Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Chuyện sau chiến tranh -Truyện ngắn

       Dì Hân đến với gia đình tôi đã lâu– Từ ngày vợ tôi sinh cháu đầu lòng. Những tưởng cái hợp đồng miệng để dì giúp việc nhà chừng 2 năm. Ai dè… Mỗi khi có ai khen việc dì gắn bó lâu dài với gia đình tôi là dì lại bảo:” Người ta đến với nhau là do số định, ngay đôi giày, đôi dép kia cũng còn có số nữa là“.
            Mà có lẽ tại số thật!
.
           Dì Hân đến với gia đình tôi từ 15 năm trước. Ngày ấy, mái tóc búi dày của dì chỉ mới điểm bạc. Tuổi ngoài bốn mươi nhưng dì còn đẹp. Dẫu nắng gió miền Trung có làm đôi gò má hơi sạm nhưng chiếc cằm chẻ, đôi môi son cắn chỉ, cặp mắt cá chép và nhất là vầng trán thanh có hai ngôi tóc định hình rất rõ một người có cá tính, tự tin với nhan sắc bản thân. Những nét khuôn dung kia, chắc rằng ngược thời gian về quá khứ hai chục năm hẳn khuynh đảo không ít chàng trai. Dì còn hát ru hay. Hay bởi buồn. Ông hàng xóm bình phẩm: nghe bả ru cháu, lòng tôi cứ chùng xuống…
Số là ngày vợ tôi sinh cháu Thanh Hiên, nhà neo quá. Hai vợ chồng cùng công nhân viên đã nghèo tiền lại neo tình. Tôi gầy rộc đi. Những ai đẻ con so, nuôi con đầu mới thấy cái bận bịu, nhiêu khê như thế nào. Chả trách các cụ bảo:” trai nuôi vợ đẻ gầy mòn… “. Một ngày 3 chậu đồ nào tã, lót, áo quần đến băng rốn, bao tay, tất chân… loạn xà ngậu. Rồi những xương hầm, phấn rôm, mật ong, ăn rặm, bú bình, toa bác sĩ… cứ rối tinh. Thế nhưng vụ việc hãi hùng nhất lại là… tìm cho ra một người giúp việc nhà. Ngày ấy không như bây giờ chỉ nhấn điện thoại cho bên dịch vụ mà phải hỏi thăm, rào đón, nhờ vả… nhiêu khê lắm. Thêm nữa, cái việc ô sin kia vốn mâu thuẫn: bên A cần người thực thà, chịu khó, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, biết quí trẻ con, giữ vệ sinh và còn biết cả PCCC trong khi thù lao lại rất thấp; còn bên B thì chả ai chịu làm cái nghề như ở đợ nếu không vì hoàn cảnh.
            Trước Dì Hân, chúng tôi thuê đã 3 vị. Chị Hường da ngăm đen, khỏe mạnh, tính tình dông dài. Được 3 ngày, vợ tôi chê:” Trời ơi! chị ấy ngồi quấy bột mà mũi cứ khụt khịt, nước mắt cứ lèm nhèm! Vệ sinh môi trường như thế là không được!“.
            Cô Thảo là người thứ hai trắng trẻo, xinh xắn, gọn ghẽ nhưng lại phải cái mỗi khi nằm ngủ ở cái giường xếp nom… vô tư quá. Đôi khi, ống quần cô kéo cao để lộ cái bắp vế trắng mọng ngộn như ngó cần. Vợ tôi đưa tay xỉa dứ vào không khí:” Cho nghỉ! “ “ Sao thế em? Cô này…“ “ Nghỉ là nghỉ! khiêu khích quá! gái này mắc đẻ nằm ướt lò mà nó cứ tơ hơ kiểu mời ông xơi thế kia, mà anh đang trong hoàn cảnh‘mèo ăn nhạt“ thế này có khác chi… đưa cơm cho tù!
            Điều kiện vợ tôi đưa ra:” Dưới 16 tuổi hoặc cuối băm, đầu bốn“. Con cháu Mận được tuyển đúng ba rem nhưng làm được chừng mươi ngày nó khoanh tay:” Cho con nghỉ thôi! con đi vé số cho thoáng chớ quanh ra quẩn vào cái nhà tập thể bé xíu này ngột ngạt quá!”.
            Hết nước, chúng tôi gọi điện cầu cứu ngoài quê. Vài ngày sau, bà thím tôi dặn qua điện thoại:” Bà Hân sẽ vào với các cháu. Thím đảm bảo các cháu sẽ vừa lòng. Có điều cần lưu ý là Chị Hân đi làm không phải vì khó khăn mà muốn giải tỏa sự nặng nề. Tâm trạng chị ấy … Phải tế nhị!“.
            Tôi cứ nhớ mãi cái bữa đón dì trên sân ga. Trong cái đoàn người rồng rắn, mang vác xuống tàu kia tôi tìm mãi chả thấy ai đi dép râu, chít khăn vuông mỏ qụa như căn dặn. Tới khi dòng người tản hết, tôi mới thấy một phụ nữ nhanh nhẹn với chiếc rương gỗ nhuộm son cũ kỹ, từ cách ăn mặc, phong thái tỏ ra người từng trải của thị thành chứ không có tí gì quê mùa cả. Khi tôi tiến lại toan hỏi thì bà đã lên tiếng trước:
            -Cháu đấy à? Nóng quá! Ta bỏ cả khăn, cả dép mà vẫn bức bối thế này!
            Có vẻ như Dì qúi cái rương gỗ lắm. Nhà chật, dì xếp nó dưới gầm giường, che lên miếng vải nhựa như đánh dấu, như phòng hờ cháu nhỏ đái dầm thấm xuống.
            Tháng năm trôi. vợ tôi sinh thêm cháu Thanh Hùng. Chúng tôi mua đất, cất nhà ra phố. Nhà rộng, dì cũng có phòng riêng. Ngay vị trí của dì trong gia đình tôi chả biết từ khi nào cũng thay đổi. Trong thâm tâm, vộ chồng tôi coi dì như mẹ mình. Hai cháu Thanh Hùng và Thanh Hiên gọi dì bằng cái tên dân dã đúng như ngoài quê vẫn dùng: Bà trẻ! Sự gắn bó thật dễ hiểu: mười lăm lăm, thời gian thừa dài để minh định cho cả đời người… Duy chiếc rương gỗ nhuộm son bạc thếch vẫn được dì để gần đầu giường được kê bằng gạch tàu và lúc nào cũng khoá kín mít tựa cuộc đời khép kín của bà trẻ.
            Cả gia đình tôi, không ai bảo ai đều giữ lời dặn của bà thím ngoài quê, tôn trọng tuyệt đối mảng riêng tư của Dì. Cho đến khi đột ngột bà trẻ có khách và bí mật cuộc đời người giúp việc cần mẫn và bí mật của chiếc rương kia bắt đầu mở hé. Khách là một thanh niên trạc hai mươi tuổi rất cao ráo và có vẻ là con nhà khá giả, dì giải thích ngắn là đứa cháu ngoài quê. Nhưng từ lúc anh ta ra về thì dì Hân buồn rười rượi. Đôi khi làm công việc đầu óc dì cứ để tận đâu đâu và đêm xuống, phòng riêng của Dì sáng đèn– một điều mà mười lăm lăm qua chưa bao giờ xảy ra. Cháu Thanh Hiên kể:”… Cái anh kia rõ hỗn. Ảnh khuỳnh tay, vung tay xắt chém vào không khí hệt người đóng vai Naponeon trong sân khấu, mặt đỏ phừng, cổ vươn ra, gân lên mà diễn tả. Qua cửa kính, con không nghe được ảnh nói gì nhưng rõ ràng thái độ rất gay gắt đến quyết liệt. Trong khi đó bà trẻ nhà mình ngồi im xo, chốc chốc lại đưa mù soa chùi nước mắt “.
Cháu Thanh Hùng thì mách rằng: khi anh thanh niên dời nhà, bà trẻ vô buồng, đóng của, mở cái rương gỗ lấy ra cả xấp giấy, ảnh cũ, toàn hình mấy chú bộ đội rồi lấy ra một tấm, bà trẻ ngó tấm hình, khóc hoài…
            Sau bữa ấy. Dì Hân ít nói hơn.
 
            Khoảng chừng hơn tháng sau, người tìm dì lần này là một ông già, dáng bệ vệ và chững chạc khoảng 60 tuổi. Từ đầu đến chân ông ta toát ra uy quyền. Cháu Thanh Hùng hỏi qua hàng rào lưới:
            -Thưa! ông tìm nhà ai ạ!
            -Cháu cho ta vào gặp bà Hồng!
            -Thưa! ở đây chả có ai tên Hồng. Chắc ông nhầm phố.
 Khách nheo mắt nhìn lại bảng số nhà:
           -Kìa cháu! đúng là số nhà này rồi. ờ! đại khái, bà ấy người miền Trung, người mảnh dẻ, tóc dày hay búi ngược… Hát ví dặm rất hay...
Hùng reo lên:
            -Thế thì đúng bà trẻ cháu rồi, nhưng bà cháu tên Hân cơ. Ô bà trẻ ơi, có…
Tiếng reo của bé Thanh Hùng dừng sững bởi bà trẻ đã đứng đàng sau nó. Giọng bà trẻ lạnh tanh:
            - Anh Vinh! Xin anh hãy để tôi được yên. Mời anh đi cho!
            - Kìa Hồng! Mấy năm nay, anh tìm em khắp nơi. Anh sẽ…
           - Không có sẽ sàng gì nữa! anh hành hạ đời tôi đến vậy chưa đủ sao. Xin anh đi đi. Hết rồi! chúng ta không còn gì của nhau cả. đúng hơn là đời tôi không còn gì để cho anh nữa!
             -  Hồng à! có lẽ anh đã sai lầm. Chúng ta còn những kỷ niệm… anh sẽ làm tất cả để chuộc lại lỗi lầm. Hãy nghe anh!
           - Hử? Anh còn dám nhắc đến những kỷ niệm ư? Chiến tranh đã qua lâu rồi và những người như anh thì… Thôi! anh đi đi và đừng bao giờ tìm tôi nữa!
 Nói xong, bà trẻ dắt tay bé Thanh Hùng quày quả đi vào nhà.
 Cho tới khi tôi về, hay chuyện thì bên quán cà phê đối diện, ông khách vẫn ngồi đó, cái lưng hơi cong oằn. Trước bàn nước ông ngồi là những bông hồng héo rũ, trên trán ông làn ngoi bạc đổ xuôi mặc khói thuốc quấn quýt như đùa giễu. Chiếc gạt tàn đầy um đầu lọc. Ông ngồi đó, mắt nhìn ra đường mà như không nhìn…
            Ông kể:
            -… Hồng trước đây là vợ của tôi. Là mối tình đầu mà tôi thương nhớ đến sắt lòng. Hồi những năm bảy mươi, cuộc kháng chiến của dân tộc đang đi vào giai đoạn ác liệt nhất. Tôi ngày đó đã là một cán bộ trung đội đưa quân vào chiến trường. Quê của Hồng ngày ấy thường là nơi tạm dừng chân của bộ đội. Những người lính tập kết ở đây vì kín đáo và để củng cố đội hình, phát động tư tưởng, tiếp đạn dược, quân dụng rồi vượt Trường Sơn.
Tôi đóng quân cạnh nhà Hồng ba ngày. Trong chiến tranh, đôi khi chỉ một vài đối thoại, hoặc cái nhìn, nụ cười thôi cũng đủ cho người ta gửi gắm cho nhau. đàng này, chúng tôi có những 3 ngày. Ba ngày đã biến cái vấn vương lãng mạn sang một tình yêu mãnh liệt trong tôi. Vâng, hình như ngày ấy có một ai đó tự xưng là người có trách nhiệm khuyến cáo về tính trăng hoa của cô thôn nữ này và tôi cũng đã cố bình tĩnh để kiểm nghiệm và thâm tâm cứ muốn khẳng định rằng lời mỏng miệng kia chỉ là đố kỵ, ghen ghét, thậm chí vu không hèn hạ cho Hồng. Đêm cuối cùng trên đất Bắc, dưới gốc đa cuối làng, chúng tôi ngồi bên nhau. Ánh trăng thượng tuần huyền ảo. Hồng đã trao thân cho tôi. Nàng chủ động khiến tôi choáng ngợp bàng hoàng trước ân sủng bất ngờ qúi giá. Đêm trăng non như đồng lõa với một lòng tham của một gã trai chưa một lần ăn trái cấm. Tôi phiêu diêu trong cõi mê mụ ắp đầy. Rồi, trong ánh trăng càng thăm thẳm lặng, giữa bùng nhùng của tăng của võng chiến binh ấy không biết tôi đã nói cùng em những gì. Nhiều lắm! lời thì câu nhớ câu quên nhưng cảm giác thực của đời người thì có chết vẫn còn nguyên. Và thêm nữa, hình như sau đó tôi có quì xuống ơn trời đã run rủi, ban phát cho tôi cái hân hạnh gặp em với niềm hạnh phúc đầu đời. Tôi thấy mình bắt đầu yêu thực sự, đam mê tình ái thực sự chứ không phù phiếm như vài bức thư chay, vài lời hò hẹn bâng quơ từng có với vài bạn gái. Một thoáng ân hận vì buông thả? Một tâm trạng đầy trách nhiệm? Một chút mông lung trước ngày về không thể hẹn? Một dự định mơ hồ?. Một cầu nguyện chút phép màu biến hóa… Vâng! tất cả đều từng có trong tôi trong cái phút giây đam mê đã nhường lại cho tĩnh tại khi chiếc tăng sẫm màu phủ che lạnh cho bờ vai nõn nà muốt mượt của nàng.
Còn Hồng của tôi ngày ấy thường im lặng. Vòng tay của em riết róng như nói lên tất cả. Nước mắt nàng cứ nhoè khắp vai tôi. Bao giờ anh đi? Mai! Khỏe nghe anh! em không biết đưa tiễn! Ngoan nghe anh! Anh hỏi lỡ dại có con ư? đừng lo! em biết cách thu xếp mà! Em cần gì ư? Chả cần gì cả! chỉ mong anh chiến thắng rồi về với em. Có đợi được anh không? được chứ! Nhưng chiến thắng anh phải về sớm! em chờ! Anh thương tật thì làm sao? Ví như cụt tay, cụt chân chẳng hạn? Thì… em coi thiên hạ họ thừa chân, thừa tay! Rủi mù mắt? Chả sao! Thiên hạ vẫn thừa… thôi nào ôm em đi đừng hỏi như thế...
Như bao nhiêu người lính trong chiến tranh, tôi mang hình ảnh của người yêu ra trận. Hồng theo tôi vào từng giấc mơ, từng trận đánh và từng khoảng khắc vui, buồn. Thậm chí, những khi thất vọng, cơ cực, gian lao, hiểm nguy nhất thì hình ảnh của em lại hiện ra truyền cho tôi niềm tin và sức mạnh cùng ý chí. Một ngàn lần, tôi tự nhủ rằng phải sống, chiến đấu sao cho xứng đáng với em, với tình yêu của em…
Ơn trời, sau chiến tranh, tôi trở về nguyên lành với hào quang của người chiến thắng. Còn gì hạnh phúc hơn và tuyệt diệu hơn là chúng tôi được trở về trong vòng tay của nhau. Bên gốc đa cổ thụ thăm thẳm ánh trăng đêm nào, chúng tôi định ngày làm đám cưới.
Ngày tháng trôi đi, những phút giây cuồng nhiệt ban đầu của lứa đôi giảm dần. Có thể tôi chưa chuẩn bị kỹ cho một gia đình của thời bình nhưng hàng ngày tôi rất bực mình khi cô ấy cứ khư khư với những lá thư tình và ảnh chân dung của vài người lính khác. Ờ, nếu chỉ là vậy thì cũng còn đơn giản. Đàng này, khi tìm hiểu kỹ, tôi choáng người khi biết rõ rằng trong những năm bảy mươi ấy, Hồng chẳng phải chỉ có thề thốt với một mình tôi. Cô ta còn hứa hẹn với vài người lính khác. Tôi hoang mang. Những lời bóng gió khuyến cáo kiểu trách nhiệm năm nào cứ lảng vảng hiện về. Chua chát hơn khi tôi biết cô ta từng trao thân cho vài người lính kia y như đã trao cho tôi vậy. Ê chề vì bị lừa dối. Hằn học bởi ghen tuông. Tôi nguyền rủa nàng. Vâng! một sĩ quan trẻ đầy chiến tích. Một chàng trai dày dạn và một hình thức sáng sủa giữa cái thời kỳ đàn ông vốn là quí hiếm sau chiến tranh, tôi phải được hưởng những ưu đãi riêng tư chứ sao lại lâm vào hoàn cảnh như thế. Oán hận và ích kỷ biến thành thù hằn. Thù hằn chuyển sang bạo lực. Những trận đòn ghen và những xô xát đã đưa chúng tôi về tòa án…
             - Chuyện xong rồi, ông còn tìm bà ấy làm gì?
Ông khách ôm đầu. Đốm thuốc lá đầu môi đỏ rực:
            - Nói thế nào cho anh hiểu được nhỉ? ác một nỗi: khi cô ta đi rồi, tôi không thanh thản, không nhẹ nhõm mà càng nặng nề hơn. Tôi không quên được quá khứ. Đêm đêm, tôi mơ thấy cái ánh trăng hai màu trắng sữa và bạc thẳm thượng tuần. Tôi nhớ từng lọn cỏ bị dấu nằm đè rạp tỏa mùi hăng hăng vì dập gẫy. Đấy là mối tình đầu của tôi. Ôi! ai đã từng yêu sâu sắc mới có thể và có thể lưu giữ vẹn nguyên cái hương thơm của làn da người mình yêu. Nó là mãi mãi! Dù bất chợt! dù bao nhiêu năm qua đi, anh có thể ôm trong lòng bao nhiêu người đàn bà khác đi chăng nữa thì cái mùi hương đầu đời của hạnh phúc không bao giờ tan loãng. Với tôi, đó là Hồng! Quả thực, bao giờ trong tôi cũng có hai luồng suy nghĩ. Một bên yêu cầu tôi phải tặc lưỡi, phủi tay bởi chút dĩ vãng phù phiếm, hãy quên cô ta đi và xây dựng một gia đình mới. Một luồng suy nghĩ khác cho là tôi đã quá cực đoan và ghen tuông quá đáng bởi những cái hôn nồng nàn ấy, những vòng tay riết róng ấy, những lời lẽ chân tình tha thiết ngày xưa ấy không thể có ở một người nếu như họ giả dối và hời hợt…
            Rồi, tôi tìm gặp lại vài người lính từng yêu Hồng trước đây. Tất cả, họ đều nói về nàng với những lời thương yêu. Qua tiếp xúc, chúng tôi đều thấy rõ một điều rằng: chúng tôi vững vàng trước bom đạn, bền lòng chiến đấu, ham sống cho đúng nghĩa là có một phần tình cảm của cô ấy tiếp sức. Mọi người đều cho rằng tôi là kẻ may mắn vì khi họ trở về đã thấy tôi và Hồng thành vợ thành chồng. Trách nhau sao được vì chiến tranh mà. Rồi mọi người đều cho tôi là người quá đáng khi hắt hủi Hồng. Họ yêu cầu tôi phải tìm bằng được cô ấy… Vâng, dù mọi người không yêu cầu thì có lẽ tôi vẫn phải kiếm tìm. Có lẽ mọi người đúng. Tôi có lỗi…
   Nắm tay ông khách già, tôi nói:
            - Được rồi! Bác để lại tấm danh thiếp và chờ.
  Những tưởng bà trẻ sẽ phủ nhận những điều ông Vinh kể. Nào ngờ, bà nói như có lỗi:
            -Chuyện đúng là như thế!
            -Kìa! tại sao dì lại yêu nhiều người thế? Vậy trong số họ, dì yêu ai hơn? Nặng tình với ai hơn? Tại sao và tại sao…
  Dì Hân cười buồn:
            -Đúng là dì đã yêu tất cả những chàng trai đẹp như thiên thần ấy. Dì tiếc tất cả. Vì cuộc chiến, họ phải đem tuổi xuân của mình đi làm nghĩa vụ thiêng liêng. Vậy mà, đa số họ chưa hề biết yêu và chưa hề được yêu. Trong khi thực tế, họ lại là những tâm hồn tuyệt vời và có thể yêu thật mãnh liệt. Đúng là ngày ấy có một số nhân vật cho rằng dì bất chính, bắt cá nhiều tay và ghê gớm hơn: dâm tặc! Phần dì, dì bất chấp bởi dì chỉ là cô gái nghèo ít học vùng ráp ranh bom đạn. Biết sống chết ra sao trong thời buổi ấy. Như bao nhiêu người Việt Nam, dì muốn góp phần mình vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Dì không muốn hô khẩu hiệu suông. Không muốn dây máu ăn phần. Dì biết mình đẹp dù tuổi ấy ở thôn quê chưa lấy chồng là quá lứa, đi thanh niên xung phong thì quá già, vào hội ủy lạo chiến sĩ thì quá trẻ. Có vài kẻ chức sắc chỉ muốn lợi dụng dì để thỏa mãn. Không! dì quyết đem cái sắc đẹp trời cho ấy ban phát cho những người lính. Dì muốn ý thức rằng: họ chiến đấu không chỉ vì quê hương, gia đình, bản thân mà còn chiến đấu vì tình người và giống nòi nữa. Từ sâu kín, dì có niềm an ủi rằng tỉ như có ai đó vĩnh viễn nằm xuống nơi chiến địa thì hành lý mang theo có thêm một mảnh tình…
            Cháu hỏi dì đã khu xử ra sao sau chiến tranh ư? đơn giản như đã từng đơn giản: dì sẽ làm vợ người lính nào đầu tiên trở về tìm mình. Cháu đã thấy rồi đấy nhưng qủa là dì đã không may khi người đó lại là ông Vinh. Có thể, những ngày tháng sống bên ông Vinh, dì có lỗi. Có lỗi bởi chiến tranh đã qua rồi. Con người ta có hào quang, có vị kỷ và những nhu cầu khe khắt. Có lỗi bởi dì không biết thức thời phân định đời người đâu là chuyện một thời, một thuở, đâu là nhọc nhằn cơm áo tương lai và để sống cho qua ngày mình phải làm gì! Cũng đáng tiếc nữa là có thể dì ít học, lạc hậu nên không làm sao sống hai mặt được, không thể quên được những kỷ niệm xưa…
            -Vậy cậu thanh niên tìm dì bữa trước?
           - À, anh ta là con trai của ông Kiềm. Ông Kiềm cũng như ông Vinh, rất sâu sắc với dì. Hết chiến tranh, ông đi tìm dì hơi muộn. Ông ấy trân trọng những tấm ảnh chụp chung với dì. Năm xưa, lúc lâm chung, ông dặn con trai mình đi tìm dì. Hình như nó tìm thấy vài điều thất vọng thay cha từ những người đã kết án dì là dâm tặc nên đã quá lời sỉ nhục dì… Còn những người lính khác ư? Khi chia tay với ông Vinh, dì đã thấy cần phải tránh xa họ. Chiến tranh qua lâu rồi. Vai trò của dì đã hết. Vả lại, liệu rằng họ có cao thượng hơn ông Vinh? Thế đấy! gặp nhau như đã gặp ông Vinh thì chả nên gặp làm gì. Cứ để nuôi những kỷ niệm đẹp về nhau có lẽ tốt hơn.
 Bà chậm rãi kết thúc câu chuyện:” đấy là phần lớn đời dì. Khổ, mười lăm năm thay tên đổi họ mà không xóa nổi quá khứ. Kể từ ngày mai, các cháu cho dì nghỉ để về quê…“.
                                                                    
                                                                                                                    ***
      Sáu tháng sau.
   Dì Hân gọi điện cho tôi: ’Cháu về giúp dì…”. Nghe giọng nói yếu và mệt mỏi của dì, tôi linh cảm điều xấu. Chỉ kịp nhấc máy gọi cho ông Vinh rồi tôi đem cháu Thanh Hiên ra ga lấy vé tàu ngược Bắc.
Bứớc vào nhà, tôi đã thấy ông Vinh và ba người đàn ông khác đang bên cạnh giường dì Hân. Dì nằm trên chiếc giường tre nhỏ, dáng tiều tụy. Cơn bệnh làm cho vóc người dì vốn nhỏ lại càng nhỏ. Mái tóc bạch kim xổ tung rối bời. Dì đang mê sảng.
     Lâu lắm, dì Hân mới tỉnh. Bà vui mừng khi nhận ra chúng tôi và kìa, bà như quên những hiện diện của bốn ông khách. Nắm chặt tay cháu Thanh Hiên, bà thều thào: ” Lấy… lấy cho bà trẻ chiếc rương…
     Chiếc rương được mở ra: bên trong ngoài những xấp vải lụa, bộ quân phục cỏ úa, chiếc đồng hồ đàn ông hiệu Ponrot, hai cuốn nhật ký, còn lại là những chồng thư bó gọn đã ngả màu vàng phếch. Ở vài xấp thư mỏng còn có hình chụp những chiến sĩ giải phóng còn rất trẻ. Cầm sang tay tôi, giọng dì tỉnh táo:
           - Dì dặn đây: khi dì đi rồi, tất cả những thư tình, ảnh và những kỷ vật của các anh ấy cháu gối lên đầu cho dì. Mấy cuốn nhật ký, huy hiệu, bằng khen… của dì thì kê đặt dưới chân. Chôn ở đâu cũng được nhưng nhớ hướng đầu cho dì nhìn về cụm gốc đa cuối làng. Sổ tiết kiệm, tiền còn lại cháu chuyển đến nhà thờ họ…
       Rồi giọng dì chợt lạc vào mê sảng:
           - Ôi! anh Kiềm, anh Tín, anh Quế, anh Cường ơi! thong thả chờ em với! Đừng! Đừng! Kìa... buông vạt áo em ra... Vâng! Thương thì em thương… thương lắm!
        Vai cháu Thanh Hiên rung nấc. Phía cuối giường, bốn người đàn ông như những người mất hồn. Bộ quân phục của ông Quế, bộ complet của ông Vinh, hai hàng cầu vai vạch bạc của ông Cường… Ông Tín dù tựa mình trên chiếc ba toong gỗ nghiến chuôi hóa rồng cũng chao đảo. Tất cả nghiêng xuống chiếc giường tre. Tôi nghe trong cái không gian ngập bi ai này những tiếng gọi của những con tim bị kiềm tỏa bởi tư cách, bởi sĩ diện. Tiếng gọi ấy là:” Hồng ơi! tỉnh lại đi em. Anh về với em đây…”
        Thế nhưng có vẻ như muộn rồi, và cho đến tận bây giờ tôi vẫn thắc mắc rằng: dì tôi không nhận ra họ hay cố tình không nhận ra họ dù trong hoàn cảnh cuối cùng ấy???
1995  VietHoa (truyện đã cho đăng trên tờ Văng Nghệ của Hội Nhà Văn, Mình (viethoa) bị ném đá tơi bời. Hình như ông Trần Đức Tiến (Đạo diễn) đã mua để làm kịch bản phim)
Năm 1998 viết thêm một đoạn Vĩ Thanh; Để rồi sau đoạn Vĩ Thanh ấy, mở ra một nút thắt và một cuộc đời khác. Sẽ cập nhật tiếp...
 
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất