Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

Tản mạn: HUẾ VÀ CA HUẾ TRÊN SÔNG…

 Tôi mấy lần cầm bút nhưng mỗi lần viết lại gẫy chữ. Đó là một điều lạ. Bài tản văn này có gì ghê gớm mà cứ cầm bút là y như rằng gặp trắc trở của cảm xúc?

Cho đến hôm nay…

Cho đến cái buổi mà Nguyễn Mạnh Hùng thuê riêng cho anh em chúng tôi một con đò nhỏ và trên đò có một đội ca Huế khá tiêu biểu với một cây đờn bầu cứng cựa, cây nhị cổ kính cùng mấy cặp sênh lim bóng loáng rất phong trần…

.

Chúng tôi phóng xe mải miết từ Quảng Trị về cho kịp lúc 8 giờ 30 phút là thời gian xuất bến cuối cùng của con đò theo qui định an ninh. Thật vừa vặn: 8 du khách và 4 nhạc công kiêm ca nam cùng 4 người ca nữ.

Con đò của chúng tôi bé nhỏ, khiêm nhường nổ máy luỳnh nhuỳnh như dằn dỗi mà rời bến.

Sông Hương đen thẫm. Thuyền chúng tôi đi song song cùng vài con thuyền có đầu rồng khác chứa đầy du khách. Xa xa, hai chữ Hảo Hảo sáng quắc in nổi trên nền trời. Một ai đó bên cạnh tôi bình một câu hơi choáng: con sông Hảo Hảo!

Con thuyền lặng lẽ tiến về phía cầu Tràng Tiền. Ánh đèn trang trí hắt lên soi rọi từng vài, từng nhịp cầu. Ánh sáng lúc xanh, lúc vàng, lúc hồng rỡ. Từ xa, nhìn Tràng Tiền hệt như 6 chiếc lược ngà khổng lồ cài gim xuống dòng sông. Đêm nay, gió sông Hương hơi mạnh. Gió lộng lên. Bay xiêu cả mái tóc phiêu bồng của Thọ Dũng và chiếc khăn tơ của cô ca sĩ cũng dập rờn bên ô cửa sổ nhà thuyền…

Nghe và viết về ca Huế trên sông Hương thì tôi đã từng vài bận. Nhớ cái thuở những buổi đầu tiên ca Huế trở lại trên vạn đò tầm hơn hai mươi năm trước. Ngày ấy, tôi còn nhớ anh bạn Hướng dẫn Du lịch Trần Đức Anh Sơn khi đang công tác tại Bảo tàng Cố đô Huế. Anh hiền lành, nhỏ nhẹ nhưng học cao, hiểu rộng. Ngày gặp nhau, anh đang theo học cao học và đề tài bảo vệ của anh cũng là về Cố Đô Huế. Tôi nhớ luôn cả bài viết về ca Huế của tôi khi gửi anh đăng ở báo Thừa Thiên Huế. Ngày ấy, khi tiếp xúc với các nghệ sĩ của Huế (có thể nói là gạo cội; các anh, chị do say mê, yêu nghề, mừng cho một loại hình ca nhạc xưa trở lại mà đi làm là chính chứ không hẳn đi biểu diễn vì kinh tế). Ngày ấy, cũng trên con thuyền bập bềnh trên sông Hương như thế này, chúng tôi ngồi nghe như nuốt lấy từng lời ca. Bởi vì, thú thực, ca Huế mà nghệ sĩ của Huế biểu diễn thì cái buồn, cái hồn trong lời ca như truyền tải thấu lòng người hơn. Từ những bài ca ca như Nam Bình, Nam Ai, Quả Phụ, Phẩm Tuyết, Nguyên Tiêu…các anh, các chị như truyền lại cho chúng tôi những nỗi lòng của hồn thiêng sông núi, của chứng nhân lịch sử và  trong những làn điệu luyến láy thấp thoáng bóng dáng kinh thành, của một thời huy hoàng đất thần kinh. Ngày ấy hơn hai mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ như in mình đã từng viết:” Ca Huế đã trở lại. Như một tiếng nói bất diệt của lịch sử! Những tưởng nó đã bị quên đi như là Dưỡng Tâm lâu, Thượng thiên đường…”.

Ngày ấy, tôi cũng được nghe sau những bài ca Huế là những phút ngâm thơ Hàn. Quả thực, đến Huế, được đi thăm thôn Vĩ ngắm những hàng cau, ngắm những khu vườn xanh mướt ngày ấy rồi ngồi trên thuyền nghe ngâm bài thơ bất hủ của Hàn thi sĩ mới thấy cái lời mời thật Huế và thật nhẹ nhàng như trách móc của câu mở đầu bài thơ:” Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Rồi cái màu nắng non tươi, mịn màng trong bài thơ thật cuốn hút không chỉ nằm trên những tán của cau mà trải rộng ra từng khóm trúc, từng vạt cỏ. Một tứ thơ mà đầy đủ từ màu xanh, màu nắng và gió mây…

Cái tài tình của Hàn thi sĩ là ở đó. Nhưng đến hôm nay, những câu thơ chỉ còn như hoài niệm. Tôi tìm đỏ mắt không còn thấy hàng cau và cái gọi là “thôn Vĩ” kia bây giờ đã thành phố, thành phường. Càng ngạc nhiên hơn là cái thong thả, cái tao nhàn của Huế nói chung và của Vĩ Dạ nói riêng không còn nữa. Thay vào đó, người Huế như vội vàng hơn, công  nghiệp hơn!

Ngày trước, Bên này sông Hương, duy độc nhất một khách sạn Hương Giang, qua chút là đập đá và vươn về thôn xóm. Chỉ có bên kia sông, nơi có chợ Đông Ba và phố xá sầm uất và nhộn nhịp. Bây giờ ư? Thật khó tìm ở thành phố này một con phố trầm tĩnh, thư thái và nhàn tịch của Cố Đô xưa.

Cái ngày hơn hai mươi năm trước, tôi trở lại Huế thưởng thức ca Huế khi loại hình này trở lại thì đúng lúc bà Mai Đình – bạn thơ của Thi sĩ Hàn Mặc Tử nhớ người xưa bằng một bài song thất. Tôi không nhớ hết nhưng hai câu cuối của bà thì thật khó quên” Ghì trăng, ôm gió tìm hương cũ/ Tóc bạc, tình xanh, mộng chửa tàn!”. Và, tôi đã viết trong một bài tùy bút”:…Sông Hương hôm nay, gió đã ghì lại lời ca, cho tóc dù bạc trắng mà tình vẫn xanh như muôn thuở! Cảm ơn ai! Cảm ơn ai đã cho tôi những cảm xúc đầy tâm trạng trong một đêm trăng này? Ừ! Tôi còn muốn cảm ơn người em gái nhỏ nhắn đã trao cho tôi ngọn hoa đăng, để rồi tay bên tay mình thả trôi theo giòng nước Hương Giang, bốn mắt nhìn nhau nguyện cầu cho vạn sự may mắn trên đời…!”.

Sau lần đi nghe ca Huế trên sông Hương đó, tôi còn trở lại trên sông vài lần nhưng không lần nào tìm được cảm xúc như vậy nữa. Dù những lần sau, vẫn những bài Nam Bình, Tương tư khúc, Nam ai, Mái nhì, mái đẩy, hò đối đáp…nhưng cứ thấy nó gấp gáp, pha trộn và nhất là cứ như giả giả làm sao. Có người đã ví những bận nghe ca Huế như thể đi tham quan Đại Nội, cung cấm mà thấy những vữa xi măng trám vách tường, sơn đỏ quyết cột son.

Rồi, càng ngày, tôi càng có nhiều người bạn ở Huế. Tôi hiểu sâu sắc rằng, nếu phê phán Huế sẽ làm cho bạn mình có thể không vui. Nhưng mà bạn ơi! Không có lẽ lúc nào cũng hoài niệm và ngợi ca về một Phu Văn Lâu vững vàng trong sương gió? Một cầu Tràng Tiền dát bạc 12 nhịp, 6 vài? Một Cột Cờ oai vệ với sóng gió thời gian? Một Quốc học, Đồng Khánh bề thế mà cổng trường với những tà áo trắng cho lòng ai nhung nhớ mãi tuổi học trò???


Có nên nhắc về từ một cái bảng chỉ tên đường của Huế. Tại sao người ta lại chồng lên nó cả cái biểu tượng Đại Nội chình ình? To quá và lấn át chữ nghĩa. Dù rằng nó là hình của Cố Đô! Ai bảo nó ý nghĩa hay nó đẹp thế nào chứ tôi và vài người bạn thấy nó có vẻ rườm rà và không có vẻ Huế một chút nào! Tôi nói vậy bởi tôi cũng nặng lòng với Huế. Huế trong tôi và trong con mắt của nhiều bạn bè thì chỉn chu lắm, vừa vặn lắm mà cũng rạch ròi phân minh lắm. Nhỏ xinh như cái bánh Huế. Ngọt thanh, đáng nhớ như chén chè Huế nấu bằng đậu đen, đậu xanh, đậu trắng. Ngay đến con hến làm nên chén cơm hến của Huế cũng nhỏ nhắn, nhẹ nhàng. Xa hơn nữa: những tà áo dài của các em nữ sinh Huế cũng vừa vặn thanh tao. Rồi ngay cả những tấm màn gió, ri-đô trong cái khách sạn chúng tôi tá túc qua đêm cũng vừa vặn không ngắn, không dài…Huế là vậy! Dù có gấp gáp hơn, công nghiệp hơn theo tháng năm nhưng những nét Huế như thế vẫn còn nguyên trên những nẻo ngả của phố phường, chợ, trại…

Trở lại cuộc nghe ca Huế hôm nay. Nguyễn Mạnh Hùng đã bố trí riêng cho chúng tôi một con đò nhỏ và một đội ca sĩ và nhạc công. Thế nhưng, chỉ đáng nể ở cây đơn bầu và cây nhị phong trần. Nhờ có hai nhạc cụ này mà lời ca dù có muốn đứt gẫy, lạc nhịp vẫn được nâng lên. Hình như các chị cũng thấy được tình cảnh của mình. Còn chúng tôi, tất cả du khách đều mang đến một nụ cười thông cảm! Mưu sinh mà! Có lẽ suất hát của chúng tôi là suất cuối của chị em. Giọng ca không còn lên được mà buông trôi theo nhịp phách không tròn. Nhưng chẳng hề chi. Cứ cho là:

Hương đâu thấp thoáng bay bay
Hoa sen một nụ trên tay đang cười.

Có lẽ tất cả trên thuyền đều phải cảm ơn Ngô Xuân Phúc, dù là Chủ tịch HĐQT một công ty lớn nhưng anh có một tâm hồn rất trẻ. Anh trở thành một “hoạt náo viên” trên thuyền. Nhờ vậy, tiết mục  hò đối đáp của nhóm ca Huế sống động hơn nhiều.

Hai cô gái nhìn nhau rồi vào nhịp:
Này hỡi anh ơi, cho em hỏi anh:
Trăm trăm loại dầu, có dầu chi là dầu không thắp?
Trăm trăm thứ bắp, có bắp chi là bắp không rang?
Trăm ngàn thứ than, có than chi là than không quạt?
Trăm ngàn thứ bạc, có bạc chi là loại bạc không đổi, không tiêu?
Trai nam nhi, bên chàng đối đặng, dải lụa điều em trao.

Hai chàng thanh niên nhìn nhau, liếc xéo du khách với cái nhìn như cười rồi hát đối:

Này hỡi em ơi
Trăm trăm loại dầu,
có nắng dãi mưa dầu là loại dầu không thắp.
Trăm trăm thứ bắp, có lắp bắp mồm,
Lắp bắp miệng là loại bắp không rang.
Trăm ngàn thứ than, có than thở
Thở than là than không quạt.
Trăm ngàn thứ bạc, có bạc tình,
Bạc nghĩa là bạc không đổi, không tiêu.
Trai nam nhi, anh đà đối đặng, dải lụa điều có đâu?

Nhưng còn nữa! Bên Nữ tấn công:

Chữ chi là chữ chôn xuống đất?
Chữ chi là chữ cất lên cao?
Chữ chi nặng không ai tha nổi?
Chữ chi mà gió thổi không bay?

He he, chuyện nhỏ. Các anh mình thông tuệ nhất lầu:

Chữ tử là chữ chôn xuống đất,
Hai chữ nhân nghĩa anh cất lên cao,
Hai chữ nhờ thường phương tha không nổi,
Chữ tình chữ hiếu gió thời không bay.
Trai nam nhi, anh đà đối đặng, miếng trầu cay đâu nào?

Giọng cười ỏn ẻn của hai cô gái bị át đi bởi những tiếng cười sảng khoái của chúng tôi.

Cảm xúc lại dâng lên khi “chàng Trương Chi” của chúng tôi vào nhịp hò giã gạo thật ngọt:

Chiều chiều xách giỏ đi câu
Nghe đây nhiều cá ngồi lâu cũng cắn mồi

Hai cô gái tinh quái:

Chỗ này có con cá gáy hoá rồng
Tài như ông Lã Vọng cũng vác cần không trở về

Rồi các cô tiếp:

Cần trúc, ống trắc, lưỡi câu sắt, chỉ Tàu không câu đặng
Huống chi anh cần tơ, chỉ vải chờ hoài cho uổng công

Nam ngạo nghễ trả lời:

Cần trúc, ống trắc, lưỡi câu sắt, chỉ nọ tơ Tàu
Anh đã câu cá rô biển thì cá rô bàu sá chi.

Ngô Xuân Phúc của tôi chắp tay xá anh Trương Chi: Xin tôn bác làm sư phụ!

Nhưng mọi người chưa kịp cười thì cô bé xinh xắn vút giọng lên:

Tiếng đồn anh hay chữ, cho em hỏi thử đôi lời
Ngày xưa ai câu sông Vịnh, ai cày núi Lịch Sơn?

KHÓ HÈ???

Nhưng mà không: bác Trương Chi ráo hoảnh:

Em hỏi ra anh đà đáp lại
Ngày xưa vua Nghiêu câu sông Vịnh, vua Thuấn cày núi Lịch Sơn!

Nữ Gút lại rạch ròi:

Cây chi trên rừng không lá, con cá chi dưới biển không xương
Trai nam nhơn đáp đặng, thhiếp xin gá ngãi tào khang với chàng

Chàng trai đĩnh đạc:

Cây xương rồng trên rừng không lá, con sứa dưới biển không xương
Trai nam nhơn đáp đặng, em hãy gá nghĩa cương thường với anh!

Kìa! Họ đã như ngả đầu vào vai nhau. Con thuyền chòng chành. Chúng tôi có hơn chục người cả chủ và khách vỗ tay vui rổn rảng!

Khuya! Có lẽ thời gian được phép đi trên sông Hương của vạn đò sắp hết! Chúng tôi và những con thuyền khuya chuẩn bị với tiết mục cuối cùng: thả hoa đăng! Gió khuya có lẽ làm mất nốt chút vẻ lãng mạn của trò chơi. Những ngọn nến nhỏ gắn trong con thuyền giấy nhỏ leo lét phập phờ. Những cái hoa đăng bập bờ run rẩy trong khuya và nhiều cái lật nghiêng, chao đảo.

Chúng tôi đứng trên mạn thuyền. Gió lộng thổi. Chẳng ai yếu đuối khi so sánh ngọn hoa đăng kia với một thân phận. Cũng chẳng nên nặng lời phê phán lọai hình ca Huế trên sông dẫu bản thân nó đã trở thành tay trái mưu sinh của nhiều người. Du khách đến Huế, sau những ngày tham quan Đại Nội, lăng tẩm, nhà vườn và chùa chiền thì cũng nên xuống đò nghe ca hát trên sông Hương cho biết. Bởi lẽ, chưa nói đến những lời ca, điệu nhạc mà chỉ nội cái dòng chảy lững lờ, dịu lắng của Hương Giang thôi đã cho thấy thật khác biệt với bất cứ con sông nào của đất Việt. Chỉ nội cái hình ảnh dòng sông uốn khúc thật mềm chầm chậm qua kinh thành Huế cổ xưa thôi, nó như đã tải không biết bao nhiêu thơ và nhạc, kết tủa muôn vạn nỗi niềm. Ngồi trên con đò, xuôi dòng sông sâu lắng ấy dù chỉ ngắm trăng thôi đã đủ bồi hồi.

Có lẽ, chỉ bấy nhiêu đó cùng vài bài Nam Ai, Nam Bình… cũng cho ta tưởng tượng lại một thời xưa chuyên chế, một quá khứ vàng son, một tâm trạng sầu bi vô bờ của một nàng công chúa...

Ngày xưa khi học phổ thông, tôi được dạy rằng: Nhà Nguyễn có tội (hay có lỗi vì cõng rắn cắn gà nhà) với đất nước này. Nhưng khi lớn lên, đến với Huế. Hiểu về Huế từ cảnh vật, cố đô đến con người và lòng người. Tôi đã nghĩ khác.

Còn nghĩ khác gì ư? Đó là hàm ơn 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn! Cái ơn rõ ràng và đơn giản không hề trừu tượng là: Nhà Nguyễn đã để lại cho đời sau một bề dày văn hóa! Đơn giản hơn và thiết thực hơn: họ đã để lại cho chúng ta kinh thành và lăng tẩm Huế để bây giờ làm thành di sản! Cái đó, không chỉ là văn hóa, là tài sản phi vật thể mà còn là miếng cơm, manh áo thiết thực của bao người…

Ôi thời gian! …

Viethoa

Hình ảnh:

Về Huế nhé

Dòng sông Hảo hảo

Cầu Tràng Tiền trong đêm

Chàng...Trương Chi của tui

Bài và ảnh VetHoa

Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất