Ước Mơ Nhỏ - Tất cả vì trẻ em nghèo

HỌC BỔNG 2011-2012; BÀI 5: Tản mạn về một chuyến đi

Câu chuyện mưa

Ai đã từng sống ở Nam Bộ mới thấy cái chuyện mưa ở Sài Gòn thật lạ và cũng thật quen. Quen là mưa nhanh, tạnh nhanh. Lúc mưa thì xối xả, mù mịt nhưng khi tạnh một cái là trời quang và khung hình xã hội sáng hẳn lên

.

và con người ta cũng thấy nhẹ nhõm và sảng khoái. Sài Gòn nguy ngán nhất bây giờ là…ngập đường. Có khi cơn mưa to trút xuống, gặp lúc triều cường kể như hỏng hẳn mấy cái xe máy đời cũ. Đôi khi, cả một dòng người kẹt xe đông cứng dưới thác mưa. Thật hãi hùng và ngao ngán khi đủ màu sắc của áo mưa, của ô dù và chán vạn những Logo, Slogan, hình minh họa…xuất hiện đọa đầy trên những cái pông sô, áo mưa, dù che…tựa một dòng lẩu đẫm chất bi hài…

Vậy mà khi trời trở mưa vần vũ, tôi vẫn thúc bác xe ôm lên đường. Bác hàng xóm tròn mắt nhìn tôi như nhìn Don Quixote, toan lắc cái đầu đờ mi cua từ chối thì thằng tôi trợn mắt:” Đã hứa là làm. Nghe ra chửa?”. Chợt nhớ ngay ra tôi vốn là khách ruột của gã. Gã OK cấp kỳ luôn miệng nhưng vẫn Hai Cù Nèo:” cho em xin thêm một phảy nha (1 phảy: 10 ngàn đồng)…

Thế là hai thầy trò kéo ga chạy mưa. Mà may làm sao, xe chúng tôi bon đến đâu là trời tạnh hoảnh, chỉ còn mặt đường nháng nước sau mưa. Lão xe ôm lầm bầm:” Số bác lúc nào cũng hên nhỉ?”. Chuyện!  ông khen tôi hên thì khác gì khen phò mã tốt áo. Hên chuyên nghiệp cơ đấy!

Tới sân bay, đang bơm chai nước suối vô bụng thì đầu dây bên kia ông Thọ Dũng gọi báo thức. Khi biết tôi đã ở sân bay, ông thầy lầm bầm: sao sớm thế?

Nói cho ngay, cuộc đời đi máy bay của tôi kinh hãi nhất là chậm chuyến. Nó chậm nhưng có khi cóc cần nhắn tin mà đến sân bay mới té ngửa. Càng ngã ngửa khi cái giá dịch vụ ở sân bay tàn nhẫn lắm với dân nghèo: 15- 20 ngàn/ chai nước suối nhỏ. “Đì Lây” 3 tiếng đồng hồ toi 2 chai nước xót hơn xát muối ớt vô mỏ ác.

Bây giờ trên máy bay còn hãi hơn. Hãi là hãi cái thái độ. Mấy chị tiếp viên thì khỏi nói rồi vì mặt xinh mà cũng có lúc lạnh như băng. Chuyện đó không hãi bằng mấy chú có iPhone 2-3-4… Bấm cứ nhoay nhoáy lúc máy bay cất cánh. Tiếp viên nhắc thì chìa điện thoại ra, chỉ vào nút …an toàn chế độ máy bay. Tiếp viên thì cóc cần oong đơ: cấm là cấm! đôi chú khách trợn mắt ra điều mỉa mai nhà bay chậm tiêu và cóc  hiểu về…điện thoại. Cái hãi là đấy chứ là đâu hè? Mấy chú kia có to tiếng như cái nhà bác Khương HLV võ thuật hôm nọ, cái lão cơ trưởng nước ngoài kia nó xử lý, dân đen như mình tha hồ mà chậm chuyến, lại được mời làm chứng mới là chua. Chua vì cái nghiệp làm chứng ở cái xứ Việt mình nó nhiêu khê và có thể còn bị hỏi nhục hơn cả hỏi cung! Đúng là chuyện thiên hạ nhưng lại là chuyện mình!

May! Đuôi xuôi thì đầu cũng lọt. Xuống Phú Bài nhìn thấy chú Võ Trường cười tươi như hoa dứa chánh thế kia thì những nỗi lo mới trôi theo nước mưa.

Cơm chay xứ Huế

Đặng Thọ Dũng bảo: tối nay chiêu đãi bác Việt Hòa cơm chay nhá. Lại thế nữa! tiếc gì nhà cháu một bát phở mà đi chay với tịnh. Nhưng cả tập thể quyết món cơm chay làm sao mình phản đối? Ừ thì đi theo đàn. Xe bon đến quán chay chùa Liên Hoa. Đông nhỉ? Toàn nam thanh, nữ tú ngồi ăn chay mới là lạ. Cái nhà rường tuyệt đẹp dựng làm quán chay, bên cạnh hồ cá toàn chép Nhật diêm dúa với đôi chú bống to đen  như bắp trâu. Nhà báo Hoàng Thành ghé tới. Chúng tôi hàn huyên đủ thứ chuyện. Hoàng Thành bảo: tui ăn chay thì vẫn ăn nhưng ngủ thì bao giờ cũng ngủ mặn.

Thú thật, tôi lại giật mình vì các món chay sao mà ngon. Món gỏi vả thật đáng nhớ vì nó gợi lại những ngày ở rừng. Đậu phụ ngon tàn bạo. Các món bánh với tôi vốn quen thuộc vì lần ra Huế nào cũng tìm đi ăn bánh Huế. Bánh Huế thật nhỏ, xinh, vừa phải, gói giản đơn không cầu kỳ. Thích nhất và nể nhất ở đây là chén chè. Độ ngọt của chè thanh thanh, thoảng mùi sen, mùi gừng và cái bùi mịn của đậu xanh, nếp mới…

Chuyện trong bàn ăn của chúng tôi nổ như ngô rang. Mấy đôi anh, chị đánh mắt sang. Vài bà sồn sồn cũng tia nhìn hơi lạ. Chậc! Tình thiên lý tha hương ngộ cố tri!  Mô phật! có ai nói: ăn chay tại bụng chứ không dám ăn chay tại miệng thì đúng là…chúng tôi! Mà thằng tôi cũng khéo khỉ: giời mưa, quán chay mà nhìn phụ nữ ai cũng thấy đẹp. Thầy Minh khều nhẹ: Đám người già không đều nó thế, nhìn phụ nữ ai cũng đẹp hết! Khỉ ạ, ông nói ai chớ mình mới có…59 xuân xanh!

Té ra cơm chay rất ngon!

Những người bên cạnh quĩ uocmonho

Đêm bắt đầu buông xuống! cả đoàn công tác nhường tôi một phòng cho ngủ yên. Ai cũng bảo: còn cả tuần lễ ngồi xe đó; bác gắng sắp xếp. Chuyện nhỏ! Mình đặt lưng xuống là kéo bễ. Nhưng mà vẫn lơ mơ nghe trò chuyện bên kia – Cái phòng ông Thọ Dũng đó. Thôi kệ! hồn ai nấy giữ!

Sáng sớm, cả đoàn kéo nhau đi ăn sáng. Ơ kìa! Sao đông đúc quá vậy? Võ Trường giới thiệu:

-          Đây là ông Cái Trọng Anh Tuấn, ông Nguyễn Viết Thành - Các sếp của PV OIL Thừa Thiên Huế ghé vào đóng góp thêm cho quĩ Uocmonho. Còn đây là sếp Phạm Đình Ngọc Minh- Phó tổng GD kiêm Chủ tịch Công đoàn- người có vai chính trong việc vận động CNCNV PV OIL Thừa Thiên Huế tham gia uocmonho…

Chúng tôi bắt tay nhau thật chặt. Thì ra, những anh em âm thầm đóng góp thêm cho uocmonho lại là những cán bộ trẻ, đầy nhiệt huyết. Vâng nữa! các bác cứ tiếp tục, làm sao cho bọn trẻ có thêm học bổng là nhà cháu mừng rồi.

Trên đường trao học bổng trường Quảng Thọ, ông Đặng Thọ Dũng nhìn ngang vào cây xăng mới mua của PV OIL thấy cửa hàng trưởng Trương Bửu Xuân Long, Ông cho dừng xe ngoắc người cán bộ này:” Nếu rảnh bạn cùng đi dự trao học bổng rồi giao lưu với các bác địa phương luôn chứ?”. Cửa hàng trưởng Long cười tươi, nhanh như sóc, anh nhập đoàn.

Một nhân vậy mà tôi khó quên đó là bà Phạm Thị Ngọc Hoa, Hội phó hội người tàn tật của Hải Lăng Quảng Trị. Người đâu mà xốc vác, nhiệt tình …dã man! Chính Bà gội mưa ra tận cái hồ cá đón chúng tôi. Lúc chụp hình lưu niệm cũng tự nhiên như người Thành Phố. Trong bữa cơm chia tay, sau vài ly, đôi má của chị hồng rực. Chị tóm cứng cánh tay tôi yêu cầu cụng ly và :” Anh hứa cái vụ lo sách hỗ trợ thư viện của trường thì nhớ nha. Không nhớ là em giận đó!”. Thú thật, ngoài bà vợ cổ kính của mình thì đây là lần đầu tiên tôi được nghe những lời êm như mật!

Cảm nhận Huế

Hình như mỗi năm ra Huế, tôi lại thấy không khí của Huế khẩn trương hơn thì phải. Bác tài xế Mạnh Hùng khá tâm lý khi đưa tôi về con đường nối qua Vỹ Dạ. Nhìn mãi chả thấy hàng cau xưa đâu. Con đường thôn xanh mướt cây hai bên bây giờ cũng chả thấy, thay vào đó toàn nhà là phố. Đập Đá nay thành con đường thẳng rồi. Mé bên sông Hương bập bờ vài chiếc thuyền rồng neo không thấy người bên trên. Khách sạn Hương Giang vẫn thế. Cầu Tràng Tiền vẫn sáu vài 12 nhịp đèn đêm hắt lên màu sáng bạc. Không khí nhanh và vui, sôi động nhưng sao tôi vẫn thấy nhớ một ngày xưa! Cái gì? Hoài niệm hay sao nhỉ? Tự nghĩ mình không nên thế vì mọi thứ đang đổi thay và đi lên cơ mà! Hay là…cái cầu Tràng Tiền bây giờ phương tiện và người qua đông quá? Có lẽ vậy! Ký ức đang dìu tôi về những phút tha thẩn đi bộ qua cầu xưa, mắt thoáng nhìn dòng sông rồi thoáng đánh mắt lên cầu- nơi những chiếc xe đạp có tà áo dài thong thả qua cầu…

Rồi cả những chiếc thuyền rồng kia hơn 10 năm trước, tôi đã từng bước xuống hăm hở, nao nức thưởng thức những bản ca Huế bắt đầu trở lại. A! hình như tôi đã từng viết trên dòng sông này, trên con đò kia, bên cạnh những ca sĩ gạo cội của Huế:”…Sông Hương hôm nay gió đã ghì lại lời ca, cho tóc dù bạc trắng mà tình vẫn xanh muôn thưở! Cảm ơn ai? Tôi chỉ biết cảm ơn em đêm nay, đôi tay trắng ngần trao cho tôi ngọn hoa đăng rồi tay bên tay cùng thả trôi theo dòng nước Hương Giang, cùng nguyện cầu cho vạn sự may mắn trên đời! Cảm ơn ai đã cho ca Huế trở lại…Ôi!một tài sản vô giá này tưởng đã bị bụi thời gian phủ kín, tưởng đã nát mái, bong thềm như Dưỡng Tâm Lâu, Thượng Thiên Đường…”.(Ký: Ca Huế trên Sông Hương- Báo Thừa Thiên Huế- SGGP)

Nhưng lần này, trở lại Huế, mọi thứ chỉ là thoáng qua. Không còn thời gian để mà leo lên cao nhâm nhi cà phê ngắm xuống dòng Hương giang như ngày xưa nữa. Cuộc sống hối hả không rõ cuốn tôi theo tự bao giờ…

Tôi đã cùng anh em uocmonho lặn lội đến từng vùng xa xôi. Những hoàn cảnh, những tâm trạng, những nỗi lòng…ghi chép được, viết ra sẽ lại thật buồn bởi người dân còn vất vả quá.

 

Những dòng ghi chép này có lẽ sẽ còn tiếp tục…

Việt Phuong

Ông Võ Trường, Đại diện quĩ Uocmonho trao học bổng 2011-2012 cho học sinh trường Nghi Lộc 1


Tin mới hơn:
Tin trước đây:
Ông : Đăng Thọ Dũng
Emai: dangthodung@yahoo.com
Số TK  Ước Mơ Nhỏ - Đặng Thọ Dũng: 2009206008503
Tại: Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Chợ Mới, Đà Nẵng 
                                                                                                                                                                                                

Sống là cho…
Triết học phương đông có câu: “Làm cho mình là làm cho cuộc sống, còn làm cho người là làm cho cuộc đời!”.
Với quan điểm nhân thiện, câu nói trên đã đi xuyên suốt lịch sử và làm nền tảng nhân ái của loài người. Đối với chúng tôi nó có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc...
  • Tin mới

  • Đọc nhiều nhất