi xuống bên chõng tre, nước mắt lưng tròng. Nắm bàn tay nhỏ nhắn đã lạnh của người phụ nữ ba đời trông trẻ cho gia đình, cậu Nghị nghẹn ngào:” Cô ơi! cô yên tâm mà đi. Gia đình sẽ lo cho cô chu tất“. Cô Điếc nhìn cậu. Cô đã gật nhẹ nhưng ngón tay trỏ thon gầy của cô vẫn vẽ vụng về vào không khí. Cậu Nghị gật đầu dùng hai tay xắt vuông kiểu áo trấn thủ, chỉ lên trán minh họa một ngôi sao vàng. Cô Điếc gật đầu mạnh hơn, miệng hé như cười. Cô đi…

            Cô đi thanh thản, nhẹ nhàng nhưng hậu sự lại chẳng nhẹ nhàng chút nào.

 

            Để tránh tiếng sau này, cậu Nghị mời người cháu ruột của cô Điếc cùng xem xét lại những gì người quá cố để lại. Ngòai cái tráp, cô Điếc còn để lại gói quần áo cũ sụa mùi mốc, mấy cái lưỡi cày chìa vôi cùn xỉn, cây nhị đứt dây, cặp sênh cũ kỹ đến lõm vẹt của nhiều đời giữ nhịp cùng những khăn xếp, khăn nhiễu nhìn qua cũng biết nó đã bở bùng bục nếu ai đó động vào… Người cháu ruột kia luôn bưng miệng lắc đầu. Ông ta có vẻ chán nản với cái góc trái nhà bề bộn mà lúc sống vốn là giang sơn của cô mình. Cậu Nghị mở lời:” Bác có thể giữ thứ gì đó làm kỷ niệm… “ . Ông ta cười nhạt:” Thôi ạ. Xin anh cứ thanh toán cho. Cứ kể như là xong một đời. Xét cho cùng thì là vô vị cả!“. Béối cùng để rộng đường phủi trách nhiệm với cô (như đã phủi trách nhiệm, hắt hủi cô suốt mấy chục năm), ông ta cháu ruột bảo:” Thôi thì lúc sống cô tôi ở nhà các bác, ăn nhờ hồng phúc gia đình, vun vén giúp đỡ gia đình. Nay cô tôi mất, xin gia đình cứ tùy nghi. Dẫu có thế nào, gia đình chúng tôi chả dám phàn nàn…“.

            Cậu Nghị tôi vốn thẳng tính. Cái giọng khách sáo rởm kia xổ chưa xong, Cậu đã tạt ngay:” Vâng! tôi xin nhận những lời này. Có điều, khi đưa cô ra đồng xin bác cứ đón từ ngoài ngõ mà đưa. Tôi chả dám lưu bác trong nhà tôi nữa. Sao á? để bác trong nhà với những lời ráo hoảnh như thế kể ra thì chướng lắm!”.

            Có ai ngờ đám ma cô Điếc người phúng viếng lại đông đến thế. Ban đầu, mấy gia đình lối phố bàn nhau phụ cậu Nghị chôn cất cho cô. Phần vì họ muốn cho cái ông cháu ruột kia biết thế nào là tình người, phần vì lúc sinh thời cô Điếc tận tụy lắm. Bất cứ nhà ai cần gửi con, gửi cháu chốc nhoáng cô đều vui vẻ ôm giữ chu đáo. Vốn câm và điếc nhưng mấy lần kẻ trộm, kẻ cắp ra tay ở khu này đều bị cô phát hiện rồi báo động bằng cách và ú ớ, khua khoắng tay chân. Nhờ vậy mà công an bắt nóng ngay thủ phạm. Có lần, cô mai phục bên bờ tường tóm nguyên cổ chân một thằng ăn trộm. Cô níu chắc đến nỗi thằng trộm phải buông bỏ cái lư đồng gia truyền nhà bác Cả Đản để vùng vẫy chạy lấy người.

            Mấy bà hàng phố nhất loạt ngỏ lời với cậu Nghị:” Cả đời cô Điếc mê màu váy áo với múa hát, đàn ca. Một trăm đám ma ở cái thị trấn này là cả trăm lần cô theo múa trung đồ (Lễ có múa giữa chặng đường đưa ma). Tuy không nghe được nhưng chỉ nhìn tay trống, nhìn cần nhị là cô múa, cô xắp phách không bao giờ sai nhịp. Nay nên chăng cũng cho cô một đêm kèn giải với một chiếu lễ trung đồ… “

            Chả biết ai phao tin ra rằng cô Điếc chết giờ thiêng. Thế là đám vé số, đề đóm kéo đến, kẻ trước người sau kính cẩn thắp hương vái lạy xì xụp với những phong bao tiền lẻ. Nhìn những động tác trịnh trọng và nét mặt nghiêm ngắn của cánh cờ bạc đời mới này, giá có thể sống dậy, chắc cô Điếc phải ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên bởi lúc còn sống cô là người bị họ rẻ rúng nhất. Nào là“ Hôm nay ra ngõ gặp bà Điếc thì có mà điếc luôn!” hay:” Tao thấy người ta chở môt sọt cá, ghi ngay bốn mốt vơi tám mốt cứ chắc phen này gặp số độc, ai dè ghi xong gặp ngay mụ điếc ú ớ. Thế là vía van nó ám con bốn mốt cả tuần mất biệt!” . Nhưng người chết thì chẳng thể dậy, chỉ khổ bé Quí phải trả lễ cho những cái vái lạy cầu tiền của họ. Riêng khoản đứng lên, qùi xuống cũng làm thằng bé ê ẩm nhức đầu gối cả tuần sau đó.

            Chuyện nếu chỉ đến thế thì đã đẹp nếu không có mấy tay buôn bán đồ cổ viếng thăm và phát hiện ra trong cái trái nhà vừa hẹp vừa tối kia của cô Điếc là cả một gia tài khổng lồ chìm nổi. Vậy nên mới có cái chuyện nắm kéo tay đòn, nhào vô khóc hờ như đã nêu ở phần đầu…

 

            Cô Điếc đến với gia đình bên ngoại tôi từ lâu lắm. Lúc sống, ông ngoại bảo từ thời Cải cách. Một đêm, cả nhà phát hoảng bởi trong đống rơm góc sân phát ra tiếng phì, khè hệt tuồng rắn hổ mang. Các bác, các cậu được dựng dậy, người gậy tày, người mã tấu. Khi bác Cả dùng mũi đòn xóc gẩy bạt đống rơm thì chả thấy rắn rết đâu. Cả nhà ồ lên trước một cô gái đang co người ngủ ngon lành. Tiếng thở, ngáy của cô dồn vào mấy lá lúa phát thành tiếng sè sè tựa rắn phun. Bác Cả bảo trần đời chưa bao giờ ông thấy một khuôn mặt tròn trịa và sáng láng như thế khi đang ngủ. Khuôn mặt dồn đọng nét thánh thiện, vô tư và bình thản đến trễ nải. Hai con mày cong nền, cặp mi cong dịu, làn môi cắn chỉ mím chặt kia như muốn tỏ cái kiên định vô cùng của một thân phận. Chiếc cằm thon hơi chẻ với cái cổ thon trắng ngần lại muốn tỏ cho đời vạn điều lạc quan và dẫu vẻ đẹp kia hiện diện giữa đống rơm tươi nhưng sao cứ óng ánh những nét giàu sang, qúi phái…

            Bị lay dậy. Cô ngơ ngác. Rồi, hỏi bao nhiêu cũng không nói. Đôi mắt tròn xoe đen mướt những nước là nước. Cô chỉ biết lắc đầu nhưng cho cơm thì ăn, đưa áo thì nhận. Đến khi ngoại tôi sai bác Cả dẫn cô ra ngã ba đường để cô muốn đi đâu thì đi, lúc ấy cô bé cuống quýt khua tay, miệng ú ớ thì cả nhà mới hay cô bị câm và điếc. Cô níu tay ông ngoại, ánh mắt van nài. Khi ông ngoại gật đầu cho cô ở lại thì cô mừng lắm. Nụ cười, nét khóc trộn cùng nhau lóng lánh trên khuôn trăng lúc này đã rạng rỡ vẻ hàm ơn! Ông ngoại bảo:” ngày ấy loạn lạc, đói kém, người khôn còn chết đói huống hồ… Thôi thì làm phúc cho họ tá túc ít ngày.”.

  Vậy mà cái gọi là tá túc ít ngày đã níu chân cả đời cô Điếc dẫu rằng sau này gia đình tôi giúp cô tìm lại họ hàng thân thuộc. Họ cũng từng tìm đón cô về nhưng chỉ được ít ngày là cô lại bỏ đi. Người cháu ruột duy nhất của cô chả biết vô tình hay cố ý đã đẩy số phận cô gắn bó với gia đình ngoại tôi bằng câu nhận xét khá độc miệng:” Cô tôi ăn phải bả cái nhà ấy hay sao mà cứ xoắn xuýt béng phụng và hầu hạ người ta? “. Ông ngoại thở dài:” Giọng này là giọng phí người đây! giọng này là giọng xốc hông, cầy bẩy đây. Các con! từ nay cái Điếc là người nhà mình. Thôi thì là phúc hay là họa không biết nhưng đã làm người thì cũng nên sống cho ra người“…

            Cô làm tất cả mọi việc có thể, không nề hà, kiêng cữ. Thế nhưng công việc được tin tưởng nhất là trông trẻ. Cô cưng nựng, rong rẩy, giữ sạch sẽ bất cứ đứa bé nào được ông tôi giao phó. Tới khi cô nằm xuống, qua tay cô đã 3 lớp trẻ nhỏ nhưng chả ai gọi cô bằng cái tên nào khác ngoài cái danh từ dân dã: Cô Điếc!

            Suốt mấy chục năm, những đứa trẻ qua tay cô luôn chậm biết nói mà không ai để ý. Chỉ đến đời bé Quí thì cả nhà hoảng thực sự vì đã 3 tuổi mà thằng bé cứ im như Thánh Gióng. Bà bác sĩ trưởng trạm y tế khám rồi kết luận Quí đang học câm theo cô Điếc thì ai cũng à ra thế!

            Thời gian cứ trôi. Bác Cả, bác Hai mua nhà mới ở tách riêng. Mẹ tôi, dì tôi cũng yên phận cả. Duy cô Điếc vẫn vậy. Cô hợp tính chú Út Nghị nhất nên không chịu theo ai. Dẫu có đi đâu, cô cũng tìm về nơi trái nhà thân thuộc. Nhìn cách cô ôm âu yếm cái cối giã gạo, nghiêng mình soi bóng xuống giếng khơi lẻn nghẻn cười một mình mới thấy cái sự yêu đời nơi cô mãnh liệt vô cùng.

            Cô Điếc rất thích tiền dù hoàn toàn không đo đếm được giá trị của nó. Ai cho đồng nào, nhoáng một cái đã thấy cô giấu đâu đó thật kỹ. Theo lệ, cứ  mấy ngày tết là cả nhà tôi quây quần chơi tam cúc gia đình. Một mình cô Điếc giữ phần chia hai cỗ bài rồi lấy tiền xâu. Mỗi khi có ai kết, cô thu một hào. Thường thì mồng Bảy hạ Cây Nêu là hai chiếu tam cúc gia đình kết thúc và cô Điếc hầu như thu gom tất cả tiền lẻ bằng cách bắt xâu. Khi cô nằm xuống, bé Quí đếm được hai mươi cọc tiền lẻ bó gọn của hai mươi năm dồn lại…

            Người ta nhận xét:” Điếc hay ngóng, ngọng hay nói“ qủa không sai. Cô thích những đám đông, hội hè và ca hát. Cô bắt chước thật nhanh, nhất là môn múa. Cứ như là trời sinh ra cô để đi múa. Chỉ cần nhìn qua ai đó làm mẫu, lập tức cô múa theo không sai một nhịp chân, một vòng đảo. Khả năng của cô tức thì được đội Cái cách để mắt tới và cô được chọn cho vai múa“ Tiễn anh lên đường“ trong ngày giao quân.

            Bác Cả tôi kể rằng đêm diễn ấy sân đình đông nghịt. Đèn măng sông sáng choang. Theo nhịp cờ phất nhẹ, cô Điếc lướt ra sân khấu: lưng ong vốn dĩ, da trắng vốn dĩ với khăn chít mỏ qụa, váy thâm, yếm đào, áo màu lam ngọc bó sát vồng ngực căng hum. Đôi chân trần nhẹ như lướt, như bay trên sàn gỗ. Năm ngón tay thon bên trái chụm nụ nâng nải chuối trao qùa, cánh tay phải khoát trước khoát sau dẻo lẳn. Nải chuối ngang mày. Gió khuya phơ phất nâng tà lam ngọc, Một chút khiêu khích ngây thơ. Một chút mời gọi vô tình, nụ cười sắp mở bung từ làn môi cắn chỉ khiến sân đình nổ vỡ rào rào bởi tiếng vỗ tay…

            Có ai đó đồn rằng sau cái đêm diễn kia họ từng bắt gặp trên đê làng lồng lộng gió một chiếc khăn mỏ quạ kéo đuôi che nửa khuôn trăng nõn nà của cô Điếc. Cô len lén theo một bóng áo trấn thủ, mũ lưới nơ dù gắn ngôi sao năm cánh cùng khuất sau làn ngô sậm đậm của bãi bồi.

            Chuyện đến tai ngoại. Ông gạt đi: ”Cái nết lam là, siêng năng của con bé như thế không bao giờ có thể hư hỏng. Nó đã câm, đã điếc chưa đủ thiệt thòi hay sao mà bay đặt điều xấu cho thêm tội?”.

            Nhưng ngoại nói là một chuyện, làng xóm lại là một chuyện. Người ta nhìn vào mắt cô xem có quầng không, dòm kỹ xem chân mày có dựng và cần cổ có nổi gân xanh hay không. Có kẻ còn nắm tay cô rồi bất thình lình tốc áo để xem đầu vú có thâm tạng ốm nghén hay không nữa. Không tất cả! nhưng người đời chưa tha và suốt ba, bốn tháng sau đó vài kẻ cứ dán mắt vào cái mông thây lẩy, cái bụng thon lẳn kia để kiếm tìm vài ly đổi khác. Cô Điếc thực sự không biết những ngầm ý ấy. Cô vẫn vô tư yêu trẻ con, vẫn đóng kín cái trái nhà tối lờ nhờ múa dẻo một mình và vẫn rất thích các loại tiền cùng những áo quần lạ và đồ trang sức.

            Nhớ cái ngày Ông ngoại tôi qua đời, cô điếc khóc nhiều lắm. Khóc mà không ai dỗ được. Cô khóc từ bảy giờ thâu qua một đêm. Mắt sưng vù. Chiếc khăn mỏ qụa đẫm đìa nước mắt. Người câm khóc không ra tiếng nhưng nhìn những cái nấc khan, nuốt nghẹn của cô ai cũng se lòng. Cho tới khi đưa ngoại tôi ra đồng. Cô bặt khóc. Khi linh cữu đặt xuống cổng huyện để lễ trung đồ thì cô vượt lên. Trong tiếng nhị réo rắt, tiếng trống tùng rinh của nhà kèn cô bắt đầu bài múa tạ ơn. Đôi tay cô vẫn dẻo. Nhịp chân cô từng bước từng bước lúc khoan, lúc gấp, khi quì, khi phủ phục trong điệu kèn nhắc chừng: hưng, bái, qùi, thanh. Cô múa như chưa bao giờ được múa. Mái tóc rối bời. Hai hàng lệ cứ lã chã theo nhịp múa rơi xuống như muốn dập mãi mãi đi lớp bụi ngã ba đường! Những người đưa tang dõi theo cô. Ai cũng nhìn cô bằng cả mắt, cả miệng của mình. Ai cũng thấy như cổ họng mình se xắt và lồng ngực nao nao. Vòng múa cuối cùng thay vì ôm quan tài thì cô gục xuống, cặp sênh lim văng ra lăn khô khốc dưới nắng chiều…

            Rồi cũng kể từ ngày ấy, đám ma nào cánh thợ kèn cũng mời cô đi múa nhưng ai cũng bảo không khi nào thấy cô múa xuất thần như ngày đưa ngoại tôi đi…

            Với cô Điếc, có lẽ việc khó nhất là học văn hóa. Sau cái đêm biểu diễn văn nghệ ít ngày, cô bắt chước mọi người theo bình dân học vụ. Thế nhưng, tay cô có thể vẽ rất đẹp những chữ cái nhưng cô không biết ghép chữ và dù cố gắng bao nhiêu, cô không hiểu những chữ ấy nói cái gì. Dạy mãi, cái miệng cô chỉ uốn được chữ Ô, chữ A, sang tới chữ C là quên phứt. Nhìn cách cố gắng tuyệt vọng của cô mà cả nhà ái ngại. Riêng Ông ngoại thì thở dài. Mãi về sau này mọi người mới hiểu cái thở dài cám cảnh của ông và những nỗ lực tuyệt vọng của cô Điếc khi vật lộn với con chữ. Thì ra, cô có một bí mật mà chỉ có ông ngoại là biết rõ. Té ra, cái chuyện người ta bắt gặp cô với anh bộ đội dưới làn ngô là có thực. Trước khi lâm chung, ngoại tôi từng ốm nặng. Nhìn cô Điếc khóc lả dưới chân giường, ngoại bấm ngón tay:” Ba mươi năm rồi! Thằng Thục nó mà về… Khổ! từ cái ngày ấy… Nghị ơi! nghe bố dặn đây! Anh Thục! vệ quốc đoàn … nếu còn sống! cảm ơn cho bố. Làn ngô kia! ngày xưa, anh ấy quyết không để tiếng xấu cho nhà mình…

            Tội nghiệp cho cô Điếc và tội nghiệp cho cả niềm hy vọng của ngoại tôi. Người vệ quốc đoàn kia mãi mãi không trở về. Anh đã nằm xuống đâu đó trên đất mẹ. Nhưng bức thư ố vàng của anh thì còn đây – trong mớ hành trang của cô tôi. Bức thư nồng nàn tình yêu đôi lứa, của hứa hẹn, của hy vọng vô bờ có lẽ bây giờ mới được đọc lần thứ hai:” Anh yêu em!dù bây giờ em không có họ tên. Dù bây giờ em không nghe và không nói được. Nhưng nhìn em, nhìn ánh mắt thiết tha của em anh vẫn nhủ lòng: im lặng là đồng ý. Phải không em? Hãy chờ anh. Hết nghĩa vụ anh về đón em. Gia đình anh có người biết bốc thuốc gia truyền. Anh tin rằng em sẽ khỏi bệnh và lúc ấy chúng mình sẽ chọn cho em một cái tên. Anh sẽ gọi tên em để rồi chất giọng du dương của em cất lên… Chúng mình sẽ là của nhau mãi mãi…

 Bức thư này anh gửi cha. Cha sẽ chuyển hộ cho lòng anh…“.

            Ô! Té ra bao nhiêu năm người ta vẫn cứ đinh ninh cho rằng những kẻ tàn tật như cô Điếc chỉ là những sinh linh đeo bám vào cuộc đời, là những gánh nặng cần ban thí với rủ lòng thương. Đôi khi vô tình người ta càng không muốn cho những sinh linh kia được quyền yêu, quyền hy vọng và những khát khao hạnh phúc. Người ta gán cho họ những khả năng phát tiết ngộ nghĩnh. Nhiều kẻ còn mạnh dạn xếp đám người tàn tật bên dưới cả chữ người. Cô Điếc của chúng tôi? Vâng! như tôi đây bao nhiêu năm cũng từng sống cùng mái nhà nhưng cho đến phút này mới biết thầm cảm phục người Vệ quốc đoàn kia đã nhìn thấu cái đẹp sâu kín ở một con người thừa nghị lực để yêu, để giữ gìn lòng chung thủy suốt cuộc đời. Đó là cô Điếc!
 
 

                                                                        ***

Cô Điếc chết rồi, người ta bắt đầu xem xét, đánh giá đến gia tài của cô. Chỉ nội bó tiền để lại của người chiến sĩ Điện biên năm xưa cũng được trả giá hàng chục triệu. Những đồng tiền cắc, tiền kẽm được liệt vào hàng cổ vật. Duy cặp sênh lim bóng đến lõm nơi tay cầm có khắc ký hiệu từ thời Lê mà cô vẫn dùng nó múa lễ trung đồ đám ma (chả biết bằng cách nào cô có được) có nhà sưu tập muốn đổi cả chục chiếc Đờrim Tàu. Rồi váy, áo, khăn nhiễu, xà tích bạc, đờn kìm, nhị, nguyệt… thứ gì cũng có người ngỏ ý muốn mua. Có lẽ, lúc còn sống cô chẳng bao giờ ngờ được rằng gia tài tích cóp của mình lại có thể qui ra tiền đô lớn như thế. Cô càng không thể biết cái thân cô lúc sống quá rẻ mà khi về với hư vô lại đắt giá đến vậy. Nếu biết, chắc cô sẽ đặt cho mình một cái tên thật đẹp để đời sau khắc vào bia đá. Có lẽ cô cũng chẳng ngờ được sau mấy chục năm bị bỏ rơi bây giờ có người đã đâm đơn kiện đòi lại cô. Họ bảo cô là của họ. Họ là thừa kế hợp pháp của cô. Họ mới chính là người hương khói giỗ chạp, đèn nhang cho cô.

            Cậu Nghị vẫn lầm lỳ. Sau một chuyến chạy xe tuyến Sơn La, cậu sang Phù Châu đặt tấm bia đá khắc: CÔ ĐIẾC, SINH KHOẢNG NĂM 1930, MẤT NĂM 2000. Nguyên quán để trống. Hưởng dương tại làng Quang Xá 70 năm!

                                                            oOo

            Ngày Tòa triệu tập bên nguyên, bên bị xử vụ thừa kế tài sản của Cô Điếc. Cậu Nghị vẫn lầm lỳ. Bộ râu cả tuần không cạo như làm khuôn mặt cậu hốc hác nhưng rắn rỏi hơn. Trước khi gõ búa, ông Tòa hỏi cậu. Cậu cười miễn cưỡng: xin tuỳ tòa! toà hỏi lại, cậu không cười nữa:” Cô Điếc chết rồi! coi như yên phần. Nếu được, xin tòa phán cho chúng tôi được cái phần mộ của cô. Chả nói giấu gì các vị: từ tôi đến con tôi đều do một tay cô bế ẵm chăm mớm. Cha con, vợ chồng cũng muốn thi thoảng ghé ra thắp cho bà một nén nhang mà không phải xin phép ai. Còn tiền bạc, xin cứ giao lại cho những người yêu cầu thừa kế!”.

            Nghe cậu nói, những phụ nữ bên ngoại nhà tôi ồn lên. Kẻ chê ngu, người bảo gàn dở chê tiền, có người bảo không chia năm thì chia ba, cũng có người bảo phải. Ông tòa gõ búa tuyên không đúng ý ai:”Toàn bộ số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản của bà… Thị Điếc được dùng làm cơ sở vật chất hỗ trợ những người tàn tật của huyện nhà!

            Nghe tòa tuyên phía bên họ hàng nhà Cô Điếc lại ồn lên. Luật đâu có luật thế? Phải chống án! Đi tới cùng! chung thẩm! phúc thẩm! giám đốc thẩm cũng chơi!

            Chỉ tội nghiệp ông cậu tôi. Nghe những lời ồn ã mà tái mặt. Ông lẩm bẩm bấm đốt ngón tay: chung, phúc, giám đốc thẩm? Thế thì mình còn mất ba chuyến theo hầu họ nữa. Ba lượt xe nằm chờ người lái! cô Điếc ơi! sao cháu khổ thế này???

 VietHoa 2000
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất