Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Mẹ ơi! con đã về... truyện ngằn

       Ông Lầu trở về
Thời gian? Cái ngày vượt biển ra khu trục hạm của Mỹ, ông đang độ thanh niên. Bây giờ, thời gian đã cài lên thái dương từng đám tóc bạc trắng. Kìa, hơn ba mươi năm lưu lạc, gần sáu chục tuổi đầu còn gì. Hàng ngày, khu vực vùng ven, người ta thấy một ông già Việt kiều thơ thẩn ngó nghiêng, đôi mắt mắt đã hơi đục, lúc nhìn mái đình, lúc dõi như hút vào gốc đa sần sùi đầu ấp.
. Hàng ngày, ông bước đi chầm chậm, nom không ra vui, không ra buồn và nhất là ông già này như dửng dưng với tất cả những lời xì xầm sau lưng:
  - Tưởng mấy ông nội sĩ quan  chiêu hồi này cuốn gói luôn rồi chớ. Còn về xứ nầy tính quậy cọ chi đây?

-Ối giời, cũng may đấy, nhà nước mình mở cửa, nhân đạo nên mới được phép về quê. Cứ như tui mà làm nhà nước ấy à! Có mà tới mùa quýt nhá.

-Chậc! lá rụng thì về cội. Chỉ thương cho bà cụ Thứ. Có ông con xỏ nhầm giầy địch cũng đau lòng. May mà bà cụ qui tiên rồi chớ còn sống chẳng lẽ lại đuổi đứa con phản quốc ra ngoài cổng. Các bác ít tuổi không biết chớ tui đây thấy ngày xưa cứ còn in trước mắt kìa. Bà cụ Thứ có ba mụn con, nuôi bằng ổ rơm, bằng lá bánh, bằng đãi đậu nành trong phân ngựa. Cô Yến ngoan ngoãn, Bác Điền nằm vùng chiến đấu hy sinh anh dũng thì ai cũng biết chứ ông nội Lầu nầy có chút chữ, chút nghĩa là lỉnh biến một nước. Coi, bao nhiêu năm trời nghe ổng chiêu hồi, ổng đọc vanh vách những cơ sở cách mạng ổng chiêu hồi được. Sinh thời, bà cụ Thứ từng đứng dưới bến sông, rồi trước nhà thờ họ nghiến răng trèo trẹo nguyền rằng với ông Lầu này kể như giọt máu bỏ rơi. Thế mà bây giờ…

Nhưng lại có ý kiến phản biện:

- Cái nhà bác này nói thế không được. Hòa bình ngần ấy năm rồi ai còn phân biệt ta, địch, quá khứ, thù hận mà làm chi. Tội nghiệp bà cụ Thứ. Lúc bà sắp mất, cứ Lầu ơi! Lầu ơi mà gọi.

Có người chửi đổng:

-Tổ cha cái ngữ chiến tranh. Chỉ vì nó mà bao nhiêu gia đình li tán. Bao nhiêu nhơn mạng vùi dập, oan thê, hận phụ. Xã hội cứ bùng nhùng loạn lên. Không biết ai ngay ai cong, ai thiệt, ai giả…làm sao nói??

            Ông Lầu nghe hết và im lặng. Nói cho ngay, cái sự im lặng vốn theo ông gần trọn cuộc đời. Với một người bình thường, những bầm dập, trôi dạt ở tuổi sáu mươi cũng đã đủ chán chề nghị lực giúp người ta kìm nén. Đàng này, ông còn là một chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch ngần ấy năm bằng cái lon sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa cơ mà. Vâng! tất cả những điều ông cụ già nhất ấp ven kia nói đều đúng. Để được tu nghiệp sĩ quan, để tạo sự tin tưởng tuyệt đối của địch để làm vỏ bọc chiến lược, tổ chức lên kế hoạch và ông đã tiến hành các bước chiêu hồi, khai báo một số cơ sở của Cộng sản ngay tại vùng ven này. Cái kế Hoàng Cái phù Đông Ngô được thổi phồng và lưới tình báo chiến lược chấp nhận vài tổn thất nhỏ. Kể từ khi chiếm được lòng tin của địch, ông đã chuyển về cho trung tâm những kế hoạch hành quân càn quét, bình định vùng ven và Rừng đước. Dựa vào những tài liệu của ông chuyển, du kích và đặc công thủy của ta kịp thời có các kế hoạch đối phó  với những“ bình định cấp tốc“, “hành quân đặc biệt”, “quét và giữ “ với những B52 rải thảm cùng hàng ngàn tấn thuốc hóa học nhằm xóa và hủy diệt chiến khu Cách mạng. Ngày thống nhất, theo yêu cầu của cấp trên, ông tiếp tục vượt biên "cấy" vào tổ chức lưu vong của nhóm phản động phục quốc để chuyển thông tin về kịp thời đập tan những nhen nhóm phá hoại của chúng. Hơn hai mươi năm lưu lạc xứ người, đến hôm nay, vai trò của ông không còn quan trọng và bí mật nữa. Ông được đàng hoàng trở về. Mai kia, Tổ chức sẽ làm việc với địa phương, những giới thiệu, ra mắt, báo cáo… và mọi chuyện sẽ sáng tỏ. Nhưng, hiện tại, hụt hẫng và trống vắng nhất là mẹ đã qua đời. . .

HỒI TƯỞNG Cha đi kháng chiến. Nhà chỉ còn ba mẹ con sống nhờ cái khung cửi của mẹ. nói là nhà nhưng nó chỉ là căn lều che nắng chẳng che nổi mưa to. Anh em Lầu quanh quẩn bên cái ổ rơm, sống bằng cháo loãng, khoai mì và những câu chuyện cổ tích mẹ kể hằng đêm. Câu chuyện Tìm mẹ được bà kể nhiều nhất. ". .. Người mẹ đặt tên con mình là Nhà để sau này có nhà trú mưa nắng và Gạo để sau có đủ gạo ăn. Hàng ngày, người cha làm ruộng, đêm đi săn nhưng làm được bao nhiêu phải nộp cho Chúa làng bấy nhiêu. Người mẹ thì mò cua bắt ốc. Cua ốc kiếm được cũng phải nộp cho chúa làng. Rồi một ngày. . . ". Mẹ của anh em Lầu cũng nghèo, cũng khổ. Mẹ đặt tên các con cho niềm tin và niềm mơ ước của đời người: Lầu là nhà lầu, Điền là ruộng đất và Yến là yến tiệc. Mẹ bảo rồi nhà mình có nhà lầu, có ruộng cấy và cũng có những bữa cơm sang trọng như yến tiệc cung đình. . .

            Cổ tích, uớc mơ, hy vọng và thực tại đan xen hòa quyện khắc vào tâm khảm tuổi thơ Lầu ". . . Thế rồi, chim đại bàng mào đỏ, mỏ vàng, lông cổ óng ánh năm mầu, xoè cánh to rộng, vỗ cánh bay cao chở Nhà và Gạo đi tìm mẹ. Ôi, lưng chim đại bàng êm như bông, ấm như nắng, tiếng đại bàng kêu như tiếng sáo. . . ".

            Những đứa con nằm bên mẹ trong ổ rơm nghe kể như nuốt lấy từng lời. Ồ, cần gì phải lưng chim đại bàng. Ổ rơm nhà mình có mẹ nằm giữa cũng êm hơn bông, ấm hơn nắng và tiếng ru hời của mẹ còn trong hơn tiếng sáo. Đêm khuya, sương nhỏ giọt bên mình. Con Yến nhỏ nhất nằm gọn trong lòng mẹ. Thằng Điền ôm lưng mẹ. Duy Lầu lớn nhất phải nhường em. Nó nằm phía dưới, ôm chân mẹ. Bé Yến vừa ngủ, Thằng Điền thút thít:" Mẹ kay (quay ) qua con! mẹ kay qua con". bằng giọng ngọng líu lô. Chờ Điền thở đều, Lầu mới dám dụi đôi mắt nhoè nước vào bàn chân mẹ. Bao giờ cũng vậy, mẹ lại se sẽ lừa bé Yến, lấy cái gối nan chèn cho nó ôm hờ rồi ra hiệu cho Lầu nằm xuống cạnh mẹ. Lầu quyệt nước mắt. Thật nhanh, nó nằm xuống, vòng đôi tay gầy guộc của mình ôm lấy đôi vai còn gầy guộc hơn của mẹ, rúc mặt vào bộ ngực nhao nhão hơi hoi sữa mà chỉ mẹ mình mới có. Nó hít hà tham lam và vội vã gấp gáp bởi nó biết rằng chỉ chốc lát thôi, con Yến giật mình tỉnh ngủ tìm vú mẹ, nó lại phải chuồi xuống dưới chân mẹ nhường chỗ cho em. . .

            -Ngủ đi con!

 Mẹ nhắc rồi ru:

                        À ơi. . . con cò lặn lội bờ sông

                        Gánh gạo đưa chồng, nước mắt nỉ non. . .

            Tiếng ru của mẹ in vào từng thớ thịt tuổi thơ, trộn với gió lạnh rì rào, hăng ngái của váng sình đêm nước dậy, át tiếng bìm bịp kêu muôn thủơ giữa đêm già…
 

Mấy hôm nay, Lầu không ngủ được. Mọi thứ trong ông bắt đầu chuyển nhịp đúng về những cảm xúc vốn dĩ của đời người bình thường. Ông cứ đi ra, đi vào, vòng quanh khu đất của gia đình. Hàng giậu trồng bằng châm bầu do chính tay ông vun xới ngày xưa nay thành lũy dày ken, gió đưa lả lướt, lào xào. Đó cũng là chứng tích duy nhất còn lại của khu đất bồi năm xưa. Qua bao nhiêu năm, mồ hôi của mẹ, công sức của các em đã tạo dựng cho khu đất hoang tàn thành mảnh vườn sum sê cây trái, vuông vức, nạc nề. Cũng trên mảnh đất này, ông Lầu thấy sừng sừng cái trụ sở hội LHPN một bên và ngôi trường tiểu học một bên. Nơi túp lều ngày xưa chính là đây. Có khác chăng, nó là ngôi nhà cấp 4 gắn bảng xanh "NHÀ TÌNH NGHĨA" có bàn thờ mẹ. Từ bữa ông Lầu về, căn nhà mới được mở. Trước đó, chỉ khi nào mẹ con cô Yến về thắp hương, nó mới có bóng người . . .

            Một người tìm đến. Té ra là ông trưởng họ với bộ mặt trơn nhẵn, bóng lức rõ ra người đang có bát ăn, bát để. Phóng từ cặp mắt híp ra cái nhìn bí hiểm, vuốt cái đầu mái trê rồi ông ta vung tay cái tay mập rụt chém vào không khí và cái giọng ba rọi nửa Nam, nửa Bắc kẻ cả:

            -Chú về đây rồi. Dứt khoát là phải làm đơn, làm khiếu nại đòi lại đất, vườn. Thím tôi tảo tần, vun đắp bao nhiêu năm mới thành. Cậu Điền mỏng số hy sinh thì đi một nhẽ. Cô Yến nhà này mới dại. Người ta hỏi mượn nhà làm trụ sở, nó ký cái rụp. Địa phương mượn đất xây trường nó cũng ký cái rẹt. Ờ! Cô ấy lấy chồng xa, vợ chồng đều cán bộ giác ngộ cao đã đành. Dưng mà còn anh em, bà con. Giọt máu đào hơn ao nước lã. Lọt sàng xuống nia cơ mà. Cô ấy không dùng, con cô ấy không dùng thì chú dùng, con chú dùng, hoặc là. . . chậc! Đây, đơn tui làm sẵn cả, luật sư ướm rồi. Chú cứ ký một nhát uỷ thác là xong. Đời bây chừ sướng. Dịch vụ các kiểu. Quái! Cô Yến hẹn về mà giờ này chưa thấy. E hèm! Chú nhớ quyết nhanh cho. Thời giá bây chừ tấc đất, tấc vàng ròng. Xì ! Chú phiêu bạt bao nhiêu năm không biết dành dụm được bao nhiêu que (cây vàng) Chứ bây chừ về thừa kế vùng đất sơ sơ hơn tỉ bạc. Xì! chuyện ta, chuyện địch bây giờ mà làm gì. Nhà nước mình lấy sự an dân làm gốc. Lấy lại đất nhà cũng mau thôi. Dưng mà dứt khoát phải có đơn, phải có ý kiến chú và phải …

            Tiếng chuông điện thọai ngắt ngang lời ông trưởng họ. Lầu nhỏ nhẹ nói vào máy:"A lô! Kìa Yến. . . từ từ nói. Đừng khóc! kìa em! anh trở về có phải để nghe em khóc đâu. Ờ, thì em cứ đưa học sinh thực tập xong rồi ghé về cũng chẳng sao. Ờ. . . anh đang tiếp bác trưởng họ. Bác ấy à. Không sao, em cứ nói. Đọc cho anh số pôn anh gọi lại sau. . .

Ông trưởng họ tinh tướng:

            - A! Con Yến vừa gọi cho chú hả? Con này là tệ lắm nhen! chẳng coi anh em dòng họ ra gì. Xà! nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô. Các cụ dạy cấm sai. Anh em trong nhà thì nó khoảnh, người ngoài thì nó thảo. Có cái chum to. Lúc bà cụ mất, tôi đã có nhời hỏi xin, nó không cho mà còn mua ván ép mười lăm ly thuê người đóng thùng cất kỹ. . .

HỒI TƯỞNG:Nghe tin cha hy sinh, mẹ không dám khóc. Mẹ sợ chúng nó bắt nốt mẹ lên đồn thì đàn con bơ vơ. Đêm khuya, cơn gió nhỏ đùa khe cửa, bốn mẹ con cũng giật mình.

            Yến ơi! anh không thể hình dung đưọc em bây giờ. Trong anh, vẫn chỉ đậm nét hình ảnh đứa con gái có cái đầu nghênh lẹm. Chả là, khi sinh em, mẹ đuối và kiệt sức. Mà em thì bướng bỉnh dẫu bà mụ van xin mãi cũng không chịu ra. Bà mụ vườn phải làm đủ mọi cách và thò tay nắm đầu em mà kéo khiến cái đầu non méo lệch. Em lớn lên với cái đầu méo nghênh nghênh. Mẹ bảo anh đào lấy rễ bình bát lúc mặt trời lặn giã nhỏ rang khô trộn với dấm thanh, lấy chổi lông gà phết lên cho tròn đầu lại. Hỏi sao? mẹ cười:"Kẻo sau này em lấy chồng xấu gái người ta chê!". Mẹ còn dặn rằng:" Sau này, anh Hai nói con Út không nghe thì cứ roi bình bát mà trị”. Bé Yến nghe rồi vênh đầu, le lưỡi cười trừ. . . Giòn cười, tươi khóc là em. Thế nhưng, người được ăn roi bình bát lại là anh. Mải đi lượm trái bần làm mồi câu cá bông lau, nên về muộn. Mẹ cầm roi, bắt anh nằm sấp xuống bờ kênh. Anh chưa khóc thì mẹ đã khóc: ”Má đánh con thế này là má đánh khúc ruột của mình đây. Nhưng tha cái tội ham chơi quên việc thì không được. Con ơi! Má đánh hai chữ ham chơi cho con chừa… “.

            Cái bữa anh vào lính, khi đặt vào tay anh Hai mấy đồng bạc dành dụm. mắt em đỏ hoe:" Đi đâu thì đi. Nhớ lấy vợ nghen anh Hai . Lấy vợ để đỡ đần cho má . . . ".

            Lần ghé về thăm nhà duy nhất, Út vọt khoe: ”Anh Hai! Má tiến bộ dữ nghen – nó hạ giọng: Má nuôi mấy chú trong nhà mình. Má giỏi ghê! Kêu tụi em đào hầm bí mật. Đất xứ mình là đất mượn. Đào tới đâu rã tới đó hà. Má kêu mua cái chum bự chôn xuống làm hầm. Bọn địch đi bố ráp thì má với cô bác giã gạo làm ám hiệu. Anh Hai biết hôn. Tiếng chày nhịp theo mé nước… Ôi chết! anh Hai là trung sĩ ngụy. Má ới! Con lộ bí mật rồi Hu! Hu…

            Giọng ông trưởng họ vẫn đều đều mà cắt ngang Hồi tưởng của Lầu:

            - Thì trâu bò ở với nhau lâu thân nhau, người ta ở với nhau lâu vẫn không ưa nhau. Đành rằng các cháu bên nhà tôi đôi khi đối xử không phải với bà cụ. Dưng mà… ví như cái chuyện giả chữ ký của bà đi lĩnh trợ cấp lấy tiền đánh bài, ăn cắp bộ quần áo lụa của cụ đem bán ve chai hay tráo cái an ten xịn của cụ mang về xem Euro 2000. Toàn là chuyện có lý do cả: Tiền, bà không xài tới. Quần áo bà có mặc đâu. Cả năm có một ngày Thương Binh Liệt Sỹ với ba ngày tết nhưng bà cụ cũng cứ mặc bình dân. Còn cái an ten. Cũng tại người ta lắp cho cụ loại xịn quá. Nét ơi là nét nhá. Mà cụ thì mắt mũi kèm nhèm có nhìn thấy gì ra gì đâu. E hèm! quan điểm Ủy ban là cụ có cái ti vi trong nhà kể như có tiếng người cho đỡ hiu quạnh thôi ấy mà. Thằng con nhà tôi nó mới …

-         Bác nói chuyện gì khác không được sao?

           - Dưng mà cái đận phong tặng Anh Hùng, lập sổ trợ cấp cho thiếm là công tui to nhứt. Tôi đi nói tiếp thị rã cả họng. Chuyện chú theo địch hay mất tích cứ u u minh minh khó phát ngôn với lỵ giãi bầy ghê lắm. May có chú Tư bí thư hồi nằm hầm bí mật yêu cầu làm hồ sơ mang đi họp ít ngày về gật đầu cái tróc. Hỏi sao, ổng cười bí mật. Xà! ngó bộ ổng dám đứng đầu số cán bộ liêm khiết lắm nghen. Sau khi phong Anh Hùng, tôi bảo thiếm với con Yến trích ra 1 triệu tiền Anh Hùng bỏ phong bì gọi là trà nước. Ông trợn mắt thiếu điều bạt tai tui: Này! bỏ ngay cái trò “Xẻ vảy cả lươn“ nầy đi. Ông coi cuộc đời này là gì vậy? Làm như thế sau này xuống dưới kia còn mặt nào nhìn bác trai, nhìn cậu Điền? Hãy mang tiền về gửi lại cô Yến rồi xin lỗi bác đàng hoàng.

HỒI TƯỞNG  

Con nhớ như in sau ngày giải phóng. Khi con chuẩn bị dời công việc để về bên mẹ thì cấp trên yêu cầu con làm nhiệm vụ bí mật thêm vài năm nữa:

-Thời gian qủa là gấp rồi nhưng nếu đồng chí yêu cầu, chúng tôi vẫn có thể thu xếp để Lầu gặp mẹ trước khi đi xa. Tốn kém không thành vấn đề…

Con muốn gặp mẹ vô cùng nhưng con lại sợ mẹ già không chịu đựng nổi hụt hẫng của sụ chia tay lần này. Mẹ ơi! con đã khóc biết bao nhiêu. Ngày trước, vì việc lớn, hai anh em con cùng đồng đội đã qùi lạy mẹ xin phép khi chiêu hồi sẽ khai báo vài cơ sở Cách mạng, mẹ chỉ lên bàn thờ: ”Các con hãy vái xin Ba phù trợ“. Rồi sau đó, từ bên kia bán cầu, con được biết mẹ không chỉ dũng cảm đương đầu với bao chê bai, rủa xả của bà con mà còn làm bao nhiêu việc hỗ trợ cho cuộc đời hoạt động phản gián của con mình. Suy nghĩ mãi và con tự thấy không thể đủ can đảm gặp rồi lại quay lưng với mẹ nên chỉ đề nghị:

-Chỉ xin các anh tả rõ về mẹ tôi.. .

Như thấu hiểu lòng con, Chú Tư bí thư đỏ hoe đôi mắt:

Cụ nhà không sút cân, nhưng lưng hơi còng. Mắt thìđã kém không còn tự khâu vá được như mấy năm trước. Duy có lối hát ru cháu ngoại thì còn ấm giọng và khẳng khái lắm. Bữa nọ, nhân dịp cụ đi chùa, tôi bố trí gặp ướm rằng chú sẽ về chậm vài năm… Cụ bảo cụ chờ được! Tôi có băn khoăn thì cụ chấn chỉnh: ”Ơ kìa thằng Tư! Mi phải hiểu hơn bác là đâu phải ai Cách Mạng cũng cần đến trong lúc này như thằng Lầu?!!

     Giọng kể thủ thỉ đều đều của mẹ vọng về: “… Chỉ còn người đàn bà cuối cùng đặt gánh củi, xuống bến vục nước lên rửa mặt. Bà cúi xuống, thấy hiện lên mặt nước hai đứa bé giống mặt mình như đúc. Nước mắt của người đàn bà rỏ xuống dòng sông . Nước mắt của thằng Nhà, của con Gạo cũng rỏ xuống dòng sông. Dòng nước trôi, nước sông trong vắt, ba khuôn mặt chụm vào nhau rồi lại tỏa ra. tỏa ra rồi lại chụm vào nhau …
 

            Cách nói của ông trưởng họ cứ như kéo áo, giằng chăn người ta trong trời lạnh:

            - Giải phóng, chưa thấy chú về, bà cụ buồn và lo lắm. Rồi một bữa có người rủ bà lên chùa. Về nhà, bà trầm tư nhưng ăn ngon miệng lắm. Sao? Chú quyết chửa? Cái vụ đòi khu đất về ấy! Vốn liếng của chú góp vào. Tôi huy động, lo giấy phép, trông nom… Mình xây cái khách sạn tám tầng. Chú đại điện tiếp thị du lịch ở bển. Tui quản gia che chắn, đưa đón bên này. Thêm khoản liên doanh liên kết… ăn cho sòng, chia cho phẳng. Lý lịch chú có đen một tý cũng còn có tôi, còn cái gia đình chính sách này… mình sẽ hốt bộn bạc….

            Lầu đứng dậy:

            -Có lẽ bác cứ về. Mai cô Yến ghé. Chúng ta bàn thêm. Thú thực, tôi không thể quyết điều gì khi chưa gặp em nó.

                                                            oOo

Một người khách không mời nữa đến gặp ông Lầu. Về vai vế họ hàng, anh ta là em họ. Trái với cái chao chèo, mỡ mịn của ông trưởng họ, người mới đến chân đất, đầu trần, da đen sắt. Anh ta đem vào ngôi nhà nhỏ cái nồng sực của mùi mồ hôi dầu, chút nồng của bùn sình và cả mùi khai hoi của nước đái trẻ con ủ hai hơi sau mưa:

-Nói cho anh Hai hay: biết bao nhiêu lần vợ chồng chị Yến xin đón bà đi. Bà dứt khoát không. Bà bảo phải ở lại. Đất đai khai khẩn lọc phèn, rửa mặn ngần ấy năm trời. Vả lại, bà phải chờ anh Hai về. Cái ngày được phong Anh Hùng, phát biểu, bà nói anh Hai Lầu mới là Anh Hùng. Chả ai tin, nhưng cũng chả ai nỡ phản đối. Vài người bảo bà là bà già lẫn rồi…

- Kể ra, bà cũng hơi …gàn. Ngay bác trưởng họ, bác ấy động viên bà: ”Cứ về ở với vợ chồng chị Yến bên Biên Hòa. Đất đai để đó, ông ấy thuê trả tiền hoa lợi trước 5 năm, tặng thêm cái kim tĩnh“. Ai cũng nói vào. Bà trợn mắt:” Bây nói kiểu gì? trốn bỏ đất này mà đi ư? Anh Trưởng! anh cất tiền, cất kim tĩnh của anh cho tui nhờ. Bom đạn giặc là thế. Chúng nó o ép, ruồng bố là thế mà già này còn một tấc không đi, một ly không dơì, lẽ nào vì ít đồng bạc hoa lợi mà… “. Bà nói đến đó, cả họ im xo.

- Rồi tới bữa có mấy bác cơ quan gì đó đi ô tô đời mới đến tặng gói quà. Các bác ấy về thì bà khóc nhiều. Bà tiếc liệu có sống được tới ngày Hai Lầu đi xe hơi, đeo lon cấp tướng(?) về thăm không. Bác trưởng họ bịt mồm bà bảo đừng phát ngôn mất quan điểm. Bà bực lắm: ”Con tôi, tôi biết chớ – Bà lục trong tráp gỗ lấy ra cái thiệp báo tin của anh Hai: Đây nè! tao hỏi tụi bây: có đứa con phản quốc nào dám nói với mẹ đẻ ra nó là “CON VẪN KHỎE VÀ PHỤC VỤ TỔ QUỐC“ chững chạc thế này??

HỒI TƯỞNG

            Giọng mẹ sôi nổi, ấm tràn căn lều rơm bé nhỏ:”…Tìm được mẹ rồi. Mẹ vuốt tóc rối bù của con giai, lau nước mắt cho con gái. Tiếng người mẹ êm hơn tiếng sáo của đại bàng. Tay mẹ êm hơn bông, ấm hơn nắng …

 

            - Thưa anh Hai –Giọng nói của người em họ giằng ông về thực tại:

            - Lúc bà sắp đi, việc cuối cùng là kỷ vật của anh Hai, anh Ba Điền bà gìn giữ. Chúng em bàn sẽ đặt lên bàn thờ cho bà. Bác trưởng họ không cho: ” Phải chờ tư cách ngày về của Hai Lầu. Nếu nó có nợ máu thì…“. Bà yếu lắm, không nói đuợc nhiều chỉ gọi: ”Lầu ơi! Lầu ơi! Con tôi. Không bao giờ… thế là bà đi. . .

            Lời kể của mẹ từ truyện Cổ tích văng vẳng bên tai Lầu:

            Mẹ ơi! rồi trở về nhà, Chúa làng chêt rồi, hổ cũng không còn. Từ nay Nhà có nhà, Gạo cũng có gạo có mẹ, có con …

            Giọng cậu em lại giằng Lầu  với thực tại:

            -Thưa anh Hai, anh Hai đừng buồn, cũng đừng giận chị Yến và chúng em nhu nhược. Họ nhà mình bé nhỏ. Bác trưởng họ có tiền, lại quen biết một số người có quyền … bác ấy nói. Vâng! chả ai muốn cãi làm gì …dưng mà…

             -----oOo-----

            Mẹ nằm đây ư? Một nấm mồ nhỏ thó. Cỏ dại tua tủa chờm quanh bia đá, dăm cái chân hương xiêu vẹo, vài nhánh huệ khô cong queo, một góc mộ sạt xuống không đầy chứng tỏ sao nhãng trông nom. Hai Lầu quì xuống, dang hai tay nhu muốn bươi hết đất trên thế gian này đắp điếm cho mẹ mình. Đến phút này, người con đi xa trở về mới khóc được. Những giọt nước mắt bạc trắng ứa theo đuôi mắt …

            -Thưa anh Hai – người em họ vẫn thanh minh:

            -Anh Hai đừng trách sự sơ sài của mộ phần Bà. Chả là…bà dặn thế. Bà dặn đừng đưa lên nghĩa trang, ”sinh tại thổ, tử về tại thổ“. Bà dặn đừng đắp mồ cao, xây bia lớn vội. Chờ anh Hai về… Anh Hai thấy mộ phần có chỗ khiếm khuyết, anh trách không được cãi, rồi anh tu bổ để thấy bản thân được an ủi phần nào. Lẽ ra, em không được nói chuyện này nhưng em không chịu được… được cái nhìn hiểu lầm…  

Đến phút này thì không còn kềm nén được nữa, Hai Lầu hu lên khóc: MẸ ƠI !!!

--------------------------------------------hết

            Khu bia tưởng niệm NH  tháng 7-2001 VietHoa (truyện đã sử dụng đăng trên tuần báo Văn Nghệ HNV 2002). Những dòng chữ đậm trong truyện là trích dẫn từ truyện Cổ tích Tìm Mẹ

 
 
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất