Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Ngọc trong cát

Người phụ nữ đã vào tuổi xế chiều, mái tóc ngả màu muối tiêu, trên khuôn mặt nhỏ nhắn đã xô nhiều nếp nhăn, giản dị âm thầm sống, nhưng từ ánh mắt, nụ cười vẫn toát lên vẻ thân thiện và cương nghị của một nữ chiến sĩ đất Cố Đô. Người đã có công tìm ra hòn ngọc trong cát bụi - Lê Thị Cúc, trung đội Võ Thị Sáu 11 cô gái Sông Hương là anh Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chiến công lẫy lừng

Chúng tôi gặp bà vào một buổi chiều giữa tháng 12, khi Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên – Huế (PV Oil Thừa Thiên – Huế) tổ chức Kỷ niệm 1 năm thành lập và tri ân khách hàng, đối tác đã gắn bó với PV Oil Thừa Thiên – Huế trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua. Bà là Lê Thị Cúc – người con gái năm xưa trong trung đội Võ Thị Sáu 11 cô gái sông Hương. Hơn 40 năm trôi qua, chiến tranh chỉ còn trong ký ức, 11 cô gái sông Hương nay người còn, người mất nhưng chiến công của những người con gái vẫn mãi là niềm tự hào của người dân Thừa Thiên – Huế.

Những chiến công hiển hách ấy đã được báo chí ca ngợi nhiều và khi chúng tôi gặp bà Cúc, bà bình dị kể lại về những ngày chiến đấu của đồng đội mình trong chiến dịch Mậu Thân. Tất cả, với bà những kỷ niệm ấy như mới xảy ra ngày hôm qua và kỷ niệm ấy không có khái niệm về thời gian, bà Cúc bồi hồi xúc động: Ngày ấy, xã Thanh Thủy (huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. 11 cô gái Sông Hương cùng ở tiểu đội dân quân Thiên Thủy vẫn đang là những cô gái mười tám đôi mươi đầy hoài bão với lòng căm thù giặc khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh địch càn quét những người cách mạng, đánh đập, chà đạp nhân dân. Được sự giác ngộ của các anh, các chú, 11 cô gái xã Thanh Thủy quyết đi theo cách mạng trả thù cho bà con. Đội vũ trang 11 cô gái sông Hương ra đời từ đó. Đội được giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội vào công tác tại thành Huế, tập luyện, tuyên truyền, bảo vệ cơ sở.

Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, tiểu đội được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu của địch ở bờ Nam thành phố Huế và phối hợp với dân quân các cơ sở trong thành phố đánh địch. Nhận nhiệm vụ, đội đã vạch kế hoạch chi tiết và không quản khó khăn nguy hiểm đi trinh sát, nghiên cứu rất kĩ đường đi lối lại, các điểm quân địch đóng để dẫn đường, góp phần giúp bộ đội ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành quyền làm chủ ở thành phố Huế 25 ngày đêm, giải thoát hàng nghìn đồng chí, đồng bào ta bị giam cầm ở nhà lao Thừa Phú.

Bà Cúc chia sẻ với PV Báo Năng lượng Mới về chuyện 11 cô gái Sông Hương

 

Trong trận chiến không cân sức ấy, 4 người đã anh dũng hi sinh, những người còn lại vẫn kiên cường bám trận địa, xuất quỷ, nhập thần đánh giặc. Giặc Mỹ thất điên bát đảo trước những đòn đánh thông minh và bất ngờ của đội. Kết thúc trận đánh, ta giành chiến thắng ngoan cường, những đồng đội nữ anh hùng đã cùng nhau sống, chiến đấu bảo vệ làng xóm, đi tới đâu cũng được dân thương, dân quý. Các cô đều còn rất trẻ, chưa một ai có người yêu.

Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tiểu đội 11 cô gái Sông Hương (Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Xê, Nguyễn Thị Hợi, Chế Thị Mừng và Hoàng Thị Nở) đã cùng 15 cô du kích khác được bổ sung vào để thành lập Trung đội dân quân Võ Thị Sáu – một đơn vị nữ gây nên bao nỗi khiếp sợ cho địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có Lê Thị Cúc – người được Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thân Trọng Một, khi ấy là Thành ủy viên, Thành đội trưởng Thành đội Huế (từ tháng 9/1965) lựa chọn và bổ sung vào đội 11 cô gái Sông Hương.

Đến năm 1971, bà Cúc cùng đồng đội của mình trong Trung đội dân quân Võ Thị Sáu đã được đưa ra Bắc để học tập và an dưỡng, sau đó trở lại chiến trường tham gia chiến đấu đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975 và trở về quê hương thôn Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế sinh sống và làm ăn.

Không một ai biết đến…

Cuộc đời của bà cứ ngỡ sẽ được yên bình sau bao năm chiến tranh gian khổ, bà đã mường tượng ra một mái nhà hạnh phúc, giản dị cùng chồng và những đứa con thơ nhưng số phận đã khắc nghiệt với bà. Đến ước mơ được làm vợ làm mẹ của bà cũng khắc khoải bởi tuổi thanh xuân đã để lại chiến trường. Không như những người phụ nữ may mắn khác, là người mẹ đơn thân, bà đã phải chịu đựng nỗi đau, tai tiếng để vượt lên số phận, một mình bà tần tảo mò cua bắt ốc chạy bữa từng ngày và chăm sóc người cha đã ngoài 80 tuổi và đứa con gái ngoài 30 tuổi bị ngẩn ngơ. Bà sống lầm lũi, chịu đựng, không một tiếng kêu than thân trách phận và không một ai biết đến.

Và người đã có công tìm ra bà Lê Thị Cúc là anh Cao Huy Hùng – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế. Anh kể: “Năm 1995, lúc ấy tôi là cán bộ nghiệp vụ phụ trách triển lãm của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong một lần tổ chức triển lãm ảnh tại xã Phong Bình, có một anh đến xem triển lãm và chỉ vào bức ảnh 11 cô gái Sông Hương và bảo rằng đây là bà Lê Thị Cúc – hàng xóm của anh, ngay tức khắc tôi đã hẹn anh và mang theo tấm ảnh bảo anh dẫn đến thăm nhà bà Cúc. Đến nhà bà, tôi không thể tưởng tượng được, đây không phải là một ngôi nhà mà là chòi vịt thì đúng hơn, nằm ven một con sông, nhìn quanh nhà, không có vật dụng gì đáng giá 50 nghìn đồng. Gặp bà Cúc tôi không nghĩ 11 cô gái Sông Hương lại có một thân phận như thế này? sống giữa thời bình, hơn mấy chục năm mà không một ai biết đến. Đầu tiên tôi đưa tấm ảnh và hỏi bà có nhận ra ai trong bức ảnh này không? Bỗng dưng bà bật khóc và đọc lần lượt tên đồng đội trong bức ảnh đó. Rồi tôi hỏi bà có chứng cứ gì chứng minh rằng mình là 11 cô gái Sông Hương không? Bà mang ra một ống lô trong đó đựng những kỷ vật và vật tôi nhìn thấy đầu tiên là tấm Bằng khen trong cuộc tấn công nổi dậy anh dũng kiên cường Tết Mậu Thân 1968, tên Lê Thị Cúc cùng Huân huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, hạng Nhì và một số giấy khen khác…”

Bà Lê Thị Cúc đứng thứ tư từ trái sang

 

Thấy cuộc sống của bà Cúc quá cực khổ, anh Hùng đã không ngần ngại cầm bức ảnh 11 cô gái Sông Hương đi gõ cửa các cơ quan chính quyền để công nhận những cống hiến tuổi trẻ và cả sinh mạng của bà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng cuộc đời của bà Cúc đến hôm nay nhận được chỉ là con số 0 sau khi trận lũ lịch sử tại Thừa Thiên – Huế năm 1999 đã cuốn trôi tất cả tài sản cũng như giấy tờ tùy thân, kỷ vật thời chiến tranh của bà.

Năm 1998, anh Hùng chuyển công tác sang Ban tuyên giáo Tỉnh ủy. Đến năm 2004, anh Hùng có dịp làm việc với đồng chí Đinh La Thăng, lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế và câu chuyện này đã được báo cáo với đồng chí Thăng. Trong một lần đi họp tại huyện Phong Điền, đồng chí Đinh La Thăng cùng đoàn công tác đã đến thăm gia đình bà Cúc. Tận mắt chứng kiến gia cảnh bà Lê Thị Cúc, đồng chí Thăng rất xúc động và tặng cho gia đình bà 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng, nhưng vì bà đã bị mất hết giấy tờ tùy thân trong trận lũ lịch sử nên Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đã thay mặt bà Cúc nhận số tiền đó. Trước lúc ra về, đồng chí Đinh La Thăng còn nhắc Đảng ủy xã tạo điều kiện cho bà Cúc làm lại chứng minh thư nhưng đến nay bà vẫn chưa có chứng minh thư.

Năm 2005, xã đã trích 8 triệu đồng trong sổ tiết kiệm của bà để bổ sung vào quỹ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà, còn 2 triệu gửi tiết kiệm để bà có thêm thu nhập hàng tháng.

Cuối năm 2009, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) trao tặng cho xã Phong Chương 300 suất quà Tết dành cho người nghèo, khi biết hoàn cảnh gia đình bà Cúc, đích thân ông Nguyễn Xuân Sơn – Tổng giám đốc PV Oil đã trực tiếp mang 10 suất quà dự phòng (10 bao gạo (mỗi bao 10kg), 2 lít dầu ăn và một ít tiền do đoàn quyên góp) đến tận nhà bà Cúc trao tặng. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong cuộc đời của bà Cúc có được cái Tết ấm cúng nhất trong ngôi nhà mới.

Anh Hùng cho biết: May sao lịch sử còn ghi nhận bà qua những tấm ảnh, nếu không có những tấm ảnh này thì không ai biết bà Lê Thị Cúc là ai? và tất cả sẽ rơi vào quên lãng. Và tôi rất nể phục PV Oil ở điểm đó, ngoài mục tiêu kinh doanh làm giàu cho đất nước, thì PV Oil đã quan tâm đến thân phận của những người có hoàn cảnh khó khăn.

Khi được hỏi, tại sao anh Hùng lại quyết tâm đi tìm hiểu về bà Lê Thị Cúc, anh tâm sự: “Từ bức ảnh của bà Cúc đã thôi thúc chúng tôi đi tìm hiểu về bà, với suy nghĩ vì nghề nghiệp nghiên cứu lịch sử, cần nêu cao những tấm gương anh dũng của thế hệ cha anh đi trước để làm gương cho thế hệ hôm nay. Nếu xã hội trân trọng những giá trị lịch sử trong quá khứ thì phải biết trân trọng con người họ trong hiện tại và tri ân những tấm gương anh hùng liệt sĩ đã hoá thân vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc”.

Năm nay bà đã bước sang tuổi 65, cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu, nhưng bà vẫn một tay chèo chống chăm sóc cha già và con. Hiện, con gái duy nhất của bà bị mắc bệnh thiểu năng trí tuệ cũng đã lập gia đình với anh hàng xóm cùng cảnh ngộ. Vất vả, gian khổ dần vơi đi khi bà có 2 đứa cháu ngoại rất ngoan và thông minh. Hàng ngày gia đình bà đi đan lưới và bốc vác thuê, mỗi ngày được 30 nghìn đồng, ngoài 300 nghìn đồng tiền trợ cấp hàng tháng của xã. Sống giữa vùng trồng lúa mà bà Cúc phải đi đong gạo hàng ngày, năm này qua tháng nọ tất bật với làm thuê cuốc mướn… và ở địa phương vẫn không mấy ai biết đến bà đã từng là du kích Trung đội Võ Thị Sáu năm nào.

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 22 năm Ngày Quốc phòng toàn dân, 22 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam, thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Quỹ “Ước mơ nhỏ” của PV Oil Thừa Thiên – Huế đã nhận phụng dưỡng bà Lê Thị Cúc suốt đời và trao tặng sổ tiết kiệm với trị giá 1 triệu đồng/tháng cho bà Cúc cùng 5 Anh hùng lực lượng vũ trang huyện A Lưới (Cu Tríp, Hồ Đức Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nul và Kăn Đơm).

Tại buổi lễ tri ân, Chủ tịch HĐQT PV Oil Thừa Thiên – Huế Đặng Thọ Dũng xúc động nói: “Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Dầu khí, mục tiêu của PV Oil Thừa Thiên – Huế là chung vai gánh vác chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó, đồng bào bị thiên tai bão lũ và hơn hết là những người anh hùng mà tên tuổi của họ đã trở thành tên đất nước, ghi vào sử sách của một thời và mãi mãi. Xin cảm ơn những người con của núi rừng Trường Sơn A Lưới Anh hùng năm xưa; cô du kích Trung đội Võ Thị Sáu tiếp bước khúc hùng ca “11 cô gái sông Hương” vang dội chiến công một thời máu lửa. Tại PV Oil Thừa Thiên – Huế, mỗi CBNV luôn coi trọng tình người nhân ái để làm tốt công việc kinh doanh. Tuy món quà tặng không nhiều, nhưng những việc cần làm của PV Oil Thừa Thiên – Huế trong thời gian qua, thông qua quỹ “Ước mơ nhỏ” đã thắp sáng ước mơ lớn cho tương lai. Điều quan trọng là để mỗi người trong chúng ta ý thức được lương tâm trách nhiệm của mình với hôm qua, hôm nay và mai sau, để những tấm gương anh hùng và những phần đời thiếu may mắn không bị lãng quên. Đó cũng là nguồn năng lượng tinh thần góp thêm cho nguồn năng lượng phát triển bền vững của PV Oil nói chung và PV Oil Thừa Thiên – Huế nói riêng”.

Lan Hương

(Petrotimes)

Nguồn

.
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất